Tôi mới đọc Nguyễn Thị Từ Huy phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên. Bài phỏng vấn có đoạn:
“- Xin ông nói thêm về chủ trương cải cách ruộng đất, theo hiểu biết của ông?
Vũ Thư Hiên:
– Khi chủ trương cải cách ruộng đất được Trường Chinh đặt ra, ông Hồ có nói với cha tôi:
“Chuyện này tôi nghĩ mình chẳng cần làm ngay bây giờ, để kháng chiến xong mình làm cũng không muộn”.
Ông Hồ không muốn tiến hành cải cách ruộng đất ngay lập tức, đó là sự thật. Điều cha tôi kể lại cho tôi nghe cũng không phải bịa đặt. Nhưng rồi sau, như ta biết, chính ông Hồ, với tư cách Chủ tịch nước, đã ký sắc lệnh cải cách ruộng đất, năm 1953. Theo lời những cán bộ cách mạng lão thành, mà tôi thấy là có lý, thì Trường Chinh mới là người muốn tiến hành cải cách ruộng đất ngay lập tức. Chủ trương này phù hợp với lời dạy của Mao Trạch Đông (cách mạng vô sản phải tiến hành song song hai nhiệm vụ phản phong và phản đế, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực). Người ta đã vội vã tiến hành cải cách ruộng đất dưới chiêu bài ấy, không nhằm mục tiêu cải cách ruộng đất thực sự. Nó mang mục đích chính trị. Chính tổng bí thư đảng cũng nêu khẩu hiệu:
“Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh chính trị”cơ mà. Đâu có phải sự phân chia ruộng đất cho công bằng. Để cải cách ruộng đất trước hết phải có những cuộc điều tra về tình hình ruộng đất, nước nào cũng vậy. Nhưng đã không có một cuộc điều tra nào như thế, trừ sự sử dụng vài con số thống kê do người Pháp làm trong thời thuộc Pháp. Ý đồ được ẩn giấu là: gạt ra ngoài lớp người đã tham gia từ đầu việc cướp chính quyền năm 1945 – những người không coi trọng tôn ti trật tự trên dưới, mà coi mọi người tham gia cách mạng đều bình đẳng. Mà, theo Trường Chinh, tôn ti trật tự là cái rất cần cho cách mạng, để thực hiện những mục tiêu của cách mạng.”
Bằng những tài liệu có được, trong cuốn “Mass Mobilization in the Democratic Republic of Vietnam, 1945–1960”, đồng chí Alec Holcombe – viện trưởng Viện sử học đương đại của Ohio University lại có cách lý giải hơi khác, làm tôi băn khoăn.
Vào đại hội Đảng lần thứ II diễn ra tại Việt Bắc tháng 2 năm 1951, (có sự tham gia của cố vấn Trung Quốc), ông Trường Chinh đã đọc bản “Luận cương cách mạng Việt Nam”. Toàn bộ bản luận cương này có trong tập 12 – Văn kiện Đảng toàn tập do nxb Sự Thật ấn hành. Đọc kỹ, sẽ thấy đúng là ông Trường Chinh có nêu ra vấn đề cần cải cách ruộng đất, nhưng nhấn mạnh chưa nên làm ngay. Vì nhiệm vụ chính của giai đoạn này (giai đoạn a) là “tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân”. Sau khi xong a mới đến b: “giai đoạn xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân”. Ông Trường Chinh cho rằng giai đoạn này nên giảm tô để nông dân hăng say sản xuất, cung cấp lương thực cho kháng chiến chứ chưa cần lấy ruộng rất đất triệt để.
Năm 1952, ông Hồ đi Trung Quốc và Liên Xô. Chuyện này ai cũng biết. Tại Liên Xô, Stalin đã bảo ông Hồ: các đồng chí cần phải tiến hành cải cách ruộng đất ngay. Chỉ thị được ông Hồ truyền về nước.
Ngay lập tức, Trường Chinh cho in Bản luận cương cách mạng Việt Nam thành sách dưới tên “Bàn về cách mạng Việt Nam” cuối năm 1952 với nhiều câu đã bị cắt bỏ hoặc viết lại. Sau đó, báo Nhân Dân số 92 ra ngày 23/1/1953 in bài “Một vũ khí sắc bén: nhân đọc cuốn “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh” của tác giả Minh Nghĩa. Chúng tôi không rõ Minh Nghĩa là bút danh của ai, nhưng hình như đã có sự “thông đồng” giữa Trường Chinh và Minh Nghĩa trong bài điểm sách, vì đa số những đoạn được trích dẫn trong bài báo là những đoạn Trường Chinh đã viết lại, viết thêm với đại ý: cần phải tiến hành ngay cải cách ruộng đất.
Và như nhiều người cũng đã biết, sau khi về nước, ông Hồ gửi thư cho Stalin.
“Đồng chí Stalin thân mến,
Xin gửi ngài chương trình cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt Nam. Chương trình hành động được lập bởi chính tôi dưới sự giúp đỡ của đồng chí Lưu Shao Shi, Văn Sha San. Đề nghị ngài xem xét và cho chỉ dẫn.
Gửi lời chào cộng sản.
Hồ Chí Minh, 31/10/1952″
Những tư liệu này làm tôi rất khó tin rằng ông Trường Chinh muốn làm ngay, còn ông Hồ muốn từ từ. Các tư liệu giấy trắng mực đen công khai có giá trị lớn không thể chối cãi, nhất là với người làm khoa học. Tuy nhiên, dù gián tiếp, bác Vũ Thư Hiên vẫn là một nhân chứng sống và giới nghiên cứu hay tham khảo ý kiến của bác. Nên dù sao cũng cảm ơn bác Vũ Thư Hiên và chị Từ Huy về bài phỏng vấn thú vị.