DẠY CON TRAI

0
210

Hoa Nguyễn

(mất khoảng  5 phút đọc)

Nếu bạn ở Việt Nam , là người Việt Nam, có cả con gái lẫn con trai thì có lẽ bạn cũng thấy nuôi và dạy con trai khó hơn con gái. Nếu bạn có con trai trong khoảng từ 10 đến 15 tuổi, thì bạn rất nên đọc bài này.

Tôi muốn giới thiệu cuốn The Making Of Man của bác sỹ Arne Rubinstein, CEO của Viện nghiên cứu Nghi thức vượt qua (The Rite of Passage Institute Australia). Ông đã giúp đỡ hơn 150.000 người khắp thế giới vượt qua những khó khăn của giai đoạn dậy thì, phát triển và làm chủ quá trình chuyển hoá từ thiếu niên thành đàn ông một cách thành công, lành mạnh và hạnh phúc. Bản thân ông là bố đơn thân của 2 người con trai. 

Cuốn sách The Making of Man của ông rất nên dịch sang tiếng Việt và phổ biến ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay khi việc dạy con trai trở thành người đàn ông bị ngó lơ. 

Và, (tôi xin lỗi những người đàn ông Việt Nam không liên quan đến những cáo buộc phía dưới, và xin lỗi những người đàn ông Việt Nam nào cảm thấy bị công kích, dù đây hoàn toàn không phải công kích cá nhân và vô căn cứ), – hậu quả là những gì xã hội chúng ta đang chứng kiến : 

những người đàn ông là chủ gia đình của chúng ta 

– khi ghen tuông mù quáng; chém giết vợ con ,người yêu, người bồ, tình địch, 

– khi không xử lý được mâu thuẫn gia đình; chém giết  bố mẹ, anh em, họ hàng

– khi  không biết gía trị của gia đình ; ngoại tình, bỏ vợ bỏ con, bạc đãi người thân

– khi không có lý tưởng sống, không có đam mê một thứ gì có ý nghĩa: lười nhác, nhậu nhẹt, ăn bám, sa vào những thú vui tầm thường rẻ tiền 

– khi đất nước lâm nguy, xã hội rối ren: mũ ni che tai, trốn tránh hiện thực, trốn tránh trách nhiệm, đi chém gió chém bão…

– các Shark đàn ông tuyên bố vớ vỉn thể hiện rõ việc xã hội cho phép người có tiền phát ngôn tuỳ tiện như thế nào,( một xã hội coi trọng đồng tiền hơn phẩm chất, hiểu sai hoàn toàn về thế nào là thành đạt. thành đạt không phải là có nhiều tiền mà làm được điều mình mơ ước, sống một cuộc sống có ý nghĩa. nếu tiền mua được hạnh phúc thì chúng tôi xin nghe các ông ạ )

– …vv…

Các bạn sẽ nói “thế còn vai trò của phụ nữ thì sao?” 

Phụ nữ của chúng ta đi lấy chồng ngoại quốc ngày càng nhiều, đấy là thực tế. Một thực tế khác là tỷ lệ ly hôn ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện tại là khoảng 57% ( cứ 10 đôi kết hôn thì có tới hơn quá nửa bỏ nhau sau đó – phí tiền cưới hỏi ko?!). Và một khuynh hướng phụ nữ chọn sống độc thân hoặc không kết hôn đang diễn ra ở Việt Nam, nơi có một xã hội vẫn nặng tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Các bạn sẽ thấy, rõ ràng, con gái ở Việt Nam được dạy rất nhiều thứ để trở thành “vợ ngoan, mẹ hiền”- ” giỏi việc nước, đảm việc nhà” – còn con trai thì không.

Cứ đà này, đàn ông Việt Nam sẽ chiếm danh hiệu “Đông Á Bệnh Phu” của đàn ông Trung Quốc mà bị Nhật Bản bêu riếu thế kỷ trước. Còn phụ nữ Việt Nam sẽ ngày càng nổi loạn, bất chấp hậu quả. Khí nước trở nên yếu, vận nước trở nên mỏng, xã hội trở nên loạn lạc, bất an.

Cuốn sách này rất dễ đọc cho những ai có khả năng tiếng Anh. 249 trang có rất nhiều điều để ghi nhớ, nhưng tôi chỉ có thể lưu ý những điều sau trong khuôn khổ bài chia sẻ này: 

1. Giai đoạn quan trọng nhất của con trai là từ 10 đến 15 tuổi, đây là giai đoạn cất cánh. Nó ví như có 2 căn phòng; của tuổi ấu thơ và của đàn ông, và 10 đến 15 tuổi là hành lang vượt qua. Có những người đàn ông bị bỏ mặc giai đoạn này không hề được hướng dẫn, họ lớn lên với tâm lý của bọn con trai. 

2. Một người đàn ông có tâm lý của bọn con trai thường coi mình là trung tâm. Họ có xu hướng coi mọi thứ trong thế giới này là chỉ dành cho họ. Họ có thể về nhà sau giờ làm và chỉ ngồi xem TV, lướt phone, chơi game..vv…chờ bữa ăn được dọn ra mà không nhúc nhích tay chân giúp đỡ gì. Họ luôn muốn bạn đời/người yêu/vợ/bồ khen ngợi họ tuyệt vời thế nào, và họ có thể khá ích kỷ luôn đặt nhu cầu của mình lên đầu tiên mà không nghĩ đến các thành viên khác trong gia đình . Tại chỗ làm, người đàn ông có tâm lý thằng con trai sẽ là người chỉ muốn làm theo ý mình và không sẵn sàng lắng nghe ý tưởng của người khác. Họ ích kỷ và luôn tin rằng, họ và những nhu cầu của họ, quan trọng hơn tất thảy.

3. “Tâm lý con trai” là cái bạn thường thấy ở một thằng bé 8 tuổi. Nếu dưới 8 tuổi thì là Ok vì chúng ta chấp nhận thằng con trai là thằng con trai. Nếu trên 15t mà còn TLCT thì nguy hiểm cho gia đình và xã hội.

4. “Tâm lý con trai” nhận diện như thế nào?  Có 6 điểm mấu chốt để nhận diện loại “Tâm lý con trai” như sau: 1.Tôi là trung tâm của vũ trụ và tôi cần được liên tục công nhận. 2. Những người đàn ông khác là đối thủ cạnh tranh và quyền lực là dành cho tôi. 3. Tôi sẽ sống mãi mãi. 4. Tôi không chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. 5. Tôi bị điều khiển bởi cảm xúc của tôi. 6. Tôi muốn một người mẹ. ( quả này là chết toi cho các bạn gái của anh ta! chúng ta đều đã từng nghe những người vợ thốt lên tôi phải làm mẹ cho cả 2, chồng tôi và con trai tôi hoặc tôi ko muốn làm mẹ cho chồng tôi nữa khi tôi đã có 1 thằng con trai)

5. “Tâm lý đàn ông” là cái chúng ta muốn và chờ đợi trong cách ứng xử của một người con trai 18 tuổi cho đến những anh đàn ông 40 tuổi. Tâm lý đàn ông lành mạnh nhận diện qua 6 điểm sau đây: 1. Tôi là một phần của vũ trụ và tôi làm điều gì tôi cho là đúng. 2. Tôi làm việc với những người đàn ông khác và quyền lực là để làm tốt cho cộng đồng. 3. Tôi là con người bằng xương thịt và có thể chết 1 ngày. 4. Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn cho các hành động của mình. 5. Tôi có thể chịu đựng với những cảm xúc của mình. 6. Tôi tìm kiếm mối quan hệ với phái nữ.

6. Một điều các bậc bố mẹ cần biết, nhất là các bà mẹ, là từ khi con trai bạn 10 tuổi, bạn cần dừng việc “làm cha mẹ” theo cách luôn chỉ đạo chúng. Chúng chắc chắn sẽ không muốn nghe và không nghe hoặc chỉ giả vờ nghe. Bạn cần phải hiểu mối quan hệ của bạn với con trai đang thay đổi trên con đường nó trở thành 1 người đàn ông trẻ. Bạn phải ngừng “làm mẹ” nó và để nó sống cuộc sống của nó. Đến lúc này, bạn cần phải tạo ra mối quan hệ cha mẹ con cái mới dựa trên sự tôn trọng và sự trao đổi hàng ngày cởi mở, lành mạnh. Khi bạn thay đổi mối quan hệ với con trai bạn, bạn có được tự do để theo đuổi các đam mê của mình. Các bà mẹ đơn thân cần hỗ trợ con trai mình để chúng có thể dành thời gian với bố của chúng.

Một điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là bạn không thể bắt đầu dạy một cậu thiếu niên tuổi teen ( tuổi teen là từ thirteen /13, chứ ko phải từ 10) nếu con bạn đã thực sự trở thành một thiếu niên rồi. Vì vậy , hãy nhớ: 

– liên quan nhiều nhất có thể đến cuộc đời con trai bạn khi nó vẫn còn là một thằng bé

– làm cha mẹ tốt liên quan đến việc dành thời gian 1-1 với con, chia sẻ các câu chuyện của mình và các kỹ năng của sự phục hồi (trong các mối quan hệ) và cách giải quyết vấn đề

– khi yêu cầu kỷ luật thì luôn tách bạch giữa con người và hành vi ứng xử; ko bao giờ được thoá mạ con cái và đánh đập là tối kỵ.

7 điều dưới đây là 7 điều cha mẹ nhất thiết phải làm cho con trai:

– thường xuyên dành thời gian 1-1 với con

– tạo thói quen ghi nhận các phẩm chất cá nhân của con trai mình, khen ngợi các tài lẻ và năng khiếu của con; nếu bạn không trân trọng con bạn, ai sẽ trân trọng chúng?

– chia sẻ các câu chuyện với con về việc bạn đã làm gì khi ở tuổi của cậu ấy; một cách dạy dỗ dễ thương mà ko gây áp lực

– dạy con trai bạn cách phản ánh lại sự vật hiện tượng như thế nào; giúp con có khả năng phản biện lại các tình huống, đưa ra các quyết định khôn ngoan bất kể người khác nói hoặc làm gì. dùng kinh nghiệm cuộc sống, phim ảnh, sách vở, người đàn ông lớn trong  cộng đồng khác như ông, bác, chú, đồng nghiệp bạn bè của bố mẹ có uy tín, thầy giáo..vv…và hỏi những câu hỏi mang tính phản ánh. ví dụ, khi bạn nhìn thấy ai hít ma tuý thì đừng nói con trai sau này ko được hít  mà hãy hỏi con nghĩ thế nào về việc hít ma tuý, và bàn luận về các tác hại của nó.

– giúp con trai bạn giải quyết vấn đề riêng của cậu ấy; đầu tiên phải tạo sự tin tưởng để con trai mình thoải mái chia sẻ. con trai bạn sẽ không muốn chia sẻ với bạn nếu bạn luôn phán xét hay so sánh nó với người khác hay khômg thực sự lắng nghe nó.

– bắt đầu tiến trình kết nối giữa quyền lợi và trách nhiệm; điều này cực kỳ quan trọng khi con bạn là một thiếu niên vì cậu ta sẽ bắt đầu hiểu ra mối liên kết này để tự có trách nhiệm cá nhân.

– khi con bạn cư xử sai và phải yêu cầu kỷ luật thì tách bạch giữa con người và hành vi ứng xử: khi con mình hư, cha mẹ cần phải nói được với con rằng hành vi đó là không chấp nhận được , và chúng ta phải biết cách truyền tải thông điệp để chúng hiểu và học chứ không phải làm nhục hay làm tổn thương con. kể cả khi quyết định kỷ luật được đưa ra ” ko Iphone, Ipad – ko tiền ăn quà vặt trong 1 tháng..vv..” thì chúng ta vẫn phải thể hiện là chúng ta dạy chúng vì hành vi của chúng ko chấp nhận  được, nhưng chúng luôn được cha mẹ yêu thương và chúng cần phải học từ kinh nghiệm này.

Một điều bố mẹ có con trai ở khắp nơi rất lo khi con đến tuổi thiếu niên đó là ảnh hưởng xấu từ bạn bè, áp lực và thách thức từ đám đông. Đến tuổi teen nhu cầu bạn bè, là một phần của cộng đồng của bọn con trai rất cao. Hiếm có đứa nào chịu được sự cô đơn một mình vì thế nhiều khi để được chấp nhận là một phần của bầy, chúng chấp nhận những thử thách nguy hiểm và sai lạc như uống rượu hút thuốc dùng ma tuý chơi gái…vvv…Việc cùng nhau xem film khiêu dâm diễn ra ngày càng ở độ tuổi trẻ hơn một cách không ngờ. Một phần do kỷ nguyên kỹ thuật số. Độ tuổi trung bình của bọn con trai xem film porn ở Úc hiện tại là 8. Độ tuổi trung bình để có điện thoại thông minh là 12 và ngày càng giảm, dự báo 2 năm tới sẽ là 8 tuổi. Việc xem film porn nơi mà coi phụ nữ như công cụ để thoả mãn nhục dục, sẽ dẫn đến hiểu sai về quan hệ tình dục thực sự với phái nữ và không phân biệt được giữa quan hệ tình dục và làm tình là như thế nào. 

Thế giới trước đây và nhất là ở các cộng đồng thiểu số, Nghi Thức Vượt Qua cho con trai được coi trọng và thực hiện (ví dụ như lễ Cấp Sắc của người Dao, hay thời kỳ Đi Lang Thang Một Mình của người thổ dân Úc). Xã hội hiện nay, loài người bỏ qua điều này.

Không ai sinh ra đã là cha mẹ tốt, cha mẹ biết dạy con. Tôi tìm đến cuốn sách này sau khi nhận thấy con trai chúng tôi từ khi 10 tuổi trở nên khó bảo và hay cãi lại bố mẹ. Tôi bất ngờ khi chứng kiến cuộc nói chuyện của con tôi và bác sỹ tâm lý:

– Cháu có biết vấn đề của mình ko?

– Có. Cháu ko kiểm soát được cơn giận.

– Cháu hay trút giận lên ai? Người thân hay bạn bè?

– Người thân.

– Khi giận cháu có dùng bạo lực ko? 

– Thỉnh thoảng.

– Cháu đánh ai, bạn bè hay người thân? 

– Người thân. Mẹ.

Sau khi ra khỏi phòng khám, tôi hỏi ” sao con ko đánh bố” ” bởi vì nếu con đánh bố, bố đập con chết”. À, thì ra nó biết chọn người yếu và không đánh lại nó. Nếu không can thiệp và giúp đỡ nó lúc này, nó có thể thử đánh bố khi nó 15-16-17 tuổi, với vóc dáng của một thiếu niên nhiều khả năng đã cao to hơn bố.

Tôi sẽ biên dịch cuốn sách này, vì nó thật sự dạy tôi rất nhiều. Trong lúc đó, những ai có con trai hãy chú trọng đến việc dạy con trai mình trở thành người đàn ông. Nhấn mạnh vào việc xây dựng Nhân Dạng Lành Mạnh. ( tôi sẽ dịch và chia sẻ về việc này trong một post khác). Nhưng tóm lại, nếu con trai bạn tự tin , cảm thấy được hỗ trợ , biết nó muốn gì và có kiểu quan hệ với cha mẹ khi mọi vấn đề được thảo luận cởi mở, nó sẽ không quyết định làm điều gì chỉ để mong người khác công nhận mà sẽ có sự tự tin để tự định đoạt số phận của nó.

Có rất nhiều bạn bè than phiền với tôi rằng chồng họ không biết làm việc nhà. Để dạy con trai làm việc nhà một cách hiệu quả, hãy dùng phương pháp thưởng tiền. Nghe có vẻ rất “tiêu cực”, nhưng đây là phương pháp của người Do Thái mà tôi đã chứng thực là hiệu quả. Khi thưởng tiền chứ ko phải trả tiền thì bạn không phải trả công mà chỉ phải trả một khoản vừa phải mang tính khuyến khích. Bản thân bạn cũng biết rằng, những việc miễn phí thì chất lượng ko cao. Nếu được thưởng tiền, con trai bạn sẽ làm việc nhà tốt nhất có thể. Ngoài ra, khi đến tuổi teen là đến lúc chúng cần tiền, bạn không cho cũng không ổn. Cho kèm trách nhiệm một cách khéo léo mà các cu cậu lại thấy thích vì mình kiếm được tiền chứ ko phải ngửa tay xin. Cuối cùng, thà thưởng tiền để con trai biết làm việc nhà còn hơn hò hét hết cả hơi mà nó không chịu làm và lớn lên thành một anh đàn ông không biết làm việc nhà khiến vợ/người yêu/bạn đời, thậm chí bồ đều khó chịu.

Tôi chia sẻ ra đây như là một người đang học, đang vấp và tìm được sự trợ giúp đúng lúc. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý, nhưng không thể phủ nhận sự bất bình đẳng giới ở xã hội Việt Nam ta.

Để thay đổi khí nước mạnh hơn, vận nước vững hơn, xã hội tốt hơn, bình an trật tự và công bằng hơn; phải bắt tay làm từ cấp độ gia đình.

646910cookie-checkDẠY CON TRAI