HUỲNH ANH TÚ
Bạn tôi, Nguyễn Văn Phương đã bước chân khỏi nhà tù Xuân Lộc lúc 7 giờ sáng nay 20/4/2016. Mười một giờ 45 phút, Điệp, một người em và cũng là bạn tù của tôi và Phương gọi điện báo tin Phương vừa về đến nhà. Qua điện thoại, tôi được nghe lại giọng nói thân quen của Phương ngày nào. Giọng nói ấy tuy không còn sang sảng như những năm về trước, nhưng vẫn giữ được nét mạnh mẽ như thuở nào.
Nguyễn Văn Phương sinh năm 1964 tại Sài Gòn. Anh bị bắt ngày 20/4/1999 và bị kết án 17 năm tù giam. Trong số 38 người chúng tôi, Nguyễn Văn Phương chưa phải người bị kết án nặng nhất. Các anh Nguyễn Thanh Vân, Văn Ngọc Hiếu, Lê Kim Hùng chịu án 20 năm và hiện vẫn còn đang bị đày đọa trong nhà tù.
Trong suốt 17 năm, mặc dù điều kiện giam giữ của nhà tù cộng sản vô cùng khắc nghiệt, nhưng anh luôn kiên gan bền chí, không khuất phục trước bạo quyền và không bao giờ nhận tội dưới bất cứ hình thức nào.
Ba năm cuối cùng của chặng đường tù, Phương bị kỷ luật rồi bị “kiên giam” cho đến ngày mãn án. “Kiên giam” là hình thức biệt giam với điều kiện rất khắc nghiệt, 24/24 bị đóng cửa buồng giam, biệt lập không cho tiếp xúc với ai. Đấy là hình thức trừng trị cai tù dành cho Phương vị “tội” lên tiếng đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho tù nhân và tội không chịu “ăn năn hối cải” dù đã trải qua 14 năm tù.
Người tù kiên trung ấy kể lại: Ngày 23/1/2014, anh cùng một số bạn tù đề nghị trại giam mở một cuộc họp, yêu cầu cai tù phải trả lời chất vấn về việc xâm phạm và tước đoạt quyền lợi chính đáng của tù nhân.
Một số tù nhân chính trị gồm: Nguyễn Văn Phương, Sơn Nguyễn Thanh Điền, Nguyễn Thanh Vân, Cao Văn Tỉnh, Trần Hoàng Giang, Phạm Xuân Thân… tuyên bố sẽ đấu tranh bằng cách tuyệt thực 3 ngày để chờ đợi, nếu phía trại không đáp ứng yêu cầu, họ sẽ chuyển hướng đấu tranh bằng hình thức khác.
Sau 3 ngày không thấy động thái nào từ phía cai tù, vào lúc 3 giờ chiều ngày 25/1/2014, các anh đã có những phản ứng quyết liệt như đã thông báo từ trước. Một số người thì hô to những khẩu hiệu yêu cầu Ban giám thị phải hành xử đúng pháp luật; Nguyễn Văn Phương dùng hòn đá to tự đập vỡ đầu mình; Sơn Nguyễn Thanh Điền vừa hô to vừa đá vào cửa buồng giam. Kết quả ngay chiều hôm đó, anh Phương và Điền đã bị lực lượng công an trại giam khủng bố. Chúng áp giải hai anh về K1 và tống vào buồng kỷ luật rồi cùm chân hai anh.
Sau 10 ngày bị cùm chân, Nguyễn Văn Phương và Sơn Nguyễn Thanh Điền bị tống vào phòng biệt giam kể từ đó cho đến nay đã 3 năm trời. Hôm nay, Phương hết án tù 17 năm và cũng kết thúc 3 năm bị biệt giam, nhưng Sơn Nguyễn Thanh Điền vẫn bị biệt giam trong buồng kỷ luật, có lẽ cho đến ngày về.
Phương bùi ngùi nói thêm: “Tụi nó (cai ngục) muốn giết những người tù như anh bằng hình thức rất tinh vi và tàn nhẫn”.
Hai anh bị biệt giam mỗi người một buồng. Cánh cửa buồng biệt giam đóng kín 24/24 giờ mỗi ngày. Thức ăn chỉ là vài cọng rau muống già luộc và vài hạt muối. Mỗi thứ hai và thứ sáu trong tuần được “bổ dưỡng đặc biệt” bằng vài lát cá kho hoặc miếng thịt heo mỏng còn chưa cạo hết lông. “Tiêu chuẩn” ấy bắt người tù sống lây lất qua ngày để khỏi bị chết đói, mang tai tiếng cho nhà tù.
Trong trường hợp ốm đau, giải pháp duy nhất của cai tù là “mặc kệ”, may thì sống, không may thì chết.
Hiện nay tình trạng sức khỏe của anh Phương rất tồi tệ. Thị lực còn 30%, huyết áp cao và bệnh thấp khớp ngày càng trầm trọng do từ lâu không được chữa trị.
Trước khi bị bắt, 38 anh chị em chúng tôi đều sống lưu lạc bên Campuchia và Thái Lan, nhà cửa đất đai ở Việt Nam đều không còn nữa. Vì thế, không riêng gì anh em tôi hay Nguyễn Văn Phương, hầu hết những người còn lại đều không chốn nương thân sau khi mãn hạn tù. Lê Văn Minh thuê một căn gác xép rộng chừng 10 mét vuông với 4 người chen chúc nhau. Nguyễn Hoàng Sơn thì nay đây mai đó. Chị Lý Ngọc Hà làm thuê cho người ta và hàng đêm tá túc trong một cái chòi dột nát. Trần Hoàng Hải, Trần Hoàng Giang… đều không có nơi ở cố định. Người thì cha mẹ đã chết, người thì bị vợ con ruồng bỏ, bạn bè bà con họ hàng xa lánh, kỳ thị. Và nhà cầm quyền thì không ngừng sách nhiễu. Các anh Hà, Bình, Tuấn và một số anh em khác đã phải bỏ mạng trong nhà tù. Ba mươi tám phận đời chúng tôi cũng nổi trôi như nhiều phận đời khác, như thân phận quê hương này.
Bây giờ, dù đã 17 năm sau ngày chúng tôi bị bắt, một số anh em khác như Nguyễn Thanh Vân, Sơn Nguyễn Thanh Điền, Lê Kim Hùng, Văn Ngọc Hiếu, Trần Quang Thái… vẫn tiếp tục phải ở lại chốn ngục tù.
Anh Phương tâm sự với tôi, anh muốn nhiều người biết đến những tù nhân vẫn còn đang bị giam cầm. Ước muốn riêng cho mình là anh có đủ khả năng đi khám và chữa bệnh.
“Đơn giản thế thôi nhưng chắc cũng khó lắm, Tú ạ!”. Anh nói với tôi qua điện thoại bằng giọng buồn buồn.
Trước khi cúp máy, Nguyễn Văn Phương không quên gửi lời chúc mừng tôi mới thành hôn. Vâng, tôi mới lấy vợ 3 hôm trước: Phạm Thanh Nghiên vợ tôi, cũng từng chịu 4 năm tù. Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn là những người tù may mắn trong hàng vạn tù nhân chính trị trên đất nước này.