Friday, October 11, 2024
HomeDU LỊCHBLOGĐồng Tâm - 'thảm họa, nguy cơ và cơ hội của Việt...

Đồng Tâm – ‘thảm họa, nguy cơ và cơ hội của Việt Nam’

BBC
Đồng TâmOther/Nhân Dân YouTube
Đồng Tâm, điểm nóng tranh chấp đất đai từ tháng 4/2017 đột ngột nóng lên trở lại vào thượng tuần tháng 01/2020 (Hình minh họa trên Nhân Dân TV YouTube)

Chỉ trong vòng mấy chục tiếng đồng hồ kể từ khi xảy ra biến cố, hàng trăm triệu độc giả của báo chí và các hãng tin tức, truyền thông trên thế giới đã đọc được những sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội của Việt Nam.

Riêng các trang web và dịch vụ cấp thông tin về thời sự Việt Nam từ BBC cho đến YouTube đã được hàng triệu views từ Việt Nam, phản ánh sự quan tâm của nhiều người Việt Nam trong nước về vụ việc.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của bộ máy nhà nước Việt Nam đang theo một hướng rõ: kỹ càng kiểm xuất thông tin một cách toàn diện và đầy mạnh quan điểm rằng vụ Đồng Tâm nên và thậm chí chỉ có thể được hiểu là một vụ “gây rối” của một số kẻ tại một địa phương.

Là một người ngoài cuộc và thiếu thông tin chi tiết, khả năng của tôi để phân tích vụ việc này đương nhiên là hạn chế. Sông, tôi cũng nghi ngờ về về vụ việc này, nhất về ý nghĩa và hậu quả của nó – không chỉ đối với địa phương Đồng Tâm mà đối với cả nước. Có ba nhận xét và một kiến nghị xin chia sẻ với các độc giả quan tâm.

Là thảm họa

Những sự kiện đã và còn tiếp diễn ở Đồng Tâm là một thảm họa – một thảm họa trong nhiều khía cạnh. Một thảm họa cho những nạn nhân, cho cộng đồng Đồng Tâm, và đối với những gia đình và người thân của bốn người được công bố thiệt mạng và số người đã bị thương khác. Và trong một số khía cạnh cũng là thảm họa cho Việt Nam.

Dù trong một trường hợp như thế này chúng ta có thể muốn đứng về một bên, chúng ta nên chấp nhận cả người dân và những hộ gia đình của Đồng Tâm lẫn các thân nhân và gia đình của những sỹ quan Công An đã hy sinh đều là nạn nhân… Nói như vậy không làm giảm tầm quan trọng của các vấn đề pháp lý, đạo đức và chính trị.

Đúng vậy, nhưng câu hỏi đặt ra là hy sinh cho cái gì, và đổ máu vì điều chi?

Đồng TâmOther/Công An Nhân Dân online
Lãnh đạo Bộ Công Anh Việt Nam hôm 11/01/2020 thăm thân nhân, gia đình những cán bộ cảnh sát thiệt mạng trong biến cố ở Đồng Tâm hai hôm trước đó

Về phía người dân Đồng Tâm, thì rõ ràng họ cho rằng những nỗ lực của họ là hoàn toàn chính đáng. Về phía chính quyền tuyến bố vụ việc là vấn đề thi hành luật pháp, dù có quá nhiều câu hỏi về tranh chấp mà còn chưa làm rõ.

Trong mấy năm qua và nhất là từ năm 2017 cho đến tuần vừa rồi, riêng tôi đã ấn tượng về “kỹ năng chính trị” của những người đứng đầu cộng đồng và sự thuyết phục của các bài viết, các diễn văn, thông điệp gần đây.

Gần đây nhất, những lời như “sẵn sàng chiến đấu” đã phản ánh sự tuyệt vọng và quyết tâm của người dân trong lúc họ thấy bạo lực nhà nước sắp xảy ra, dẫn đến tình trạng bị chính quyền xem là thách thức, coi người dân Đồng Tâm là những “đối tượng” cần bị “xử lý” bằng cách triển khai hơn một nghìn binh sỹ và các xe bán quân sự để thi công nhiệm vụ.

Như một số quan sát đã bình luận rằng phía chính quyền đã đạt được mục tiêu ngắn hạn, nhưng về dài hạn chưa chắc có bên thắng nào cả.

Về dài hạn, xã Đồng Tâm sẽ luôn luôn là biểu tượng của một thảm họa, tượng trưng một thời đoạn trong lịch sử của cộng đồng và cả nước Việt Nam, một điều thực ra thật quá đáng tiếc.

Người dân Đồng Tâm sẽ cảm thấy thế nào khi các tòa nhà được xây trên ruộng đất mà dân đia phương đã bỏ sức qua bao nhiêu thế hệ để nuôi chính họ và góp phần cống hiến cho đất nước qua nhiều thời điểm?

Người Việt Nam sẽ cảm thấy thế nào khi nghe tới tên Đồng Tâm trong tương lai?

Rất có thể đa số người sẽ không nghĩ đến những từ “trận gây rối.” Khi một xã hội đổ máu vì một bên có quyền muốn (bằng mọi cách) lấy mảnh đất của một bên yếu thì đó là thảm họa. Mà lại một nguy cơ lớn cho cả xã hội của Việt Nam và sự phát triển và tương lai của đất nước.

Là nguy cơ

Đồng TâmOther/Nhân Dân TV YouTube
Tường bao ở một khu vực tranh chấp đất thuộc xã Đồng Tâm xây ngay trong ngày 09/01/2020 theo phản ánh của truyền thông nhà nước

Không cần đọc lại danh sách của vô số trường hợp to nhỏ khác nhau mà chúng ta biết tới để khẳng định vấn đề đất đai là một trong những vấn đề nóng nhất ở Việt Nam. Trường hợp của Đồng Tâm rõ ràng không phải là vấn đề riêng của một xã, mà phản ánh một tình trạng của một đất nước đã kéo dài nhiều thập niên.

Và chúng ta thấy rõ, những hạn chế của Việt Nam trong việc giải quyết những tranh chấp và xung đột về đất đai đã và còn có nhiều tác động xấu cũng như mang lại những rủi ro cho xã hội, và tác động xấu đến chính trị nữa.

Đại đa số các tranh chấp về đất đai ở Việt Nam có những yếu tố chung, như ép thậm chí cưỡng bước bán rẻ, đền bù ít, làm giàu cho một số nhóm.

Như ai cũng biết, vấn đề này không chỉ có ở Việt Nam. Ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc và một số nước khác, sự kết hợp của những yếu tố này trong một bổi cảnh thế chế thiếu minh bạch vắng mặt một cơ chế pháp quyền dẫn đến những xung đột hết sức gay gắt.

Chúng ta phải nắm rõ rằng những tranh chấp và xung đột về đất đai là một nguy cơ cho toàn xã hội: người công dân mất đất, mất khả năng kiếm sống, bên lấy đất có lợi, mà cả nền kinh tế lẫn chính trị bị xem là một lĩnh vực bẩn thỉu.

Muốn nâng cao năng suất của đất đai là một điều. Nhưng phải có cách làm cực kỳ minh bạch, đạo đức, hợp pháp và xứng đáng với một xã hội công lý.

Là cơ hội

Đồng Tâm là thảm họa. Đồng Tâm là một nguy cơ. Nhưng Đồng Tâm cũng là một cơ hội để cho cả nước Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai một cách hiệu quả hơn vì lợi ích của toàn xã hội và tất cả mọi bên.

Tìm hiểu về vấn đề đất đai, dễ thấy những giải pháp đối với vấn đề này yêu cầu ít nhất hai điều.

Đồng TâmOther/Nhân Dân TV YouTube
Vũ khí tự tạo, tự chế và tự trang bị sử dụng trong xã Đồng Tâm để ‘chống người thi hành công vụ’, theo cáo buộc của chính quyền, công an và phản ánh trên truyền thông nhà nước Việt Nam

Thứ nhất, một yếu tố mà không thể thiếu được là sự quyết tâm chính trị để giải quyết vấn đề này và làm thế phải hiểu được tầm quan trọng và nguy cơ của vấn đề và thực sự đại biểu cho lợi ích của từng cộng đồng, từng công dân.

Chắc chắn những cộng đồng như Đồng Tâm đã không thiếu sự quyết tâm chính trị vì họ thấy là chính cuộc sống của họ bị đe dọa.

Đồng ý hay không với cách biểu hiện sự quyết tâm của họ và sự phản đối quyết liệt của dân Đồng Tâm, sự phản đối và quyết tâm để bảo vệ các quyền mà họ cho thấy là hoàn toàn chính đáng và nên được lắng nghe.

Thứ hai, một yếu tố có tính cách kỹ thuật hơn. Thay vì cho phép chính quyền các địa phương áp dụng những phương pháp bạo động, hãy phát triển những thế chế và cơ chế để xử lý vấn đề này hiệu quả hơn.

Việc cải cách thế chế thường là một quá trình dài hạn và rõ ràng rằng có một số việc phải làm ngay.

Trong đó, theo tôi, có việc tiếp cận kinh nghiệm của các nước có thể chế, cơ chế hiệu quả trong lĩnh vực này như Hàn Quốc và Đài Loan hay các nước khác.

Giới lãnh đạo cũng như cộng đồng, xã hội phải tìm kiếm cho được sự can đảm chính trị để giới thiệu các mô hình từ quốc tế làm sự hướng dẫn thực tế về vấn đề này để giải quyết các tranh chấp đất đai.

Câu chuyện có được một quá trình hòa giải với Đồng Tâm có thể sẽ phức tạp hơn. E rằng ở đây sẽ mãi là một cộng đồng không được vui.

Có câu nói rằng trong lịch sử của nhân loại, đã chưa bao giờ có việc một mảnh đất lấy từ một bên sang một bên khác bằng cách thật thà.

Dù câu này chắc đã được phóng đại đến một chừng mực nhất định nào đi nữa, thì người dân của một nước mà đã từng bị xâm lược, trải qua thời thuộc địa và các cuộc kháng chiến, và đã kinh qua cả thời bao cấp cũng biết câu này đang nói về điều gì.

Ông Lê Đình Kìnhother
Ông Lê Đình Kình (hay Cụ Kình theo cách gọi của người dân địa phương), cựu chiến binh, cựu cán bộ xã, thiệt mạng trong biến cố bạo lực ngày 09/01/2020 sau khi chính quyền, công an và các lực lượng vũ trang tấn công vào xã Đồng Tâm

Dù câu hỏi có vẻ buồn cười, nhưng vấn đề nó nêu ra mang một tầm quan trọng sâu sắc cho xã hội.

Hiện nay ở Việt Nam, trong một thời điểm mà các nhóm lợi ích và các nhóm lũng đoạn chính sách đang cực kỳ làm giàu thì câu nói này chắc chắn là không xa góc nhìn của người dân Việt Nam mà đã phải chịu áp lực về chuyện phải bán hay mất đất.

Việc Việt Nam có tăng trưởng khá cao, dù nước này thực ra vẫn đang vẫn còn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, là điều đáng khích lệ.

Nhưng chúng ta phải nhìn rõ rằng chỉ riêng tăng trưởng, chỉ riêng làm giàu đơn thuần thôi, sẽ chẳng nói lên điều gì về phúc lợi xã hội, về bền vững mội trường, hay hiệu quả, chất lượng phát triển của đất nước.

Một tư duy khác

Tiêu chuẩn quan trọng nhất về sự hiệu quả của một nhà nước là hiệu quả của nó trong việc đảm bảo nâng cao và cải thiện mức sống của công dân. Làm như thế trong một bối cảnh của một xã hội đang thay đổi nhanh là không dễ.

Khi một nhà nước có hành vi bị xem là không phục vụ những lợi ích cơ bản của dân, của xã hội, của quốc gia, mà chỉ hay chủ yếu chỉ được xem là hoạt động phục vụ cho một hay một số nhóm lợi ích thì điều đó vô cùng tai hại và khiến cho người dân thường thấy như họ đang bị trùm côn đồ hoặc mafia áp chế.

Trong kinh nhiệm nghiên cứu về Việt Nam của tôi, một trong những điểm nhạy cảm nhất, làm cho người dân Việt Nam và mạng xã hội bức xúc nhất chắc chắn là vấn đề tham nhũng, như chính đương kim Tổng Bí thư đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận.

Một điểm nhạy cảm khác chắc chắn là nhận thức rộng rãi (có thể được xem là đúng hay chỉ đúng một phần) rằng chính quyền Việt Nam hay nhiều người trong chính quyền Việt Nam nhiều khi biết mà không (muốn) nghe.

PGS. TS. Jonathan LondonBBC/Bàn Tròn Thứ Năm
PGS. TS. Jonathan London tin rằng Việt Nam có thể biến đổi kinh nghiệm Đồng Tâm từ một thảm họa thành một cơ hội, nếu tiếp cận tư duy mới, cách thức mới hợp lý hơn để xử lý vấn đề

Là người quan sát chính trị Việt Nam tôi biết quan điểm này cũng hết sức nhạy cảm.

Song vụ việc ở Đồng Tâm chắc hàm ý rằng kỹ năng lắng nghe của chính quyền, nhà nước còn thiếu hay ít nhất là không đồng đều qua các lĩnh vực và địa phương.

Trong một bối cảnh như thế chúng ta không nên quá vội vã trong việc coi một trường hợp như Đồng Tâm một trận “gây rối.” Vì sao? Vì đúng ra về mặt bản chất, vấn đề của Đồng Tâm nói đến một vấn đề chung của đất nước.

Muốn giữ động thái xây dựng nhất thì hãy nhận ra cơ hội và hãy có tư duy, cách làm khác cùng nỗ lực để làm cho Đồng Tâm trở thành một bước ngoặt trong lịch sử đương đại của đất nước Việt Nam.

Làm như vậy mới vượt qua nỗi đau và căng thẳng của thảm họa Đồng Tâm và cùng nhau tiến tới một xã hội Việt Nam văn minh và công bằng như đại đa số người Việt Nam đều muốn và đã chờ đợi từ xưa đến nay.

Bài viết thể hiện văn phong bằng tiếng Việt và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Phó Giáo sư, Tiến sỹ về Chính trị kinh tế học và Xã hội học tại Đại Học Leiden, Hà Lan.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular