Thursday, December 12, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGKhủng hoảng tiếp theo của Trung quốc cộng sản sẽ là ở...

Khủng hoảng tiếp theo của Trung quốc cộng sản sẽ là ở Tây Tạng?

VNTB – Mai Hưng dịch

(VNTB) – Hồi tháng Tư năm nay (2019), Đức Đạt Lai Lạt Ma được đưa vào bệnh viện ở New Delhi vì bị viêm nhiễm vùng ngực. Ông được xuất viện ba ngày sau đó và trấn an thế giới rằng ông lại cảm thấy bình thường. Nhưng những lời trấn an của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã không dập tắt được những âu lo của những người vốn vẫn quan tâm đến cảnh ngộ thống khổ của Tây Tạng trong những năm tháng qua. Không hề cường điệu khi nói rằng tương lai của Tây Tạng xoay quanh câu hỏi ai sẽ là người kế tục Đức Đạt Lai Lạt Ma, và phản ứng của những người Tây Tạng lưu vong và cả người Tây Tạng ở Tây Tạng trước cái chết của ông, bởi vì những người Tây Tạng ở Tây Tạng hầu hết đều là người của chính quyền Trung quốc cộng sản (TQCS). Chúng ta sẽ có thể sớm thấy một vùng nóng bất ổn khác nổ ra dọc theo khu vực ngoại vi của TQCS.

Năm nay, nhà lãnh đạo tinh thần 84 tuổi này của Phật giáo Tây Tạng đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm lưu vong – ngày rời bỏ quê hương Tây Tạng, khi bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng, để đến Dharamshala, Ấn Độ. Trong phần lớn lịch sử của mình, Tây Tạng là một quốc gia mơ hồ và hướng nội. Nhưng trong sáu mươi năm qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm việc cật lực để đưa sự nghiệp của Tây Tạng ra trước công luận quốc tế. Nhờ đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có được địa vị của một người nổi tiếng toàn cầu, nhưng đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma điều này chỉ là một hiệu ứng phụ, một hiệu ứng mà Ngài không hề mong muốn. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tìm cách tập hợp một nhóm những người tị nạn có chính kiến khác nhau về dưới một biểu ngữ chung và thành lập Chính quyền Tây Tạng Trung ương (CTA) như một phương tiện để quản lý khoảng 100.000 người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ và trở thành người phát ngôn cho sáu triệu người dân Tây Tạng hiện đang sống tại Tây Tạng, những người mà đã bị bắt buộc phải câm lặng trước sự đàn áp của TQCS đối với những người bất đồng chính kiến. Khi giai đoạn tuổi cao sức yếu đang đến gần, di sản của Đức Đức Đạt Lai Lạt Ma đang lâm nguy.

Đường hướng tiếp cận trung dung, ôn hòa của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khiến nhiều người Tây Tạng ủng hộ một đường lối cứng rắn hơn đối với TQCS phải thất vọng. Một số trong số những người này có thể có khuynh hướng áp dụng những cách tiếp cận cực đoan hơn, thậm chí là sử dụng bạo lực, sau khi Ngài qua đời. Những người Tây Tạng bất mãn sống ở Tây Tạng dưới sự cai trị của TQCS có thể bắt đầu đặt câu hỏi về tính hợp pháp của CTA có trụ sở tại Ấn Độ để phát ngôn thay mặt họ. Về phần mình, TQCS chắc chắn sẽ khẳng định tính chính danh của TQCS và tìm cách phá hoại tính hợp pháp của CTA bằng cách thúc đẩy sự hỗ trợ quốc tế đối với Dalai Lama thứ 15 do chính TQCS tự tay lựa chọn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hoạt động như một nhân vật được tất cả mọi người Tây Tạng công nhận và là một lực lượng trung dung ôn hòa đối với những người Tây Tạng. Nếu sự ra đi của Ngài sẽ dẫn đến một sự rạn nứt chính trị và / hoặc bạo lực do thiếu vắng một sự lãnh đạo rõ ràng, thì kết quả sẽ là một sự lúng túng khiến phương Tây ít chú ý hơn, và điều này sẽ mở đường cho TQCS mạnh tay hơn trong việc đưa dân chúng Tây Tạng xuống địa ngục. Tương lai sẽ không lấy gì làm tốt đẹp.

Một trong những yếu tố góp phần lớn nhất vào sự bất toàn là việc Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn chưa đưa ra quyết định về sự kế vị của mình. Đây là một quyết định mà sẽ dẫn đến sự phân liệt không chỉ trong lĩnh vực thần học mà còn cả trong đời sống chính trị. Trong thần học Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma được coi là hóa thân của Bồ tát từ bi, người có thể đạt được sự giác ngộ nhưng trì hoãn việc đó để ở lại trần gian và giúp đỡ chúng sinh. Theo truyền thống, có một quá trình các nghi thức, nghi lễ để xác định một thiếu niên Tây Tạng và sau đó người này được đào tạo ngay từ khi còn trẻ, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có thể chọn cách đầu thai vào một hoặc nhiều thân thể của những người đang sống. Ngài thậm chí có thể quyết định hoàn toàn không tái sinh, do đó sẽ chấm dứt một định chế đã tồn tại 600 năm đối với địa vị Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thật vậy, Ngài đã đưa ra khả năng này, mặc dù Ngài cũng đã gợi ý rằng Ngài có thể được tái sinh ở Ấn Độ. Ngài không có ý định tham vấn các Lạt ma cao cấp về vấn đề kế vị cho đến khi Ngài 90 tuổi (Ngài dự báo rằng Ngài sẽ thọ tới 113 tuổi).

CTA cam kết sẽ duy trì đường hướng tiếp cận trung dung, ôn hòa của Đức Đạt Lai Lạt Ma về ngoại giao. Từ những năm 1980, sau khi nhận thấy sự bất khả thi của một nền độc lập hoàn toàn cho Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chuyển sang ủng hộ một giải pháp trung dung giữa một nền độc lập hoàn toàn và tình trạng bị tước quyền và bị áp bức hiện nay. Giải pháp này đòi hỏi một nền tự trị Tây Tạng thực sự theo hiến pháp TQ, theo đó những người dân Tây Tạng có thể tự cai trị khu vực của mình một cách dân chủ và giữ gìn bản sắc văn hóa của mình trong khi vẫn nằm trong thành phần Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực và xử lý các mối quan hệ quốc tế và quốc phòng.

Quan niệm về cách tiếp cận này, hoặc ít nhất là việc đặt tên cho nó như vậy, dường như có một chiều kích tôn giáo đối với đường hướng tiếp cận trung dung, ôn hòa, vì Phật giáo tự nhận là tôn giáo trung gian giữa sự khổ hạnh cực đoan và sự mê đắm nhục cảm. Và thực sự, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện một công việc đáng chú ý là khai thác, trích xuất tư tưởng hòa bình chủ nghĩa của Phật giáo để kiềm chế những người Tây Tạng bất mãn, khiến họ từ bỏ gần như mọi hình thức kháng cự bạo lực. Thay vào đó, Ngài đã dẫn dắt những người Tây Tạng kiên nhẫn chờ đợi chính quyền TQCS chấp nhận lời đề nghị của CTA về đàm phán hòa bình. Như Ngodup Tsering, đại diện chính thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Bắc Mỹ, có nói với tôi rằng “Chúng tôi [CTA] đã sẵn sàng mọi lúc, nhưng điều đó phụ thuộc vào chính quyền TQCS. Như chúng tôi đã nói không ai có thể vỗ tay bằng một tay được”.

TQCS đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng không sốt sắng chấp nhận những đề nghị đối thoại của Tây Tạng. Các cuộc đàm phán gần đây nhất, vốn đã diễn ra được tám vòng từ năm 2002 đến 2008, không mang lại điều gì đáng kể; hóa ra đó chỉ là một mưu đồ của TQCS nhằm tranh thủ sự ưu ái quốc tế trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Vòng đàm phán thứ chín và cuối cùng diễn ra vào năm 2010.

Kể từ năm 2010, TQCS đã bỏ qua tất cả mọi đề nghị của Tây Tạng và các điều kiện ở Tây Tạng hầu như không có chuyển động gì. Các nhà phân tích chính sách hiện đồng ý rộng rãi rằng TQCS sẽ từ chối đàm phán vô thời hạn. Todd Stein, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ) đã nói ngắn gọn và thẳng thắn: “Bất cứ ai theo đuổi sự nghiệp của nhân dân Tây Tạng, thậm chí từ xa, đều bi quan về khả năng TQCS có một mối quan tâm nào đối với bất cứ một đề xuất nào về Tây Tạng”. Chiến lược của TQ là háo hức chờ đợi cái chết của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đồng thời kích động sự mất đoàn kết của Tây Tạng bằng cách làm cho tình hình trở nên dường như vô vọng. Tencho Gyatso, cựu nghị sĩ trong quốc hội CTA, người đồng thời cũng là cháu gái của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đảm bảo với tôi rằng hiện tại ít nhất phần lớn những người Tây Tạng vẫn hoàn toàn cam kết với đường hướng trung dung, ôn hòa.

Trong số các quan chức của chính quyền Hoa Kỳ cũng như một số nhà hoạt động, thường có một phàn nàn phổ biến là CTA không có bất kỳ một tư duy chiến lược dài hạn nào. Stein quan sát thấy rằng khi các nhà ngoại giao CTA đến thăm Washington, họ nổi bật hơn so với các nhà ngoại giao nước ngoài khác ở chỗ họ tỏ ra ít quan tâm đến một cuộc thảo luận chuyên đề nhằm đưa ra một chiến lược hơn là chú trọng đến việc tạo hình ảnh cho giới truyền thông xã hội. Thật khó xác định một cách chính xác lý do tại sao CTA lại thực hiện rất ít nỗ lực để suy nghĩ một cách sáng tạo về tình hình khó khăn của nó, nhưng một lời giải thích có thể là chính Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vào năm 2011, Ngài đã chuyển giao tất cả quyền lực chính trị cho ban lãnh đạo của CTA được bầu lên một cách dân chủ.

Tuy nhiên, theo lời của Stein, thì “vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng được truyền qua nhiều kênh khác nhau, do đó, các quan chức được bầu trên giấy tờ, những người mà được Ngài chuyển giao quyền lực, không thực sự có nhiều tự do để hành động”. Ban lãnh đạo CTA không nói gì về việc lựa chọn đầu thai của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho dù điều này sẽ xác định tương lai của sự nghiệp Tây Tạng. Có tính đến ảnh hưởng trong vai trò phi chính trị trên danh nghĩa của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn tuân thủ chính sách đã lựa chọn, người dân Tây Tạng chắc chắn sẽ vẫn kiên quyết trung thành với đường hướng trung dung, ôn hòa khi Ngài còn tại thế. Tuy nhiên, một khi ảnh hưởng của Ngài từ trên xuống không còn nữa, có lẽ một số người có thể sẽ nghiêng về các cách tiếp cận khác.

