Phúc Lai
1. Tại sao nước Nga bị tấn công bởi UAV, thậm chí vào Mátxcơva?
Đã nói “thậm chí” thì phải nói rằng, nếu không tính cú tấn công vào điện Kremlin mà đến nay vẫn chưa rõ ràng, thì cú tấn công mới nhất vào ngày 18/8, mảnh vỡ của UAV đã rơi xuống trung tâm Triển lãm Expocentr (Экспоцентр) ở trung tâm thành phố Mátxcơva và nó chỉ cách điện Kremlin có hơn 4 ki-lô-mét theo đường chim bay.
Liên quan đến những đợt tấn công của UAV vào lãnh thổ Nga và cả thủ đô Mátxcơva làm xuất hiện câu hỏi: “Hệ thống phòng không của Nga ở đâu?” và thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng vũ khí của Nga vẫn bị thổi phồng năng lực như mọi khi, và chúng là vô dụng. Điều này có điểm đúng, nhưng cũng có điểm chưa đúng lắm. Vũ khí của Nga thực sự là tốt với những yêu cầu cơ bản chứ không tồi tệ. Điều mà dẫn đến việc vũ khí Nga dễ bị nhận xét là “nổ quá đà” là do, thường khi đặt ý tưởng cho dự án các công trình sư và thành viên nhóm thiết kế thường muốn tích hợp những yếu tố tân kỳ nhất, ưu việt nhất nhưng cuối cùng những thiết kế này vượt quá năng lực sản xuất hàng loạt của nền công nghiệp quốc phòng nên chúng bị lược bỏ.
Ví dụ như chiếc tiêm kích phổ biến nhất của Liên Xô thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Yak-9 với số lượng sản xuất hơn 16.000 chiếc, ban đầu có thiết kế 2 khẩu pháo và 2 súng máy, rồi rút xuống 1 pháo và 1 súng máy. Cuối cùng nó được trang bị đại trà với tiêu chuẩn 1 pháo 20 mm ShVAK, (120 viên đạn) và 1 súng máy 12,7 mm “UBS”, cơ số 170 viên đạn. Trong khi đó chiếc tiêm kích nổi tiếng nhất được giao cho Liên Xô theo hợp đồng thuê mượn (lend-lease) P-39 Aira Cobra, nó được trang bị 1 pháo M4 37 mm lắp đồng trục trong lõi rỗng của trục cánh quạt với cơ số 30 quả đạn nổ, 4 súng máy 12,7 mm trong đó 2 khẩu gắn nắp trước với 200 viên đạn mỗi khẩu, 2 khẩu gắn cánh (1 khẩu mỗi bên cánh) cơ số 300 viên đạn mỗi khẩu. Ngoài ra nó có thể đem theo 230 kg bom ở ngoài cánh. Nếu so sánh sâu thêm, tốc độ của Yak-9 đạt 700 ki-lô-mét/giờ còn Cobra chỉ có hơn 600 ki-lô-mét/giờ, nhưng bù lại khả năng chịu đựng tốc độ bổ nhào của Cobra tốt hơn do có độ bền khung thân cao hơn rất nhiều. Những đặc tính trên đây làm cho Cobra mặc dù là tiêm kích nhưng lại có thể đóng vai trò cường kích rất tốt không thua kém quá nhiều so với IL-2 nhưng lại cơ động và tự bảo vệ tốt hơn vì dù sao nó vẫn là máy bay tiêm kích. Đồng thời tầm bay của Cobra là gần 1.800 ki-lô-mét, trong khi tầm bay của Yak-9 chỉ non 700 ki-lô-mét, điều này làm hạn chế thời gian hoạt động của Yak trên chiến trường, phi công hay phải quay về và do vậy, Liên Xô phải tăng số lượng sản xuất máy bay lên.
Viết thêm: khi giao cho Liên Xô, người ta đã tháo bớt hai khẩu súng máy ở ngoài cánh để mong tăng khả năng cơ động của máy bay và dồn đạn cho hai khẩu còn lại, đồng thời đồng bộ cò súng của pháo và súng máy làm một, đây là một việc làm rất thông minh. Thực tế hỏa lực thiết kế gốc của P-39 là rất mạnh và chỉ thua chiếc “Messerschmitt” Bf-109 phiên bản có thêm hai cụm pháo 20mm ở ngoài gắn dưới bụng.
Quay lại với câu chuyện “tăng tích hợp tính năng khi thiết kế”, chiếc Yak-9 nói riêng và vũ khí Liên Xô nói chung (và sau này là Nga) có một đặc điểm là, ngoài các mục tiêu quân sự các nhà thiết kế luôn luôn phải chay theo các mục tiêu chính trị. Ví dụ, khi thiết kế máy bay tiêm kích họ phải căn cứ trên các thông số kỹ thuật của chiếc “Messerschmitt” Bf-109 về tốc độ, tầm bay và khả năng mang theo vũ khí, nhưng về chính trị thì phải cố vượt được tất cả từ Đức đến phương Tây và tìm cách chê bai các vũ khí của họ cung cấp. Stalin khi nhận xét về vũ khí phương Tây, nói rằng: “Chiến sĩ của chúng ta không thích xe tăng Mỹ vì nó chạy xăng, cháy quá nhanh.” Điều đó đúng, nhưng mới chỉ là một nửa: nó bắt cháy ngay lập tức nhưng khả năng cô lập đám cháy từ khi được thiết kế đã rất tốt. Trong khi đó xe tăng Liên Xô chạy dầu diesel cháy chậm hơn nhưng từ khi bắt đầu cháy cho đến khi nổ tung rất nhanh (chủ yếu là do đạn pháo xe tăng Liên Xô thuốc đạn thiếu tinh khiết, nổ mạnh và phát nổ rất nhanh theo nhiệt độ). Do thiết kế chật chội nên việc thoát hiểm của lính xe tăng trên xe tăng Liên Xô cũng chậm hơn rất nhiều so với xe tăng Mỹ và Đức. Đó là do cách tiếp cận của tư duy khác nhau, chứ không có cái nào tốt hơn cái nào.
Với máy bay cũng vậy, chiếc Yak mà làm toàn bộ bằng kim loại có cả bọc thép như Cobra, thì thậm chí còn không mang được pháo – một phần vì động cơ yếu hay Liên Xô không thể làm được động cơ với tiêu chuẩn của Anh, Mỹ hoặc Đức, nhất là về tỉ số công suất/khối lượng. Nhưng có những thời gian rất dài, người Nga thường hay đưa những thông số thiết kế ra để tuyên truyền (và bây giờ để quảng cáo bán hàng) còn bản được trang bị đại trà cắt giảm đi rất nhiều, thậm chí còn không đạt tiêu chuẩn đưa ra về chất lượng, độ bền… thì rất khó đánh giá. Ngược lại với xe tăng, Yak là loại máy bay tiêm kích được đánh giá là cháy nhanh nhất trên chiến trường khi bị trúng đạn.
Vấn đề với hệ thống phòng không Nga cũng vậy thôi, vũ khí của họ rất tốt, nhưng với những bàn tay khối óc sáng tạo và thông minh thì còn… tốt hơn. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Hoa Kỳ vào miền Bắc, bộ đội tên lửa Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô nhiều lúc tưởng chừng đã bó tay với các chiêu trò của người Mỹ. Theo lời kể của các cựu chiến binh tên lửa, chuyên gia Liên Xô đã có lúc nhận định rằng “không thể đánh được” vì khả năng phương án chiến tranh điện tử của Mỹ phát triển quá nhanh. Tuy vậy đến khi “chỉ có người Việt với nhau” thì bộ đội Việt Nam đã tìm được chìa khóa “vạch nhiễu tìm thù” làm nên “Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm,” thế giới này đúng là mấy ai bắn rơi được nhiều B-52 như người Việt.
Có thể nói hiện nay ai đó đang thả UAV vào Mátxcơva đã tìm ra được những “điểm mù” hay vùng tối giữa các khu vực phòng thủ phòng không của Nga – nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện nay, rất có thể họ đã phải dồn khá nhiều hệ thống phòng không ra chiến trường để chống tập kích đường không của người Ukraine, cũng sẽ làm “mỏng” đi hệ thống phòng không của Nga. Cuối cùng là công nghệ vật liệu, càng ngày các UAV càng dễ tàng hình trước sóng radar, trong khi bị cấm vận/trừng phạt Nga không có khả năng nâng cao được trình độ công nghệ, cũng sẽ là một yếu tố quan trọng cho việc hệ thống phòng không kém hiệu quả trong bảo vệ trước các cuộc tấn công vào nước Nga bằng UAV và cao hơn, nhiều loại vũ khí tập kích đường không khác.
Một nguyên nhân nữa của sự yếu kém, như vụ phi công trẻ tuổi và nghiệp dư Mathias Rust lái chiếc Cesna hạ cánh xuống quảng trường Đỏ ngày 28/5/1987 đã cho thấy, điểm yếu của hệ thống phòng không Liên Xô hồi đó nằm ở thể chế. Tư lệnh các khu vực phòng không không dám quyết định bắn hạ mục tiêu vì bản thân nó không rõ ràng trên màn hình radar là cái gì, nên “để cho nó đi qua” với hi vọng là “người ở phía sau sẽ quyết định.”
Câu hỏi tôi nhận được thường là “tại sao người Ukraine dùng UAV tấn công vào nước Nga, thậm chí vào Mátxcơva?” nhưng tôi xin sửa thành “tại sao nước Nga, thậm chí cả Mátxcơva bị tấn công bằng UAV?” và có một câu hỏi phụ là “liệu điện Kremlin có bị tấn công hay không?”. Theo tôi thì nếu người Ukraine đứng sau chuyện này (đứng sau nhé) thì điện Kremlin sẽ không bị tấn công, vì họ (người Ukraine) là những người tôn trọng lịch sử. Vì vậy cuộc tấn công trước đây vào Kremlin, tôi không cho rằng người Ukraine làm việc đó mà đó chỉ là một “cờ giả” của Putin và bộ sậu mà thôi. Vậy những mục tiêu sẽ là gì? Là cơ sở quốc phòng trên toàn nước Nga, mà bây giờ với tình trạng hệ thống phòng không như vậy sẽ đẩy tình hình lên căng thẳng hơn nữa. Về chính trị, các mục tiêu ví dụ như ở Mátxcơva là những tòa nhà ít giá trị lịch sử – toàn nhôm và kính nhưng mỗi lần có vụ tấn công là ngừng trệ hoạt động của thành phố. Ví dụ như các sân bay của Mátxcơva thường xuyên phải đóng cửa nhanh cũng vài giờ đồng hồ, đó là đòn đánh kinh tế nhưng lại tác động tâm lý rất mạnh. Nó cho người dân Nga “ngấm” dần với thực tế, là Putin không thể bảo vệ được họ. Vì vậy thực chất đó là những đòn đánh vào uy tín của Putin.
Mới đây nhất, ngày 19/8 sân bay Solti ở vùng Novgorod cách biên giới Ukraine khoảng 700 ki-lô-mét là căn cứ mà lực lượng hàng không vũ trụ Nga bố trí máy bay ném bom chiến lược Tu-22M4, bị UAV tấn công và hai chiếc máy bay bị tiêu hủy.