Friday, September 20, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmNgay tiêu đề bài báo đã sai

Ngay tiêu đề bài báo đã sai

Thái Hạo

Cái sai thứ nhất là về tiếng Việt: rối, rườm, không chặt chẽ. Thêm nữa, hai chữ ‘vừa lòng’ trong câu hỏi này rất dễ gây…xung đột, vì trong tiếng Việt một khi hỏi “Tôi phải làm gì để anh/chị vừa lòng đây’ thì đó không phải một câu hỏi thiện chí, nó mang tính trách móc, chỉ trích và công kích.

Cái sai thứ hai là báo đã không nắm được quy định nên mới đặt ra câu hỏi như thế này. Phải nói ngay rằng, trong quy định không hề có cái gọi là “quỹ phụ huynh” hay quỹ lớp, quỹ trường, nên bài báo đặt ra vấn đề về việc đóng bao nhiêu thì đã sai ngay từ đầu. Vì có đâu mà phải đóng! TPHCM cũng đã lên tiếng chính thức phủ nhận cái quỹ này và cấm thu cách đây khoảng nửa tháng.

Bài báo này cũng dẫn lời một vị hiệu trưởng, nói “nên để phụ huynh tự lựa chọn việc có hay không có quỹ lớp”. Xin thưa, không thể để phụ huynh quyết định một nguồn tài chính không có trong quy định, vì điều này là vi phạm pháp luật. Đừng đá quả bóng vào chân họ.

Một giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh tiểu học tại Kiên Giang (Ảnh: Trương Nguyễn).

Thông tư 55 chỉ quy định về “kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh”, không hề có cái gọi là “quỹ”. Nguồn kinh phí này cũng được quy định rõ ràng, là “có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác”, và “Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”. Cho nên, báo đặt ra câu hỏi ĐÓNG bao nhiêu (cho vừa lòng) là một cách đặt vấn đề sai hoàn toàn.

Bây giờ nói đến “hoạt động của ban đại diện”. Vậy cái ban này có những hoạt động gì theo quy định? Họp, họp và họp. Mỗi năm họp thường kỳ ba lần, có thể phát sinh thêm họp bất thường nếu có quá 50% phụ huynh yêu cầu. Sau khi họp rồi thì phổ biến lại cho phụ huynh cả lớp/trường.

Bởi vì, cơ bản hoạt động của ban đại diện là chỉ có họp và họp như thế nên chuyện kinh phí của nó không phải là vấn đề nữa. Và đây cũng chính là lý do mà thông tư 55 chỉ quy định cách huy động nhẹ nhàng như đã nêu trên.

Tóm lại, từ chuyên mục Vấn đề hôm nay trên VTV1 đêm qua mà tôi đã bình luận cho đến những bài báo thế này, tôi nhận thấy rằng thay vì căn cứ vào các quy định hiện hành và dựa trên một tư duy rạch ròi để giải quyết căn cơ và dứt điểm những bùng nhùng về nạn học thêm và loạn thu thì cuộc thảo luận từ phía chính quyền, ngành giáo dục cho đến báo chí lại chủ yếu đang tập trung vào việc vá víu, cố loay hoay tìm những giải pháp nhằm hợp thức hóa cái bất hợp lý và sai trái. Điều đó không thể chấp nhận. 

Cả 2 vấn đề trên (học thêm và loạn thu), đứng về phía quản lý nhà nước, theo tôi việc giải quyết nó dễ như trở bàn tay. Nhưng không hiểu sao cứ bàn tán mãi, các vị rảnh đến thế sao? 

Muốn một nền giáo dục trong lành, tử tế và tiến bộ, phải thẳng thắn nhìn nhận và dũng cảm cắt phăng những ung nhọt, đừng thoa thuốc ngoài da nữa.

Thái Hạo

Tham khảo : https://tienphong.vn/dep-quy-phu-huynh-dong-1-trieu-hay-100-ngan-de-phu-huynh-vua-long-post1581173.tpo

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular