CÓ CÁI CHẾT ƯƠM MẦM HI VỌNG.

0
2283
Other Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã, đã thiệt mạng trong cuộc 'tập kích, bố ráp' hôm 09/01/2020 của chính quyền và cảnh sát vào thôn Hoành và xã Đồng Tâm

Sau sự kiện Đồng Tâm, một số người nhận xét, cụ Lê Đình Kình là trường hợp lạ, rất đặc biệt và chứa đầy mâu thuẫn. Đấu tranh chống tham nhũng nhưng lại chết vì chống tham nhũng. Cả gia đình khẳng định một lòng theo Đảng nhưng lại bị bách hại vì tổ chức của mình.

Tôi nghĩ giản dị hơn, cụ Lê Đình Kình là một nông dân yêu đất, sống chết vì đất, là thủ lĩnh của một nhóm nông dân chống lại thế lực cường bạo để giữ quyền được cấy cày gặt hái trên mảnh ruộng của mình, giữ quyền sở hữu đất đai khỏi bóng ma công hữu, một đảng viên lão thành luôn trung kiên, tin tưởng vào tổ chức mình gia nhập, tin vào lời kêu gọi chống tham nhũng của các nhóm lợi ích. Thế thôi.

Thứ nhất, cụ Kình là một nông dân. Wikipedia xếp cụ vào ngạch công chức. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ, dù cụ từng tham gia chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam, tham gia lãnh đạo xã Đồng Tâm, lần lượt đảm trách các chức vụ Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm, Trưởng Công an xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm trong nhiều thời kỳ, thì rõ ràng, vẫn là những nhiệm vụ gắn chặt và liên quan tới đất. Người dân Đồng Tâm bao đời nói chung và cụ Kình nói riêng, trước hết và trên hết là những nông dân thuần phác, mang đủ phẩm cách cũng như hạn chế của giai cấp mình. Họ vừa hào hiệp, bao dung vừa chi li, chặt chẽ, vừa sắc sảo, ghê gớm vừa ngây thơ, cả tin, vừa thực tế vừa ảo tưởng.

Hào hiệp nên mới hiến đất để nhà nước làm sân bay, làm trường bắn, nuôi nấng bộ đội trong suốt thời kỳ chiến tranh và chính mình lao động sản xuất cùng lúc tham gia chiến đấu. Bao dung nên mới chăm sóc, cơm nước tử tế cho 3 chục cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin năm 2017, chỉ vô hiệu hóa nhiệm vụ của những người chấp pháp chứ không tấn công họ. Hào hiệp nên đêm ngày 8/1/2020, người thân và dân làng đã đưa cụ Kình lánh tạm ở nơi an toàn, mà cụ vẫn nhất định đòi đưa về ngôi nhà của mình, nơi có người thân, có đồng bào, đồng chí, có ban tham mưu của “Tổ Đồng thuận” để sống chết cùng nhau trước nguy cơ bao vây tấn công bằng vũ lực của cảnh sát cơ động. Nhưng họ cũng vô cùng chi li, tính toán khi phát hiện ra sự dối lừa. Với người nông dân, chỉ mất con gà con vịt cũng đủ khiến họ chửi rủa tới 3 ngày với những ngôn từ sâu cay nhất. Huống chi đất đai ông bà để lại, vừa là tài sản khổng lồ (nếu sau này bị nhóm lợi ích thâu tóm rồi làm sân gôn hoặc các công trình tư nhân như tiền lệ, không khó kiểm chứng nơi này nơi kia, chỉ qua vài động tác nhấp chuột), vừa mang giá trị tinh thần vô giá vì đó là mảnh đất thấm mồ hôi và máu bao thế hệ nông dân Đồng Tâm… Họ gìn giữ, bảo vệ đồng Sênh chính là bảo vệ quyền tư hữu ruộng đất, chống lại cái áo công hữu, chống lại sự nhập nhèm giữa cướp đoạt với trưng dụng, giữa ăn chia lợi ích nhóm với sử dụng cho mục đích quốc phòng.

Họ cũng đủ sắc sảo để không ai, không thế lực nào có thể qua mắt, lừa mị. Họ đoàn kết, mạnh mẽ, khôn khéo, dám bắt hàng chục cảnh sát cơ động làm con tin, buộc người lãnh đạo thành phố phải đưa ra lời hứa không xử lý hình sự với dân Đồng Tâm, và tuyên bố rút các dự án khỏi Đồng Tâm bằng giấy trắng mực đen, bằng truyền thông lề đảng. Sự việc sau này xảy ra, rõ ràng dân chúng đã nhận ra sự lật lọng của lãnh đạo thành phố khi đối chiếu lời hứa trên giấy tờ và báo chí. Họ kiên quyết không trao tài liệu gốc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Họ bảo vệ, tương hỗ lẫn nhau trong “đại nghiệp” giữ đất. Và, đáng buồn, họ ngây thơ trong chính sự sắc sảo của mình. Ngây thơ nên mới đăng lên mạng những tuyên bố mang màu sắc bạo lực (có 200 lít xăng, sẵn sàng quyết tử, sẽ giết 300- 500 cảnh sát nếu dám xông vào làng…mà phần nhiều là nhằm hư trương thanh thế), ngây thơ nên mới không nghĩ tới kịch bản bị ốp mìn phá cửa, bị hành quyết rồi đoạt tài liệu, ngây thơ nên mới độc quyền lưu trữ chứ không scan tài liệu làm nhiều bản, để vô hiệu hóa âm mưu giết người diệt khẩu, ngây thơ nên mới dùng bạo lực để thách thức nhà cầm quyền. Ngây thơ nên mới không hiểu, từ xa xưa, những cuộc phản kháng của nông dân đều bị dìm trong máu. Ngây thơ nên mới nhận định chính quyền bỏ qua cho những tuyên bố bạo lực (chỉ là lời nói chứ chưa có bằng chứng nào xác thực việc họ dám làm). Cái giá họ phải trả cho sự ngây thơ là cái chết bi thương của cụ Kình, là những án tù chắc chắn không nhẹ dành cho hàng chục người dân Đồng Tâm, và tệ hơn cả, để cho họ bị vu cáo rằng nhận tiền tài trợ để mua vũ khí chống chính quyền.

Họ đã từng rất thực tế khi không tin bất kỳ hội nhóm xã hội dân sự nào năm 2017. (Trong những ngày giam giữ con tin, không thông tin nào được lọt ra cho những người đấu tranh dân chủ, mà chỉ được nhỏ giọt một cách tiết chế trên mạng xã hội, có bài bản, lớp lang, vừa đủ đánh động công luận trong nước và quốc tế, vừa đủ để không bị xuyên tạc thành hoạt động liên quan tới các tổ chức đấu tranh. Bất kỳ phát ngôn và thông tin chính thức nào của họ, về họ những ngày gần đây cũng đều thông qua Trịnh Bá Phương, một dân oan giữ đất cùng cảnh ngộ.). Trước đó, dân Đồng Tâm, mà đại diện là cụ Lê Đình Kình, cũng không tin bất kỳ đại diện nào nhân danh những tập đoàn đang vươn tay thâu tóm 59 ha đất đồng Sênh để cho phép họ được có hình ảnh tài liệu gốc. Tức là, họ chỉ tin chính mình và người của mình. Nhưng lỗi của họ là quá ảo tưởng. Ảo tưởng về lời hứa của lãnh đạo thành phố. Ảo tưởng các nhóm lợi ích sẽ chùn tay. Ảo tưởng nhà cầm quyền sẽ nhượng bộ. Ảo tưởng mình có trong tay tư liệu gốc thì sẽ không ai dám làm gì. Ảo tưởng vì không lường hết những hành xử như thời trung cổ. Sự ảo tưởng của họ cũng chính là bức tranh tâm lý thu nhỏ của nông dân Việt Nam từ 1945 đến nay.

Thứ 2, cụ Lê Đình Kình không chỉ là lão nông dân giữ đất. Cụ còn là một đảng viên cộng sản toàn tòng. Tin vào tổ chức của mình cho tới chết. Cụ không phản đảng, chỉ chống lại nhóm lợi ích, hưởng ứng và thực hiện đúng lời kêu gọi của Tổng bí thư đảng này về trách nhiệm chống tham nhũng. Đừng ai gán cho cụ những danh từ đao to búa lớn như “anh hùng dân tộc” hay đại loại thế. Cụ chết vì niềm tin của mình, chết vì chính tổ chức mà mình trung thành. Cái chết của cụ chứng minh chân lý: Ở đất nước này, tham nhũng cả triệu đô la là sai phạm tập thể, nhưng dám phản kháng, dám đi ngược lợi ích của đảng, vì bất kỳ lý do gì, đều phải chết, đều bị coi là kẻ thù, là cừu địch.

Cái chết của cụ Lê Đình Kình là phát súng kết liễu niềm tin mong manh cuối cùng của những đảng viên lão thành, khiến họ hoang mang, sợ hãi, đề phòng hoặc biến thành nỗi căm giận ngấm ngầm. Bởi cụ Kình chỉ thực hiện đúng điều lệ dành cho đảng viên chứ không chống phá gì cả. Tôi gặp không ít nỗi bàng hoàng, ghê sợ của những người lính già- những trí thức- đồng thời là những đảng viên tử tế nhất còn sót lại. Sự hi sinh của cụ phân hóa sâu sắc lòng người, lề đảng và lề dân, phân hóa sâu sắc về nhận thức giữa một bên bị nhồi sọ với một bên được thức tỉnh. Sự phân hóa này là hi vọng, không là tuyệt vọng, vì nó cho thấy số người thức tỉnh lần này lớn hơn, sâu hơn, trong đó có nhiều đảng viên còn băn khoăn đứng giữa đôi dòng thuận nghịch.

Cái chết của cụ Lê Đình Kình và sự tù đày của hàng chục người Đồng Tâm còn là tiếng chuông cảnh tỉnh một điều: Không thể lấy bạo lực để đối đầu bạo lực, dù ở phía nhà cầm quyền hay phía dân. Không bao giờ chiến thắng bằng bạo lực lại đem tới kết quả tốt lành. Cả 2 phía sẽ đều thua thiệt. Nhóm nhỏ người dân, dù thuộc về lẽ phải thì nếu luôn coi bạo lực là phương châm hành xử cũng chỉ đem lại bạo loạn. Chỉ có thể từng bước nâng cao dân trí, để mỗi nông dân, mỗi công dân ý thức được quyền con người, quyền công dân, quyền tư hữu ruộng đất… thì khi đó, mới hi vọng thay đổi. Làm được điều này, giai cấp nông dân không gánh vác nổi. Bởi họ ngày càng đơn độc khi ruộng đất ngày một thu hẹp, khi điều 53 còn tồn tại trong Hiến pháp khiến danh sách những “Cánh đồng quê chảy máu”, những “Đường phố dân oan” ngày một dài thêm. Thay đổi nhận thức con người, cần có những tổ chức xã hội dân sự, những cá nhân đủ uy tín cùng hợp sức, với lòng dũng cảm, sự nhẫn nại, tính khiêm nhường vị tha vô cùng tận.

Làm sao để cái chết của cụ Lê Đình Kình và sự oan khuất của hàng vạn, hàng vạn nông dân trên đất nước này không trở thành vô nghĩa, đó mới là điều cần hướng tới chứ không phải là cổ vũ bạo lực hoặc đẩy hết lỗi về phía nhà cầm quyền hay chỉ kết án người dân.
Làm sao, mỗi sự hi sinh sẽ sinh sôi niềm hi vọng. Dù hi vọng nảy mầm từ máu là tận cùng xót xa, đau đớn.

510180cookie-checkCÓ CÁI CHẾT ƯƠM MẦM HI VỌNG.