Luật An Ninh Mạng và Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

0
752
Vũ Đông Hà (Danlambao)
Vũ Đông Hà (Danlambao) – Vào ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định trao quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cho Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Ông này hiện là UVTƯĐ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel. Với sự ra đời của Luật An ninh mạng cùng kiến thức và kinh nghiệm hoạt động trong Viettel, Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trở thành một “tsar” để cùng với Tổng bí thư thống trị, kiểm soát và khai thác mọi thông tin của xã hội Việt Nam – trong lẫn ngoài đảng.

Trong quá khứ, những Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ cần đóng vai trò chính ủy, thực hiện nhiệm vụ chính trị chủ yếu: kiểm soát thông tin và tuyên truyền cho chế độ. Những bộ trưởng chỉ cần trung thành với đảng, nắm vững đường lối, kiên định lập trường và có trình độ ở tầm suy nghĩ – icloud chỉ là một đám mây ảo bay lơ lững đâu đó và sẽ vô cùng đơn giản khi đảng cần kéo đám mây đó về VN… là đủ.

Ngày hôm nay, mặt trận truyền thông không còn là những cái loa phường lạc hậu, một mớ báo giấy gói thịt, là cánh đồng hợp tác xã để đảng múa gậy vườn hoang và các quan chức ngu lâu dốt bền có thể là tư lệnh ngành xuất sắc. Mặt trận truyền thông bây giờ một chiến trường công nghệ thông tin bao la, đa dạng, phức tạp và mỗi người dân đều có thể là một chiến sĩ thông tin.

Ngày hôm nay, với phạm vi hoạt động bao trùm các lãnh vực viễn thông, Internet, công nghệ thông tin… nhiệm vụ của Bộ TT&TT không còn gói gọn trong việc kiểm duyệt báo chí, xuất bản, bịt mồm nhân dân để củng cố quyền lực của chế độ; nó còn có nhiệm vụ khác. Đó là kiếm tiền. Kiếm tiền bạc tỉ đô la. Và cơ hội làm giàu khủng đến từ Luật An Ninh Mạng.

Nếu chỉ dừng lại ở khả năng kiểm soát và tấn công quyền tự do ngôn luận, những điều luật 79, 88, 258 tương đối đủ súng đủ đạn để chế độ bắn vào miệng người dân. Luật An Ninh mạng được lập ra theo chân của Bắc Kinh có một tham vọng lớn hơn, mang nhiều mùi đô la hơn. Đó là yêu cầu phải đặt kho chứa dữ kiện tại Việt Nam và do đó giới cầm quyền sẽ nắm trọn toàn bộ những dữ kiện thông tin của mọi cá nhân công dân, mọi doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước làm ăn tại Việt Nam hay đối tác với Việt Nam.

Luật An Ninh Mạng sẽ cho phép những kẻ có quyền lực trong lãnh vực thông tin:

– Nắm trọn bộ những chiến lược, tính toán, dự trù về kinh doanh, mọi biên bản về lợi nhuận, các báo cáo nội bộ về tài chánh… được trao đổi qua hệ thống internet bởi các doanh nghiệp. Với những thông tin có sẵn trong tay, những người đó sẽ biết rõ đường đi nước bước, những kế hoạch đấu thầu, những dự tính mua ra bán vào các cổ phần, những âm mưu trốn thuế, rửa tiền, tài sản thật sự của công ty lẫn cá nhân… và rất nhiều “chứng cớ” khác để họ dễ dàng gia tăng công tác làm tiền doanh nghiệp, mua đứt doanh nghiệp hay bức tử doanh nghiệp.

– Nắm trọn tất cả những dữ kiện cá nhân – từ số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, mọi dịch vụ chuyển-gửi tiền trong nước lẫn ra-vào nước ngoài, những dữ kiện cá nhân, trao đổi riêng tư… của mọi công dân Việt Nam. Họ sẽ tuỳ nghi sử dụng, khai thác những thông tin cá nhân này bất cứ lúc nào, cho bất kỳ mục tiêu gì.

– Toàn quyền buôn bán dữ kiện của hơn 50 triệu người tiêu dùng trong dân số hơn 90 triệu dân cho các công ty thương mại. Quảng cáo và buôn bán dữ kiện thông tin người tiêu thụ là nguồn lợi nhuận lớn nhất và là lẽ sống còn của các đại công ty internet.

Đó là về mặt xã hội bên ngoài. Đối với nội bộ đảng và guồng máy cai trị của đảng, Luật An Ninh Mạng sẽ tạo cơ hội:

– Nắm rõ mọi hoạt động của các bộ phận ban ngành – từ cá nhân đến tập thể lãnh đạo, các bộ ban ngành của hệ thống hành pháp, lập pháp, tư pháp, từ địa phương lên đến trung ương. Đó là trong hệ thống chính trị.

– Nắm trọn tất cả mọi dữ kiện, thông tin của tất cả đảng viên, cán bộ và lãnh đạo đảng. Những kẻ kiểm soát thông tin sẽ có sẵn trong tay mọi trao đổi cá nhân thông qua internet trong đó có những cuộc thảo luận làm ăn, hối lộ, tham nhũng, trò chuyện riêng tư, tình ái, tỏ tình, vận động phe nhóm, mua ghế bán quyền… Bất kể đó là đảng viên quèn, bí thư xả hay thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội… Tất cả chỉ là một “userid” nhỏ nhoi, không chức không quyền trong thế giới internet.

Từ đó đối với một đảng mà “khát vọng” chỉ có quyền và tiền, người đứng đầu Bộ TT&TT không thể tiếp tục là một tên bộ trưởng chỉ có khả năng ngồi nhậu hải sản, chụp hình, đăng báo để chứng minh biển sạch, cá khoẻ. Phải là người có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm điều hành một đại công ty, có résumé thành tích trên thương trường. Dĩ nhiên, yếu tố “hồng” không thể bỏ qua trong truyền thống “hồng hơn chuyên”. Kẻ đó phải tuyệt đối trung thành với đảng – hay ít ra là với Bộ Chính trị, hoặc phe đang thắng cuộc trong đảng.

Do đó, người được xem là tỉ phú đỏ giàu nhất quân đội, người có máu lạnh và không tim sẵn sàng bứng người dân Đồng Tâm ra nơi chôn nhau cắt rốn của họ cho sự nghiệp làm giàu, người chỉ huy toàn bộ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn Thông Viettel, người có ba bằng cử nhân, thạc sĩ về điện tử viễn thông, quản trị kinh doanh đã được chọn làm tư lệnh Bộ Bốn Tê: thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.

Và đương nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay với tổng thái thú Nguyễn Phú Trọng đang thu tóm quyền lực nhờ vào sự đỡ đầu của Bắc Kinh, người chọn là Tổng Bí thư và dĩ nhiên kẻ được chọn phải là đàn em thân tín của Tổng Bí thư.

26.07.2018

332460cookie-checkLuật An Ninh Mạng và Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng