Tuấn Khanh
Sáng 8/1, trên các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị còng tay đưa vào tòa. Trên các mặt báo cũng ngập tin. Chuyện quan to bị xử đang là thời sự lớn nhất, đánh bạt chuyện hoa hậu hay BOT Cần Thơ.
Có rất nhiều lời bình luận về các bị cáo, đặc biệt là với ông Thăng.
Có người thì hả hê. Có người thì giận dữ chửi rủa. Nhưng cũng có người thương tiếc, và còn nói rằng dẫu sao, Thăng là “người làm việc được”.
“Làm việc được”, tôi cũng tin vậy. Và Thăng quả quyết nữa. Đặc biệt là trong vụ đập chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, Thăng hết sức thẳng tay để thị uy, và nhanh, so với đời của ông bí thư Lê Thanh Hải thì dù đã có dã tâm, nhưng vẫn phải cân nhắc.
Sách vở và miệng đời vẫn còn ghi rõ, là trong thời điểm mọi người phẫn nộ và đòi Formosa phải chịu trách nhiệm cho thảm họa của đất nước, Thăng với vai trò là Bí thư Thành Ủy Saigon, đã nghe thấy tiếng kêu của hàng chục Hội Đoàn, hàng trăm nhân sĩ trí thức… về việc đừng đàn áp người dân khi họ bộc lộ tình yêu nước. Nhưng trong lịch sử tất cả các cuộc đàn áp tại Sài Gòn. Thời cầm quyền của Thăng là những cuộc đàn áp khủng khiếp và sâu rộng nhất.
Tôi nhắc lại những chuyện này, bởi thấy mình hoàn toàn không quan tâm đến phiên tòa xử các vị quan chức đảng viên, là sẽ như thế nào. Vì bởi tôi tin rằng các “đại án” của Thăng hay Thanh đều không có giá trị của thiện ác, mà chỉ là màu sắc của phân tranh. Kết quả có ra sao, cũng không biện minh gì được cho một thể chế đang đầy tham nhũng, mị dân và mục ruỗng ở mọi phía.
Tôi nghĩ về ngôi chùa trăm năm bị đập tan. Nghĩ về vị sư già run rẩy ôm mặt khóc. Nghĩ về đàn bà, trẻ nhỏ bị đánh đập vì đòi công bằng cho quê hương mình. Nghĩ về máu, nước mắt và nỗi oán hận. Kể cả nghĩ về hàng trăm bài báo Nhà nước từng xum xoe ca ngợi và bợ đỡ ông Thăng lẫn ông Thanh, rồi khi trở mặt thì tấn công không chút thương tiếc.
Tôi chỉ nghĩ về thiện – ác, trong đời người