Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm, (vào dịp cuối năm) tại Oslo, Na Uy. Phe tranh đấu cho dân chủ ở Hong Kong là một trong những ứng cử viên sáng giá được nhiều phiếu đề cử cho giải năm nay 2020.
Tin tức báo chí, trả lời câu hỏi Bắc kinh bình luận gì nếu phe dân chủ Hong Kong được trao giải. Phát ngôn nhân TQ cho biết Bắc kinh chống việc “chính trị hóa giải Nobel Hòa bình. TQ cho rằng việc trao giải cho phe chống đối là xâm phạm vào chuyện nội bộ của TQ”.
Người TQ đầu tiên được trao giải thưởng cao quí này là ông Lưu Hiểu Ba, nhà văn và đồng thời là giáo sư đại học. Lưu Hiểu Ba là người có quá trình đấu tranh dài lâu, bằng các phương tiện hòa bình, cho “quyền con người” ở TQ. Ông được giải năm 2010. Qua nhiều lần bị tù tội, Lưu hiểu Ba cuối cùng bị chết vì bịnh hoạn và kiệt sức năm 2017.
Dĩ nhiên tranh đấu bằng các phương tiện hòa bình để giành lại các quyền cơ bản của con người thì không thể xếp vào “chuyện nội bộ” của quốc gia. Các quốc gia “có trách nhiệm” là các quốc gia biết tôn trọng và bảo vệ “quyền con người” của công dân theo đúng định nghĩa của bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.
Quyền cơ bản của con người là các quyền tự nhiên, sinh ra đã có, do Thượng đế, Phật, Trời, đấng Tối cao… ban cho con người. Quyền này “dính liền với con người”, bất khả xâm phạm và bất khả phân.
Quyền được sống bình an trên mảnh đất và tài sản của mình là “quyền” cơ bản cao nhứt của con người.
Nếu có người hỏi nên đề cử ai là người VN xứng đáng để trao giải năm nay 2020. Tôi sẽ không ngần ngại đề cử gia đình bà Cấn Thị Thêu. Bà và các con Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương là những người có quá trình tranh đấu lâu dài, bằng các phuong tiện hòa bình, cho người nông dân nghèo “quyền được sống bình an trên mảnh đất và tài sản” của họ.
Trong một thời gian quá dài, vẫn còn tiếp tục đến ngày nay, đảng CSVN đã lạm dụng danh nghĩa “đất đai là tài sản của nhân dân do nhà nước quản lý”. Việc này đã sinh ra quá nhiều tệ nạn, quan chức sử dụng quyền lực áp bức dân nghèo để chiếm đoạt ruộng đất. Tỉ phú VN đa số là tỉ phú “bất động sản”. Những người này dựa vào thế lực của bạo quyền, dùng các thủ thuật hành chính “công ích xã hội” lấy cớ thâu hồi đất đai của dân. Khi người dân không đồng ý với giá cả bồi thường thì hệ thống công an, cảnh sát, thậm chí quân đội… hùa nhau đứng về phía tài phiệt bất động sản đánh đập, bắt bớ những người chống đối.
Gia đình bà Cấn Thị Thêu là đại diện chính đáng cho lớp dân nghèo, vừa bị cướp đất đai vừa bị bạo quyền áp bức. Bà Thêu và hai con hiện đang bị giam giữ vì có hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo đã trở thành nhà nước ăn cướp, nhà nước đạo tặc. Tất cả những hành vi sử dụng quyền lực nhà nước không nhằm mục tiêu bảo vệ an ninh công cộng, không nhằm thiết lập công lý trong xã hội, hành vi đó phạm luật.
Ngoài gia đình bà Cấn Thị Thêu, có nhiều gương mặt cũng như tổ chức tranh đấu dân chủ và đa nguyên của VN xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình.
Phần lớn các giải Nobel Hòa bình trong quá khứ được trao cho các nhân vật, trong quá trình hoạt động của họ, đã đem lại hòa bình, hay để giải quyết một xung đột vũ trang. Nhưng một số đông các nhân vật được trao giải là những công dân hết sức bình thường, đa số ở các lục địa mà số phận trẻ em, phụ nữ… thường xuyên bị lạm dụng. Nội dung tranh đấu của họ rất “bình thường”, nhưng lại là các điều cơ bản. Họ là những người can đảm “đi ngược dòng nước”, dám “giơ tay chống trời”, chống các thế lực áp bức, chống lại các đồi phong bại tục… để giành lại nhân phẩm cho người phụ nữ, để bảo vệ trẻ em thoát cảnh mù chữ hay bị lạm dụng…