Giải tán Phố cà phê Đường tàu – Nên bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

0
250
Phố cà phê Đường tàu thu hút khách du lịch quốc tế Courtesy of Báo Pháp Luật TPHCM

RFA

Những năm gần đây, “khu phố cà phê đường tàu” ở Hà Nội thu hút được sự chú ý của rất nhiều du khách quốc tế. Tuy nhiên, địa điểm này đang đứng trươc nguy cơ bị xoá sổ vì bị cho rằng buôn bán nơi này là vi phạm quy định về an toàn đường sắt.

Một số cư dân ở đây cho rằng các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để người dân được kiếm sống và quảng bá du lịch Việt Nam, thay vì cứ giữ mãi cái tư duy “không quản được thì cấm”.

Người dân chịu nhiều tổn thất

Từ chiều ngày 14/9, cơ quan hữu trách quận Hoàn Kiếm, Hà Nội yêu cầu tất cả các hàng quán nằm trong khu phố cà phê đường tàu trên đường Trần Phú phải ngưng mọi hoạt động buôn bán. Tất cả du khách buộc phải rời khỏi con phố này.

Lực lượng chức năng sau đó dựng hàng rào trước các lối dẫn vào khu phố cà phê đường tàu trên các tuyến phố Trần Phú và Phùng Hưng, thuộc quận Hoàn Kiếm, đồng thời dựng biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm”, cấm các hoạt động tụ tập, quay phim, chụp hình…

Anh T, chủ một quán cà phê đang kinh doanh tại khu phố đường tàu trên đường Trần Phú cho biết, lệnh cấm hoạt động khiến anh thiệt hại về kinh tế rất nhiều:

“Bao nhiêu dự định, còn vay ngân hàng các thứ mà bây giờ mình cũng không biết cách nào để trả.

Một chủ quán cà phê khác trên phố đường tàu Trần Phú, không muốn nêu danh tính nói với RFA rằng những hộ dân ở đây không chỉ tổn thất tiền của, mà tinh thần cũng vô cùng bất an vì lệnh cấm các hoạt động buôn bán:

“Tôi mất rất nhiều thứ hơn tiền. Thứ nhất đó là tương lai của con tôi. Nếu có cà phê đường tàu thì con của tôi có cơ hội để giao du với những nền văn minh trên thế giới, có những người bạn quốc tế.

Vấn đề tiếp theo bị ảnh hưởng đó là tinh thần bất an của bà con. Bởi vì sau  hai năm COVID thì bà con khó khăn, gần như hai bà con không có một thu nhập nào cả. Đến khi mở cửa thì được may mắn có khách du lịch sang Việt Nam, mà bây giờ lại không cho làm ăn buôn bán.”

Có vi phạm luật hay không?

Hồi tháng năm, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản gửi UBND Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp, trong đó có cưỡng chế, giải tỏa và xử phạt hành chính để xử lý triệt để tình trạng buôn bán hàng trên tuyến đường sắt.

Nguyên do mà phía Cục đường sắt nêu ra là các hộ kinh doanh quá sát với đường tàu, gây mất an toàn đường sắt.

Theo Nghị định số 56 về “Quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt” được ban hành năm 2018, tại Điều 16 quy định về “Hành lang an toàn giao thông đường sắt” thì hành lang đường sắt đô thị được quy định tối thiểu là ba mét. Việc lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang đường sắt là vi phạm pháp luật, sẽ bị vi xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả.

Nói đến khía cạnh luật pháp, chị chủ tiệm cà phê giấu tên cho biết phải quay về câu chuyện nguồn gốc của các cư dân thuộc phố đường tàu này.

Chị cho hay, tất cả những chủ hộ ở khu vực này nguyên là cán bộ công nhân viên đường sắt. Họ được lãnh đạo Cục đường sắt cấp nhà, với tình trạng gần như được giữ nguyên suốt hơn nửa thế kỷ qua cho đến ngày hôm nay.

Theo chị, điều chua xót nhất là những người sinh sống ở đây đã từng cống hiến hết lòng cho ngành đường sắt. Vậy mà giờ đây, chính Cục đường sắt lại là cơ quan quyết liệt đòi dẹp bỏ kế sinh nhai của cư dân nơi này:

“Nếu các anh nói rằng đường sắt này không an toàn. Vậy thì là các anh bỏ người ta vào nơi không an toàn? Chúng tôi sẽ đồng ý di cư. Vậy thì Cục đường sắt hãy cấp lại nhà lại cho người ta đi.”

Theo quan điểm của anh T, nếu chiếu theo luật hiện hành thì đúng là các hộ dân có vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, mọi người đã sinh sống hợp pháp trong điều kiện nhà ở sát đường ray từ rất lâu, trước khi có cả Luật đường sắt rồi:

“Đúng là vi phạm. Tuy nhiên dãy nhà của chúng tôi có trước Luật đường sắt. Vô hình chung Luật đường sắt lại đặt để người dân vào thế vi phạm luật.

