Wednesday, October 23, 2024
HomeBLOGĐỊNH MỆNH (5)

ĐỊNH MỆNH (5)

Bạch Cúc

Anh không thể đến dự lễ Tốt nghiệp của nàng, dù yêu nàng biết bao nhiêu mà anh lại vắng mặt trong một ngày trọng đại như vậy? Nàng không có lời giải đáp bởi nàng không hề biết:

Anh bắt đầu đổ đốn!

Từ ngày vào công trình làm việc, tiếp xúc với công nhân, thầu xây dựng anh bắt đầu biết uống bia uống rượu. Cả ngày lam lũ ở công trình, mệt mỏi lao động vất vả và đến tối thì buồn chán, thế nên công nhân ở tại công trình hay ở trọ gần đó rất thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt. Và lần nào họ cũng rủ rê, bắt ép rồi khích tướng anh. Anh từ chối mãi cũng không tiện nên đành hùa vào cuộc vui. 1 lần, 2 lần, tới “n” lần thì bắt đầu thành thói quen. Và tửu lượng anh ngày càng tăng, nếu không có ai rủ rê thì anh cũng thấy nhạt miệng. Nhưng anh còn chút tỉnh táo, anh không bao giờ đụng đến bia rượu mỗi khi nàng tới thăm anh, thế nên, nàng không hay biết gì cho tới khi, đó là vào đêm trước ngày lễ Tốt nghiệp của nàng:

Anh rất vui khi loan báo cho bạn bè ở công trình biết tin ngày mai nàng sẽ nhận bằng tốt nghiệp, nên họ đã phấn khởi tổ chức một tiệc nhậu xem như là ăn mừng. Niềm vui, những lời chúc tụng, những lời khen ngợi anh có một người yêu vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang đã khiến anh uống quá nhiều, nhiều tới mức mà anh đã nằm liệt giường luôn sáng hôm đó, không thể nào dậy nổi để đi đến trường chúc mừng nàng. Và anh không hay biết, sự vắng mặt của anh như vết d.ao đ.âm buốt tim nàng. Nàng đã tổn thương đến mức không còn muốn nhìn thấy mặt anh nữa!

Ba tuần sau:

Anh đợi mãi mà không thấy nàng đến thăm, anh liền xin phép ban quản lý công trường nghỉ vài ngày để về nhà thăm nàng. Ba tuần chờ đợi nàng, dài đằng đẵng như 3 thế kỷ. Anh đã cố gọi điện thoại bàn đến nhà nàng nhưng vô vọng, luôn là Cha nàng bắt máy và ông bảo nàng không có nhà rồi cúp máy. Anh nhờ ông nhắn nàng gọi lại cho anh nhưng biệt vô âm tín. Quá sốt ruột, anh xin phép về nhà ngay nhưng ban quản lý công trình không cho. Do anh là thủ kho duy nhất có thể rành việc nhập xuất vật liệu, thiết bị xây dựng. Công trình lại đang trong giai đoạn gấp rút phải tăng ca, làm thêm cả ngày chủ nhật nên họ không cho phép anh nghỉ làm. Họ bắt anh phải đợi đến chủ nhật tuần thứ 3 thì anh mới được nghỉ phép!

Và anh đã đạp xe như bay, ruột gan nóng như lửa đốt như linh tính điều gì. Về tới nơi, anh không về nhà mình ngay mà lao thẳng đến nhà nàng, nhưng hỡi ôi:

Cảnh cũ còn đây nhưng người xưa đã đâu mất!

Anh đứng ch.ết lặng, chôn chân giữa sân nhà nàng khi Cha nàng cho hay:

Má nàng đã được Cậu nàng bảo lãnh qua Mỹ du lịch 6 tháng, và khi vừa nhận được bằng xong thì nàng xin phép Cha nàng: nàng bảo nàng phải rời nhà ít tháng, lên Đà Lạt thực tập. Nói thế rồi ít ngày sau nàng khăn gói lên đường, chỉ nhắn với Cha rằng nếu ai có gọi cho con thì cứ bảo con không có nhà, chỉ vậy thôi!

Và Cha nàng đã già, ông không biết gì về việc học hành của con, ông chỉ thấy hân hoan vì con gái đi thực tập nghĩa là đứa con ông thương nhất nhà đã trưởng thành và sắp có công ăn việc làm. Thế nên ông dặn nàng kỹ lắm, bảo đi xa thì phải lo sức khỏe, ăn uống đều đặn và nhớ gọi điện thoại về nhà để Cha yên tâm, Má bay có gọi hỏi bay ra sao thì tao còn biết đường mà trả lời bả!…

Và Cha nàng không biết, cả anh cũng không biết: nàng tình nguyện gia nhập Thanh niên xung phong để lên một Trại cai nghiện xa tít tắp làm Quản giáo!

Chuyện là: vào những ngày tháng cuối cùng ở trường Luật, nàng thấy người ta dán một tờ thông báo khuyến khích các sinh viên vừa tốt nghiệp gia nhập TNXP, làm Quản giáo ở Trại cai nghiện. Thời điểm ấy: tuổi trẻ, lý tưởng và hoài bão luôn là ngọn lửa sục sôi trong lòng nàng. Nàng nghĩ rất đơn giản, nàng chỉ muốn cống hiến điều gì đó cho xã hội. Và không chỉ riêng mình nàng, 2 đứa bạn gái thân của nàng đã quyết tâm đi. Chúng rủ rê nàng đi cùng 1 lượt vì trên đó người ta đang thiếu quản lý lắm nhưng nàng chưa dám quyết. Bởi nàng sợ Má nàng không cho đi, làm gì có người mẹ nào đồng ý cho đứa con gái non nớt vừa học hành xong đến xứ xở của những người cai nghiện. Nhưng định mệnh trùng hợp, Má nàng đã bay qua Mỹ ít ngày trước khi có lễ Tốt nghiệp, thế nên bà không thể có mặt ở nhà để cản trở nàng. Và trong cái ngày lễ Tốt nghiệp “đau buồn” đó, sự vắng mặt của anh đã thổi vào nàng sự quyết tâm: nàng muốn rời xa Sài Gòn vì giận anh ngút ngàn + nàng muốn cống hiến cho “lý tưởng”, muốn giúp đỡ những người nghiện quay trở lại xã hội, và đặc biệt là “người ta” hứa: chỉ cần cống hiến vài năm, họ sẽ có một đãi ngộ vô cùng tương xứng, nhưng… có ai ngờ:

“Đâu biết lần đi một lỡ làng

Dưới trời đau khổ chết yêu thương

Người xa xăm quá tôi buồn lắm

Trong một ngày vui pháo nhuộm đường!”*…

—-

Những ngày tháng làm Quản giáo ở Trại cai nghiện, nàng như già thêm 10 tuổi bởi: đây không phải là một nơi giáo dưỡng như người ta nghĩ, mà đó là một Trại tù đúng nghĩa!

Nàng chỉ là một cử nhân vừa tốt nghiệp, chân ướt chân ráo đến một nơi hoàn toàn xa lạ, được giao nhiệm vụ quản lý 50 “con Đại bàng” đủ mọi cỡ tuổi, tất cả đều là gái m.ại d.âm nghiện ngập, bị thu gom trong một chiến dịch “ngầm” gọi là “Ba sạch”: 1 sạch mại dâm, 2 sạch m.a t.úy, 3 sạch tệ nạn xã hội. Họ đưa hàng ngàn người đến các Trại cai nghiện giữa rừng hoang vu được xây dựng vội vã, cơ sở vật chất vô cùng tạm bợ, thiếu thốn trăm bề và đặc biệt là họ chưa kịp đào tạo người quản lý. Thế nên, người ta mới thông báo khuyến khích sinh viên vừa ra trường tự nguyện lên đây làm quản lý, và hứa hẹn ít năm sẽ được “bố trí” một công việc xứng đáng trong các cơ quan nhà nước!

Và nàng, một cô bé mắt nai ngơ ngác, chưa từng nếm trải mùi đời đã lạc bước vào một xã hội thứ 2. Xã hội này chứa đựng tất cả những tay anh chị đầu gấu nhất, xăm xổ kín mít từ đầu tới chân và sống ngoài vòng pháp luật. Cả cuộc đời họ sống ở thế giới màu đen, tạm gọi là sống tận đáy xã hội. Tất cả đều nghiện ngập, vướng đủ thứ bệnh lý, bị tống vào một nơi không khác gì trại tù nhưng lại không có tòa án tuyên xử, không biết bản án cho chính mình ngày nào, giờ nào được tha? Do thế, họ sống bất cần đời, sống vật vờ không muốn thấy bình minh. Sống mà như đã ch.ết bởi cuộc sống nơi đây quá khổ ải, không khác gì lò luyện ngục. Hầu như tất cả đều không còn niềm tin, không còn chút hy vọng. Đã có rất nhiều người liều thân chạy trốn nhưng đều thất bại. Khu vực lòng chảo đó biết chạy đâu cho thoát, xung quanh là bạt ngàn rừng cà phê, 4 phương 8 hướng đều có chòi căn gác cao thật cao, thế nên, tất cả các con nghiện ở đây đều không thể trốn thoát! Họ cứ chạy loanh quanh, chạy lòng vòng mãi không tìm thấy hướng ra, chạy mệt nhoài đến khi ngã nhào bất động thì có người ra kéo về. Rồi những người chạy trốn bị đánh đập, bị biệt giam, bị trừng phạt để thấy làm con người mà khổ nhục hơn làm con chó. Và đã có không ít người tuyệt vọng, tuyệt vọng đến mức họ lén giấu 1 cây tăm nhọn, để nửa đêm rạch nát mạch máu nơi cổ tay. Hay có người chạy trốn tìm đến một thân cây cao, xé bộ đồ đang mặc tết thành thòng lọng. Để cuối cùng thân xác họ trần như nhộng treo lủng lẳng, mắt trợn trừng nhìn lên cao xanh, ch.ết b.i th.ảm giữa cánh rừng đầy hương hoa cà phê và lạnh căm giá rét. Họ đoạn tuyệt cuộc sống để mong hóa thành mây gió, để cho xong một kiếp người; để trốn chạy, thoát khỏi địa ngục trần gian có một nơi gọi là Trại cai nghiện. Bởi nơi đây, họ bị xem là “con thú” chứ không còn được gọi là con người nữa!…

Và kỷ luật ở trại vô cùng khắc nghiệt, cũng như điều kiện sinh sống không khác gì thời tiền sử. Những người nghiện được nuôi bằng cơm trắng chan nước tương pha loãng + 1 tô canh lõng bõng vài cọng rau. Tất cả khẩu phần chỉ có thế, không có gì thêm ngoài món “ớt”. Ớt được người ta xắt bỏ vào những thau nước tương, 2 phần nước tương pha với 8 phần nước muối + ớt. Nàng nhìn bữa cơm của những người bị giam cầm nơi đây mà chan hòa nước mắt. Nàng xót thương cho họ nhưng bất lực, nàng nghĩ rằng dù họ là 1 thành phần gây bất an cho xã hội nhưng người ta đang “cải tạo” hay đầy đọa họ? Tất cả họ đều là con người, mà đã là con người thì phải được sống bằng những quyền tối thiểu, cơ bản nhất cơ mà.

Và nàng còn đau lòng hơn khi 90% những chị phụ nữ nàng đang quản lý đã nhiễm bệnh, là căn bệnh thế kỷ đến nay vẫn chưa có thuốc chữa. Và nàng đã khóc rấm rứt hàng đêm mỗi khi có một linh hồn lìa khỏi thể xác. Nàng không biết làm gì cho họ ngoài lời nguyện cầu. Nàng đạo Công giáo nên chỉ biết mong Chúa đoái thương đến một linh hồn tội nghiệp. Cả một cuộc đời gái m.ại d.âm phải bán xác thân, đa số sa chân vào chốn bùn nhơ đều vì hoàn cảnh gia đình. Có cô gái bị cha dượng c.ưỡng h.iếp đến mang thai và bỏ nhà đi vì không muốn mẹ ruột đau lòng. Có cô gái bị bán vào nhà chứa để lấy tiền chuộc cha cờ bạc, đề đóm. Có cô gái b.án tr.inh để kiếm đồng bạc nuôi lũ em. Tất cả đều bất hạnh như nhau, đều vì hoàn cảnh đưa đẩy mà thành gái làng chơi phục vụ, mua vui cho thiên hạ. Nhưng đến khi họ ch.ết, lại là cái ch.ết thảm thương với đủ mọi loại bệnh tật. Thân xác họ bị dày vò, lở loét bốc mùi hôi thối, ch.ết trong đớn đau tận cùng với căn bệnh mà cả xã hội đều ghê sợ. Họ đã ch.ết mà không thể nhắm mắt, đôi mắt cứ mở trừng trừng như chờ đợi người thân. Một cái ch.ết cô độc không ai khóc than, không một nhành hoa đưa tiễn. Và cuối cùng, cả cuộc đời họ khép lại bằng một nấm mồ trơ trọi, lặng yên giữa rừng hoang lộng gió! 

Thôi, cũng xem như là xong một kiếp người: “Hồng nhan bạc phận”!

—-

Lên Trại cai nghiện được 2 tháng nàng mới được phép biên thư về cho anh. Tại sao lại như thế thì đơn giản chỉ là tại quy định. Nàng đang ở Trại cai nghiện, chính xác hơn là 1 Trại tù, là một nơi vô cùng khắc nghiệt trong lưu chuyển thông tin. Họ phải thử việc nàng 2 tháng, ký hợp đồng chính thức rồi mới cho phép nàng gửi thư từ. Và tất cả các bức thư được gửi ra ngoài hay thư đến đều được bóc ra, kiểm duyệt vô cùng chặt chẽ. Nàng chỉ dám viết vài dòng rất ngắn gọn cho anh, không dám bày tỏ yêu thương, nhung nhớ qua những cánh thư như ngày anh đi Bộ đội. Nàng đơn giản chỉ cho anh biết nàng vẫn ổn, nàng không còn giận anh nữa và khuyên anh ráng làm việc thật tốt, dành dụm tiền lương và cả nàng cũng thế. Nàng bảo ở trên đây nàng không có cơ hội xài tiền, lương lãnh ra hầu như còn nguyên vẹn nên anh ráng đợi ít năm, khi ấy nàng đã dành dụm được kha khá, nàng sẽ nghỉ làm, về lại Sài gòn được bố trí công việc “nhà nước”, rồi cả 2 thưa chuyện với gia đình, và nàng sẽ trở thành vợ anh!

Và thư đi thư lại, anh kể nàng nghe công việc của anh, anh nhung nhớ và mong ngóng được lên Trại thăm nàng. Anh bảo anh sẽ để dành ngày phép, sẽ lên thăm nàng ít nhất vài ngày. Anh hỏi nàng rất kỹ về điều kiện thăm gặp, rồi nàng có xin phép được ra khỏi trại không? Nếu không, anh sẽ thuê nhà nghỉ ở phía ngoài đường, sẽ nhờ xe ôm trở vào trong trại, được gặp nàng vài tiếng theo quy định rồi lại trở ra. Nàng đừng mong ngóng, anh nhất định sẽ sớm lên thăm nàng!

Và cuối cùng, ngày anh lên thăm đã gần kề, nàng nôn nao tới mức ăn ngủ không được. Nàng đã vốn gầy như xác ve, từ ngày lên đây nàng bị giảm thêm 6 ký, bởi điều kiện ăn uống kham khổ quá. Thức ăn cho Quản giáo chỉ nhỉnh hơn khẩu phần của trại viên là 1 tí rau, 1 tí thịt và hầu như là cá khô chứ không có cá tươi. Bữa cơm nào nàng cũng chan nước mắt, nàng nghĩ nàng đói trong 5 năm học Đại học là đã quá đủ rồi, ra trường đi làm nhất định có tiền sẽ ăn thật ngon, ăn cho thỏa chí bao năm đã thèm thuồng và đói khát. Ấy vậy mà, định mệnh đói khổ mãi theo đuổi nàng. Ở trên đây có tiền cũng chẳng mua được gì. Trong căn tin trại người ta cũng chỉ bán ít sữa hộp và vài ba loại kẹo bánh. Tất cả chỉ có nhiêu đó, thế nên cơ thể nàng gầy guộc, thiếu chất lắm.

Và cuối cùng, hôm nay là ngày anh đến trại thăm nàng. Từ sáng sớm nàng đã thức dậy, tắm rửa sạch sẽ và chải mái tóc đen dài, bóng mượt xưa kia giờ đã trở thành xơ xác, khô cứng vì ăn thiếu chất và phải tắm bằng nước từ suối kéo về trại. Mỗi khi tắm, nàng mất cả tiếng đồng hồ vì phải đợi cho nước lắng lại, nước suối đổ về kéo theo cả bùn đất đỏ quạch, nhiều khi tắm xong mà mình mẩy, đầu tóc vẫn còn vương đất. Thế nên, sáng nay nàng lo lắm, nàng sợ anh thất vọng khi nhìn thấy hình dung nàng. Có lẽ anh sẽ đau lòng khi nàng không còn xinh đẹp như xưa nữa. Điều kiện sống ở đây đã tàn phá nhan sắc của nàng, đã rất nhiều lần nàng muốn bỏ tất cả quay về lại thành phố mà không đành lòng, bởi: nàng vì quá thương cảm cho những thân phận đàn bà ở đây. Họ đã từng ngang dọc trong giới giang hồ, lăn lộn giữa bùn lầy nhưng trái tim ai cũng ấm nóng và xem nàng như vị cứu tinh của họ. Bởi: duy nhất có mỗi mình nàng vẫn xem họ là những con người! Nàng từ ái, lắng nghe tất cả câu chuyện đời họ, nàng từ tâm – chia sẻ cho họ tất cả những gì nàng có dù chỉ là cục xà bông nhỏ xíu hay chút kem đánh răng. Họ xưng “Cô” với nàng theo quy định nhưng trân quý nàng như người trong gia đình. Từ ngày nàng đến đây, nàng trao cho họ yêu thương và cũng dạy họ phải biết sống trong hy vọng. Tất cả những con “Đại bàng” hung dữ đã xếp lại đôi cánh, không còn gây sự, đánh nhau như cơm bữa mà đều xem nhau như người một nhà. Họ lo lắng nàng khổ cực quá sẽ bỏ về Sài Gòn, nên ngày nào họ cũng nỉ non, thủ thỉ, van vỉ để giữ chân nàng ở lại!

Và ngày hôm ấy, mỗi giây phút trôi qua, đợi anh đến thăm bỗng dài như thiên thu. Nàng mong ngóng, dòm kỹ từng chuyến xe chở người nhà lên thăm trại viên. Nhưng tới trưa trật, quá giờ cơm nàng vẫn không thấy anh đâu. Nàng muốn òa khóc ngay tại chỗ vì cái cảm giác đau đớn, chờ đợi anh trong vô vọng vào ngày lễ Tốt nghiệp bỗng quay trở lại. Nàng rùng mình, sợ hãi, lo lắng muốn ngất thì ơ kìa, xa xa là một chiếc xe máy đang lao tới!

Nàng bỗng mỉm cười hạnh phúc, nàng đoán chắc đó là anh, có lẽ anh đã xuống xe ở ngoài đường, tìm thuê phòng trọ, để lại đồ đạc cho đỡ vướng víu rồi thuê xe ôm vào đây. Do xe chở người nhà của trại viên đến thăm sẽ phải rời khỏi trại theo đúng giờ quy định. Nàng không ngờ anh tinh tế đến thế, không cần nàng dặn anh cũng biết chuẩn bị!

Và chiếc xe máy đỗ xịch trước mặt nàng, người thanh niên ngồi sau xe bước xuống. Mặt mũi, quần áo người ấy lấm lem toàn bụi đỏ. Chàng trai bước nhanh đến trước mặt nàng, rồi vòng tay ôm nàng thật chặt. Nàng bỗng òa lên khóc nức nở, đôi vai gầy run lên bần bật, nàng gục đầu vào vai chàng thanh niên và giống như muốn khịu xuống. Tất cả những người xung quanh đều ngạc nhiên khi thấy nàng khóc lớn, nhưng họ tế nhị lảng ra xa, họ muốn để cho “cặp đôi” đó được tự nhiên thể hiện cảm xúc. Họ nghĩ, chắc là người ta yêu nhau thắm thiết, được gặp nhau nên mừng quá mà òa khóc. Nhưng cuộc đời không phải là mơ, khoảnh khắc ấy không một ai biết:

Chàng trai đó không phải là “Anh”, mà là người bạn thân của anh! Chàng trai ấy trong bộ tứ, họ đã thân thiết với nàng từ thủa niên thiếu. Cũng chính chàng trai ấy đã thương nàng mãnh liệt, đã cố gắng hết sức tấn công nàng mà bị nàng từ chối!

Vậy tại sao người đến thăm nàng không phải là “Anh”, mà lại là chàng trai này? Định mệnh lại trớ trêu thêm chuyện gì nữa đây? Tại sao và vì sao thì:

Xin chờ tập kế tiếp!

* Đoạn thơ trong bài thơ “Hai sắc hoa Tigon” của tác giả TTK.h

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

  1. Hi, Neat post. There’s an issue together with your web site in internet explorer, may test this텶E still is the marketplace chief and a good component of people will pass over your fantastic writing due to this problem.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular