Wednesday, September 18, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGĐặc khu kinh tế nhìn theo góc độ nợ công

Đặc khu kinh tế nhìn theo góc độ nợ công

Theo dự kiến của Chính phủ nguồn vốn để xây dựng đặc khu kinh tế cần đến số tiền 1,57 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 75 tỷ USD). Các ban ngành cho rằng ngân sách quốc gia chỉ phải bỏ ra một phần trong số này để làm mồi thôi, còn thì sẽ do nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào.

Nhưng một khoản tiền bao nhiêu phần trăm trong con số 1,57 triệu tỷ cũng là rất lớn, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và nợ công của Chính phủ vốn là vấn đề gây bức xúc lâu nay.

 

Vay đã rất nhiều

Theo bài “Việt Nam nợ nước ngoài gần 81 tỷ USD” trên báo điện tử Vneconomy thuộc Thời báo kinh tế Việt Nam đưa tin, tháng 9/2017 Bộ tài chính ban hành bản tin nợ công số 5 cho biết nợ công Việt Nam tính đến hết năm 2015 lên tới 61% GDP.

Bài báo cho biết tính đến năm 2015 tổng dư nợ mà Chính phủ vay là 2,064 triệu tỷ đồng tương ứng 94,3 tỷ USD. Trong đó nợ nước ngoài là 39,6 tỷ USD, nợ trong nước là 54,67 tỷ USD. Cũng trong kỳ Chính phủ đã trả nợ được 13,3 tỷ USD.

Bản tin nợ công của Bộ Tài chính cũng thống kê các khoản nợ vay nước ngoài của cả doanh nghiệp. Theo đó tính đến hết năm 2015 tổng dư nợ vay nước ngoài của Việt Nam lên tới 1,759 triệu tỷ đồng tương ứng 80,84 tỷ USD. Trong đó nợ nước ngoài của doanh nghiệp đạt 41,22 tỷ USD.

Về phần vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, tính đến cuối 2015 Chính phủ đã bảo lãnh cho 445.121 tỷ đồng, tương ứng 20,8 tỷ USD.

Cũng dịp tháng 9/2017 Ngân hàng thế giới công bố báo cáo đánh giá về chi tiêu công của Chính phủ Việt Nam, trong đó đưa ra khuyến cáo nhấn mạnh rằng Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất thế giới. Ngân hàng thế giới cho rằng nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại về bền vững tài khoá.

Ngân hàng thế giới cũng cho biết cùng với nợ tăng cao, cơ cấu nợ công cũng đã có sự thay đổi. Do nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài dần hạn chế (quốc tế dần hạn chế cho vay), Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước.

Để giảm tránh rủi ro Ngân hàng thế giới đưa ra khuyến cáo Chính phủ cần có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong giới hạn cho phép, thay vì tiếp tục vay  nợ và chi tiêu ngân sách quá rộng rãi như hiện nay.

Đó là những thông tin xấu về năng lực tài chính của Chính phủ mà nếu không trả nợ đúng hạn Việt Nam sẽ bị xếp vào danh sách các nước hạn chế cho vay, gây ra hệ quả xấu cho phát triển thương mại.

 

Tốn kém không phải lúc

Để biết thêm về vấn đề nợ công nói chung và tình hình vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, hãy tham khảo ý kiến của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa khi bàn về dự án Luật quản lý nợ công sửa đổi.

Theo bài báo “Sao không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước là nợ công” hồi tháng 5/2017 trên báo Tuổi trẻ, ông Nghĩa cho biết: Nếu tính luôn số nợ của Doanh nghiệp nhà nước vào nợ công thì nợ công sẽ lên đến 431 tỉ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay.

“Tuy chúng ta cắt nợ của Doanh nghiệp nhà nước ra khỏi nợ công cho rằng đó là trách nhiệm hữu hạn thì đó là do luật quy định thôi. Ở nhiều nước, nợ doanh  nghiệp nhà nước thì nhà nước vẫn phải chịu”. Và ông lưu ý thêm rằng tài sản của DNNN cũng là tài sản nhà nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của riêng khối DNNN năm 2016 là 324 tỉ USD, bằng 158% GDP và đưa ra tính toán nếu cộng cả nợ Chính phủ và nợ DNNN thì tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ USD, bằng 210% GDP.

Những con số đó tựu chung lại minh chứng cho tình hình tài chính yếu kém của Chính phủ và khối các doanh nghiệp nhà nước. Đó là vấn đề đã kéo dài từ nhiều năm và luôn là trọng tâm bàn luận trên Nghị trường Quốc hội được báo chí đưa tin nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Vậy thì nay Chính phủ muốn xây đặc khu kinh tế với số tiền khoảng 1,57 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 75 tỷ USD) trong điều kiện năng lực tài chính như thế, thì người dân hỏi rằng Chính phủ có quá xem nhẹ vấn đề nợ công và nghĩa vụ trách nhiệm trả nợ vay hay không?

Rõ ràng là có một tâm lý dễ dãi kém trách nhiệm trong việc quyết định chi tiêu sử dụng ngân sách trong đề án xây dựng đặc khu kinh tế, mà cũng chính tâm lý dễ dãi kém trách nhiệm này là cái đã đưa đẩy Chính phủ đi đến tình trạng vay nợ và nợ đọng triền miên như hiện nay.

Vẫn biết rằng việc một Chính phủ cũng như doanh nghiệp đi vay nợ để chi cho đầu tư phát triển là cần thiết, nhưng theo thời gian số tiền vay sẽ lớn lên và lãi suất phải trả cũng sẽ cao. Nếu hiệu quả từ việc sử dụng vốn vay mà không cao thì kết quả sẽ chẳng có gì vì hiệu quả phải bù đắp cho trả lãi.

Rồi tới thời điểm chuyển hóa phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì khi đó việc trả nợ vay sẽ là gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Nguồn tiền dành cho giải quyết các vấn đề dân sinh cải thiện đời sống người dân sẽ bị can kiệt không còn nữa, nhiều vùng cộng đồng xã hội rơi vào bế tắc phát triển không có lối thoát.

 

Nên dừng lại

Việc xây dựng đặc khu kinh tế không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính, mà nó còn gây ra sự phân tán nguồn lực thời gian công sức của các ban ngành, tranh giành thời lượng chương trình nghị sự với các vấn đề khác, phân tán sự tập trung tâm trí và quyết tâm chính trị của các ban ngành khỏi những vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Hiện nay nhiều chính sách đang được thực thi như như tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, chống tham nhũng, cải cách nền tư pháp, vừa rồi Trung ương Đảng Cộng sản còn họp bàn đưa ra chính sách cải cách tiền lương cho cán bộ công chức.

Những việc đó muốn làm được đều cần đến tiền.

Vậy sao Chính phủ và bộ máy Nhà nước không tập trung nguồn lực và quyết tâm chính trị vào giải quyết những cái đó?

Sao Chính phủ không tập trung giải quyết những việc còn dở dang, kết quả chưa rõ ràng, thay vì sa đà nhảy nhôi vào dự án mới như đặc khu kinh tế?

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘VN đang có nợ công mà vẫn bỏ tiền vào đặc khu’

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular