Người Việt ‘không lười’ mà sao… tệ thế?

0
389
Hình minh họa.
VOA

Đầu tháng này có thông tin không mới nhưng được hâm nóng lại bởi hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” hôm 7/8 tại Hà Nội. Đó là chuyện năng suất lao động của người Việt kém hầu hết người của các quốc gia trong khu vực, kể cả Lào.

Ngay từ đầu năm nay báo chí đã dẫn nguồn cơ quan thống kê của Việt Nam mà theo đó nếu điểm năng suất của người Lào là 100% thì người Việt chỉ được gần 88% mà thôi. Còn nếu đem so với người lao động Singapore thì người Việt chỉ còn bằng một góc nhỏ, chưa tới 10%.

Trang tin VnExpress giật tít “Phó thủ tướng: ‘Năng suất lao động thấp không phải do người Việt lười’”. Nhưng báo cũng không trích dẫn ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rõ thêm tại sao ông nghĩ như vậy. Có thể ông suy bụng ta ra bụng người? Ông Đam có vẻ là người khá chuyên cần. Khi tôi gặp ông từ những năm cuối thập niên 1990, lúc ông còn chuyên về khối ASEAN ở Văn phòng chính phủ, ông nói đã có nhà cho thuê để yên tâm về tài chính mà làm trong chính trường. Nhưng khó có thể nói khơi khơi người Việt không lười.

Cách đây vài tháng tôi thấy trên Facebook một tấm áp phích có hình quốc kỳ Việt Nam kèm theo hai chữ “Trộm cắp” ngay bên dưới cùng với chữ tiếng Anh ‘STOP’, rồi tới một dòng chữ tiếng Nhật và kết thúc là “LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG”. Đó là lời nhắn nhủ cho các công dân Việt lười biếng ở Nhật Bản. Các công dân đó tai tiếng tới mức các cửa hiệu viết luôn những cảnh báo bằng tiếng Việt để họ hiểu giá trị của lao động.

Tại Anh nơi tôi đang sống, người Việt nổi tiếng với việc trồng cần sa trong nhà. Ngoài ra một số nơi ở Việt Nam có truyền thống cho trẻ em đi chui sang Anh vì các em vị thành niên sẽ không bị bắt hồi hương. Cũng có thể có em đã trên 18, nhưng nếu vất hộ chiếu đi và khai có 15 thì cảnh sát cũng không biết đường nào mà lần.

Người Việt cũng không chỉ nổi tiếng vì trồng cần sa ở Anh. Australia, Canada, Hoa Kỳ và một số nước khác cũng từng phát hiện nhiều vụ người Việt trồng loại cây gây nghiện này.

Thể diện của người Việt ở nước ngoài kém tới mức hồi năm 2018 chỉ có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ cho người Việt tới thăm mà không cần visa. Con số cho người Lào là 52 và người Cam Pu Chia là 54. Người Việt cũng bị soi rất kỹ khi xin visa vào các nước phát triển và không ít trường hợp bị từ chối nhập cảnh.

Sau khi thông tin về năng suất lao động thấp của người Việt được xới lại, một số cây viết trên Facebook đưa ra các góc nhìn khác nhau. Cây viết Nguyễn Thành Nam kể lại trải nghiệm ở Giang Tô, Trung Quốc trong quá trình đi tìm hiểu tại sao đồ sứ của họ đẹp mà giá lại rẻ hơn nhiều so với đồ sứ Việt Nam:

“Tôi đã bỏ công đứng hàng tiếng đồng hồ để xem hai người thợ vuốt một cái bình lớn. Công việc vừa đòi hỏi sức lực vì cái bình chắc nặng cũng đến 50 cân, vừa đòi hỏi cực kỳ khéo léo mới có thể biến được khối đất sét nhão nhoét thành cái bình tròn vành vạnh.

“Người thợ cả tạo hình, tay thợ phụ trợ lực. 4 phút họ vuốt xong một cái bình. Vuốt xong khênh lên xe để đưa đi phơi, lại làm tiếp, không ngừng dù một phút, không hút thuốc, uống nước, cũng không thèm ngước mắt nhìn chúng tôi đang vây quanh. Cả buổi chẳng thèm đi đái.”

Ông Nam cũng viết tiếp: “Thấy mấy đại ca trong nghề đi cùng, bảo loại thợ như thế này ở Việt nam gần như đã tuyệt chủng.

“Bí quyết năng suất cao, suy cho cùng là chăm chỉ. Hồi mới làm cho Nhật, đưa ra các phương án tăng năng suất, các bác ấy toàn bảo: Nam, tao lạy mày, không cần cải tiến gì cả, chỉ làm đủ 8 tiếng không đi đái cho tao!”

Chuyện năng suất lao động của người Việt thấp cũng khó tính chi tiết bao nhiêu phần trăm do người lao động và bao nhiêu phần trăm do các chính sách và cách vận hành của chính quyền. Nhưng có thể khẳng định khi người Việt vẫn còn bỏ phiếu bằng chân tới các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan hay xa hơn nữa như châu Âu, Australia hay Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam chưa tạo một môi trường đáng sống cho nhiều người Việt. Họ cũng chưa đưa Việt Nam vào hàng các nước cáng đáng được những công đoạn sản suất có giá trị gia tăng cao để người Việt có thể dễ dàng tăng đáng kể năng suất lao động.

Nhà theo dõi Việt Nam Trương Nhân Tuấn cách đây vài tháng nhận định rằng nếu đất nước cứ theo mô hình xã hội chủ nghĩa mà người ta đọc chệch đi là “xuống hố cả nút” thì “cán bộ tiếp tục lạm dụng quyền lực để làm giàu và người dân “sẽ sa vào vòng nô lệ, làm công cho tài phiệt nước ngoài”.

Còn để theo kịp mức sống của người dân Trung Quốc hiện nay, theo ông Tuấn, Việt Nam cũng sẽ phải mất từ 60-80 năm nữa. Nhưng nếu Việt Nam theo mô hình Nhật Bản, Hà Nội có thể sẽ ngang bằng với Đài Bắc và Seoul hiện nay sau tối đa 20 năm nữa. Các chỉ dấu hiện nay cho thấy Việt Nam vẫn đang đi theo mô hình Trung Quốc và bởi vậy tôi đã từng viết về chuyện người Việt chưa kịp giàu thì đã già mất rồi.

Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

449860cookie-checkNgười Việt ‘không lười’ mà sao… tệ thế?