Giao Thanh Pham
(Tập thứ 57b)
Địa hình của Jerusalem không rộng lắm, chưa tới 50 dặm vuông, khoảng hơn 125km vuông tính cả Old lẫn New Cities. Nhà cửa san sát, chật chội, nằm trên những ngọn đồi hiểm trở, đường xá đi lại khá khó khăn, hàng quán buôn bán lại nhiều, nên rất ngột ngạt.
Ngôi cổ thành linh thiêng Jerusalem từ lâu đã luôn là tâm điểm của những cuộc tranh chấp và xung đột. Nó cũng được coi như là một di tích thiêng liêng, là một thánh địa, nhưng cùng một lúc, nó còn được coi như là một thủ đô của quốc gia, bởi nhiều triều đại trong lịch sử.
Vào đầu thế kỷ 20, Jerusalem cùng với toàn bộ khu vực trước kia của người Palestine, đã trở thành tâm điểm của những khát vọng tranh giành giữa những người theo Chủ Nghĩa Phục Quốc Do Thái và những người Ả Rập Palestine. Cuộc đấu tranh này giữa 2 phe, thường nổ ra những cuộc chiến bạo lực tàn nhẫn, một bên đàn áp (chiếm đoạt) và một bên chống lại (cố giữ). Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần tuyên bố, toàn bộ khu vực là một “Corpus Separatum, tiếng Latin, có nghĩa là Thực Thể Riêng Biệt”, và họ đã cố gắng bằng nhiều cách ngăn chặn những xung đột diễn ra liên tục ở đây.
Cuộc chiến đầu tiên giữa Ả Rập và Do Thái xảy ra vào năm 1948, đã chia cổ thành Jerusalem ra thành 2 khu vực, một ở phía Tây Jerusalem, một ở khu vực Jordan, phía Đông Jerusalem. Năm 1949, Do Thái tuyên bố thành phố Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Trong Cuộc Chiến Sáu Ngày vào năm 1967, chính quyền Do Thái đã chiếm khu vực của người Jordan và ngay sau đó đã cho mở rộng ranh giới của thành phố này rồi cho sát nhập một số khu vực thuộc Bờ Tây do người Jordan nắm giữ trước đây và “mở rộng quyền làm chủ” của mình đối với toàn thể thành phố.
Mặc dù hành động cưỡng chiếm đó của Do Thái đã nhiều lần bị Liên Hiệp Quốc và các cơ quan hòa bình trên thế giới lên án, nhưng Do Thái vẫn luôn tái khẳng định vị thế của Jerusalem là thủ đô của người Do Thái, Vào ngày 30 tháng 7 năm 1980, đi xa hơn nữa, chính quyền Do Thái ban hành một đạo luật đặc biệt (quasi-constitutional), xác định rằng “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất – complete and united” là thủ đô của Israel, cũng là trụ sở của Phủ Tổng Thống và Tòa Án Tối Cao. Tình trạng “chủ quyền của thành phố Jerusalem” vẫn luôn là vấn đề nan giải và luôn là trọng tâm trong mọi cuộc tranh chấp giữa Do Thái và người Ả Rập Palestine.
Diện tích của Jerusalem chỉ hơn 49 dặm vuông khoảng 126 km vuông, với tổng số dân vào khoảng gần 1 triệu người, 60% là người Do Thái và 40% còn lại là người Ả Rập Palestine.
Có 2 khu vực “buôn bán” chính ở Jerusalem nhắm vào du khách, khu người Do Thái và khu người Ả Rập Palestine, của người nào, người đó bán, khu người nào, người đó ở, hòa đồng trong gay cấn, ôn hòa trong … thù hận, nhìn vào, khó mà không cho rằng đó chỉ là một cuộc Hòa Bình Giả Tạo. Lẽ đương nhiên, người Ả Rập Palestine yếu hơn dân Do Thái về mọi mặt, nên họ chỉ có một cách duy nhất là nhẫn nhịn.
Nhà cửa ở khu vực thủ đô này rất đắt, vài triệu đô là thường. Ngay dưới chân cổ thành có 3 khu vực nghĩa trang rất lớn riêng biệt, nghĩa trang cho người theo Hồi Giáo, nghĩa trang cho người theo Do Thái Giáo và nghĩa trang cho người theo Thiên Chúa Giáo. Mỗi một lỗ chôn, không lớn lắm, thường có giá khoảng 300 ngàn đô (280 ngàn Euro). Để được chôn cất ở đây, thường phải là Trọc Phú, gia tài phải có vài chục triệu là thường. Người theo đạo Hồi chiếm khu đất ngay ngưỡng cửa vào Thiên Đường, nhằm chặn lối đi của 2 tôn giáo còn lại vì tương truyền rằng, khu đất ngọn đồi nhỏ dẫn vào Thành Thánh Jerusalem nằm gọn trong nghĩa trang của người Hồi Giáo.
Khi còn sống họ đã chém giết nhau để giành cho được ngôi thành này, thế rồi, sau khi chết đi, họ lại cũng vẫn tiếp tục chém giết nhau để giành xem ai được đến cổng thiên đường trước!
Các Sử Gia tin rằng con người đã đến định cư ở Jerusalem vào thời kỳ đầu của thời đại Đồ Đồng (Early Bronze Age) khoảng 3 ngàn 500 năm trước Chúa Giáng Sinh.
Vào năm 1000 BC, vua David đã tiến chiếm Jerusalem và biến nó thành thủ đô của vương quốc Do Thái. Con trai của ông, vua Salomon đã xây dựng Ngôi Đền Thánh đầu tiên vào khoảng 40 năm sau đó. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Jerusalem đã bị tấn công 52 lần, bị chiếm và tái chiếm 44 lần, bị bao vây 23 lần và bị phá hủy 2 lần. Một phần của thành phố, có con người định cư lâu đời nhất là vào thế kỷ thứ 4 trước Chúa Giáng Sinh, khiến Jerusalem trở thành một trong những thành phố cổ đại và lâu đời nhất trên thế giới.
Hầu hết các cuộc viễn chinh của các đế chế trong lịch sử của loài người, đều đã có vết giầy của họ qua nơi này. Chả thế mà, người Do Thái cũng nhận mình là chủ nhân của khu vực này, cùng một lúc, người Ả Rập Palestine cũng khẳng định mình mới chính là chủ nhân ông ở đây vì cả 2 nhóm người này, đều cũng có một thời gian dài làm chủ khu vực này trong quá khứ.
Ngày trước hay bây giờ và muôn đời vẫn thế, cứ thắng thì làm vua và thua thì làm giặc.
***
Còn tiếp.
.
.