May ra chỉ có bác Lại Nguyên Ân cho được câu trả lời chính xác đâu là di cảo cuối cùng của Văn Cao. Còn với tôi, đó rất có thể là bài thơ “Một đồng chí của tôi”.
Người cung cấp bản thảo là nhà thơ Thụy Kha. Khi biên tập (lúc này tôi đã bị truất quyền đứng tên Tạ Duy Anh vào các ấn phẩm xuất bản do tôi biên tập, theo quy định của Luật xuất bản 2013 và nó khiến xảy ra những chuyện bi hài xin kể sau), thực lòng tôi cũng thấy ngần ngừ, không phải lo cho mình, mà ngại thay cho lãnh đạo NXB lúc ấy là nhà thơ Trần Quang Quý. Nhưng rồi tôi nghĩ có thể đây là cơ hội hiếm hoi để bài thơ đến với công chúng qua “cổng chính”.
Cụ Văn Cao có thể không cần, vì cụ đã và luôn là người khổng lồ, nhưng hàng triệu bạn đọc cần, lịch sử văn học cần.
Vả lại, không thể tiếp tục vô lễ, bất công với một người cống hiến to lớn cho đất nước như cụ Văn Cao.
Hôm qua gặp nhà thơ Thụy Kha trong bữa cơm thân mật do bà bạn luật sư Quynh Anh Nguyen, giám đốc chương trình âm nhạc kỉ niệm 100 năm Văn Cao tổ chức, ông khẳng định: Sau 7 năm kể từ khi sách ra tại NXB Hội nhà văn, chưa một nơi nào chính thống dám in, đăng lại bài thơ.
Và khi có tí men vào, ông nói thêm: Xét từ mọi khía cạnh, đều khó hơn cả xuất bản “Trại súc vật”.
Cụ Văn Cao nghe thế chắc cũng mát ruột lắm.
Mong cụ phù hộ cho hậu sinh bình an.
Xin đăng lại, với một vài chỉnh sửa so với bản đang lưu hành.
MỘT ĐỒNG CHÍ CỦA TÔI
Người ta cái đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ giẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
giẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi…
Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…
(1956)