Monday, December 23, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIXây dựng tính chính danh cho chế độ

Xây dựng tính chính danh cho chế độ

Qua những vụ bắt giữ và xét xử Phan Văn Anh Vũ, Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tìm cách lấy lại niềm tin nơi các đảng viên và nhân dân lâu nay vốn đã mất tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng. Nói cách khác, đảng đang tìm cách lấy lại tính chính danh cho sự lãnh đạo tuyệt đối của mình qua giai đoạn “phá chưa từng có” vừa qua.

Cựu UV BCT Đinh La Thăng của đảng cộng sản bị đưa ra xét xử vì sự sụp đổ của đường lối ´´ Doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo´´ do chính đảng này tự áp đặt cho nền kinh tế.

Tính chính danh chế độ thường được ghi nhận qua hai mặt: (1) một nền chính trị ổn định, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ, (2) Chính phủ điều hành thành công một nền kinh tế phát triển bền vững.

Các vụ bắt giữ và xét xử nói trên vừa có tính chính trị vừa mang tính kinh tế. Thất bại cả chính trị lẫn kinh tế cho thấy chế độ Cộng sản không có chính danh lãnh đạo.

Việc phát hiện các vụ tham nhũng, xét xử đúng người, đúng tội là việc làm cần thiết, nhưng những việc đó chỉ là đánh vào ngọn mà không trị được gốc. Diệt được Thanh hay Thăng này sẽ lại nẩy sinh hàng chục, hàng trăm Thanh hay Thăng khác vì cái gốc sinh ra tham nhũng và thối nát chính trị vẫn còn đó.

Vậy gốc nằm ở đâu?

Nhiều người đã nói tới, đó là cơ chế độc tài nhất nguyên tuyệt đối. Các nước chung quanh Việt Nam dù không phải chế độ Cộng sản cũng đã từng kinh qua các giai đoạn độc tài: Đài Loan, Hàn quốc, Nam Dương (Indonesia)… Thế nhưng, trong hai thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, nhân loại đã chứng kiến tại các nước nói trên, từ nhân dân tới chính quyền đã từng bước thay đổi trong ôn hoà, chuyển từ độc tài nhất nguyên sang cơ chế đa nguyên, tôn trọng các ý kiến khác biệt, tôn trọng quyền tự do hội họp, báo chí, độc lập hoá quốc hội và tư pháp.

Cuối thế kỷ 19, triết gia người Anh, ông Lord Acton đã nói: “Quyền lực có xu hướng tha hoá; quyền lực tuyệt đối thì tha hoá cũng tuyệt đối”. Do đó, quyền lực, nhất là quyền lực tư đảng nếu không được kiểm soát chặt chẽ bằng những định chế độc lập, chắc chắc sẽ xảy ra việc lợi dụng quyền lực, sinh ra tham nhũng.

Công đảng

Muốn tiêu diệt tham nhũng tận gốc, đem lại tính chính danh cho chế độ, cần phải biến tư đảng thành công đảng – công đảng hoá toàn dân (không phải Cộng đảng hoá) – để mọi người, Cộng sản hay không Cộng sản, đều có thể tham gia chính quyền, tham gia vào việc hoạch định các chính sách tạo công ích và công lợi cho toàn dân, thay vì chỉ tạo quyền và lợi cho tư đảng Cộng sản. Khi người dân có quyền tham gia vào hệ thống chính trị, họ sẽ giúp tìm ra các định chế kiểm soát quyền lực và minh bạch tài chính, đẩy lùi tham nhũng và tiêu cực bởi đó chính là đời sống của họ. Nhân dân sẽ có cơ hội quyết định sinh mệnh chính trị của mình (không phải cơ chế “xin-cho” như hiện nay). Khi đó, “nhân dân có quyền và nhà nước có lực”. Sự cầm quyền của nhà nước rất chính danh, được toàn dân ủng hộ và bảo vệ chứ không bị chống đối, vì do chính nhân dân tin tưởng trao gửi. Chính quyền công đảng, thay vì là công cụ cai trị của tư đảng (ruler), đóng vai trò cơ cấu điều hành (coordinator) các sinh hoạt xã hội, tạo cơ hội cho mọi người tham gia vào guồng máy chính trị và kinh tế để cả xã hội cùng tiến. Dân càng có quyền thì nhà nước càng có lực, tính chính danh lãnh đạo đất nước càng cao.

Trong thế giới hiện đại hậu công nghiệp, dân chủ tập trung nhất nguyên đã quá lỗi thời, các chế độ chính trị trên thế giới ngày càng hướng tới dân chủ, đúng với nghĩa dân làm chủ. Theo Samuel Huntington, làn sóng dân chủ hoá thứ ba đã đến với nhân loại trong thế kỷ vừa qua. Người ta nói tới đa nguyên, nói tới dân chủ hành quyền (empowered democracy), nói tới dân chủ tham gia (participatory democracy) chứ không chỉ bàn về dân chủ một cách chung chung. Dân chủ hoá chế độ với sự tham gia tích cực của toàn dân trong guồng máy chính trị đã trở thành xu thế lịch sử và thời đại. Xu thế thì không thể đảo ngược. Thuận theo xu thế là thuận theo hướng nhìn chung và hoà vào trào lưu tiến bộ chung của toàn thể nhân loại chứ không phải chỉ của tư bản, và cũng là thuận theo lòng dân, được nhân dân ủng hộ.

Bình đẳng cơ hội

Một trong những bước chuyển đổi cơ chế trong ôn hoà, diệt tham nhũng tận gốc để lấy tính chính danh cho chế độ mà không tốn nhiều công sức, lại được sự hỗ trợ của nhân dân mà Đảng Cộng sản có thể chủ động được, là tạo bình đẳng cơ hội cho mọi người. Bình đẳng chính trị cũng như kinh tế.

Bình đẳng có ba loại: bình đẳng cơ hội (opportunity), bình đẳng nghĩa vụ (obligation) và bình đẳng quyền lợi (benefit), trong đó bình đẳng cơ hội là quan trọng nhất. Ai cũng có nghĩa vụ đóng thuế, ai cũng được quyền chăm sóc khi mất việc, khi già yếu. Nhưng muốn bảo đảm được hai điều này, cần phải xây dựng bình đẳng cơ hội.

Bình đẳng cơ hội chính trị là phải bảo đảm rằng mọi người dân bình thường, bất kể quá khứ và xuất thân, Cộng sản hay không Cộng sản, đều có quyền tham gia hệ thống chính trị quốc gia, từ địa phương tới trung ương. Nhân dân ai cũng có quyền đề-, ứng- và bầu-cử các chức vụ công quyền, hay được tự do chọn lựa người đại diện xứng đáng cho tiếng nói của họ trong quốc hội, nơi được coi là cơ quan quyền lực cao nhất quốc gia. Hiện nay, các cuộc hiệp thương tại địa phương, hoặc gạt hết những người không Cộng sản ra ngoài, hoặc sắp xếp, mua bán ghế nội bộ, do đó quốc hội chỉ toàn là người do đảng đưa vào, nếu có vài người ngoài đảng thì cũng chỉ để trang trí cho có vẻ dân chủ. Dân chủ như thế là dân chủ giả hiệu. Quốc hội như thế chỉ là công cụ của đảng, không phải là nơi nhân dân thực hiện quyền làm chủ đích thực của mình. Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói Hiến pháp đứng sau Cương lĩnh Đảng, hàm ý cương lĩnh tư đảng Cộng sản còn cao hơn, quan trọng hơn cả hiến pháp, một điều trái ngược với các quốc gia mà nhân dân là chủ nhân đích thực của đất nước. Đảng vẫn tiếp tục xử lý nội bộ đối với đảng viên trước khi đưa ra xét xử bằng luật pháp quốc gia, không phải là bình đẳng chính trị.

Bình đẳng cơ hội kinh tế cũng tương tự bình đẳng cơ hội chính trị, tức ai cũng có quyền tham gia vào các hoạt động kinh tế, ngoại trừ những khu vực hay công trình có quy mô cấp quốc gia mà tư nhân không đảm trách nổi. Bình đẳng kinh tế còn có nghĩa không ai hay nhóm nào bị phân biệt đối xử, ngoại trừ những chính sách khuyến khích đầu tư được quốc hội do dân bầu ra, thông qua.

Các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với doanh nghiệp tư nhân là không bình đẳng về cơ hội kinh tế.

Trong nội bộ hai cơ quan bảo vệ đảng và chế độ cũng xảy ra tình trạng “trâu buộc ghét trâu ăn”. Tổng cục 5 (tình báo công an) tranh ăn với Tổng cục 2 (tình báo quân đội). Trong vụ án Trương Văn Cam (Năm Cam), theo những người hiểu chuyện thì Cục 2 (sau là Tổng cục 2) của phe quân đội (không được ăn) đánh phe công an vì gần như toàn bộ ngành công an được Năm Cam chi tiền hậu hĩ, hàng loạt tướng tá công an phải vào tù. Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, phe công an được cho là phỗng tay trên phe quân đội, đưa mật vụ sang tận Đức bắt ông ta về “đầu thú” khiến mâu thuẫn giữa hai tổng cục này càng nặng thêm, không thể giải quyết. Theo nhiều nguồn tin, tình hình chính trị thối nát do đấu đá khốc liệt để tranh giành quyền lợi đã lộ ra đại gia địa ốc Phan Văn Anh Vũ. Qua các công ty bình phong của Tổng cục 5 Bộ Công an, Vũ đã phất lên nhanh chóng, biếu cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh xe tiền tỷ và nhà cửa, gây mâu thuẫn với Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ. Các đời chủ tịch trước ông Thơ cũng bị Tổng cục 5 thao túng. Nguyễn Xuân Anh bị hạ bệ nên Vũ (nhôm) phải tẩu thoát.

Nếu không xây dựng bình đẳng cơ hội, những vụ việc nghiêm trọng như Trịnh Văn Chiến ở Thanh Hoá, Nguyễn Sỹ Quý ở Yên Bái, Nguyễn thị Kim Tiến với công ty VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả ở Bộ Y tế, hay Võ Kim Cự cho phép Formosa đầu tư vượt quyền hạn, gây nhiễm độc biển và hàng trăm vụ đấu đá nội bộ khác tại các địa phương tiếp tục xẩy ra, có thể phải giải quyết bằng cách thanh toán nhau đẫm máu khiến nhân dân càng mất niềm tin và nguy hại tới tính chính danh của chế độ.

Tại Mỹ, nhờ bình đẳng chính trị mà ngay những người mà tổ tiên từng là nô lệ có thể trở thành tổng thống, hay nhiều người thuộc các sắc dân thiểu số cũng có cơ hội trở thành dân biểu, nghị sĩ trong quốc hội. Bình đẳng kinh tế tạo cơ hội cho những công dân bình thường như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg trở thành những doanh nhân thành đạt và giầu có nhất nước.

Không thể chữa trị ung thư hệ thống, ung thư cơ chế bằng phương pháp trị liệu ngoài da như những vụ Phan Văn Anh Vũ, Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng.

Nhân dân Việt Nam không thể nhắm mắt thụ động mãi để Cộng sản dắt mũi đi ngược trào lưu lịch sử. Đảng Cộng sản không nhìn ra trào lưu hay không dám thay đổi, biến tư đảng thành công đảng, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người, toàn dân phải chủ động đứng lên chuyển đổi sinh mệnh chính trị của mình.

10 ngàn người dân biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường tại Formosa Hà Tĩnh

Tạ Dzu (bài được tác giả gửi tới Thoibao.de) 

´´Tôi muốn được làm con Ma tự do chứ không phải là Ma tù´´ – Đây là ước muốn của anh Đinh La Thăng.

http://thoibao.de/phap-luat-%26-doi-song/11638/toi-muon-duoc-lam-con-ma-tu-do-chu-khong-phai-la-ma-tu……-day-la-uoc-muon-cua-anh-dinh-la-thang.htm  

Bị cáo ĐINH LA THĂNG

http://thoibao.de/nguoi-viet-nam-chau/11630/bi-cao-dinh-la-thang.htm

Vụ xét xử Trịnh Xuân Thanh: ´´Đời vốn tàn nhẫn, chính trị thì còn tàn nhẫn hơn´´ (Luật sư: Lê Văn Thiệp)

http://thoibao.de/nguoi-viet-nam-chau/11629/vu-xet-xu-trinh-xuan-thanh%3A-%C2%B4%C2%B4doi-von-tan-nhan%252c-chinh-tri-thi-con-tan-nhan-hon%C2%B4%C2%B4-%28luat-su%3A-le-van-thiep%29-.htm

Đinh La Thăng: Tính cách và số phận (Luật sư. Lê Văn Thiệp)

http://thoibao.de/nguoi-viet-nam-chau/11628/dinh-la-thang%3A-tinh-cach-va-so-phan-%28luat-su.-le-van-thiep%29.htm

——

 

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular