Saturday, July 27, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGCHƯƠNG 2-“NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐAI”

CHƯƠNG 2-“NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐAI”

Vu Kim Hanh

(Tác giả: Brian Eyler-Người dịch: Kiến Phước Nguyễn Tấn).

* Đành sorry bạn đọc vì quá dài (nhưng hay)
Sau cuộc tìm lên thượng nguồn qua tiếp cận ngôi làng bí mật Yubeng và dãy Kawagarbo, tác giả đã đi xuôi dòng Mekong, đi qua nhiều con đập mà con người dựng lên để thỏa mãn cơn khát vô tận năng lượng. Hệ thống đập thuỷ điện đó có tác dụng gì với nền kinh tế của các nước liên quan? Hệ sinh thái sông Mekong sẽ bị huỷ hoại như thế nào?

THƯỢNG NGUỒN MEKONG ĐÃ BỊ BĂM NÁT NHƯ THẾ NÀO?
Xuôi dòng về phía Nam để đến nơi dòng sông ở Yubeng hợp vào Mekong, chúng ta có thể ngắm nhìn 1 dãy các hẻm núi hình chữ S cao vời vợi. Vài năm trước, con đường cao tốc dọc bờ Đông của sông vẫn còn là đường đất gập ghềnh. Người Tây Tạng dùng đoạn đường này để chở khoáng sản và cát được khai thác từ các hầm mỏ gần đó. Rải rác đó đây là những ngôi làng Tây Tạng nhỏ, chỉ có 30-40 hộ dân sống trong những ngôi nhà làm bằng đá, gỗ và sỏi. Từng dây, từng dây Phật Kỳ nhiều màu kết nối các ngôi nhà với những ngôi chùa và đền gần đó; đôi khi, dây cờ tiếp tục len lỏi và mất hút về phía núi rừng. Thấp thoáng trong khung cảnh đó là những bức phù điêu được đặt để bảo hộ cho người dân Tây Tạng và các cây cầu gỗ chỉ vừa đủ để 2 chiếc xe máy đi cùng lúc. Nhưng không phải ngôi làng nào cũng có cầu mà người dân phải đi bộ nhiều cây số để qua bờ bên kia.
40 cây xuôi dòng về phía Nam là ngôi làng Phúc Cống (Cizhong), nơi các kiến trúc truyền thống Tây Tạng biến mất và được thay vào đó là các ngôi nhà phong cách Công Giáo, Tây phương hơn. 80% trong số 115 hộ gia đình ở Phúc Cống theo đạo công giáo, là thành viên của nhà thờ được người Pháp xây từ cuối thế kỷ 19 trong nỗ lực truyền giáo cho người Trung Quốc và Myanmar. Mỗi tuần, từng đoàn người Tây Tạng, nữ đội khăn tím, nam đội mũ cao bồi, kéo nhau đến nghe lễ tại nhà thờ này. Cha Diêu Phi (Yao Fei), chuyển đến Phúc Cống từ Nội Mông vào 2008, là người phụ trách các buổi lễ này. Cuối tuần, người ta có thể thấy nhiều du khách phương Tây đến dự lễ chung, để nghe các bài thánh ca tiếng Trung. Lao xao trong không trung, chúng ta vẫn có thể nghe được tiếng kinh kệ Phật Giáo vọng về từ phía núi rừng.
Việc Phúc Cống được cải đạo sang Công Giáo đã làm nơi đây nổi tiếng về rượu vang. Du khách có thể dễ dàng tìm kiếm các cửa tiệm bán rượu vang, vài nơi còn để bảng: “150 năm công nghệ Pháp, hoàn toàn thủ công và được chưng cất công phu” do các nhà truyền giáo người Pháp đến đây, phát hiện giống nho Phong Mật Hồng Hoa (Rose Honey grapes) mà 100 năm trước đã biến mất khỏi nước Pháp do dịch bệnh.

Thủ bút đề tặng sách cho bà Phạm Chi Lan

NHẬP MỘT 2 NGÔI LÀNG CỔ, BẮT ĐẦU XÂY ĐẬP
Cách đây không lâu, chính quyền Trung Quốc quyết định tái định cư cả làng Nhạn Môn, với hơn 200 hộ dân, nhập vô làng Phúc Cống. Khác với Phúc Cống nằm cao hơn mực sông Mekong 100m, Nhạn Môn nằm ở gần bờ sông hơn và sẽ bị nhấn chìm bởi con đập Wunonglong cách đó 12km về phía hạ nguồn. Người dân địa phương Phúc Cống lo rằng việc tái định cư lớn như vậy sẽ phá huỷ cuộc sống nơi đây. Do người dân ở Nhạn Môn chủ yếu vẫn theo Phật Giáo và có rất ít trải nghiệm với Công Giáo. Trong khi Công Giáo ở Phúc Cống là 1 hỗn hợp giữa phương Tây và Tây Tạng.
Để đủ chỗ cho dân Nhạn Môn, người ta sẽ phải xây nhà trên các nương ruộng bậc thang đã có từ những năm 1960 (khi đó được trồng để đóng góp vô Bước Đại Nhảy Vọt của Trung Quốc – The Great Leap Forward).
Việc đền bù đất đai cũng là vấn đề nóng chưa giải quyết được. Hơn 1 nửa đất nông nghiệp ở Phúc Cống sẽ được dùng để xây nhà cho dân Nhạn Môn và chuyển giao sinh kế. Ban đầu khi đàm phán, người dân ở đây được đề nghị 30,000 tệ (99.5 triệu VND) cho mỗi mẫu (亩/畝 =.667m2 – 1 mẫu anh (acre) bằng 6 mẫu TQ). Nhưng dân địa phương nói, giá trị phải nhiều gấp 10 như vậy.
Vào 2015 khi tôi ghé thăm Phúc Cống, mức giá đàm phán đã lên tới 100,000 tệ nhưng vẫn chưa đạt được thoả thuận. .. Dân làng Phúc Cống không đồng ý là vì chính quyền sẽ lấy 30% tổng số và chỉ đồng ý trả tiền đền bù mỗi tháng, kéo dài 15 năm và như vậy không cách nào sinh sống được.
Những ngày cuối cùng của tôi ở đây cũng là những ngày cuối cùng của hàng 30 cây óc chó (walnut) ở con đường độc đạo duy nhất vào làng. Chính quyền địa phương quyết định chặt hàng cây này để mở rộng đường xá.

sông Nu

AI LÀ SỞ HỮU CHỦ DÒNG SÔNG ?
Năm 2014, thị trưởng cũ của Phúc Cống đã nổi giận trong buổi gặp mặt những người phản đối dự án đập thủy điện. Ông nói: “Đừng phản ứng nữa. Đây không phải đất của mấy người. Đây là đất nhà nước, là tài sản nhà nước.” Nhưng trong suy nghĩ của người dân Phúc Cống, chính phủ Trung Quốc mới đến vùng đất này hơn 10 năm trước, làm sao có thể giành đất, giành đai mà họ đã khai phá và bồi đắp bao đời được? Làm sao 1 quốc gia sở hữu dòng sông này được? “Dòng sông này đã ở đây bao nhiêu đời, là một phần của chúng tôi rồi” – Một người dân bức xúc nhưng giấu mặt khi bày tỏ.
Số phận của người dân 2 làng Phúc Cống và Nhạn Môn là điều thường thấy ở Trung Quốc trong chiến lược phát triển thuỷ điện của nước này. Ít ra so với dân Nhạn Môn, người dân Phúc Cống còn có nhà để ở, dù sinh kế có thể tan nát khi đền bù không thỏa đáng. Nhưng chính quyền trung ương Trung Quốc hoàn toàn không hề quan tâm đến tình cảnh người ở 2 làng trên. Trung Quốc là nước sử dụng, sản xuất và nhập khẩu than đá nhiều nhất thế giới, đồng thời là nước gây ô nhiễm và thải khí nhà kính kinh khủng nhất. Nhận thấy hậu quả nóng lên của khí hậu toàn cầu, Trung Quốc cam kết sẽ ngưng xả carbon vào 2030 và được thế giới ủng hộ, thể hiện qua hiệp ước Paris năm 2015 được ký bởi 200 nước. Để làm được điều đó, Trung Quốc thực hiện việc xây dựng hàng loạt đập thuỷ điện trong phạm vi nước họ, hoặc gần biên giới các nước lân cận.

Đập Mạn Loan.

CƠN KHÁT NĂNG LƯỢNG VÔ TẬN.
Từ giờ đến 2040, lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tăng 90%, buộc họ phải tìm cách tạo ra lượng điện bằng cả nước Mỹ, để cộng vô công suất hiện tại mới đủ. Để làm điều đó, Trung Quốc đã và đang tiến hành xây hàng loạt đập thuỷ điện dọc thượng nguồn Mekong, dọc dòng Trường Giang (Yangtze) và các sông nhánh như Đại Độ (Dadu), Mạnh Giang (Min) và và Nhã Lung Giang (Yalong). 3 thập kỷ phát triển mãnh liệt đã vắt kiệt nguồn dự trữ năng lượng của nước này; các mỏ dầu, than và khí tự nhiên đều nằm quá xa các trung tâm công nghiệp. Mỏ dầu đầu tiên của Trung Quốc ở Đại Khánh, địa phận Hắc Long Giang đã gần cạn. Khi Đại Khánh kiệt quệ, vào đầu những năm 2000, chính phủ Trung Quốc chuyển ngành dầu mỏ về Tân Cương, 1 tỉnh ở biên giới phía Tây. Điều đó kéo theo hàng triệu người Hán Trung Hoa di cư đến Tân Cương, dẫn đến bi kịch tẩy trắng người Uyghur bản địa. Đầu thập niên 90, Trung Quốc nhập dầu nhiều hơn là xuất và ngày nay, các công ty dầu mỏ của nước này hoạt động cở mọi ngóc ngách trên thế giới và đều nằm top giàu nhất. Ở Đông Nam Á, Trung Quốc có mạng lưới đường ống phức tạp để vận chuyển dầu và khí tự nhiên về dùng. Như vậy, cùng với than đá nguồn tài nguyên mà Trung Quốc dư dả, dầu mỏ và khí tự nhiên sẽ tiếp tục đóng góp 1/2 lượng năng lượng nước này tiêu thụ.
Việc xây dựng đập thuỷ điện đã được thực hiện từ những năm 90, trong chiến dịch “Chuyển điện phương Tây về phương Đông” (send west electricity east – chuyển điện năng từ các đập thuỷ điện ở những tỉnh Tây Nam về các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp ở bờ biển phía Tây nước này). Điều này tốt cho kinh tế Trung quốc: giúp các tỉnh phía trong đất liền như Vân Nam có thể kiếm thêm thu nhập. Từ 2006, khi thấy các nguồn năng lượng hoá thạch đang cạn dần, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên kế hoạch để đến năm 2020, 20% lượng điện năng tiêu thụ phải đến từ các nguồn tái tạo được, và TRỌNG TÂM LÀ THỦY ĐIỆN.

THỦY ĐIỆN Ở THƯỢNG NGUỒN MEKONG
Đối với thượng nguồn Mekong, kế hoạch ban đầu với 9 con đập, tạo ra 15 gigawatts đã tăng lên hơn gấp đôi, thành 20 con đập và 30 gigawatts công suất. Năm 2015, công suất thuỷ điện của Vân Nam đã đạt 50 gigawatts, đủ để chiếu sáng cho 5 thành phố với tổng dân số lên đến 50 triệu người. Thử so sánh, Mỹ, quốc gia đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng thuỷ điện, vào lúc đó tạo ra tổng cộng 100 gigawatts. Còn chỉ tỉnh Vân Nam và vùng quanh Tứ Xuyên – Tây Tạng hiện mỗi tỉnh tạo ra hơn 100 gigawatts thuỷ điện. Trước khi con đập cuối cùng được xây, thì hơn 8 triệu người, chủ yếu là dân tộc thiểu số, sống ở lưu vực các sông nói trên BỊ DỜI NHÀ. Darrin Magee, một chuyên gia thuỷ điện ở Vân Nam, gọi việc này là đang chuyển từ làm THỦY LỢI (watershed) sang ĐIỆN LỢI (powershed). Đối với lãnh đạo Trung Quốc, các con SÔNG CHỈ CÓ GIÁ TRỊ ĐIỆN NĂNG chứ không có giá trị nông nghiệp, thuỷ lợi nữa. Dĩ nhiên, bằng logic đó, họ bất chấp cuộc sống người dân, như thế nào cũng không quan trọng bằng các con đập.
Địa hình Vân Nam rất phù hợp để xây đập vì trải dài từ vùng núi biên giới với Tây Tạng và Tứ Xuyên, tới vùng đồng bằng thấp hơn 2000 mét Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) về phía Nam. Ở Vân Nam, các vùng có sông cùng với việc chênh lệch độ cao tạo ra những thung lũng lớn và sâu, thẳng thóm không khúc khuỷu. Vân Nam nổi tiếng với nhiều hẻm núi kỳ vĩ như Phi Hổ (Tiger Leaping) và Kim Sa (Jinsha). Đối với Mekong hay bất kỳ dòng sông nào đi qua Vân Nam, chỉ cần thung lũng đó có hẻm núi là đều có thể làm các đập có tường cao được, miễn là có thể làm đường đến đó và có thể di cư dân chung quanh. Đó cũng là SỐ PHẬN CỦA KHU THƯỢNG NGUỒN MEKONG, khi các con đập hoàn thành, lượng nước dự trữ sẽ nhiều gấp đôi lượng nước ở vịnh Chesapeake.
Đối với chính quyền Trung Quốc, vùng cao nguyên quanh đó bị coi là lạc hậu, kém văn minh so với người Hán ở đồng bằng. Định kiến đó đã tồn tại nhiều thế kỷ qua, và họ luôn bị coi là dân man di, mù chữ so với người Hán. Các chính sách triều đình Trung Hoa đã cố gắng văn minh hoá để đồng hoá họ với Hán Tộc, và một triều đại nào của TQ tồn tại càng lâu thì các vùng chung quanh lại càng mau chóng bị gộp vào Trung Quốc; những dân tộc không bị đồng hoá thì sẽ hoặc là bị giết hoặc là bị đi đày.
Vào những năm 1950, các nhà xã hội học Trung Quốc tiếp cận với chủ nghĩa Marx và thuyết xã hội tiến hoá. Họ nghiên cứu về các dân tộc đang sinh sống ở khu vực cao nguyên Tây Nam để “phân cấp” họ theo thuyết tiến hoá. Vì thế, người Va (Wa) bị xếp hạng rất thấp do học sống săn bắt hái lượm, so với người Pai (Bai) sống ở vùng Đại Lý (do người Pai sống bằng trồng trọt). Và như vậy, đương nhiên các dân tộc đó đều đứng dưới Hán Tộc, với ngàn năm phát triển kỹ thuật nông nghiệp.
Sau 1979, khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu cải tổ và mở cửa, chính sách TQ (phương pháp lập trình xã hội) các dân tộc thiểu số được chuyển sang tập trung vào quyền lợi kinh tế nhiều hơn. Cách tốt nhất là chuyển mô hình kinh tế xã hội sang mô hình kinh tế tiền tệ để biến các dân tộc này thành công nhân và dịch chuyển họ về các thành phố phát triển hơn. Chính quyền Trung Quốc hiểu rằng chỉ cần tiền lương tăng là sẽ thu hút được”các sắc dân mọi rợ” này về các thành thị ở đồng bằng. Điều đó không chỉ giúp ích cho nền kinh tế chung mà còn nâng cao đời sống của họ. Điều đó, trong mắt tầng lớp lãnh đạo theo chủ nghĩa lợi ích cực đoan (Chauvinistic – Chủ nghĩa Xô Vanh) là đang ban ơn cho người thiểu số.
Quá trình đền bù được thực hiện rất đơn giản. Quá trình này bao gồm đền bù (sẽ do công ty xây đập chi trả) và di dời (do chính quyền địa phương thực hiện). Giản lược hoá, 1 người kế toán sẽ định giá tài sản của từng hộ dân nơi đó, cộng với diện tích đất nông nghiệp (do trong mắt chính quyền trung uơng, những người này chỉ sống nhờ nông nghiệp) và đền bù bằng đất hoặc tiền tương ứng. Với người dân vùng núi, nếu theo cách tính ngây thơ đó sẽ khó thành công.
Việc di cư dân miền núi rất phức tạp vì các khu tái định cư được thiết kế bởi những người sống ở thành phố, mua sắm ở siêu thị và không tự tay nuôi trồng món gì cả. Các khu tái định cư hoàn toàn khác với môi trường sống bình thường của họ.

LỜI HỨA GIÓ BAY. AI BẢO VỆ DÂN VÙNG LÀM THỦY ĐIỆN?
Khi đập Mạn Loan (Manwan), con đập đầu tiên ở thượng nguồn Mekong được khởi công vào giữa những năm 1980, chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ tạo công ăn việc làm cho các dân tộc thiểu số. Công ty xây dựng đập Mạn Loan hứa sẽ tạo điều kiện để phát triển các làng cá bè và thu hút khách du lịch nhiều hơn. Chính quyền địa phương đầu tư vô 1 bến cảng phía sau con đập và thuyết phục 1 số hộ giàu địa phương mua 1 số du thuyền để làm du lịch. Đánh đổi là 3400 người, 1 nửa dân số thung lũng Mạn Loan, sẽ mất nhà.
Vào đầu những năm 2000, Tiến sĩ Vu Tiểu Cương (Yu Xiaogang), giám đốc trung tâm Thuỷ lợi Xanh, một tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Côn Minh, đến thăm vùng đập Mạn Loan. Ông bị bất ngờ khi thấy người dân sống trong điều kiện nghèo khổ: hoàn toàn không có các trại cá hay khách du lịch gì cả mà người dân đang làm nghề dọn rác và bọt bẩn cho chủ đập. Tiến sĩ Vũ đã viết 1 bản báo cáo về việc cần phải đền bù thêm cho người dân và gửi đến chính phủ Trung Quốc. Không lâu sau đó, thủ tướng đương thời, ông Chu Dung Cơ đã ra lệnh đánh giá toàn diện đập Mạn Loan và thuê trung tâm của ông Vũ làm công tác đó.
Để thực hiện việc đánh giá, team của ông Vũ đã cẩn thận theo dõi và bóc tách thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây. Ông phát hiện nhiều điều quan trọng: (1) Nguồn nước sạch trước đây người dân dùng để sinh hoạt đã biến mất vì bị đập làm ô nhiễm; (2) đất đai ở khu tái định cư kém màu mỡ hơn nhiều do nằm trên đồi so với việc nằm cạnh lưu vực sông; (3) do khi xưa dân làng canh tác cùng nhau nên chia chung hệ thống thuỷ lợi, nay các thửa ruộng xa nhau nên việc làm thuỷ lợi cũng khó khăn do thiếu thiết bị; và (4) các khu đền thờ và mộ tổ tiên đã bị con đập cuốn trôi mà không cho người dân cơ hội di dời. Từ các kết quả đó, ông Vũ kết luận mỗi người dân (không phải hộ) cần được đền bù thêm 13000 tệ ($1800). Công ty quản lý đập phải cung cấp thiết bị để làm thuỷ lợi và xây các công trình công cộng như chợ, và trường học. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây đã tốt lên nhiều. Ngày nay, khi quay lại thăm khu đập Mạn Loan, những người dân tái định cư đã dần hoà nhập một cách khiêm tốn với các cộng đồng đã sống ở đó hàng trăm năm. Tuy nhiên, nhiều lời hứa đã không thành hiện thực, 30km chiều dài đầm chỉ có 5 trại cá, và kể cả đã có đường cao tốc, vẫn rất ít khách du lịch đến đây. Xuôi dòng, các con thuyền đã mua trước đó đã cũ mục.
Khi lần đầu gặp Tiến sĩ Vũ vào 2004, ông đang cố gắng tái hiện lại chiến thắng ở Mạn Loan tại các dự án tái định cư tương tự. Các tổ chức thế giới tin tưởng tiến sĩ Vũ và cử hàng loạt chuyên gia hàng đầu đến cùng làm việc. Đầu năm 2004, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng 13 đập để tạo ra 17 gigawatts trên sông Nu (sông Thalwin của Thái Lan). Bờ tây của lưu vực sông Nu tạo thành biên giới Vân Nam với Myanmar và khi chảy vào Myanmar (qua các tỉnh Shan và Karen) thì được gọi là sông Salween. Lưu vực sông này là quê nhà của nhiều tộc người thiểu số và có nhiều chủng cây và động vật đặc chủng nhất ở Châu Á. Đây là điểm nóng về đa dạng sinh học cực kỳ quan trọng. Bất kỳ con đập nào xuất hiện ở lưu vực này đều sẽ đe doạ nghiêm trọng đến địa chất khu vực và việc xây dựng 17 con đập đồng nghĩa với việc phải di dời 45,000 người.
Đầu năm 2004, Hoa Điển (Huadian), công ty xây dựng đập thuỷ điện quốc doanh, đã trình bày kế hoạch với nhiều lời hứa với người dân địa phương. Tiến sĩ Vũ, với phương thức cũ, đã tổ chức nhiều đoàn tham quan từ sông Nu đến Mạn Loan. Sau khi tận mắt chứng kiến, người dân sông Nu nổi giận vì phát hiện ra các lời hứa đều là thứ tuyên truyền dối trá nên thay vì về nhà, họ đi thẳng lên Côn Minh và biểu tình ở trước uỷ ban nhân dân tỉnh. Điều này buộc những nhà lãnh đạo cao nhất của chính phủ Trung Quốc lại phải xuất hiện. Thủ tướng Ôn Gia Bảo lại phải ra lệnh điều tra dự án đập ở sông Nu và tiến sĩ Vũ lại chiến thắng. Ông được cộng đồng thế giới hân thưởng. Năm 2006, ông được trao “Giải thưởng môi trường Goldman” và 2009, ông đạt giải Ramon Magsaysay, được nhiều người coi là Nobel Châu Á.

Làng Nhạn Môn

NGƯỜI HÙNG BẢO VỆ DÂN VÙNG LÀM ĐẬP THỦY ĐIỆN LẠI BỊ “ĐẬP”.
Nhưng không có chiến thắng nào mà không phải hy sinh. Sau vụ việc ở sông Nu, trung tâm của ông Vũ bắt đầu bị chèn ép. Lần này tiến sĩ Vũ phải đương đầu với thế lực hợp tác với các công ty xây dựng đập như Hoa Điển và Hydrolancang cùng với chính quyền địa phương. Trong lúc đang thực hiện dự án, văn phòng của trung tâm tiến sĩ Vũ bị huỷ hợp đồng thuê nhà và bị cấm nhận tài trợ quốc tế. Năm 2009, sau khi nhận giải Magsaysay, tiến sĩ Vũ bị tịch thu passport và cấm bay quốc tế.
Vào năm 2008, gói kích cầu kinh tế của chính phủ Trung Quốc giúp cho các công ty phát triển thuỷ điện quốc doanh nhận được nhiều tiền và tài nguyên hơn. Năm 2012, khi tiến sĩ Vũ và 1 phái đoàn môi trường đến thung lũng sông Nhã Lung, 1 nhánh sông dài của Trường Giang, để gặp đại diện của hơn 100,000 người dân bị di dời thì họ phát hiện 1 sự thật khủng khiếp. Giờ đây các công ty thuỷ điện không còn hứa hẹn gì nữa mà chỉ đe doạ ai chống đối sẽ bị pháp luật xử lý, bất chấp quyền công dân.
Tiến sĩ Vũ và đội của mình thất bại trong việc đàm phán. Từ đó, bất kỳ nỗ lực nào của ông và các tổ chức tương tự đều bị phá hoại từ trong trứng nước. Khi gặp tôi lần gần nhất ở Côn Minh, ông Vũ cho biết: “Giờ đây quyền lực của mấy công ty thuỷ điện là vô hạn tại địa phương và quá mạnh tại Bắc kinh. Những nhóm lợi ích đặc biệt này có thể dễ dàng thao túng quan chức cao cấp của chính quyền và can thiệp vào các cơ quan chính sách như Uỷ ban Tái thiết và Phát triển Quốc gia (National Reform and Development Commission), hoặc Bộ Tài Nguyên Môi Trường (Ministry of Environment Protection).” Ông chia sẻ cái cách mà các nhóm chạy chính sách để tấn công, phá hoại các tổ chức như ông: Bọn chúng rao tin rằng ông Vũ là nỗ lực của phương Tây để cản bước phát triển của Trung Quốc.
Khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình thừa nhận công khai cần có sự tham gia của các nhóm dân sự vào việc giải quyết những vấn đề quốc gia, như phá hoại môi trường và đời sống nông thôn. Nhưng 2014, chính quyền của ông này lại ra 1 đạo luật hạn chế hoạt động và nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ.
Thực tế là việc xây đập thủy điện ở đây có thể gặp nhiều rủi ro: lỡ tuyết, động đất nặng. Bất ngờ thay, vào 2016, Tập Cận Bình yêu cầu chính quyền Vân Nam phải lên kế hoạch cải thiện đời sống lưu vực sông Nu: vì lo sợ rủi ro động đất nặng ở đây. Sông Nu chảy cận kề với sông Mekong và các lo ngại về địa chấn vẫn không cản được các công ty thuỷ điện. Yêu cầu này của ông Tập cho thấy quyền lực các công ty thuỷ điện đang lung lay, và khó lòng lấy thêm giấy phép cho những con đập mới. Vì thế họ sẽ đẩy mạnh tiến độ ở những dự án đã được duyệt.
Ngày nay, khu vực thượng nguồn Mekong ở Vân Nam đã có 6 siêu đập thuỷ điện hoạt động hoàn chỉnh. Đập Đại Triều Sơn (Dachaosan) cung cấp 1350 megawatts khánh thành năm 2003, 10 năm sau Mạn Loan. Rồi năm 2008, con đập Cảnh Hồng, tận cùng phía nam chỉ cách thủ phủ của Tây Song Bản Nạp vài cây số, được khánh thành, có công suất 1750. Không lâu sau khi đi vào hoạt động, hệ thống xả lũ của con đập này bị hư hại nghiêm trọng khi mùa mưa tới. Năm 2011, con đập Tiểu Vạn (Xiaowan) với công suất 4200 megawatt ra đời. Đã từng là con đập cao nhì thế giới ở độ cao 292 mét (giờ thì đứng hạng 3, sau đập Rogun (335m) và Nurek (300m) đều ở Taijikistan). Đầm trữ nước của đập này bằng ½ vịnh Chesapeake. 200 cây số về phía thượng nguồn, đập Công Quả Kiều (Gongguoqiao) với công suất 900 megawatts khánh thành năm 2011 và 1 con “quái vật” khác, đập Noạ Trát Độ (Nuozhadu) với công suất khủng khiếp 5800 megawatts ra đời năm 2016. Hồ chứa của đập Noạ Trát Độ cũng có trữ lượng bằng ½ vịnh Chesapeake, với chiều dài hơn 100km. Hơn 43,000 người đã bị di dời để xây con đập này. Ngoài những con đập trên, Hydrolancang đã xây thêm 13 con đập khác nhỏ hơn nhưng vẫn có trữ lượng nước khổng lồ. Năm 2012, kế hoạch xây dựng đập Hộ Thần (Guonian) ở ngay chân núi Kawagarpo bị huỷ do sợ tuyết lỡ.

Bản đồ Hắc Long Giang-Nội Mông.

XÂY THỦY ĐIỆN DỒN DẬP MÀ ĐIỆN NĂNG BỊ LÃNG PHÍ, VÌ SAO?
Việc xây dựng hệ thống đập nói trên vẫn tiếp diễn nhưng việc tận dụng nguồn điện năng này vẫn rất hạn chế. Hiện tại, Vân Nam lãng phí phần lớn công suất thuỷ điện vì mạng lưới điện của Trung Quốc bị tắc nghẽn và các đảng phái chính trị vẫn ưa chuộng than đá hơn. Ví dụ, tỉnh Quảng Đông, nơi tiêu thụ 22% lượng thuỷ điện từ Vân Nam, thà mua điện than đá hơn từ các con đập. Hơn 60% điện năng tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn đến từ than đá trong những thập kỷ tiếp theo. Bởi vì: mỏ than tạo ra nhiều việc làm hơn. Nếu họ mua điện từ các con đập thì hàng chục ngàn người sẽ mất việc, và ảnh hưởng đến nền kinh tế chung cùng các chỉ số của địa phương. Điều này dẫn đến việc lãng phí nặng nề cho Vân Nam và các con đập.
Giữa 2 năm 2013 – 2015, lượng điện năng lãng phí ở Vân Nam tăng gấp 10. Mùa mưa 2014, mạng lưới điện quốc gia Trung Quốc không thể tiếp nhận điện từ các con đập, làm những công ty chủ đập (như Hydrolancang) lỗ 100 triệu tệ ($12m, gần 280 tỉ) mỗi ngày. Năm 2016, các con đập ở Vân Nam lãng phí 300 terawatt điện năng. Cùng kỳ, cả nước Thái Lan tiêu thụ chỉ ½ con số đó. Điện năng lãng phí thu hút những khách mời không mong muốn như đám đào tiền ảo (crypto) hoặc các tập đoàn công nghiệp nặng (họ để nhà máy ở Vân Nam vì điện rẻ và chính sách thuế má lỏng lẻo). Điều này phá vỡ thoả ước kinh tế lâu năm giữa Vân Nam và các tỉnh miền biển.
Các công ty thuỷ điện Trung Quốc, cùng đồng nghiệp kinh doanh dầu mỏ, đã trở thành những tập đoàn giàu nhất thế giới. Họ nhanh chóng mở rộng hoạt động ra thị trường thế giới, chạy theo xu hướng năng lượng xanh và nhờ nguồn tiền dồi dào (rẻ) từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Vì tác động xấu lên môi trường nên các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế Giới (WB) áp luật mượn tiền rất chặt đối với những công ty này. Nhưng các ngân hàng trong nước TQ luôn đủ sức để cho họ vay và từ đó củng cố bàn tay của Trung Quốc tại mọi ngóc ngách trên thế giới. Các chương sau sẽ trình bày kỹ hơn về cuộc chơi này, nơi không phải chỉ có các công ty thuỷ điện Trung Quốc tham gia khai thác và phá huỷ môi trường.
Ảnh. Tác già giới thiệu sách.Thủ bút đề tặng sách cho bà Phạm Chi Lan. sông Nu. Đập Mạn Loan. Làng Nhạn Môn. Bản đồ Hắc Long Giang-Nội Mông.

(bản dịch của Facebker Phuoc K.Nguyen Tan. Tôi đặt tựa nhỏ. Chương 3 cũng được đồng chí KPNT post rồi nhé)

CHƯƠNG 1 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
CHƯƠNG 2 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
CHƯƠNG 3 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
CHƯƠNG 4 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular