Saturday, December 14, 2024
HomeBLOGĐà Nẵng: Thành phố loại 1, công viên cấp mấy?

Đà Nẵng: Thành phố loại 1, công viên cấp mấy?

Nhân chuyện các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có ý kiến chuyện Chính quyền Đà Nẵng cắt đất công viên duy nhất đem bán. Dù chuyện đã diễn ra 10 năm trước nhưng đến nay mới được nhắc tới. Xin đăng lại bài viết cũ của chính chủ.

Bài viết từ 4-5 năm trước, nay nhìn lại không những không có công viên mà còn lấp cả sông để chia lô. Vậy mới thấy người ta đang bán Đà Nẵng như thế nào.

——————

Đà Nẵng: Thành phố loại 1, công viên cấp mấy?

Đà Nẵng của những năm 80 thế kỷ trước là một thành phố, vẫn giữ nguyên dáng dấp của một đô thị chịu sự quy hoạch của người Pháp. Rất nhiều cây xanh và rải rác trong thành phố là những công viên nhỏ.

Tôi còn nhớ trước Viện bảo tàng Chăm, khi đó chưa có cầu Rồng và còn trường Trần Phú, là một cái công viên nhỏ xíu với hàng rào thấp bằng xi măng, nơi tôi có một bức hình rất ngộ nghĩnh chụp cùng mẹ. Sau bao nhiêu năm, Đà Nẵng nay to đẹp hiện đại hơn nhiều lần, thì lại chỉ còn mỗi cái công viên 29.3 được hình thành sau tháng 3.1975 từ một bãi rác (lúc này gọi là hầm bứa).

Ngày đó, công viên 29.3 là một thế giới rộng lớn với những đứa nhỏ, với vài cái chuồng giam những con thú buồn bã và cái hồ lúc nào cũng đọng rác. Được đi công viên vào dịp tết là một niềm vui sướng vô cùng với bất kỳ đứa trẻ nào ở Đà Nẵng vào thuở đó. Thế rồi, lớn lên đi khắp nơi, có lúc rảo bước đón buổi chiều trong những công viên cách xa Đà Nẵng của tôi nữa vòng trái đất, lòng khi nào cũng nhớ đến cái công viên 29.3 ngày nhỏ. Bởi vì, cho đến giờ Đà Nẵng cũng vẫn chỉ có duy nhất một cái công viên 29.3 dù thành phố giờ đây đã lớn hơn gấp nhiều lần cái Đà Nẵng mà chúng tôi lớn lên.

Đọc báo thấy Đà Nẵng sắp có công viên giải trí trị giá 4.000 tỷ đồng với đủ các hạng mục vui chơi giải trí hiện đại. Lại thấy sắp có công viên Đại dương Sơn Trà đạt tầm quốc tế. Người yêu Đà Nẵng, xa Đà Nẵng cũng thấy mừng. Nhưng rồi mới ngã ngửa thì ra là trò chiếm đất, kinh doanh độc quyền của Sun Group. Lại còn định nấp vào đó làm cáp treo để phá ngọn núi Sơn Chà như chúng đang làm ở Bà Nà.

Cũng có lần trò chuyện với một trong các kiến trúc sư nổi tiếng chuyên đi xây dựng các công trình lớn nhất nước, hỏi về việc thiếu công viên tại Đà Nẵng, lại được giải thích các vỉa hè rộng dọc biển và lề con đường Bạch Đằng dọc sông Hàn chính là các công viên trung tâm cho thành phố.

Thật ra, như một người dân bình thường, công viên không cần phải hiện đại và hoành tráng đến mức vài ngàn tỉ. Giữa một khu dân cư vài ngàn hộ dân, chỉ mong có một cái công viên thoáng đãng với nhiều cây xanh và bãi cỏ rộng, để cuối ngày có thể đưa gia đình ra đi dạo, chạy bộ và cuối tuần có thể cùng bạn bè cắm trại cho con trẻ chơi đùa. Điều tiên quyết, công viên đó phải đừng cách quá xa nhà ở, mỗi người chỉ tốn vài phút đi bộ là có thể hít thở, tản bộ trong không gian của thiên nhiên. Quan trọng hơn, công viên không chỉ là nơi vui chơi giải trí mà còn là nơi kết nối cộng đồng dân cư quanh đó. Đó chính là tư duy quy hoạch công viên ở những đô thị hiện đại mà người viết bài này đã từng được đi qua.