Bà con ở đây cũng rất bức xúc cũng. Nếu mà chúng tôi vi phạm an toàn hành lang đường sắt thì yêu cầu ngành đường sắt giải tỏa để chúng tôi có được một cuộc sống mới ổn định. 

Theo luật pháp, nhà của chúng tôi thì chúng tôi được kinh doanh, miễn là không lấn chiếm và đảm bảo an toàn.”

Cư dân khẳng định phố đường tàu an toàn

Về mối lo ngại mất an toàn khi tàu chạy qua, chủ tiệm cà phê giấu tên khẳng định khu cà phê đường tàu rất an toàn vì tàu chạy theo giờ giấc, và người dân cũng được thông báo trước khi tàu chạy qua 15 phút.

Và thực tế là suốt gần 20 năm qua, ở phố đường tàu đoạn qua đường Trần Phú chưa hề xảy ra vụ tai nạn nào. Chị nói:

“Ban ngày không có tàu từ thứ hai cho đến thứ sáu, đến chín giờ đêm mới bắt đầu có tàu. Còn ngày thứ bảy và ngày Chủ nhật thì mới có lịch tàu chạy ban ngày và lịch tàu chạy thường cố định.

Hơn nữa, trước khi tàu muốn vào thành phố thì phải “xin cung đường”, đồng nghĩa với việc là tất cả những người kinh doanh ở đây đã biết trước từ 10 đến 15 phút, để người ta bảo vệ và hướng dẫn khách hàng, dù chỉ là khách đi tham quan.

Tôi ở đây đến bây giờ là đã 18 năm rồi, tại khu vực cà phê đường tàu đường Trần Phú chưa hề có một vụ va chạm tàu nào, và trong quá trình tôi kinh doanh chưa hề xảy ra bất kỳ một trường hợp nào dù là nhẹ nhất.”

Anh T, cũng khẳng định rằng tất cả các quán hàng kinh doanh trong khu phố đường tàu này đều có gắn biển cảnh báo giờ tàu chạy. Khi tàu đến, chủ quán sẽ dùng loa và còi để cảnh báo cho tất cả du khách bên ngoài vào trong nhà dân để tránh tàu.

Nên tạo cơ hội, thay vì cấm

Hôm 19/9 vừa qua, các hộ dân ở phố cà phê đường tàu, đoạn qua đường Trần Phú đã gởi đơn kêu cứu gởi Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải với mong muốn các cơ quan chức năng sẽ xem xét, tìm ra hướng để duy trì một điểm du lịch thu hút nhiều du khách quốc tế.

Anh T, cho rằng các cơ quan quản lý không nên giữ tư duy “không quản được là cấm”. Thay vào đó, các bên nên ngồi lại để tìm ra một giải pháp hài hoà mà người dân không bị tổn hại quá nhiều:

“Thực tế là sau hai năm dịch COVID đã rất khó khăn, nên chăng ngành đường sắt và UBND thành phố Hà Nội, và thậm chí là tổng cục du lịch bàn giải pháp.

Và chúng ta cần phải bỏ ngay cái tư duy là “không quản được thì cấm”, không nên như vậy. Còn nếu mà các anh cấm thì giải tỏa đi.

Bây giờ phải làm sao cho nó hài hòa, giờ nào không có tàu thì chúng ta vẫn cho khách du lịch vào, đến đúng trước giờ tàu vào thì các cửa hàng phải đóng cửa. Như vậy thì trong tuần vẫn được năm ngày. Thứ bảy, Chủ nhật tàu đi nhiều thì mình không cho vào. Như vậy thì nó sẽ hài hòa hơn.”

Cùng quan điểm, chị chủ quán cà phê giấu tên cũng bày tỏ mong muốn đôi bên Chính quyền và người dân nên ngồi lại bàn bạc vơi tinh thần cầu thị, người dân cam kết sẽ tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp tục được làm ăn, sinh sống:

“Chúng ta hãy tìm cơ hội cho nhau. Hãy cho người ta kinh doanh vào thời điểm không có tàu chạy.

Cái mưu cầu của chúng tôi là cần phải kiếm ăn, con của chúng tôi phải được đến trường, người già phải được đi viện. Đó là những quyền tối thiểu của một con người. Còn nếu điều tối thiểu mà chúng tôi còn không hưởng được thì xin hỏi là chúng tôi sẽ được cái gì?!

Phóng viên RFA liên hệ với Công an quận Hoàn Kiếm và các lãnh đạo Sở GTVT theo số máy được đăng tải công khai trên trang web của Sở này, tuy nhiên không có ai nghe náy.

647770cookie-checkGiải tán Phố cà phê Đường tàu – Nên bỏ tư duy “không quản được thì cấm”