BAN QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT KÝ GIAO ĐẤT CHO BƯU ĐIỆN NĂM 1991 LÀ TRÁI PHÁP LUẬT VỀ THẨM QUYỀN

0
861

LS Trần Đình Dũng

Từ Vườn rau Lộc Hưng:

Ban quản lý ruộng đất TP HCM là cơ quan tiền thân của Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM ngày nay. Ban là một cơ quan tham mưu. Ban được thành lập năm 1981 và chuyển tên thành Sở Địa chính vào năm 1994.

Tờ “bảo bối hiếm có” mà một số cán bộ quận Tân Bình và TP HCM biện minh rằng các hộ dân Vườn rau Lộc Hưng lấn chiếm đất công, là Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ ngày 12.10.1991 của BAN QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT TP.HCM (nhiều người nhầm tưởng là quyết định của UBND TP HCM).

Ban quản lý ruộng đất TPHCM không có thẩm quyền ký Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ số giao đất cho Bưu điện.

Một vấn đề nữa đặt ra (ngoài những phân tích mà tôi đã viết ở bài trước) là, Ban quản lý ruộng đất có thẩm quyền ký Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ số giao đất cho Bưu điện thành phố hay không !?

Xin trả lời thẳng ngay rằng: Ban quản lý ruộng đất TPHCM không có thẩm quyền ký Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ số giao đất cho Bưu điện.

Việc ký giao đất của Ban quản lý ruộng đất là trái qui định pháp luật, bởi các lẽ như sau đây.

Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ ngày 12.10.1991 có tiêu đề “QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT”.

Nhiều người nhầm lẫn đây là “Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Nhưng nó hoàn toàn không phải. Chúng ta không cần phân tích sâu xa mà đọc ngay tiêu đề cũng đã nhận thấy.

Cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thời điểm năm 1991 được điều chỉnh bởi Quyết định số 201-QĐ/ĐKTK ngày 14.7.1989 của Tổng Cục quản lý ruộng đất. Theo đó, tên gọi và ý nghĩa được qui định tại Mục I ban hành kèm QĐ 201 ghi rất rõ

—-

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa Nhà nước với người sử dụng đất”

—–

Ngoài tiêu đề ra thì hình thức mẫu Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ không phải của Giấy chứng nhận QSDĐ (chưa kể Mục II còn ghi “Đến đăng ký sử dụng đất tại UBND quận hay xã”).

Diễn giải hơi dài dòng như trên để chúng ta thấy rõ Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ không phải Quyết định cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Căn cứ nội dụng của QĐ số 07/QĐ-ĐĐ thì đây là quyết định giao đất, mặc dù ghi “Quyết định công nhận quyền sử dụng đất” – một cụm từ không nằm trong qui định luật pháp.

Trở lại vấn đề Ban quản lý ruộng đất TP HCM có được ủy quyền để ra quyết định giao đất như vậy không?

QĐ số 07/QĐ-ĐĐ căn cứ vào Quyết định số 225/QĐ-UB ngày 18.7.1991 của UBND TP Hồ Chí Minh v/v Ủy quyền cho Trưởng Ban quản lý ruộng đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Nhưng Quyết định số 225/QĐ-UB thì UBND thành phố chỉ ủy quyền Cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mà thôi, không hề có chữ nào cho phép cấp đất, giao đất hay công nhận QSDĐ. Quyết định số 225/QĐ-UB ngày 18.7.1991 ngắn gọn chỉ có 03 điều do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Công Ái ký

——-

“Điều 1. Nay ủy quyền cho Trưởng Ban quản lý ruộng đất thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân có sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn thành phố.”

——–

Chúng ta cần lưu ý “cấp giấy chứng nhận QSDĐ”, “Cấp QSDĐ”, “Giao đất”, “Công nhận QSDĐ” là các hành vi pháp lý khác nhau trong hoạt động nhà nước.

Như vậy, rõ ràng không được UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền giao đất, công nhân QSDĐ nhưng Trưởng Ban quản lý ruộng đất vẫn ký ban hành Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ ngày 12.10.1991 để giao đất cho Bưu điện Thành phố trong khi trên thực tế nhiều hộ dân đang sử dụng đất.

Một quyết định không có thẩm quyền ký, vẫn xé rào ký thì rõ ràng nó không hề có giá trị pháp lý.

Không thể vin vào quyết định trái pháp luật về thẩm quyền như nói trên để sau này năm lần bảy lượt lấy đất cho bằng được, khi thì lấy để làm nhà cho cán bộ công nhân viên bưu điện, khi thì giao cho doanh nghiệp, nay lại chuyển sang làm dự án trường học, biết đâu ngày mai phần đất này được làm gì… ?

Khu đất Vườn rau Lộc Hưng sẽ trở thành công trình gì đi nữa cũng không xoa dịu được nỗi đau người dân bị tan cửa nát nhà.

(P/s Bài viết có tham khảo nhận định của LS Trần Vũ Hải tại comment lúc 19h45′ ngày 18.1.2019 trên Fb Trần Đình Dũng)

387150cookie-checkBAN QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT KÝ GIAO ĐẤT CHO BƯU ĐIỆN NĂM 1991 LÀ TRÁI PHÁP LUẬT VỀ THẨM QUYỀN