Friday, October 4, 2024
HomeDU LỊCHBLOGCOVID-19: Người Việt ở Philippines tự chống chọi trong những ngày bị...

COVID-19: Người Việt ở Philippines tự chống chọi trong những ngày bị phong toả

Cao Nguyên / RFA

Bắt đầu từ ngày 20/3/2020, thủ đô Manila của Philippines sẽ bị phong toả hoàn toàn. Các chuyến bay nội địa hay quốc tế đều bị huỷ. Người dân của đảo quốc này bị cấm rời khỏi đất nước và cũng chỉ có người mang quốc tịch Philippines và một vài trường hợp ngoại lệ mới được nhập cảnh.

Các biện pháp này nằm trong một chiến dịch gọi là “kiểm dịch cộng đồng nâng cao”, được áp dụng trên toàn bộ hòn đảo Luzon (bao gồm cả thủ đô Manila và nhiều thành phố lớn khác của Philippines). Chiến dịch này dự tính sẽ kéo dài cho đến ngày 14/4, nhằm ngăn chặn sự lây lan của của dịch COVID-19.

Thực hiện triệt để

Theo tờ Rappler của Philippines, người dân được yêu cầu phải làm việc và học tập tại nhà. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng như bus, tàu điện, jeepny, taxi đều không được hoạt động.

Bạn Ngô Thảo, du học sinh chuyên ngành Quản lý nhà hàng khách sạn tại Manila cho biết tất cả các ngã tư đều có chốt cảnh sát kiểm tra người đi đường:

“Khu vực Metro Manila đều bị phong tỏa hết. Ở các trục đường giao nhau thì họ sẽ có các cảnh sát đứng canh ở đó. Ai đi qua thì người ta sẽ hỏi đi đâu, có giấy tờ ID gì không. Nếu không có thì người ta sẽ không cho đi. Hiện tại thì taxi và các dịch vụ xe máy giao hàng, vận chuyển đều bị đình chỉ.”

Ông Nguyễn Văn Long, một người Việt sinh sống ở Manila khoảng 10 năm nay cho biết Chính phủ Philippines thực hiện lệnh phong toả này một cách triệt để. Các xe cứu thương và xe cảnh sát chạy liên tục ngoài đường yêu cầu người dân nhanh chóng trở về nhà:

“Cảnh sát hay dừng xe lại hỏi đi đâu, nếu không xuất trình được là mình đi đâu, có việc gấp thì nó sẽ đưa về đồn. Ví dụ trên ô tô chở hai ba người mà có việc khẩn cấp như đi viện hoặc ra sân bay thì họ cho, nhưng đi loanh quanh ngoài đường thì nó sẽ đưa về đồn.

Hiện tại Chính phủ vẫn đang họp rất nhiều. Một số công ty ở các toà nhà lớn có cảnh sát đứng chắn ở dưới, không cho người lên làm việc, đuổi về. Các công ty hiện giờ đang cho nhân viên ở nhà làm việc tại nhà.”

Ông Long nói rằng tất cả người dân không được ra đường. Mỗi gia đình chỉ có một người được ra ngoài một lần trong ngày để mua các nhu yếu phẩm. Mọi người phải xếp hàng dài trước các siêu thị để kiểm tra y tế trước khi vào siêu thị mua hàng:

“Chỉ duy nhất siêu thị bán đồ cho dân dùng và các tiệm thuốc thì được mở thôi. Nhưng nói chung là phải xếp hàng hơi dài, còn những cái chợ hoa quả hay nói chung là nhu yếu phẩm thì vẫn được mở, người dân vẫn có thể đi mua bán.”

Theo thông báo, lệnh phong toả chỉ áp dụng ở tại đảo Luzon, nhưng nhiều tỉnh ở các đảo khác cũng đang bị đặt trong tình trạng tương tự. Ông Vương Thái, hiện đang ở đảo Palawan cho biết mọi người không được ra đường vào giờ giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, và cũng không được di chuyển qua các tỉnh khác:

“Tình hình là đóng cửa trong vòng một tháng, và các tỉnh khác cũng như vậy luôn. Đóng cửa hết, nghĩa là ai ở tỉnh nào ở luôn tỉnh đó, không đi lại được.”

Công việc, học tập bị ảnh hưởng

Việc Tổng thống Duterte ban bố lệnh phong toả hoàn toàn vào ngày 17/3, mọi người chỉ có 72 giờ để rời khỏi Philippines và chuẩn bị mọi thứ, khiến cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng. Người Việt Nam đang làm việc, học tập ở đảo quốc này cũng không là ngoại lệ.

Bạn Ngô Thảo chia sẻ việc không được đến trường có nhiều bất tiện, nhưng bạn vẫn chọn ở lại trong giai đoạn này vì quan trọng nhất là hạn chế di chuyển và cách mình đối phó với dịch bệnh:

“Việc đó thì cũng một phần bất ngờ. Việc học của mình tự nhiên bị đình chỉ cho nên mình phải đổi phương pháp học. Nhưng mình là một sinh viên nước ngoài mà phải học online như vậy thì có nhiều cái hơi bất cập. Ví dụ, mình đến trường thì có thể nghe thầy cô giảng trực tiếp, còn về nhà vẫn có lớp học online, nhưng làm sao mà bằng thực tế được.

Nhưng nếu về bây giờ thì sẽ khó theo kịp tiến trình của lớp. Về thì sẽ cũng bị cách ly 14 ngày, ra sân bay bây giờ thì cũng nguy hiểm.

Với lại em cũng chưa tìm thấy mục đích thực sự để về. Ví dụ như mục đích mình về nhà để tránh dịch nhưng bây giờ thì ở đâu cũng như vậy, ở Việt Nam mình cũng dịch nhiều rồi. Chủ yếu là bản thân mình đáp ứng cái hoàn cảnh như thế nào thôi, cách đối mặt của bản thân mình. Nếu mình muốn về để tránh dịch thì ở đây mình cũng có thể tránh được, tự cách ly trong nhà, mua đồ ăn về đủ dùng.”

Ông Long cho biết cả công việc làm hành chính ở công ty và việc buôn bán đều phải tạm dừng vì lệnh cấm ra đường nếu không có việc gấp.

Còn ở những khu vực người dân sống chủ yếu nhờ vào khách du lịch như El Nido thuộc đảo Palawan thì người dân đang gặp nhiều khó khăn hơn:

“Tổng thống Duterte nói là phong tỏa Manila, nhưng mà các tỉnh khác cũng bị phong tỏa luôn. Có một số người đồn thổi là sẽ đóng dài nên mình cũng không biết. Những người có kinh tế khá giả thì không sao, nhưng cuộc sống ở Palawan rất là khó khăn, nghe tới đóng cửa thì ai cũng sợ hết, sợ đói. Kinh tế, điều kiện của họ không có, nền y tế thì lại yếu kém, chỉ thông báo đóng cửa vậy thôi chứ Chính phủ không có tài trợ gì hết.”

Không thiếu thực phẩm, chỉ lo y tế kém

Tính đến sáng ngày 19/3, số người mắc COVID 19 ở Philippines là 202. Trong đó, có đến 19 ca tử vong. Điều này làm cho nhiều người Việt Nam lo ngại về khả năng chống dịch cũng như hệ thống y tế ở đây.

Ông Long cho biết mình đã đoán trước được tình hình bùng phát dịch bệnh ở Philippines vì có rất nhiều người Hàn Quốc đang sinh sống ở đây, nên đã chủ động chuẩn bị thực phẩm cho mình và gia đình. Tuy nhiên, điều ông lo ngại nhất là năng lực y tế của đất nước này:

“Lúc vẫn chưa bùng nổ dịch thì tôi cũng dự đoán là chắc chắn sau khi Hàn Quốc nó bùng thì bên Phil này chắc chắn cũng sẽ bị tiếp theo, nên tôi cũng có dự trữ một ít lương thực, gạo, đồ ăn, nhu yếu phẩm đủ dùng trong một vài tháng, rồi thì hạn chế ra ngoài thôi.

Sau khi Chính phủ ra lệnh phong tỏa hoàn toàn, đóng cửa tất cả mọi nơi thì tôi ở nhà. Nói chung cũng không ảnh hưởng gì nhiều

Mọi người ai cũng có lo lắng bởi vì khi người ta nhìn thấy tỉ lệ nhiễm chỉ có 50 người, mà chết đến 10 người thì nó thể hiện một nền y tế, khả năng y tế không được tốt cho lắm. Cho nên ai cũng hoang mang khiếp sợ.”

Ông Thái ở Palawan cũng bi quan về hệ thống y tế yếu kém:

“Hiện tại bây giờ ở khu vực của mình chưa có trường hợp bệnh tật nào, chưa có trường hợp nào nhiễm.  Mình ở đây lâu năm thì cũng thấy rằng là nếu như ở Manila có dịch bệnh thì còn có thể giải cứu được, chứ ở khu vực như Palawan này thì có dịch bệnh là tiêu. Nói chung y tế là yếu kém.”

Bạn Ngô Thảo cho biết hiện giờ chưa xảy ra tình trạng thiếu lương thực ở thủ đô Manila:

“Việc khan hiếm thực phẩm thì không có đâu, bởi vì các cửa hàng thực phẩm vẫn được mở, chợ công cộng vẫn được mở và các siêu thị lớn vẫn mở cửa để bán hàng. Chỉ là các công ty thì sẽ bị đóng cửa thôi. Cho nên vấn đề thực phẩm thì cũng không đến nỗi.

Vì em ở trong một dãy nhà trọ mà bà chủ cũng hơi khó nên cũng hạn chế cho mọi người ra ngoài vì sợ ảnh hưởng của virus. Em đã mua từ vài ngày trước những đồ khô như ngũ cốc, sữa, vitamin C, các sợi bún phở, những thứ có thể dự trữ lâu được, những thứ đó có nhiều năng lượng cho mình, để có thể không ra ngoài trong một thời gian dài.”

Không thấy thông tin gì từ Đại sứ quán Việt Nam

Cả 3 người mà chúng tôi phỏng vấn đều cho biết họ không hề nhận được bất kỳ một thông  báo hỗ trợ nào từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines.

Ông Long không biết chắc chắn Đại sứ quán có thông tin hỗ trợ gì không, nhưng cá nhân ông chưa nghe thấy gì:

“Hiện tại thì cũng không thấy thông báo. Tôi cũng không để ý nhưng đối với tôi thì tôi chưa nhận được tin tức nào từ Sứ quán về vấn đề này. Nhưng nhiều lúc sứ quán cũng không thể liên lạc hết với tất cả mọi người bên này được. Hiện tại chưa thấy đại sứ quán có động tĩnh gì đến tai tôi, còn không biết những người khác thì có biết gì hay không. Cho nên tôi cũng không dám nói là Đại sứ quán không có hành động gì.

Bạn Ngô Thảo nói:

“Em ở ngay  gần Đại sứ quán luôn mà em không thật sự không biết gì về Đại sứ quán luôn. Em không biết là họ có thông báo hay không luôn.

Thứ nhất là mình không đi ra ngoài. Thứ hai là mình đọc các trang thông tin về tình hình hiện tại của Phil để biết mình nên làm gì, chứ cũng chẳng biết trang web của Đại sứ quán ở đâu luôn.”

Ông Vương Thái nói rằng Đại sứ quán không làm gì hết, để người Việt ở Philippines “tự xử”:

Ở Philippines này có rất nhiều đảo, có thể người ta không thể phổ quát hết được. Hàng ngày mình cũng có lên Facebook hoặc YouTube đọc tin, hoàn toàn Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines này họ không có tiếng nói gì hết, cũng không có phát động gì hết, cũng không báo động gì hết, nghĩa là tự xử.”

Trên trang web chính thức của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, hoàn toàn không có thông tin nào cảnh báo cũng như hỗ trợ người Việt đối phó với dịch COVID-19. Các tin tức gần nhất là các hoạt động mà Đại sứ quán Việt Nam chào đón, hỗ trợ các vận động viên Việt Nam tham dự SEAGAMES 30.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular