Đồng Tâm: Luật sư nói vụ án thông thường nhưng bị coi như một vụ án chính trị

0
283
Xã Đồng Tâm nơi diễn ra vụ đụng độ giữa hàng trăm CSCĐ và người dân thôn Hoành vào rạng sáng 9/1 khiến cụ Lê Đình Kình thiệt mạng -Hình minh hoạ Reuters - RFA edited
RFA

Sau gần 9 tháng xảy ra cuộc tấn công của lực lượng công an nhằm vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân khiến 4 người thiệt mạng, gia đình 29 người dân Đồng Tâm bị bắt đến nay vẫn chưa được gặp mặt để biết về tình hình sức khỏe người thân trong trại giam. Do vậy họ mong chờ ngày xét xử diễn ra để có thể thấy mặt thân nhân.

Nói rõ hơn về tình trạng vừa nêu, chị Oanh, một người dân Đồng Tâm cho hay:

“Người dân mong chờ phiên tòa rất lâu, từ ngày 9/1 bắt 29 người đi thì người thân cũng chưa có bất kỳ thông tin chính xác nào từ 29 người bị bắt nên rất mong mỏi phiên tòa này để ít nhất có thể ra phiên tòa để nhìn thấy người thân mình thế nào. Chỉ khi luật sư đăng lên thì mới biết, còn không thì chẳng biết thêm gì cả. Luật sư thì nghe bảo từ đó đến giờ mới chỉ gặp một lần thì họ bảo sức khỏe mọi người tạm thời ổn định, nhưng chỉ là nghe nói chứ thực tế thì không biết được. Tình hình anh Trúc thì đợt trước bị bệnh sau nghe bảo đỡ hơn một chút.”

RFA liên lạc với Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc công ty luật ATN tại Hà Nội và được ông cho biết tình hình gặp gỡ thân chủ của các luật sư đã được cải thiện so với trước đây:

Trước khi chúng tôi có kiến nghị tập thể thì việc tiếp cận hồ sơ, tiếp cận thân chủ có gặp khó khăn, nhưng đến thời điểm này thì mọi người đều có thể gặp hết rồi. Trước đây trong giai đoạn điều tra, khi hồ sơ chưa qua Viện Kiểm sát chúng tôi nhiều lần kiến nghị liên quan đến việc kết thúc điều tra thì chúng tôi có quyền tiếp cận hồ sơ. Tuy nhiên từ cơ quan điều tra đến Viện Kiểm sát đều không cho chúng tôi tiếp cận hồ sơ, sau khi hồ sơ qua tòa thì chúng tôi có một số kiến nghị. Sau đó tòa đã chấp thuận cho các luật sư được sao chụp hồ sơ thì đến thời điểm này tất cả các luật sư đã có hồ sơ trong tay. Còn các luật sư chỉ định thì có lẽ họ nghiên cứu theo hướng của họ, chắc họ không sao chụp hết.”

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành luật, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận xét về phiên tòa sắp diễn ra trong vài ngày tới như sau:

“Nếu đánh giá phiên tòa theo đúng kế hoạch vụ án xét xử công khai thì nó không có, đây là vụ án thông thường nhưng người ta sẽ làm chặt chẽ còn hơn vụ án chính trị chúng tôi tham gia. Nên tôi vẫn nói đây sẽ là vụ án rất khó khăn tất cả các bên. Sự việc bảo vệ phiên tòa chặt chẽ, không cho gia đình, những người thân của bị cáo tôi nhận thông tin là không có gia đình bị cáo nào nhận được giấy mời hay giấy triệu tập từ phiên tòa để họ có mặt, thông báo người thân của họ được đưa ra xét xử.”

Xác nhận thực tế vừa nêu, chị Oanh cho hay gia đình chị vẫn chưa nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa ngày 7/9 sắp đến, nhưng chị và những gia đình của 29 bị cáo được đưa ra xét xử vẫn muốn đến tòa với hy vọng được gặp mặt người thân sau hơn 9 tháng xa cách.

Tuy nhiên, chị Oanh cho biết phía công an đã khống chế hết các chủ xe của các dịch vụ xe chở hợp đồng khiến ước muốn gặp lại người nhà của dân Đồng Tâm càng trở nên khó khăn.

“Tự nhiên đêm thì chủ xe họ không dám nhận nữa vì họ còn phải làm ăn, mà công an bảo không được chở, nếu cứ chở thì khi tham gia giao thông họ sẽ cho cơ quan chức năng giữ xe của chủ xe lại thì bên phía chủ xe bắt buộc không dám chở người dân đi nữa. Nhà chị thì chị gọi bây giờ người ta không nhận, họ từ chối hết. Những chủ xe ở trong làng hoặc ngoài xã gần đấy mà gọi thì họ đều từ chối với lý do bận. Còn xe chị đặt được ngay từ đầu thì họ nhận nhưng sau này họ trả lời như thế. Bây giờ bên phía người dân gọi thì không đặt được xe nữa.”

