Miền Tây ngóng mùa nước nổi về…

0
1134
Theo các chuyên gia, thì tốc độ tăng của lưu lượng nước đầu mùa mưa ở hạ lưu sông Mekong năm nay bị thêm một điểm làm trễ, do thủy điện Xayaburi trên đất Lào đã thông báo bắt đầu khởi động. Xayaburi nếu làm đúng cam kết thì không giống các thủy điện đã có trên sông Mekong. Sau nhiều phản đối từ nhiều phía, Lào và nhà đầu tư tuyên bố Xayaburi sẽ là một thủy điện loại run-of-river, tức chỉ cản trở dòng chảy chút ít, không có hồ chứa và sẽ xả bỏ liên tục để không thay đổi lưu lượng của dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên nhà đầu tư (BOT 29 năm) đã rao bán công suất rất cao, tới 1300 MW, tức đặt Xayaburi vào hàng top-10 lớn nhất thế giới của loại thủy điện run-of-river. Lưu lượng sông Mekong ở vị trí đó tương đối nhỏ so với top-ten run-of-river các nơi khác, do vậy tôi nghi ngờ rằng họ xây tường đập khá cao, không thuần khiết là một run-of-river plant, hãy đợi hết mùa mưa này xem diện tích hồ chứa thực sự sẽ bao lớn.

VNTB / Trúc Giang (ghi chép)

(VNTB) – Tin tức dồn dập trên báo chí về dòng Mê Kong mùa này đang cạn kiệt bất thường đã khiến người dân miền Tây lo sốt vó; nhất là nguyên nhân lại đến từ chuyện Trung Quốc đã ngăn đập trữ nước ở thượng nguồn Mê Kong.

Kinh nghiệm cha ông đã đúc kết: “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”. Tháng Bảy ở đây là theo âm lịch. Giờ là chừng chục ngày nữa là sang tháng Bảy, nhưng mực nước ở các nhánh sông vẫn chưa thấy gì. Mùa nước nổi năm nay về trễ hay sẽ… không về?

“Con nước không về, vẫn ráng đeo đuổi nghề của ông cha để lại, chứ không lẽ bỏ phế, tội với tổ tiên mình lắm!”. Ông Sáu Rõ tâm sự

Con nước thấp, nông dân sẽ mất mùa mưu sinh. Mùa nước nổi mà không về, sẽ dẫn tới cá, tôm ít, và nhiều gia đình sống chủ yếu dựa vào mùa nước nổi sẽ thêm cơ cực. Đâu chỉ vậy. Nước không tràn đồng, phù sa không về, đồng đất không được tháo chua, rửa phèn, có nghĩa là vụ lúa sắp tới đây, nông dân phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều hơn, chi phí sản xuất tăng cao, năng suất lúa sẽ giảm đáng kể.

“Tui nghe trên đài nói mùa nước không về là do bên Trung Quốc ngăn đập gì đó. Họ sao ác nhơn quá. Mấy trăm năm nay, dân tình miệt này sống yên bình với thiên nhiên. Từ ngày Trung Quốc phát triển, ỷ thế ở đầu nguồn nước, họ đã bất chấp người dân xứ khác… Tui nghĩ Việt Nam mình phải lên tiếng phản đối mạnh hơn nữa trên đài, trên báo để họ không ỷ thế mà lấn lướt hoài!”. Ông Ba Hên, chủ trại ghe ở Long Hậu, Lai Vung tỉnh Đồng Tháp, nói.

Ông Sáu Rõ, dân gốc Đồng Tháp, mở trại mộc đóng ghe xuồng ở Mỹ Hòa, Long Xuyên từ 40 năm trước, kể ông biết cầm búa đóng xuồng lúc còn… con nít. Ông Sáu nói trước đây hồi chưa có đê bao, mùa nước ngập tràn đồng kéo theo tôm cá, nên nghề làm xuồng phải ‘làm đến đỏ đèn’ trước vài tháng mới đủ giao hàng.

