Điểm thi THPTQG 2023 vừa được Bộ GD công bố. Cả nước chỉ có 1 điểm 10 môn Văn, 12 điểm 10 môn Toán nhưng có tới có 14.693 điểm 10 Giáo dục công dân, gấp hơn 5 lần năm ngoái, và chiếm tỉ lệ áp đảo tuyệt đối so với tất cả các môn khác. Phải chăng học sinh Việt Nam rất giỏi GDCD?
Tôi tìm lại vài mã đề môn GDCD, dù đã 20 năm không ngó tới, nhưng hầu như có thể làm được hết, vì đề trắc nghiệm và các câu hỏi thì phần lớn chỉ ở mức giản đơn, kiểm tra trí nhớ hoặc suy luận thô sơ. Đây có lẽ là lý do quan trọng nhất dẫn đến “mưa” điểm 10 ở môn học này.
Xin nhắc lại một chút. Môn GDCD từ xưa vốn bị coi thường vì nhiều lý do, nhất là bởi không nằm trong thi tốt nghiệp THPT, nhưng từ 2017, môn này được đưa vào tổ hợp KHXH (LS – ĐL – GDCD) và dần được nhiều trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển đại học. Vị thế của nó, nhìn bề ngoài, thì dường như có được nâng lên, nhưng trong thực tiễn dạy học lẫn thi cử như đang thấy, kết quả 14.693 điểm 10 lại ngầm phản ánh một tình trạng khác: một môn học dễ dãi và thậm chí như một “món quà” mà ngành giáo dục đang hào phóng tặng cho học sinh cả nước – những người ngay sau khi thả bút xuống trong phòng thi thì lập tức phải đóng vai công dân của một quốc gia.
Bỏ qua chuyện thi cử, điều tôi muốn nói là giá trị xã hội của môn học này. Tôi quan điểm rằng, GDCD là môn học quan trọng bậc nhất trong việc tạo lập các giá trị nền tảng của nhân cách, đặc biệt là các giá trị cốt lõi cho sự phát triển của một xã hội văn minh, điều mà VN đang thiếu thốn. Cũng bỏ qua những phần nội dung nặng tính áp đặt, định hướng, hạn hẹp và cũ kỹ ở lớp 10 trong phần “hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học” và một số chỗ “bất ổn” khác, thì những nội dung còn lại đều tương đối hữu ích cho mục tiêu hình thành con người công dân hiện đại. Tuy nhiên, bất chấp giá trị to lớn của nó, GDCD vẫn là môn học bị rẻ rúng.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung viết trong cuốn sách “Đúng Việc” nổi tiếng, rằng: “Đáng tiếc là môn học “Giáo dục công dân”, môn học quan trọng có chức năng giúp người dân hiểu rõ và hiểu đúng nhất về công việc làm dân của mình, lại là một môn học đang bị ghẻ lạnh, bị xem thường và bị “mất giá” bậc nhất trong nhà trường ở không ít quốc gia kém phát triển hiện nay”.
Đó là một sự thật đáng buồn, và đáng lo.
Trong kỳ thi THPTQG, ngoài 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Anh) là 2 tổ hợp (KHTN và KHXH). Với quan điểm cá nhân của mình, nếu cho tôi được chọn, tôi sẽ đưa môn Giáo dục công dân vào nhóm bắt buộc (tất nhiên là cần song song với việc điều chỉnh và hoàn thiện nội dung của nó theo hướng bám sát các giá trị phổ quát của thế giới tiến bộ).
Trong bối cảnh mà ở Việt Nam hiện nay ý thức công dân vẫn còn là thứ xa xỉ, thì ở một góc độ nào đó, với tôi, môn Giáo dục công dân còn quan trọng hơn cả Toán, Văn hay Ngoại ngữ.
TB: Tôi sẽ tranh thủ chia sẻ một số nội dung trong sách GDCD cấp 3 ở các stt sau, để chúng ta thấy nó có giá trị thế nào đối với tiến trình dân chủ.
Thái Hạo