Chính quyền Hà Nội đưa hình ảnh người dân Đồng Tâm bị bắt giữ lên Đài truyền hình VTV do nhà nước kiểm soát.
Chính quyền Hà Nội đưa hình ảnh người dân Đồng Tâm bị bắt giữ lên Đài truyền hình VTV do nhà nước kiểm soát. Courtesy photo

Cuộc tấn công hôm 9/1 diễn ra khi vụ việc tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm chưa phân định kết quả dân đúng hay chính quyền đúng. Phía Công an cho rằng Cụ Lê Đình Kình là chủ mưu chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng được huy động đến để tiêu diệt các phần tử bị cho là ‘phản động’.

Phía người dân trong cuộc nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Chị Oanh Lê bày tỏ:

“Người dân từ xưa tới giờ quá tin vào đảng nên bây giờ xảy ra vụ việc thế này thì người ta còn đang hoang mang, cũng chỉ biết chờ ra tòa xem họ xử thế nào. Người dân xưa giờ chỉ nghĩ là đất của mình thì mình giữ, hưởng ứng theo lời kêu gọi chống tham nhũng mà chính phủ kêu gọi nên họ đồng lòng ủng hộ. Bây giờ ở địa phương đất đai như thế thì người dân toàn tâm toàn ý công cuộc bảo vệ quyền lợi của mình và bảo vệ chính sách của đảng nhưng đâu ai biết hậu quả như thế. Bây giờ người dân bất ngờ, tuyệt vọng, chẳng biết phải làm thế nào nên chỉ biết chờ đợi phiên tòa này chủ yếu tòa án xử thế nào.”

Trước đó, vào ngày 25/8, khi đưa tin về ngày diễn ra phiên tòa, truyền thông Nhà Nước Việt Nam đã dùng những tiêu đề gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Điển hình như Đài truyền hình Việt Nam VTV có bài viết ‘Ngày 7/9, xét xử vụ giết người khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh ở Đồng Tâm’; hoặc bài báo ‘Sắp xét xử vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm’ của báo Tuổi Trẻ online…

Đến ngày 30/8 vừa qua, Truyền hình An ninh TV, VTV đã về Đồng Tâm phỏng vấn một số gia đình được cho rằng đã từng đã nhận tiền bồi thường đền bù đất đai trước đó.

Vì vậy, nhiều người trong cuộc nhận xét những phóng sự hay tin tức mà truyền thông nhà nước Việt Nam loan tải không đáng tin cậy, như lời chị Oanh:

“Họ cứ đưa ra những cái không đúng sự thật, họ cấu kết với những người được hưởng lợi để người ta nói lên những điều không phải sự thật để đánh lừa dư luận, lạc hẳn đi vấn đề người Đồng Tâm làm. Chẳng ai chống phá, chẳng ai chống đối, cũng chẳng có tư tưởng hay suy nghĩ gì về việc ấy.”

Trong cuộc tấn công với hơn 3.000 quân từ lực lượng chức năng, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm trong việc giữ đất đã bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 29 người dân đang bị bắt giam, bị khởi tố. Trong đó bao gồm 25 bị can bị truy tố về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 4 người bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo chị Oanh Lê, người dân Đồng Tâm đã mong mỏi phiên tòa này trong gần 9 tháng qua:

“Hy vọng các luật sư cố gắng để phiên tòa có nhân chứng thực tế. Ví dụ như họ nói ba công an chết thì chẳng có bằng chứng gì cụ thể thì không thể nào vu khống cho người ta như thế được. Phía người dân chẳng ai biết, cũng chẳng có gì ngoài đám tang họ đưa lên, chẳng ai biết có người chết hay không. Họ nói vậy thì chỉ biết vậy, họ dùng hệ thống truyền thông, tất tần tật từ xưa đến giờ họ đều ngụy tạo.”

Trao đổi với RFA, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho hay các luật sư sẽ làm đúng nhiệm vụ của mình và sẽ nỗ lực giúp các thân chủ trong phiên tòa ngày 7/9 tới đây. Tuy vậy, ông nhận định kết quả lần này sẽ không mấy khả quan:

“Sẽ rất khó có một bản án công bằng đối với họ được dù truyền thông nói rất tốt. Tôi nghĩ rất khó có bản án khách quan, công tâm đối với họ nên tôi thấy hy vọng về bản án là hơi khó, hơi mờ mịt.”

Tòa án Nhân dân Hà Nội cho biết Hội đồng xét xử trong phiên tòa ngày 7/9/2020 sẽ gồm 5 người, trong đó có 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa.

563950cookie-checkĐồng Tâm: Luật sư nói vụ án thông thường nhưng bị coi như một vụ án chính trị