Rồi mùa nước về ngày càng thấp, ít cá tôm nên ngư dân cũng chuyển nghề, ít mua xuồng vì thế nhiều thợ đành phải bỏ nghề. “Nếu quả tình là tại Trung Quốc, thì nhà nước cần chấm dứt làm bạn vàng gì đó với kẻ đang đập chén cơm của người xứ mình!”. Một khách đến chơi xưởng mộc của ông Sáu, góp chuyện.

“Nghề đóng xuồng ghe sống được là nhờ vào mùa nước nổi. Con nước không về, vẫn ráng đeo đuổi nghề của ông cha để lại, chứ không lẽ bỏ phế, tội với tổ tiên mình lắm!”. Ông Sáu Rõ tâm sự.

Dạo quanh từ chợ Thiên Hộ (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) qua chợ Ngã Năm (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy), về chợ Thạnh Lộc (Thạnh Lộc, Cai Lậy), rồi các chợ vùng Đông Xuyên (An Giang)…, bà con có chung nhận xét các loại tôm cá, thủy sản bày bán trong chợ như cá lóc, cá rô, cá trê, ếch, lươn… đều được nuôi, chứ đánh bắt từ tự nhiên hầu như chỉ đủ ‘để ở nhà ăn’. Sắp tới đây mà ‘nước không nổi’, thì nhiều nghề ‘ăn theo’ cũng ngắc ngứ ‘đuối’ luôn.

“Xóm câu này đúng là bán quanh năm, nhưng bán chạy nhứt khi chuẩn bị vào mùa nước nổi”. Bà Lệ, thợ làm lưỡi câu ở Mỹ Hòa, Long Xuyên cho biết. Mua bán lưỡi câu được tính theo muôn. “Mười ký là được một muôn lưỡi câu. Một thiên là một ngàn lưỡi. Rồi mười ngàn lưỡi đó là mới vô một muôn”. Bà Lệ giải thích.

“Xóm câu này đúng là bán quanh năm, nhưng bán chạy nhứt khi chuẩn bị vào mùa nước nổi”. Bà Lệ, thợ làm lưỡi câu ở Mỹ Hòa, Long Xuyên cho biết.

Xứ Mỹ Hòa còn làm lưỡi câu cho ngư phủ miền Trung đánh bắt cá trên biển, và cung cấp lưỡi câu đồng, câu sông cho cả miền đồng bằng Cửu Long. Bà Lệ nói năm ngoái, lưỡi câu biển không hiểu sao bất ngờ bị ‘dội’ mặc dù các đơn hàng đặt trước từ thương lái. “Có lẽ miển miền Trung cũng gặp nạn do Trung Quốc cấm đánh bắt chi đó!”. Bà Lệ kể nhiều nhà làm lưỡi câu ở Mỹ Hòa phải ‘dựa’ (từ địa phương, nghĩa là hàng không bán được) cả mấy trăm muôn lưỡi câu biển mà ‘lái đặt rồi hủy ngang’.

Những ngày này, trong chuyến tháp tùng cùng với nhóm phóng viên truyền hình của trang Việt Nam Thời Báo thực hiện chủ đề “Ký sự hành trình miền Tây” [xem thêm http://www.vietnamthoibao.org/…/vntb-ky-su-hanh-trinh-tro-l…], người viết cảm nhận rằng câu chuyện về Trung Quốc liên quan đến chén cơm, manh áo của người vùng đồng bằng sông Cửu Long dường như đã âm ỉ từ rất lâu rồi. Với họ, khi ai đó tung hô về ‘tình đồng chí 16 vàng – 4 bạc’ sẽ được hiểu là đồng nghĩa với đầu lụy ngoại bang, của ‘cái thứ rước voi về giày mả tổ’…

438320cookie-checkMiền Tây ngóng mùa nước nổi về…