Hội nghị trung ương 11: xáo trộn ít hay đánh nhau lớn?

0
503
Hình minh họa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) phát biểu trước các ủy viên trung ương đảng tại lễ bế mạc đại hội đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP
RFA

Không có nhiều xáo trộn!

Hội nghị trung ương 11, một sự kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019 để chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 13.

Hôm 23/9, trả lời RFA qua email, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, nhận định:

“Theo nguyên tắc chuẩn bị nhân sự từ thấp đến cao, Trung ương 11 nhiều khả năng sẽ bàn về quy hoạch cán bộ cấp ủy viên Trung ương dựa trên danh sách Bộ Chính trị phê duyệt và đệ trình, thay vì cán bộ cấp cao. Không loại trừ vấn đề lãnh đạo cấp cao được thảo luận, nhưng sẽ khó được đưa vào nghị trình chính thức. Như truyền thống của đại hội trước, vấn đề nhân sự cấp cao chỉ nóng lên vào năm bản lề – 2020.”

Nhận định về “cuộc đấu phe phái” trước khi hội nghị diễn ra, ông Giang viết: “Để phân biệt rõ ràng “phe” nào với nhau là rất khó khăn trong thời điểm hiện tại, bởi cái bóng quá lớn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khiến cho tất cả những ai muốn tranh đấu quyền lực phải ẩn mình chờ thời. Đây có lẽ là lần đầu tiên từ năm 1986 mà chúng ta không phân định được các nhóm lợi ích với ưu tiên chính sách rõ ràng, bảo thủ hay đổi mới. Điều này khiến cho việc đoán định chính sách của đội ngũ lãnh đạo mới sẽ khó khăn hơn.”

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (phải) tại lễ bế mạc đại hội đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP

Ông Giang cũng đưa bình luận về ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật được suy đoán sẽ là tâm điểm chú ý tại Hội nghị trung ương 11 và Đại hội 13. Ông nói: “Chiếu theo Quy định 90 thì ông Trần Quốc Vượng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn làm tổng bí thư, nhưng các thành viên cộm cán khác của Bộ Chính trị cũng đáp ứng được yêu cầu. Sự ủng hộ của Tổng bí thư Trọng sẽ là lợi thế lớn nếu ông Vượng muốn giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ tới, nhưng ông Vượng cũng có những hạn chế về kinh nghiệm quản trị và tuổi tác. Tiếng nói của ông Trọng có trọng lượng lớn, nhưng là không đủ để lấn át toàn bộ tiếng nói của Bộ Chính trị và đặc biệt là Ban chấp hành trung ương.”

Bàn về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm mới đây bị rò rỉ công văn mật liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG và liệu vụ này có ảnh hưởng gì đến cơ hội của ông ấy tại Hội nghị 11, ông Nguyễn Khắc Giang cho hay:

Việc một số lãnh đạo chủ chốt bị tung “tin xấu” trước đại hội diễn ra không ít, nhưng không phải cá nhân nào cũng bị ảnh hưởng. Ông Tô Lâm trên thực tế đã làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là trong việc cải cách, thu gọn bộ máy công an và tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Lâm vẫn đủ tuổi để giữ thêm một nhiệm kỳ Bộ Chính trị nữa, trong bối cảnh hơn một nửa số ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ phải rút lui vì quy định tuổi. Do vậy theo tôi, khả năng ông Lâm rút lui là không cao.”

Cuối cùng, ông Nguyễn Khắc Giang nói thêm rằng “hãy còn sớm để bàn về danh sách ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều xáo trộn”. Ông đưa ra dự báo rằng các thành viên Bộ Chính trị khóa mới “sẽ gồm ba nhóm lãnh đạo kế cận, có lẽ sẽ xuất hiện nhiều hơn thế hệ sinh năm 1970 trở đi vốn ít bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ hơn”.

‘Đánh nhau lớn’

Hôm 24/9, trả lời RFA, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nhận định: “Nếu Hội nghị trung ương 10 vào tháng 5/2019 chủ yếu ‘sắp ghế’ cho 200 ủy viên trung ương, thì Hội nghị trung ương 11 có nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Do vậy, Hội nghị 10 chỉ là cuộc đấu giữa những ‘cá bé’, thì Hội nghị 11 thật sự là cuộc sát phạt của ‘cá mập’ với nhau.”

“Theo cách nhìn của tôi, cứ chuẩn bị xếp ghế cho Bộ Chính trị thì có đánh nhau lớn. Thời gian qua trở lại không khí như trước Đại hội 12, đơn thư tố cáo tung ra như bươm bướm. Nhưng lần này có đặc điểm khác, lần đầu tiên Đảng cầm quyền thừa nhận có luồng thông tin ngoài Đảng mà Đảng không thể phủ nhận và coi đó là thông tin không chính thức. Còn người đọc thì hiểu rằng thông tin này có độ tin cậy cao vì đó là tin từ nội bộ Đảng tuôn ra để đấu đá phe phái trước Hội nghị trung ương.

Hình minh họa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 6/10/2016 AFP

Đề cập về khả năng tại vị của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Chí Dũng cũng nói thêm:

Tôi tin rằng nhiều chính khách đang mong rằng ông Trọng phải nghỉ, nếu không phải vì lý do tuổi tác thì là vì sức khỏe. Và khi nghỉ thì ông ấy để lại khoảng trống quyền lực rất lớn, sẽ diễn ra cuộc tranh giành của các nhân vật mới nổi.”

Nếu mà nói về gương mặt sáng giá thì 50/50, ẩn số lớn nhất là ông Trọng có tiếp tục coi mình là “trường hợp đặc biệt” hay không. Truyền nhân được nhìn thấy rõ ràng nhất của ông Trọng là ông Trần Quốc Vượng.”

“Mọi thứ đang diễn ra hết sức bát nháo, giới chức lo đấu đá với nhau, bỏ mặc Biển Đông, Bãi Tư Chính cho Trung Quốc quần thảo. Dường như chưa bao giờ có đảng Cộng sản đớn hèn như thế này.”

Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, nên trước mỗi kỳ họp quốc hội, trung ương đảng cộng sản đều họp. Mục tiêu được nói nhằm có chỉ đạo về đường lối.

Thông báo chính thức từ tổng thư ký quốc hội, chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21 tháng 10 tới đây.

Như vậy theo thông lệ, hội nghị trung ương 10 của đảng cộng sản Việt Nam, khóa 12 sẽ diễn tra trước thời gian quốc hội nhóm họp; tuy nhiên đến nay thời điểm cụ thể cho hoạt động này vẫn chưa được tiết lộ.

470710cookie-checkHội nghị trung ương 11: xáo trộn ít hay đánh nhau lớn?