Thursday, December 12, 2024
HomeDÂN CHỦTỰ DO BÁO CHÍMỹ và các tổ chức nhân quyền lên tiếng bênh vực ông...

Mỹ và các tổ chức nhân quyền lên tiếng bênh vực ông Đường Văn Thái

Hôm 31/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói họ quan ngại về bản án “quá khắc nghiệt” đối với blogger Đường Văn Thái.

“Chúng tôi cũng vô cùng lo ngại trước những báo cáo cho rằng ông Đường Văn Thái bị chính quyền Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và cưỡng bức đưa về Việt Nam”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho VOA biết qua email.

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam duy trì các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về nhân quyền và nỗ lực thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”, người phát ngôn nói.

Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của cá nhân được thực hiện các quyền tự do hội họp, biểu đạt và lập hội một cách ôn hòa. “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công”, vẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tương tự, các tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, Phóng viên Không Biên giới và Theo dõi Nhân quyền cũng lên án bản án đối với ông Thái, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho ông.

“Việc Việt Nam tuyên án khắc nghiệt đối với blogger Đường Văn Thái là lố bịch và gây phẫn nộ, đặc biệt trong bối cảnh có cáo buộc ông bị bắt cóc ở Thái Lan và cưỡng bức đưa về Việt Nam, bị khởi tố oan”, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao tại khu vực Đông Nam Á của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), tổ chức có trụ sở tại New York, Mỹ, nói trong thông cáo báo chí ngày 31/10.

“Người phạm tội thực sự trong trường hợp này chính là nhà nước Việt Nam. Ông Thái cần được trả tự do ngay lập tức và được phép rời khỏi Việt Nam”, ông Crispin nhấn mạnh.

Hơn một năm sau khi nhà báo, blogger Đường Văn Thái được cho là bị bắt cóc ở Thái Lan, chính quyền Việt Nam hôm 30/10 đã kết án ông 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) “kinh hoàng” trước bản án “quá đáng” này và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông, RSF có trụ sở tại Paris, Pháp, nói trong thông cáo hôm 31/10.

“Qua việc bắt cóc ông Đường Văn Thái, một nhà báo đưa tin về nạn tham nhũng của nhà nước và bị tuyên một bản án tù cực kỳ nặng nề, chế độ Việt Nam cho thấy mức độ coi thường quyền tự do báo chí của họ”, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo.

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực lên Hà Nội để bảo đảm trả tự do cho ông cũng như trả tự do cho 36 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác hiện đang bị giam cầm tại Việt Nam”, ông Alviani kêu gọi.

Trước đó, hôm 30/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Mỹ, kêu gọi chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ “bản án có động cơ chính trị” đối với ông Thái và trả tự do cho ông ngay lập tức.

Bà Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, nhận xét: “Ông Đường Văn Thái trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị chính phủ đàn áp. Các chính phủ nên nhận ra vụ bắt cóc ấy và phiên xét xử giả hiệu đối với nhà hoạt động dân chủ này là ví dụ mới nhất về hành vi mang tính côn đồ coi thường luật pháp quốc tế và quyền công dân của chính phủ Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ bình luận về các phát biểu nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ, CPJ, RSF và HRW.

Như VOA đã đưa tin, hôm 30/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 12 năm tù và 3 năm quản chế đối ông Đường Văn Thái về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” quy định trong Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Theo HRW, hồi năm 2019, ông Thái trốn sang Thái Lan bởi nỗi lo sợ bị đàn áp vì các hoạt động báo chí và được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn tại Bangkok cấp quy chế tị nạn.

Theo giới hoạt động tại Thái Lan, trong khi ông Thái đang chờ định cư ở nước thứ ba vào tháng 4/2023, ông bị bắt cóc và đưa về Việt Nam. Ba tháng sau, chính quyền Việt Nam chính thức khởi tố ông theo Điều 117.

Chính quyền Việt Nam lâu nay bác bỏ cáo buộc cho rằng họ vi phạm quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, mặc dù CPJ và RSF liên tục xếp nhà nước cộng sản này vào nhóm thấp nhất thế giới về tự do báo chí.

Việt Nam là nước giam cầm nhà báo nhiều thứ 5 trên thế giới, với ít nhất 19 nhà báo đang ngồi tù tính đến ngày 1/12/2023, theo dữ liệu mới nhất của CPJ.

Trong bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí 2024 của RSF, Việt Nam đứng thứ 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp cuối bảng, đồng thời nằm trong số những quốc gia giam cầm nhà báo tồi tệ nhất thế giới.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

  1. Ive read several just right stuff here Certainly price bookmarking for revisiting I wonder how a lot effort you place to create this kind of great informative website

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular