LUẬT KHOA
“Tấm khiên và thanh kiếm” để tạo lập và thúc đẩy tự do Internet.
Y Chan March 24, 2023 . 6:52 PM
Vào một ngày tháng 11 của năm 1994, một công ty môi giới chứng khoán và đầu tư ở Mỹ đâm đơn kiện một công ty cung cấp dịch vụ Internet tại nước này. [1]
Stratton Oakmont, tên của công ty môi giới, kiện Prodigy vì những nội dung họ cáo buộc là phỉ báng do một người dùng ẩn danh đăng trên diễn đàn của Prodigy.
Ở xứ sở mà chuyện kiện tụng diễn ra như cơm bữa, vụ việc này không có vẻ gì quá đặc biệt.
Nhưng ít người hình dung được nó là sự kiện dẫn tới việc ra đời của một trong những văn bản luật có tác động lớn nhất đến nhân loại thời hiện đại.
Đó là Mục 230 (Section 230) trong Đạo luật Truyền thông Đoan chính (Communications Decency Act). [2]
Vai trò của nó quan trọng đến mức nhiều người khẳng định đây là đạo luật làm nên “xương sống của Internet”. [3]
Câu chuyện bắt đầu vào thuở hồng hoang đầy hỗn mang của Internet.
Bị người dùng nói xấu, kiện nhà cung cấp dịch vụ
Vào năm 1994, Internet vẫn còn là một thứ xa lạ. Tổng số người sử dụng Internet trên toàn thế giới vào lúc đó là hơn 35 triệu (gần 30 năm sau, chỉ tính riêng tại Việt Nam, lượng người dùng Internet đã gấp đôi con số này). [4] [5]
Đó là năm mà trang web đầu tiên của Microsoft được công bố, là năm trình duyệt thương mại nổi tiếng Netscape – tiền thân của Firefox sau này – ra đời, và cũng là năm khởi sinh của Yahoo. [6] [7] [8]
Người dùng Internet tại Việt Nam vào những năm 2000 hẳn không quên các nhóm chat cực kỳ sôi động trên nền tảng của Yahoo.
Đầu thập niên 1990, Prodigy cũng tạo ra các diễn đàn xôm tụ như vậy ở Mỹ.
Vào tháng 10/1994, trong một diễn đàn của Prodigy, một thành viên đăng tải các bài viết cáo buộc công ty Stratton Oakmont thực hiện các hành vi phạm tội lừa đảo và khẳng định tội của họ sẽ sớm bị phát giác. [9]
Stratton Oakmont ngay lập tức khởi kiện người dùng trên và công ty Prodigy. Sau khi phát hiện ra người đăng thông tin là ẩn danh, đối tượng chính bị kiện là Prodigy. [10]
Vào tháng 5/1995, tòa án tại New York, nơi thụ lý vụ kiện trên, ra phán quyết rằng Prodigy phải chịu trách nhiệm cho ngôn từ phỉ báng của người dùng. Lý do tòa đưa ra là vì Prodigy có thực hiện các biện pháp lọc nội dung nên xem như có “thẩm quyền biên tập” (editorial control), và vì thế họ phải chịu trách nhiệm tương tự như cách các “đơn vị xuất bản” (publisher) phải chịu cho nội dung xuất bản của mình.
Kết luận của tòa nhắc đến một vụ kiện khác trước đó vài năm, trong đó CompuServe, một công ty đối thủ của Prodigy cung cấp các dịch vụ tương tự, cũng bị kiện vì nội dung đăng tải của người dùng, nhưng được xử không có tội vì họ không thực hiện biện pháp lọc hay kiểm soát nội dung nào.
Phán quyết của tòa án New York năm 1995 tạo ra cú sốc cho các công ty cung cấp dịch vụ Internet vào thời điểm đó.
Nhiều người hình dung ra hai viễn cảnh đáng sợ như nhau.
Một là ngành công nghiệp Internet bị dập tắt từ trong trứng nước: các công ty công nghệ bị buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý cho tất cả nội dung mà người dùng đăng tải nên cách tốt nhất để tự bảo vệ là không cung cấp dịch vụ gì cả.
Hai là Internet sẽ tràn ngập các nội dung độc hại: các công ty công nghệ không dám can thiệp gì vào nội dung của người dùng nhằm tránh bị xem là có thẩm quyền biên tập.
Áp định nghĩa truyền thống vào Internet
Các phán quyết của tòa trong những vụ kiện nhắm đến các công ty công nghệ ở thời điểm trên dựa vào những định nghĩa đã có về trách nhiệm pháp lý (liability) của các thực thể vận hành hệ thống quản lý nội dung (system operator).
Các nguyên tắc truyền thống của hệ thống thông luật (common law) xác định rằng một cá nhân hoặc tổ chức nếu “xuất bản” (publish) một nội dung phỉ báng sẽ có trách nhiệm pháp lý tương đương với cá nhân hoặc tổ chức “tạo ra” (create) nội dung đó. [11]
Lý do được đưa ra là vì đơn vị xuất bản có kiến thức, có cơ hội và có năng lực biên tập những nội dung mà họ xuất bản.
Trách nhiệm này thường được gán cho những đơn vị xuất bản các sản phẩm in ấn như sách, báo. Nếu một bài báo bị chứng minh có nội dung phỉ báng (defamation), cả tác giả lẫn cơ quan chủ quản của tờ báo đều có thể phải chịu cùng trách nhiệm pháp lý.
Trong khi đơn vị xuất bản (publisher) thường phải chịu trách nhiệm lớn, thì một nhóm thực thể vận hành hệ thống quản lý nội dung khác lại ít khi bị xem là có trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra. Nhóm này được gọi là đơn vị phân phối (distributor).
Ví dụ phổ biến cho các đơn vị phân phối là những sạp báo, nhà sách hay thư viện. Các đơn vị này được cho là không thể kiểm soát tất cả các nội dung họ phân phối nên không cần chịu trách nhiệm pháp lý cùng với tác giả, ngoại trừ một số trường hợp cố ý phân phối các nội dung đã bị xác định là phỉ báng.
Ngoài ra, một nhóm thực thể được gọi là “đơn vị vận chuyển” (common carrier) cũng gần như không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì với các nội dung của người dùng trên hệ thống. Ví dụ của nhóm này là các công ty viễn thông. Họ không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm cho các nội dung của khách hàng tạo ra khi thực hiện các cuộc gọi trên hệ thống của mình. [12]
Quay trở lại các vụ kiện ở trên, các thẩm phán đã xem Prodigy như một đơn vị xuất bản vì cho là công ty này có thẩm quyền biên tập, còn đối thủ của họ CompuServe được xem như đơn vị phân phối vì không động chạm gì tới nội dung của người dùng, để từ đó đưa ra các phán quyết tương ứng.
Đạo luật giải cứu Internet
Phán quyết của tòa trong vụ Stratton Oakmont v. Prodigy khiến tương lai của Internet trở nên bấp bênh.
Vào thời điểm đó, nội dung khiêu dâm tràn ngập trên thế giới mạng, đặc biệt là nội dung khiêu dâm liên quan đến trẻ em. [13] [14]
Prodigy cung cấp các dịch vụ cho người dùng theo định hướng “nhắm đến gia đình” (family oriented) nên đã thực hiện các biện pháp kiểm soát ngăn chặn nội dung khiêu dâm hoặc không thích hợp với trẻ em. Nhưng chính việc kiểm duyệt này lại khiến Prodigy bị xem là đơn vị xuất bản, phải chịu trách nhiệm pháp lý cho nội dung mà người dùng tạo ra. [15]
Tình thế này khiến các công ty công nghệ có nguy cơ chết từ trong trứng nước, hoặc Internet sẽ sớm trở thành một bãi rác ngập tràn nội dung độc hại.
Nhìn thấy nguy cơ đó, vào tháng 6/1995, một tháng sau phán quyết về vụ Prodigy, hai dân biểu Ron Wyden (Đảng Dân chủ) và Chris Cox (Đảng Cộng hòa) đã cùng đề xuất một đạo luật ban đầu có tên là Đạo luật Tự do Internet và Tự chủ Gia đình (Internet Freedom and Family Empowerment Act). [16]
Đạo luật này sau đó được đưa vào thành một phần của Đạo luật Truyền thông Đoan chính (Communications Decency Act), được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1996, và thường được gọi với cái tên Mục 230 (Section 230). [17] [18]
Nội dung quan trọng nhất của Mục 230 nằm ở phần (c), với tiêu đề “Bảo vệ ‘công dân tốt’ trong việc ngăn chặn và lọc nội dung phản cảm”.
Trong đó, phần (c)(1) được xem là tinh thần của đạo luật, thậm chí còn được gọi là “26 từ đã tạo nên Internet”. [19] Nó nói rằng “không có đơn vị cung cấp hay sử dụng dịch vụ vi tính tương tác nào có thể bị xem như đơn vị xuất bản hay phát ngôn của bất kỳ thông tin nào do bên cung cấp nội dung thông tin tạo ra”.
Định nghĩa “dịch vụ vi tính tương tác” (interactive computer service) bao gồm tất cả các công ty công nghệ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ truy cập Internet đến người dùng, còn “bên cung cấp nội dung thông tin” (information content provider) là những người tạo ra các nội dung từ việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ của các công ty trên.
Điều luật này trực tiếp phủ định phán quyết trước đó của tòa án New York trong vụ Stratton Oakmont v. Prodigy, xác lập “kim bài miễn tử” dành cho các công ty công nghệ sau này.
Theo đó, các công ty công nghệ cung cấp nền tảng sử dụng cho người dùng đăng tải thông tin không thể bị xem như đơn vị xuất bản, vì thế không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng tạo ra trên nền tảng của họ.
Tuy có một số ngoại lệ được quy định trong phần (e) đối với các nội dung vi phạm luật hình sự liên bang hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, những dòng ngắn ngủi này trong gần ba thập niên qua đã trở thành tấm khiên bảo vệ các công ty Internet lớn nhỏ khỏi tuyệt đại đa số các rắc rối về pháp luật.
Nhờ nó, những Amazon, Google, Facebook, Twitter, v.v. mới có thể phát triển từ những công ty khởi nghiệp nhỏ trở thành các nhà cung cấp dịch vụ Internet cho hàng tỷ người như hiện nay.
Mục 230 không chỉ cung cấp tấm khiên mà còn cả thanh kiếm cho các công ty công nghệ.
Phần (c) (2) cho phép các nền tảng Internet được phép tự do kiểm duyệt các nội dung của người dùng nếu họ thấy có vấn đề mà không phải lo ngại đến việc vi phạm Hiến pháp, miễn việc kiểm duyệt trên được thực hiện với ý định tốt (in good faith).
Như vậy, các công ty công nghệ không những không phải lo lắng về trách nhiệm pháp lý với các nội dung do người dùng tạo ra, họ còn được khuyến khích chủ động kiểm soát các nội dung đó theo ý mình.
Mục 230, hay “tấm khiên và thanh kiếm” theo cách gọi của người xây dựng đạo luật này, trở thành bộ xương sống pháp lý tạo ra thế giới Internet mà ngày nay chúng ta đang có. [20]
Nó tất nhiên không hoàn hảo, và những tranh cãi về vai trò của nó ngày càng trở nên gay gắt, điều mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở những phần sau.
***
Quay lại vụ việc Stratton Oakmont kiện Prodigy. Nếu là một người hâm mộ tài tử Leonardo DiCaprio, bạn có thể sẽ nhận ra Stratton Oakmont chính là cái tên xuất hiện trong bộ phim “The Wolf of Wall Street” (Sói già Phố Wall), với DiCaprio đóng vai người sáng lập của công ty.
Ngoài đời thực, một năm sau khi khởi kiện Prodigy vì các nội dung phỉ báng rằng công ty mình thực hiện các hành vi lừa đảo, Stratton Oakmont bị phát hiện lừa đảo và buộc đóng cửa vào năm 1996.
Năm 1999, hai người sáng lập của công ty thừa nhận các hành vi lừa đảo chứng khoán và rửa tiền xuyên suốt từ năm 1990 đến 1997. [21]
——-
Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Rắc rối và tranh cãi.
Người Mỹ có một “thanh kiếm và lá chắn” rất khác với Việt Nam
Không phải để bảo vệ đảng và triệt tiêu tự do ngôn luận.
Big Tech kiểm duyệt và thị trường tự do
Vụ Big Tech cấm cửa Trump đặt phe bảo thủ vào một nan đề.
Chú thích
1. Bloomberg News. (1994, November 12). Prodigy Is Sued for Libel. The New York Times. https://www.nytimes.com/1994/11/12/business/prodigy-is-sued-for-libel.html
2. 47 U.S. Code § 230 – Protection for private blocking and screening of offensive material. (n.d.). LII / Legal Information Institute. https://www.law.cornell.edu/uscode/text/47/230
3. Morrison, S. (2023, February 23). What is Section 230? The internet free speech law before the Supreme Court, explained. Vox. https://www.vox.com/recode/2020/5/28/21273241/section-230-explained-supreme-court-social-media
4. Reporter, G. S. (2022, November 29). From the archive, 19 May 1994: World wide web is the road to knowledge. The Guardian. https://www.theguardian.com/technology/2015/may/19/internet-world-wide-web-1994-archive
5. Long P. (2022, December 7). Internet Day 2022: Người dùng Internet Việt Nam đạt hơn 70% dân số sau 25 năm. BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/cong-nghe/internet-day-2022-nguoi-dung-internet-viet-nam-dat-hon-70-dan-so-sau-25-nam-2022120411142802.htm
6. Kooser, A. (2014, August 8). Nostalgia alert: Microsoft rebuilds original 1994 home page. CNET. https://www.cnet.com/culture/nostalgia-alert-microsoft-rebuilds-original-1994-home-page/
7. Engadget is part of the Yahoo family of brands. (2014, May 10). https://www.engadget.com/2014-05-10-history-of-netscape.html
8. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2023, March 3). Yahoo! | History, Sale, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Yahoo-Inc
9. Stratton Oakmont, Inc. v. Prodigy Services Co. (n.d.). https://h2o.law.harvard.edu/cases/4540
10. Lewis, P. H. (1994, December 19). THE MEDIA BUSINESS; A New Twist in an On-Line Libel Case. The New York Times. https://www.nytimes.com/1994/12/19/business/the-media-business-a-new-twist-in-an-on-line-libel-case.html
11. Immunity for Online Publishers Under the Communications Decency Act | Digital Media Law Project. (n.d.). https://www.dmlp.org/legal-guide/immunity-online-publishers-under-communications-decency-act
12. Defamation & the Internet: Liability Issues (part 1 of 3). (n.d.). https://cs.stanford.edu/people/eroberts/cs181/projects/1997-98/defamation-and-the-internet/sections/liability/index.html
13. Levy, S. (2010, March 13). No Place For Kids? Newsweek. https://www.newsweek.com/no-place-kids-184766
14. Johnston, D. (1995, September 14). Use of Computer Network For Child Sex Sets Off Raids. The New York Times. https://www.nytimes.com/1995/09/14/us/use-of-computer-network-for-child-sex-sets-off-raids.html
15. Xem [9]
16. H.R.1978 – 104th congress (1995-1996): Internet freedom and family … (n.d.). Retrieved March 9, 2023, from https://www.congress.gov/bill/104th-congress/house-bill/1978
17. Sodeman, W. A. (2023, February 21). Communications Decency Act | United States [1996]. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Communications-Decency-Act
18. Xem [2]
19. Engelberg, S. (2021, February 10). Twenty-Six Words Created the Internet. What Will It Take to Save It? ProPublica. https://www.propublica.org/article/nsu-section-230
20. Stewart, E. (2019, May 16). Sen. Ron Wyden on Section 230, Facebook, and whether neutrality matters. Vox. https://www.vox.com/recode/2019/5/16/18626779/ron-wyden-section-230-facebook-regulations-neutrality
21. Wyatt, E. (1999, September 24). Stratton Oakmont Executives Admit Stock Manipulation. The New York Times. https://www.nytimes.com/1999/09/24/business/stratton-oakmont-executives-admit-stock-manipulation.html