Và bạo lực là một khả năng thực sự. Ellen Bork, một nhà hoạt động nhân quyền và cũng là một nhà phân tích chính sách, nói rằng khả năng lãnh đạo lôi cuốn của ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế bạo lực. Nếu không có thông điệp bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người Tây Tạng có thể không chịu khuất phục trước sự lúng túng mà Ngài đã chịu đựng trong nhiều thập kỷ. Ngay cả Gyatso cũng băn khoăn về việc, trong thời kỳ hậu Đạt Lai Lạt Ma, liệu thông điệp của Ngài sẽ còn có thể dẫn hướng cho người Tây Tạng nữa hay không: “Sẽ có rất nhiều người lúng túng”. Trong Phật giáo Tây Tạng, sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhìn nhận là một phần căn bản của hành trình sau cái chết của Ngài, giúp Ngài dễ dàng đầu thai vào kiếp sau. Một khi người Tây Tạng nhận ra rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không bao giờ trở về quê hương, bởi vì trong sáu thập kỷ qua, niềm tin không lay chuyển của họ vào sự lạc quan của Ngài đã bị đặt sai chỗ, sự bất mãn của họ chắc chắn sẽ là sâu sắc. Nếu nó xuất hiện trong các cuộc biểu tình trên phạm vi rộng khắp Tây Tạng, thì các cuộc đàn áp của TQCS đối với họ chắc chắn sẽ là dữ dội, là đẫm máu hơn nhiều so với trước đây.

Một vài tháng trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Obama đã cảnh báo rằng TQ nên áp dụng các chính sách để tránh tình trạng bất ổn gần như không thể tránh khỏi mà sẽ xảy ra nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời trước khi có một giải pháp. Uyển ngữ “sự bất ổn” này hàm ý gì? Bị thúc đẩy bởi sự tuyệt vọng và giận dữ, một số người Tây Tạng cả ở Tây Tạng và lưu vong đều tin rằng những nỗ lực tập trung vào bạo lực giờ đây đã trở thành điều cần thiết, điều mà Melvyn Goldstein, một học giả về Tây Tạng, lo ngại rằng đó có thể là một cuộc “nổi dậy ném đá” (intifada) theo phương cách Tây Tạng. Trong Những lời cầu chúc từ Bắc Kinh, nhà báo Greg Bruno kể lại những cuộc trò chuyện với một tu sĩ sống trong một hang thiền gần nơi cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamshala. Nhà sư này đã nhiều năm rút vào im lặng để vượt qua cơn thịnh nộ của mình chống lại TQCS, nhưng cơn thịnh nộ lại càng sục sôi: “Tôi không còn toàn tâm toàn ý với Phật giáo nữa. Chiến tranh ư? Tôi [sẵn sàng] chiến đấu. . . . thế hệ trẻ hơn của những người Tây Tạng. . . tất cả họ đều muốn chiến đấu”.

Thế hệ trẻ hơn của Tây Tạng này không ngơi nghỉ. CTA có thể đóng vai trò là cơ quan phát ngôn của người Tây Tạng lưu vong, nhưng, trong phân tích của Stein, nó không thể hiện chính xác những nguyện ước của họ. Khác xa thế hệ cũ, giới trẻ Tây Tạng này khao khát bản sắc. Họ tức giận vì Tây Tạng không hề có thêm tự do. Họ thành lập các nhóm cực đoan như Hội nghị Thanh niên Tây Tạng, hướng dẫn các thành viên của mình sẵn sàng hy sinh mạng sống vì cuộc đấu tranh của Tây Tạng. Nếu các nhóm như vậy lên nắm quyền ở Dharamshala thông qua khoảng trống quyền lực được tạo ra bởi cái chết của Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì họ, như nhà hoạt động Trung Quốc Wang Lixiong đã viết, “sẽ gia tăng một cách mạnh mẽ bạo lực và tàn phá, [và do đó] khiến Tây Tạng có nguy cơ trở thành một Palestine hay thậm chí là một Chechnya”.

Hơn nữa, tư tưởng giáo phái có thể tạo ra một mối đe dọa đối với các mục tiêu của cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận thấy sự cần thiết phải có một cộng đồng người Tây Tạng thống nhất ở Dharamshala và có thể xây dựng một quốc hội rộng rãi từ các nhóm người tị nạn khác nhau. Một trong những mục đích của nó là duy trì sự thống nhất của người Tây Tạng lưu vong trong tương lai, ngay cả sau khi Ngài qua đời. Sự thống nhất này đặc biệt mong manh bởi vì nó là lịch sử: trong suốt chiều dài lịch sử Tây Tạng, có bốn giáo phái của Phật giáo Tây Tạng đã tranh giành quyền thống trị. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặt ưu tiên hợp nhất họ trong sự nghiệp chung. Gyatso đảm bảo với tôi rằng bởi vì mỗi giáo phái đều có đại diện trong quốc hội và có quan hệ chặt chẽ với những giáo phái khác, cho nên tư tưởng giáo phái sẽ không phải là vấn đề. Nhưng bà cũng thừa nhận rằng, mặc dù có nhiều ứng cử viên trong số những người Tây Tạng lưu vong, nhưng không có một nhà lãnh đạo nào nổi bật để đảm nhận vai trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Các chuyên gia khác mà tôi có dịp trò chuyện đều không quá lạc quan. Họ lo ngại rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể lợi dụng khoảng trống quyền lực được tạo ra bởi cái chết của Đức Đạt Lai Lạt Ma để quảng bá cho bản thân và các giáo phái cụ thể của họ. Một sự phân liệt khác có thể sẽ phát triển trong những năm tới là sự phân liệt giữa những người Tây Tạng lưu vong, những người trung thành với đường hướng trung dung, ôn hòa của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đường hướng chính thức của CTA, và những người cho rằng nó (đường hướng trung dung, ôn hòa) không có triển vọng, và thay vào đó là họ ủng hộ một nền độc lập hoàn toàn cho Tây Tạng. Nhóm này có thể trở nên nổi bật trong sự vắng mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và sẽ làm rạn nứt thêm sự thống nhất của sự nghiệp Tây Tạng.

Người ta cũng không chắc chắn rằng liệu những người Tây Tạng sống ở Tây Tạng sẽ tiếp tục cảm thấy có mối liên hệ nào với CTA ở Ấn Độ hay không. CTA tuyên bố sẽ thay mặt cho sáu triệu người Tây Tạng, nhưng họ hầu như không có liên lạc nào với họ (các nhà báo đã cho rằng Tây Tạng còn khó tiếp cận hơn cả Bắc Hàn). Những người Tây Tạng đó đã phải duy trì bản sắc của họ thông qua các chính sách đồng hóa văn hóa cực đoan của TQCS, điều này buộc họ phải thực hành một phiên bản Trung quốc hóa đối với tôn giáo của họ và phải phần lớn dùng tiếng Trung quốc phổ thông. Các nhà sư bị buộc phải lên án “tư tưởng ly khai” của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những người Tây Tạng nghèo khổ hơn phải thay thế những hình ảnh riêng tư của Đức Phật để thờ phượng bằng hình ảnh của Tổng – chủ Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo đảng khác. Thông qua tất cả điều này, một mỏ neo của bản sắc Tây Tạng đã là một kết nối văn hóa gắn bó sâu sắc mỗi con người với Đức Đạt Lai Lạt Ma, một sự kết nối mà theo lời của Gyatso, thì “gần như là sâu sắc hơn so với sự kết nối của các thành viên trong gia đình”. Sự kết nối này là hiển nhiên trong các tuyên bố của nhiều người biểu tình tự thiêu, những người đã kêu gọi sự trở về quê hương của Đức Đạt Lai Lạt Ma trước khi tự thiêu. Không có Đức Đạt Lai Lạt Ma và phải chịu áp lực đồng hóa lớn, thật khó để tưởng tượng rằng họ sẽ duy trì sự nhiệt thành tương tự đối với những người Tây Tạng ở bên ngoài Tây Tạng trong tương lai.

TQCS đã tuyên bố ý định chỉ định Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 của riêng họ. Năm 1991, một chỉ thị từ Bắc Kinh đã ủy quyền cho ĐCSTQ trong việc lựa chọn các tulkus, tức là các LẠT MA tái sinh với thẩm quyền tâm linh cao siêu, và trong việc kiểm soát các LẠT MA đầu thai. Phạm trù này bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong tuyên bố năm 2011 về việc đầu thai, Đức Đạt Lai Lạt Ma cảnh báo chống lại “nguy cơ rõ ràng về những lợi ích chính trị nhằm lạm dụng hệ thống đầu thai để thực hiện chương trình nghị sự chính trị của riêng họ”. Quả thực, chúng ta có thể sẽ chứng kiến việc hai Đức Đạt Lai Lạt Ma cạnh tranh với nhau: một người được các nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng ở Ấn Độ lựa chọn, và một người được ĐCSTQ lựa chọn, người mà sẽ phục vụ chương trình nghị sự của ĐCSTQ bằng cách khẳng định rằng Tây Tạng trong lịch sử là một phần của Trung quốc. Người Tây Tạng có thể được dự kiến là sẽ không chấp nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma của TQCS, ngoại trừ những người bị TQCS ép buộc phải thể hiện sự ủng hộ bề ngoài. Họ có thể sẽ chối bỏ Đức Đạt Lai Lạt Ma này như họ đã chối bỏ Đức Lạt Ma Panchen thứ 15 do TQCS dựng lên (Lạt Ma Panchen là thẩm quyền tâm linh cao nhất thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng). Lạt Ma Panchen do đích thân Đức Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn đã không còn được nhìn thấy kể từ năm 1995, khi đó, vào năm 6 tuổi, ông đã bị chính quyền QCS bắt cóc.

Nhưng TQCS cũng không cần Tây Tạng phải chấp nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma phiên bản của TQCS. TQCS chỉ cần sự chấp nhận của quốc tế, điều này sẽ giúp nó hợp pháp hóa yêu sách của nó đối với Tây Tạng. Rinzin Dorjee, một ghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Tây Tạng ở Dharamshala, có nói với tôi về dự đoán của ông rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma phiên bản TQCS sẽ chỉ được các nước phụ thuộc về kinh tế vào TQ thừa nhận và sẽ bị tất cả các nước dân chủ từ chối. Tuy nhiên, TQCS đã ngày càng tự tung tự tác theo cách riêng của nó. Nó thực hiện các biện pháp kinh tế trừng phạt chống lại các quốc gia thừa nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ngày nay sẽ không còn có nguyên thủ quốc gia châu Âu nào gặp gỡ Ngài. Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải ghi nhớ là, nhằm có một diện mạo chân thực, TQCS đã cam kết là sẽ thực hiện quy trình truyền thống để chọn một Đức Đạt Lai Lạt Ma, quy trình này đòi hỏi phải xác định và đào tạo một đứa trẻ từ tuổi còn rất nhỏ. Quy trình này có thể kéo dài tới 15 năm trước khi người này đủ tuổi để đảm nhiệm bất kỳ một vai trò chính trị hữu ích nào. Do đó, việc lựa chọn một Đức Đạt Lai Lạt Ma phiên bản TQCS không phải là điều đáng lo ngại, ít nhất là trong tương lai gần.

Tuy nhiên, màn trình diễn của TQCS vô thần khai thác Phật giáo phục vụ cho các mục đích chính trị của nó thật là ngoạn mục. Bắc Kinh chính thức mô tả Phật giáo – một tôn giáo nguyên khởi tại Ấn Độ là “một tôn giáo TQ cổ xưa, để từ đó biện minh cho sự can thiệp của nó vào tất cả các khía cạnh của đời sống tôn giáo Tây Tạng. Thông qua việc giám sát các tu viện theo kiểu của Orwell (George Orwell, 1903 – 1950, nhà văn và phóng viên người Anh, tác giả của các tiểu thuyết trào phúng như Trại súc vật, Năm 1984 … châm biếm sâu cay chế độ cộng sản Liên-xô cũ – người dịch), TQ xác định những nhà sư bất đồng với ĐCSTQ hoặc công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma để sau đó bắt cóc họ, giam cầm và tra tấn. TQCS chiếm quyền kiểm soát các viện giáo dục đại học của Phật giáo, nhồi sọ lòng trung thành với ĐCSTQ thành một hợp phần không thể thiếu được trong đào tạo Phật giáo. Ban tôn giáo chính phủ TQ công bố “cơ sở dữ liệu về Phật sống” cái mà tô màu, đánh bóng tên tuổi của những người đầu thai giả trá trong số những người đầu thai đích thực, những người đầu thai giả trá này là những Phật tử cao cấp trung thành với ĐCSTQ: Những người muốn được xác định là người đầu thai đích thực phải có tên trong “Số đăng ký Phật sống”.

Và những nỗ lực của TQCS ở nước ngoài để thể hiện mình là quê hương của Phật giáo nhằm tăng cường sức mạnh mềm. TQCS tổ chức Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, được điều hành bởi Panchen Lạt Ma của riêng mình. Đối với sáng kiến Vành đai và Con đường, một chiến lược phát triển toàn cầu nhắm tới sự thống trị kinh tế đối với châu Á, Trung Đông và xa hơn thế, đó là việc đổ tiền vào các quốc gia Phật giáo, trong các nỗ lực như dự án Lumbini, một dự án phát triển trị giá 3 tỷ đô la ở Nepal để biến nơi sinh của Đức Phật thành một địa điểm du lịch và hành hương đồ sộ. TQCS cũng bị phát hiện là đứng đằng sau các cuộc biểu tình của các học viên phương Tây theo Truyền thống Kadampa mới nhằm chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma. Truyền thống Kadampa mới là một phong trào tôn giáo chấp nhận Shugden, một vị thần trong truyền thuyết Tây Tạng mà sự thờ phượng của nó đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma bị cấm đoán, và do đó tuyên truyền cho các thành viên của mình một sự thù địch đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Phong trào này cực kỳ hữu ích đối với TQCS, nơi thúc đẩy và tài trợ cho những tín đồ Shugden trên khắp thế giới trong nỗ lực chia rẽ người Tây Tạng và phá hoại thông điệp hiệp nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Như mọi khi, chính sách của Hoa Kỳ về Tây Tạng sẽ được thúc đẩy bởi sự pha trộn điên rồ và thường mâu thuẫn nhau giữa chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa duy tâm. Ngày 20 tháng 12, 2018, Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật tiếp cận đối ứng với Tây Tạng. Đạo luật này đề cập đến thực tế là TQCS cấm đoán hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế vào Tây Tạng, mặc dù các nền dân chủ tự do như Hoa Kỳ cho phép truyền thông nhà nước TQCS được tự do tiếp cận. Bằng cách xác định các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ chịu trách nhiệm về các hạn chế đối với Tây Tạng và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ, Đạo luật này tìm cách loại bỏ sự bất cân xứng này và buộc TQCS phải giảm bớt các hạn chế. Hồi tháng 7, 2019, các dự luật tương tự về tiếp cận đối ứng đã được giới thiệu tại quốc hội của Vương quốc Anh và Canada, và Chiến dịch quốc tế cho Tây Tạng cũng đang thúc đẩy việc thông qua các đạo luật tương tự ở các quốc gia khác. Thời gian sẽ cho biết liệu mặt trận thống nhất này sẽ thành công trong việc thay đổi chính sách của TQCS hay không. Và sự nghiệp Tây Tạng còn được thúc đẩy theo những phương cách khác. Ngày 30 tháng 5 (2019), các thành viên của Quốc hội thuộc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đã đồng ký tên vào một lá thư gửi Ngoại trưởng Pompeo, kêu gọi ông thực hiện đạo luật hiện hành về Tây Tạng. Và gần đây hơn, các Dân biểu Jim McGocate (thuộc đảng Dân chủ bang Massachusetts) và Tom Suozzi (thuộc đảng Dân chủ bang New York) của Ủy ban Điều hành lưỡng đảng Quốc hội về Trung quốc đã tiến hành một cuộc hội luận về việc cập nhật Đạo luật Chính sách Tây Tạng năm 2002, bao gồm tất cả chính sách của Hoa Kỳ về Tây Tạng, những văn kiện định hình toàn bộ chính sách của Hoa Kỳ về Tây Tạng, trong đó bao gồm cả việc nâng cao vị thế đối với CTA và đối với việc đầu thai của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Một cách thực tế hơn, trong khi Hoa Kỳ tìm kiếm các đồng minh trong các cuộc tranh cãi đang diễn ra với TQCS, họ có thể tìm thấy lý do đứng chung trận tuyến với Ấn Độ trong vấn đề Tây Tạng. Trong sinh hoạt chính trị Ấn Độ, ủng hộ những người Tây Tạng lưu vong là một vấn đề phi đảng phái, các chính trị gia Ấn Độ có sự ngờ vực đối với TQCS nhìn nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma là một tài sản chiến lược; và họ có một sự tương đồng với Phật giáo, một tôn giáo mà họ coi là một hợp phần của Ấn Độ giáo. Thật vậy, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ đã tham gia vào một cuộc chơi lớn với TQCS về Phật giáo, tổ chức các hội nghị Phật giáo đối nghịch và phát triển các địa điểm hành hương. Tuy nhiên, những nỗ lực của Ấn Độ đã không thành công như của TQCS, và đầu tư của TQ vào Sri Lanka, Nepal và Bangladesh đã bắt đầu khiến cho Ấn Độ phải lo ngại. TQ cũng đang tham gia vào các tranh chấp với Ấn Độ về việc giải quyết biên giới ở Arunachal Pradesh, mà TQ hiện đang gọi là miền Nam Tây Tạng, và sự hiện diện quân sự của TQ cũng là một mối đe dọa. Nhìn rộng ra, các lợi ích chiến lược của Ấn Độ là thúc đẩy Phật giáo và chống lại sự xâm lấn của TQ là phù hợp với các lợi ích của người Tây Tạng. Mục tiêu lâu dài của chính sách Hoa Kỳ nên là ngăn chặn đổ máu và cải thiện tình hình của người Tây Tạng. Với cách làm như vậy, có khả năng Hoa Kỳ sẽ nhận thấy Ấn Độ là một đối tác trong những nỗ lực này.

Tây Tạng, do đó, là một vấn đề cần theo dõi. Về mặt đạo đức, đó là một bức tranh thật nghiệt ngã. TQCS vẫn là một lực lượng phải được tính đến trong các mối quan hệ quốc tế, TQCS có nhiều vốn, có vũ khí hạt nhân và ảnh hưởng quyền lực ngày càng mạnh mẽ. Và Tây Tạng, nói một cách tương đối, là một vấn đề nhỏ. Dù muốn hay không, số phận của nó có thể dễ dàng bị chìm nghỉm trong các cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn hơn của thế kỷ 21, đặc biệt là nếu tình hình nội bộ của chính những người Tây Tạng trở nên lộn xộn.

Nhưng nhìn một cách tổng quát hơn, Tây Tạng mang một diện mạo khác. Như đối với cả Hồng Kông và Tân Cương, tiềm năng bất ổn của Tây Tạng mang tính biểu tượng của một khu vực ngoại vi đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với khả năng của Bắc Kinh trong việc thực thi quyền lực của nó bên trong những biên giới đã được tuyên bố. Khi kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực vĩ đại của chúng ta bắt đầu, các nhà phân tích không thể bỏ qua thực tế này: TQCS không gắn kết và cũng không ổn định như Bắc Kinh muốn được thế giới bên ngoài tin là như vậy.

Nguồn: Will China’s Next Crisis Be in Tibet?

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular