ĐẤU TRANH TRONG CÁC NHÀ TÙ CỘNG SẢN (Phần 3)

0
80

3/02/2023

Dieu Cay – Nguyen Van Hai

ĐÓN TIẾP 

Tay trật tự đi trước, tôi xách đồ theo đi qua cái sân đất rộng vào nhà hội trường ngồi. Một tù nhân cao, đeo băng đỏ đến gặp tôi nói chuyện, anh ta tự giới thiệu là Hải, người Nam Hà nhưng sống ở Sài Gòn, hiện là đội trưởng trật tự ở đây, anh ta muốn xem bản án của tôi. Sau này tôi biết Hải phạm tội giết người có án chung thân, sau khi xem bản án anh ta nói với tôi : 

  • Anh cần gì cứ nói với tôi, tôi có thể giúp anh được, cán bộ ở đây tôi quen hết, anh muốn gì tôi sẽ giúp anh giải quyết.

Hải cao ra cửa gọi lớn : 

  • Triển ơi ! Ra đón bố mày về này.

Tôi thấy Triển một tù nhân đeo băng đỏ đi đến, anh ta bảo tôi xách đồ theo anh ta về buồng số 11 và đưa tôi lên sàn trên, bên trong, góc cuối sàn ngủ, (ở trong tù mấy anh lớn thường hay chiếm các góc để ngủ). Một chiếc nệm được khâu bằng mấy tấm mền gấp lại, rộng chừng 0,6 m, phía trên đầu nằm có chiếc quạt nhỏ, anh ta chỉ chỗ tôi nằm ngay bên cạnh anh ta rồi bảo chú xuống tắm đi.

Tôi mang theo đồ xuống nhà vệ sinh đi tắm, một người tù cùng mâm với Triển xách theo chiếc thùng sơn đựng nước đưa cho tôi và bảo : Nước đây chú. Tôi mở nắp thùng sơn thấy chỉ còn khoảng nửa thùng, tôi xách thùng nước bước vào nhà vệ sinh.

Vừa bước vào, tôi muốn dội ngược trở ra, phòng vệ sinh rộng khoảng 3m x 6m có một cái hồ nước chừng 1,5 m x 1,5 m nhưng cạn khô, phía trong sát vách tường có xây thêm một bờ gạch cao khoảng 0,8 m cách bức tường 0,3 m tạo thành cái khe nhỏ có vòi nước đưa vào đó nhưng cũng không có nước. Bên dưới cái bờ gạch đó là hai cái lỗ để đi cầu nhưng đã bị phân lấp hết hai viên gạch hai bên, hai đống phân như hai cái thúng úp ngược thối nồng nặc. Trong cả cái nhà vệ sinh đó không hề có nước để dội rửa. Rác đổ trong mấy cái thùng đựng bằng nhựa tràn ra, sàn nhà vệ sinh đen nhớt trơn trợt.

Có vài người đi làm về sớm mang ca thùng vào nhà vệ sinh, một người ngậm miệng vào đường ống nước ra sức hút, người cong lại, một hồi lâu nghe có tiếng nước lọc ọc trong đường ống rồi nước chảy ra, anh ta hứng được khoảng nửa ca thì nước không chảy nữa, thế là người tù lại ngậm, hút, hứng dòng nước nhỏ yếu ớt chảy ra từ đường ống. Những người khác kiên nhẫn chờ anh ta trong mùi thối nồng nặc từ hai đống phân khủng khiếp. Tôi chợt nhận ra nửa thùng nước tôi đang tắm là một đặc ân mà bạn tù cho tôi được hưởng.

Mong ước tự do

Tắm xong, tôi thay đồ rồi ra sân quan sát trại giam, K1 Trại giam Cái Tàu có 6 khu với 12 buồng nhốt tù nam, từ ngoài vào phía bên phải là khu nhà bếp, lò bánh mì, phòng gọi điện thoại, rồi đến các buồng giam. Phía bên trái là nhà bán cantin, sân bóng chuyền, bệnh xá và dãy buồng giam những người tù có án cao, cuối dãy là khu kỷ luật được cách ly và rào kẽm gai kín mít. Nhà hội trường và nhà tự quản ở dưới cùng, như đáy của chữ U nối liền hai dãy. Phía sau nhà tự quản là bức tường có một cánh cửa sắt nhỏ dẫn sang khu giam tù nhân nữ. Buồng tôi ở cuối dãy nên nước chảy không tới, yếu nhớt.

Các buồng giam ở khu nam đều có hàng rào bên ngoài nhưng lâu ngày chỉ còn trơ mấy cọc beton và vài đoạn còn dây kẽm gai chăng thưa thớt, vì vậy chưa đến giờ vào buông thì tù có thể đi từ buồng này qua buồng khác thăm nhau, thậm chí kết mâm ăn chung với nhau được. Tù đi làm về ra ngồi tụ tập ở mấy gốc cây, hơi nóng do nắng gắt cả ngày đã dịu bớt nhưng vẫn còn hầm. Một nhóm đang đá banh trên cái sân đất cát trước nhà hội trường.

Nhìn thấy tôi mấy tù cũ đến hỏi chuyện, anh từ đâu xuống ? Đi cùng với anh mấy “số” ? anh về đội nào ? Đã tính về đội nào chưa ? Tôi dễ bị nhận diện vì những người ở tạm giam lâu ngày thiếu nắng, da trắng xanh, khác hẳn với tù cũ ở đây, người nào cũng cháy đen, khắc khổ.

Đang nói chuyện với mấy anh em thì một tự quản đến kêu tôi lên gặp cán bộ. Tôi bước vào hội trường, người đợi tôi là một đại uý người thấp, đậm, anh ta mời tôi ngồi vào ghế đối diện và tự giới thiệu là Dương Quang Thắng, là trợ lý giám thị của trại giam này. Thắng nói đã đọc hồ sơ của tôi nhưng vẫn hỏi tôi có mấy căn nhà ở Sài Gòn, cho thuê được bao nhiêu một tháng ? Rồi anh ta nói tôi làm ở đây rất lâu mà chưa thấy ai tội trốn thuế như của anh bao giờ. Thắng tỏ ra cởi mở : 

  • Anh về trại này cần gì cứ nói với tôi, số điện thoại của tôi đây, khi gia đình anh xuống thăm gặp anh cứ cho số điện thoại của tôi, tôi sẽ giúp anh. Trại vừa xây xong cái nhà thăm gặp, bên trong còn thiếu đồ nội thất, nếu anh đầu tư vào đó tôi có thể bố trí anh quản lý nhà thăm gặp. Anh cũng có khả năng để tiếp và giải thích các quy định của trại với gia đình phạm nhân…

Thắng hứa hẹn nhiều và bảo tôi cứ yên tâm về nghỉ, chưa đi làm. Bên ngoài, thấp thoáng mấy cái áo tù lượn qua lại chỗ tôi và Thắng nói chuyện, chắc họ quan tâm, nhà hội trường không có tường, chỉ có lan can hai bên và thưng bằng tôn ở hai đầu hồi nên họ nghe được hết.

Phòng giam này từng nhốt từ 95-125 người

Có tiếng kẻng vang lên, tù từ các phòng giam túa ra, có người từ các phòng khác trở về xếp hàng trước của buồng giam của mình. Một quản giáo và hai tự quản đi theo mang sổ sách điểm số tù trước khi vào phòng giam. Người tù trước xướng lên một số thì người tù sau xướng lên con số kế tiếp, khi kiểm tra xong bắt đầu vào buồng và tay tự quản lại đếm từng người như đếm vịt vào chuồng, 96 người là tổng số tù nhân của cái buồng 11, sao họ có thể nhốt một số người lớn như vậy trong cái buồng giam này?

Khi cánh cửa buồng giam đóng lại, tù nhân tụ tập lại thành từng nhóm ăn uống và nói chuyện, có người chuẩn bị chỗ ngủ, những chiếc chiếu bị cắt nhỏ chỉ còn 30 cm, hai bên được viền bẳng vải áo tù được trải sát nhau, nằm nghiêng xếp lớp như cá mòi. Nhiều người nằm trên lối đi ẩm ướt giữa hai sàn ngủ, có những người mắc võng trên lan can giữa hai sàn ở tầng trên. Hơi người nóng hầm hập cùng với mùi phân và nước tiểu nồng nặc trong buồng giam. Những người ở sàn dưới lại có cách nằm lạ hơn, họ bắt cặp với nhau, một người mắc võng nằm ở trên và một người nằm chiếu ở dưới, nằm như vậy thì người nằm dưới được rộng hơn một chút nhưng cũng có lúc dây võng tụt, đứt, người trên ngồi xuống bụng người bên dưới…

( Còn nữa )

685380cookie-checkĐẤU TRANH TRONG CÁC NHÀ TÙ CỘNG SẢN (Phần 3)