Sẽ không bao giờ tôi quên được ánh nắng vàng rực rỡ trên đôi má phúng phính của một đứa trẻ chơi đùa bên cha mẹ trong một buổi hoàng hôn ở công viên Mile Square (Nam California, Mỹ). Cũng không thể nào không nhớ hình ảnh một người da đen say sưa với giai điệu của Jazz trong một công viên nhỏ ở New Orlean (Mỹ). Hoặc những người già ngồi bên nhau say sưa ngắm nhìn đàn chim hót véo von trong một công viên giữa trung tâm Đài Bắc (Đài Loan).

Tại khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) có nguyên một con đường chạy dọc bờ sông với bãi cỏ rộng, cứ chiều đến lại có nhiều người, thậm chí ở cách xa Phú Mỹ Hưng vài km, lại ra tụ tập hóng gió, hít thở. Giá đất Phú Mỹ Hưng thuộc vào hàng đắt nhất nước nhưng cứ vài lô nhà ở lại được chừa ra một diện tích rộng và đẹp nhất để trồng cây xanh với thảm cỏ chỉ để người ta đến chơi đùa. Có lẽ vì người chủ trương quy hoạch và xây dựng Phú Mỹ Hưng là người nước ngoài. Có lẽ vì vậy mà dù cho giá đất cả nước có lên xuống thì giá đất ở khu đô thị này vẫn luôn ổn định bởi nó phục vụ gần như hoàn hảo cho đời sống vật chất cũng như tinh thần con người. Không gian đô thị xanh sạch này nó cũng quyết định thói quen hành xử của con người. Bước vào đó, tự nhiên mọi người trở nên văn minh lịch sự hơn, bởi không ai nỡ nào khạc nhổ hay xả rác ra một thảm cỏ đẹp như vậy, trong một khu đô thị xanh ngắt như vậy.

Theo bộ Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành, diện tích cây xanh công cộng được phân chia ra nhiều loại trong đó có công viên và vườn hoa – vườn dạo. Có lẽ lúc này Đà Nẵng ngoài những công viên trị giá hàng ngàn tỉ đồng để tô điểm cho bộ mặt phát triển của mình thì cư dân của thành phố này còn cần những khu vườn hoa nhỏ như vậy để phục vụ đời sống tinh thần hằng ngày của mình, ngay trong khu dân cư.

Đà Nẵng giờ đây mở rộng hơn ngày xưa rất nhiều, cũng đã thành đô thị trực thuộc Trung ương với dân số xấp xỉ 1 triệu người. Bao nhiêu khu dân cư được xây dựng, bao nhiêu cao ốc mọc lên nhưng công viên thì vẫn chỉ có mỗi một 29.3. Nếu sự phát triển kinh tế được đo bằng các chỉ số kinh tế, bằng số lượng cao ốc… thì sự phát triển văn hóa lại được đo bằng số nhà hát, công viên, tượng đài. Kể từ ngày Đà Nẵng nổi tiếng cả nước là thành phố đẹp, sạch nhất nước vẫn chưa có một công viên nào được xây mới để phục vụ cộng đồng đúng như nghĩa tiếng Việt của từ “công viên” tức khu vườn chung. Không thể dùng lý lẽ thiếu đất để trả lời yêu cầu này, chỉ có thể nghĩ rằng “cơn sốt đất” nóng quá khiến có khi người ta quên mất rằng giá trị của đất thật ra là để phục vụ con người, phục vụ cộng đồng chứ không phải chỉ để phân lô đem bán.

Đối với một nơi máu thịt của mình như Đà Nẵng, chỉ mong những người trẻ thôi phải hỏi nhau: “Thành phố loại 1 còn công viên cấp mấy?” Buồn thay, Đà Nẵng đang có một bọn tham tàn chỉ biết cấu kết với đám gian thương như Sun Group để chia chác kiếm lợi.

Trung Bảo

#dumemaySungroup
#bankhongchuacaichi

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular