Đầu tháng 4 năm nay, sẽ kỉ niệm 2 năm thảm họa Formosa, chuyện mà phía chính quyền cộng sản tìm cách đánh tráo khái niệm và loại bỏ Formosa ra khỏi thảm họa đó bằng từ “sự cố ô nhiễm môi trường biển Miền Trung”. Họ sử dụng cụm từ này như một mệnh lệnh, kiểu như từ “tàu lạ” mà chúng ta nghe chục năm nay.
Cách đây đúng tròn 1 năm, một sự kiện chấn động đã xảy ra tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Người dân khi đòi tiền bồi thường thiệt hại từ chính quyền đã chiếm luôn UBND huyện Lộc Hà khi những yêu cầu của họ không được giải quyết, toàn bộ quan chức địa phương trốn biệt khi người dân tìm. Sự việc này là nguyên nhân chính khiến 2 người hoạt động hỗ trợ truyền thông và pháp lý bị truy tố. Hoàng Bình mới bị kết án 14 năm tù vì một vụ giúp đỡ khiếu kiện Formosa ở Quỳnh Lưu . Bạch Hồng Quyền hiện tại vẫn đang trốn nã.
Sau 2 năm thảm họa, tiến trình bồi thường từ 500 triệu đô la của Formosa vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng khiếu kiện vẫn diễn ra khắp nơi từ trung ương đến địa phương. Chính quyền vẫn tìm cách cắt xén những khoản tiền bé nhỏ của người dân, tiêu biểu là quyết định 1826 kí ngày 29/11/2017của Thủ tướng gần đây đã giảm số tiền bồi thường hải sản bị hư hỏng cho ngư dân xuống còn 30%.
Gần đây, mình nhận được rất nhiều điện thoại, tin nhắn của người dân ở miền Trung kêu cứu vì ngân hàng đòi nợ, đặc biệt là tại huyện Lộc Hà, nơi có cảng cá Cửa Sót, một trong những cảng cá sầm uất nhất khu vực miền Trung ( giá đất ở khu vực này không thua kém đất Hà Nội nhiều). Để có tiền kinh doanh mua sắm ngư cụ,hải sản; ngư dân và các hộ kinh doanh ở đây vay ngân hàng khá nhiều. Mỗi hộ từ vài trăm triệu đến chục tỷ. Từ ngày thảm họa diễn ra, gần như họ không thể kinh doanh gì. Rất nhiều hàng hải vẫn ở trong kho đến 2 năm trời. Giá cả thì xuống thảm hại. Những đồng tiền bồi thường ít ỏi vẫn chưa nhận được, hoặc nhận được rất ít; còn bị gây khó dễ, tìm mọi cách cắt xén. Mỗi khi nhận được ít tiền bồi thường thì ngân hàng liên tục đòi nợ, dọa dẫm. Họ gần như tuyệt vọng, mỗi lần tôi nhận điện thoại của họ là mỗi lần nghe họ than thở, kể lể đến mệt người. Nhưng mình biết những lời của họ là thật.
Quay lại chuyện ngân hàng. Để có tiền kinh doanh, họ phải thế chấp nhà cửa, tài sản để vay tiền. Và giờ thì họ đang khánh kiệt với những khoản nợ khổng lồ đổ lên đầu. Bị ngân hàng đòi riết quá, nhiều người sợ phải vay nóng chạy vạy để có tiền đóng tiền lãi. Có người còn nói với tôi kế hoạch bỏ xứ đi để trốn nợ. Thật là thảm hại.
Mỗi lần như thế, họ thường gọi điện cho tôi. Tôi bảo với người dân rằng chắc chắn ngân hàng sẽ không dám đến nhà sẽ siết nợ các anh chị cô bác đâu. Nhưng họ cứ mổ được đồng nào hay đồng ấy. Tụi kinh doanh bất động sản nợ xấu cả ngàn tỷ tụi nó vẫn cười như hoa, nhà mình vài tỷ lo gì. Thêm nữa, mình có 3 lý lẽ rất chắc chắn để nếu ngân hàng không dám cưỡng chế nhà người dân.
Thứ nhất, là chính phủ đã đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm thiệt hại vụ Formosa tại cuộc họp báo ngày 30/6/2016. Vì vậy, trách nhiệm để tình trạng nợ không trả được này thuộc về nhà nước, chính phủ. Không phải người dân. Thêm nữa, trong các văn bản chi trả bồi thường, họ luôn sử dụng từ “hỗ trợ”. Tức khoản tiền nhận được từ chính phủ là hỗ trợ, không phải bồi thường. Bồi thường chỉ dùng trong trường hợp tòa án phán quyết hoặc các bên thương lượng giá cả, tiền nong. Ở đây, chính phủ tự đưa ra mức giá đó, người dân không hề được tham vấn.
Thứ hai, từ đầu tháng 5/2016, ông Trương Hòa Bình đã kí văn bản gửi các ngân hàng chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ người dân khắc phục thảm họa, ổn định cuộc sống. Hiện tại, chuyện chi trả tiền chưa xong, không có lý do gì ngân hàng liên tục thúc ép người dân trả nợ. Đến khi nào ổn định đời sống kinh tế may ra mới trả được.
Thứ ba, trong hợp đồng vay tiền ngân hàng, luôn có khoản mục trong điều kiện bất khả kháng, người vay không trả được thì phải tìm cách giãn nợ, khoanh nợ hay đàm phán hướng xử lý. Thảm họa Formosa là một sự việc hoàn toàn khách quan, bất khả kháng. Hơn nữa chính quyền đã nhận trách nhiệm thiệt hại, bà con cứ yên tâm phục hồi kinh tế. Ngân hàng làm gì thì cứ đổ cho nhà nước, chính phủ. Ngân hàng mà người dân vay chủ yếu là nhân hàng nhà nước hoặc thương mại cổ phẩn nhà nước cả. Lo gì.
Với 3 lý lẽ trên, thì chắc chẳng ngân hàng nào đến siết nợ dân. Nhưng bị đòi riết quá, nhiều người đâm túng quẫn, lo lắng quá mức. Chính quyền đang tìm mọi cách để thảm họa Formosa chìm vào quên lãng, họ đâu dại dột khới lên một đống thối um lên. Mấy năm qua, tình trạng chiếm ủy ban, chặn đường quốc lộ đã khiến họ đứng ngồi không yên rồi. Giờ làm quá thì không biết sẽ thế nào. Thế nên nếu bạn nào quen những người dân ở miền Trung đang cùng quẫn vì không có tiền trả nợ, nhờ các bạn nói giúp cho họ yên tâm.
Và giả sử ngân hàng tìm cách đòi bằng được tiền, thì phải mang ra tòa án giải quyết. Lúc đó, Chính phủ phải xuất hiện với tư cách người/thực thể có quyền lợi , nghĩa vụ liên quan. Cái này là cái mình mong nhất, chính phủ ra tòa.
Ảnh: Một thông báo đòi nợ liên tục được gửi tới người dân thời gian qua.