(Linh mục Giuse Ngô Văn Kha)
Từ phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ của các sinh viên Hongkong từ cuối tháng 3/ 2019 đến nay, biến thành các cuộc biểu tình rộng khắp, kéo dài với mức độ ngày càng khốc liệt, bất chấp sự đàn áp đầy bạo lực và tàn nhẫn của cảnh sát địa phương, cộng với đội quân đặc nhiệm được trang bị những vũ khí, khí tài tối tân từ Trung hoa đại lục tới, để trấn áp các sinh viên mà họ quy kết là “bạo loạn”.
Sự đoàn kết giữa những người biểu tình, sự kháng cự không cân sức của các sinh viên trước bạo quyền cho thế giới thấy được tinh thần bất khuất của người Hongkong. Máu, nước mắt đã đổ ra với cả những thương vong được truyền thông cập nhật hàng ngày không làm họ chùn bước, trái lại, đã lôi kéo được hàng triệu triệu người ủng hộ thuộc các giới trong xã hội Hongkong, những người đánh mất niềm tin vào chế độ.
Những sinh viên biểu tình ấy không chiến đấu vì miếng ăn, địa vị, không hận thù giai cấp mà vì khát vọng tự do, vì lý tưởng dân chủ và vì quyền chính đáng của con người đang có nguy cơ bị huỷ hoại biến thành công cụ trong chế độ cộng sản.
Những người biểu tình ấy ghê tởm cái ác, căm phẫn chế độ chuyên chế gian tà. Với sức lực gắng gượng, họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để cố kêu lên tiếng kêu thống thiết, trưng ra những vết thương chí mạng để lay động lương tri nhân loại, để ngăn chặn cuộc thảm sát mà họ và những người sát cánh với họ, lần lượt là những nạn nhân.
Cả ba tin mừng Nhất lãm đều ghi lại thời khắc Đức Giêsu nếm trải sự kinh khủng tột độ của một vị Thiên Chúa làm người trên thập giá đã thốt ra những lời ai oán kêu cầu, như ôm lấy mọi tiếng than van cay đắng của những con người bị Thiên Chúa ruồng bỏ: “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng ‘Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! Nghĩa là Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,45-46/ Mc 15, 33-34/ Lc 23, 44-46)
“Bị Thiên Chúa ruồng bỏ” trong một thế giới, dù vẫn vận hành theo sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng lại theo cách của nó, dù thuận hay nghịch với Thiên Chúa, quả là nan đề.
Khi con người phải đối diện với đau khổ và cái chết, khi Thiên Chúa dường như rất xa xôi trong cả không gian và thời gian, thì khi ấy câu hỏi nẩy ra, Thiên Chúa ở đâu và tại sao ngài lại bỏ tôi?
Hỏi như vậy không phải là thất vọng. Vì thất vọng bẻ gẫy mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng dù Thiên Chúa dường như đang ở rất xa, còn kẻ thù lại rất gần, như những con sư tử đói săn mồi liên tục cắn xé, người hy vọng vẫn tin rằng Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm và ở đó. Lời than van ấy không phải là một thất bại của niềm tin, nhưng là một hành vi của đức tin.
Vì dù có đau khổ về phần thân xác, tâm lý suy sụp vì đang đến gần cái chết, nhưng đức tin vào Thiên Chúa, Đấng đã nghe lời cầu nguyện sẽ mang lại cho họ ơn giải thoát.
Do đó, phải hiểu những tiếng kêu than của Đức Giêsu trên thập giá chính là lời cầu nguyện của Người Con vô tội đang chịu đau khổ và ôm lấy những sự đau khổ của con người, vì trung thành với thánh ý Thiên Chúa.
Với con người, khiếp sợ cái chết là điều hiển nhiên, ngay cả người tin và cậy trông vào Thiên Chúa, cái chết vẫn có thể gây ra sự hoang mang và đau đớn. Đức Giêsu không giải thoát chúng ta ra khỏi cái chết, nhưng ngài mang đến cho chúng ta ơn cứu độ qua chính cái chết đó.
Các bạn sinh viên Hongkong trong những ngày tăm tối nhất của lịch sử vừa qua, khi đối đầu với sự tàn bạo vô nhân của cảnh sát, phải đối mặt với sự nhạo báng, họ cũng khiếp sợ cái chết, cũng kêu khóc trong đau đớn, nhưng họ vẫn vững tin Thiên Chúa vẫn ở bên họ, lẽ phải tất thắng, thế giới sẽ phải chú tâm lên tiếng, và Vinh Quang cho Hongkong với những giá trị dân chủ và tự do sẽ tươi thắm, bởi có sự góp phần của họ, bằng máu, nước mắt và những thương vong.
Nếu cái chết của Đức Giêsu chỉ cho người tin tiến về phía trước, tới ngày vương quốc của Thiên Chúa sẽ ở lại trong tất cả mọi người, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của lời kêu than đó;
nếu những tiếng kêu đau thương của các sinh viên Hongkong vẫn bật ra dưới đòn thù của chế độ cộng sản ghét hoà bình, chống lại những giá trị căn bản của con người, thì xin đừng quên họ! Hãy đồng hành và xin cho họ luôn kiên vững trong niềm tin, trong tinh thần bất khuất giữa cuộc chiến một mất một còn này!