Xin chia sẻ với gia đình Mục_sư_Nguyễn_Trung_Tôn.
“Đây là một câu chuyện của một người rất can đảm mà tôi từng được biết. Ông ấy là một mục sự, một nhà hoạt động nhân quyền, và trên hết chính là bố tôi. Quý vị có thể nghĩ rằng vì thế mà tôi thiên vị, và quả thật vậy. Tuy nhiên, có thể vì tôi có mặt lúc đó khi mà hàng trăm người xông vào nhà chúng tôi ban đêm, bủa vây ông và buộc ông quỳ xuống và chối bỏ Thượng Đế nếu không sẽ đối diện với tử thần; ông bảo rằng “Tôi sẽ không quỳ trước bất cứ ai khác, và tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm tin vào Thượng Đế.” Vào năm 2006, khi hội thánh của ông bị đàn áp nặng nề, bị nhiều áp lực và đe dọa bị giết, khi được đề nghị đi tỵ nạn tại Hoa Kỳ, ông suy nghĩ trong giây lát và trả lời “Tôi không thể bỏ rơi hội thánh và tín hữu của tôi bây giờ. Nếu tôi đi thì ai sẽ dẫn dắt và bảo vệ họ.”
Trước đó, vào tháng Giêng 2011, bố tôi là Mục sư Nguyễn Trung Tôn, bị bắt giữ và giam cầm hai năm. Chính quyền Việt Nam buộc tội ông “tuyên truyền chống phá nhà nước” trong khi ông chỉ có những bài viết đặt câu hỏi về cuộc chiến Việt Nam theo nhãn quan cộng sản và lên tiếng về những vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam. Trong khoảng thời gian tăm tối trong tù ông vẫn đem lại cho chúng tôi niềm hy vọng qua những bài thơ cho vợ, “thư anh viết trong ngục tù cộng sản, khát khao gặp lại em trong ánh sáng dân chủ.”
Sau khi ra tù vào năm 2013, trở về lại nhà bố tôi tiếp tục công việc đấu tranh cho nhân quyền và dĩ nhiên là tiếp tục bị đàn áp nhiều lần sau đó. Cũng trong năm đó, ông cùng với các cựu tù nhân lương tâm khác như Nguyễn Văn Đài và Phạm Văn Trội thành lập một tổ chức mang tên “Hội Anh Em Dân Chủ.” Mục tiêu của hội là cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam qua các hoạt động dân sự.
Vào buổi chiều ngày 27 tháng Hai, 2017 bố tôi bị một nhóm tám người bắt cóc trong lúc trên đường đến giáo xứ Cồn Sẻ, nơi có nhiều nạn nhân bị mất đất cần được sự giúp đỡ của tổ chức ông. Nhóm người này lột quần áo và lấy các vật tùy thân của ông ra, trùm đầu và trói ông lại trong xe van và lấy thanh sắt hành hung ông liên tục. Sau ba tiếng đồng hồ đánh đập ông, họ quăng ông xuống một bìa rừng xa xăm trong tình trạng trần truồng, bị trói, bị thương tích nằm chờ chết. May mắn thay được người điạ phương cứu giúp, bố tôi tìm đường thoát chết lần đó.
Ông sống sót nhưng bị tổn thương nặng nề. Năm tháng sau vụ bắt cóc đó, đầu gối vẫn còn bị thương tích và bị khó thở, bố tôi khóc với tôi “đau quá, đau quá con ơi.” Thật vậy sức khoẻ của ông suy sụp nặng đến độ ông cảm thấy như gần chết. Ông nhắn với tôi, “Con ơi, đừng lo lắng khi quay trở về và đừng tìm gặp bố, cứ tiếp tục công việc đấu tranh cho tự do cho Việt Nam.” Đây là lời nhắn nhủ cuối cùng từ bố tôi trước khi ông bị bắt trở lại vào ngày 30 tháng Bảy 2017 về tội cáo buộc “âm mưu lật đổ nhà nước.” Chỉ có năm tháng sau vụ bắt cóc.
Trong khi bố tôi trong tù không được liên lạc với gia đình, công an tiếp tục xách nhiễu mẹ tôi. Họ bất kể tình trạng gia đình khốn khó của chúng tôi với bà ngoại già nua, mù lòa, hai đứa em nhỏ mà mẹ tôi phải chăm lo, công an cứ tiếp tục kêu mẹ tôi lên làm việc. Năm ngoái, em gái tôi được đưa khẩn cấp vào nhà thương để chữa trị vì bị chấn thương tâm lý gây ra bởi áp suất lên gia đình và tình hình nghiêm ngặt của bố tôi. May mắn là nhờ có sự giúp đỡ của nhiều người tốt bụng để giúp mẹ tôi trang trải tiền bệnh viện. Thế mà, công an thẩm vấn và đe dọa mẹ tôi cho rằng bà nhận tiền từ những tên khủng bố. Má tôi phủ nhận những cáo buộc vô lý này để rồi nhà cầm quyền khóa tài khoản ngân hàng của má. May thay nhờ áp lực trên mạng xã hội và của quốc tế, má tôi phục hoạt lại được tài khoản.
Trong lúc bị giam cầm, bố tôi không được gặp luật sư. Chỉ cách đây vài tuần, sau sáu tháng, mẹ tôi mới được phép gặp bố tôi. Ai nấy đều bật khóc khi đứa em trai 10 tuổi khóc òa lên khi gặp lại bố. Mẹ tôi không cầm được nước mắt khi nghĩ đến những gian truân cho gia đình chúng tôi trong 16 năm qua. Kể từ đó, chúng tôi có khác đi, kể từ đó chúng tôi bắt đầu đứng lên cho lẽ phải, kể từ đó chúng tôi bắt đầu lên tiếng “đã đủ rồi”. Xứ sở chúng tôi phải được điều hành bởi pháp luật chứ không phải bởi công an, và nhân quyền phải là nền tảng cho một xã hội nhân bản.”
Nguyễn Trung Trọng Nghĩa