Nhà báo Lan Nguyên
Sài Gòn hiện có hơn 300 nhóm “hiệp sĩ” (1). Với những người có suy nghĩ sâu xa, đó là điều đáng sợ hơn là đáng vui mừng.
Hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” ở Sài Gòn chủ yếu xoay quanh việc săn bắt trộm cướp. Đây là một hoạt động đặc thù, có điều kiện tức là người thực hiện nó bắt buộc phải được đào tạo, phải có kỹ năng, có nghĩa vụ và trách nhiệm rõ ràng. Trong khi các “hiệp sĩ” không đáp ứng được những yêu cầu này. Bao năm qua, rất nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh mô hình “hiệp sĩ” nhưng rồi không có một quyết định nào từ phía chính quyền TP.HCM và mọi việc cứ thế thả nổi. Rất nhiều hệ lụy xuất phát từ đây.
Xin tạm liệt kê 9 điều đáng sợ sau đây:
Điều đáng sợ thứ nhất: “Hiệp sĩ” vi phạm pháp luật. “Hiệp sĩ” không phải là người thi hành công vụ nên họ chỉ có thể bắt người đang phạm pháp quả tang. Trước đây báo chí đã từng đưa tin có “hiệp sĩ” đi bắt người theo lời tố cáo, di lý người này từ tỉnh này qua tỉnh khác, tổ chức việc hỏi cung như là công an. Trong quá trình hình thành các đội-nhóm “hiệp sĩ” từ 10 năm nay, đã có trường hợp chiếm đoạt tang vật, sử dụng bạo lực…
Điều đáng sợ thứ hai: “Hiệp sĩ” không được đào tạo kỹ năng. Điều này gây nguy hiểm cho bản thân “hiệp sĩ” và cho cả cộng đồng. “Hiệp sĩ” có thể bị nguy hiểm đến tính mạng khi kẻ trộm cướp chống trả. Khi rượt đuổi bắt trộm cướp, họ có thể gây ra tai nạn cho người chung quanh. Việc hai “hiệp sĩ” bị sát hại và ba “hiệp sĩ” bị thương, trong đó có một người bị thương nặng vừa rồi (13-5-2018) là một minh chứng đau lòng.
Điều đáng sợ thứ ba: “Hiệp sĩ” cũng có thể là côn đồ. Hai hôm nay trên mạng lan truyền các clip của một “hiệp sĩ” khá nổi tiếng. Trong clip, anh này đánh người rất côn đồ. Người bị đánh đứng yên, không chống trả, và khi anh khi té xuống, còn bị “hiệp sĩ” đá thẳng vô mặt. Các “hiệp sĩ” hiện nay là những nhóm tổ chức tự phát, không qua sự tuyển chọn về đạo đức, không chịu sự kiểm tra, giám sát.
Điều đáng sợ thứ tư: “Thần tượng hoá” “hiệp sĩ”. Người Việt vốn duy tình. Sự cảm kích trước hành động ra tay săn bắt trộm cướp của “hiệp sĩ”, đã che mờ hết những bất cập quan trọng khác mà đáng lý đã phải nhận ra. Rất nhiều nhân vật có tên tuổi, là người am hiểu, có kiến thức rộng, và nhiều nhà báo, đều lên tiếng ca ngợi hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” tay không, duỗi rong bắt cướp mà không thấy rằng làm như vậy là gián tiếp đẩy họ vào chỗ chết. Những người có lý trí, biết phân tích, nói ngược lại đám đông đang cuồng “hiệp sĩ” thì sẽ bị chụp mũ, ném đá không thương tiếc, bị trù ẻo gặp cướpv.v… Đám đông không thấy rằng chỉ ở Việt Nam (chắc thế) mới có “hiệp sĩ”. Họ chỉ là những người dân thường, lại đi săn bắt cướp “chuyên nghiệp”, làm thay việc của công an.
Điều đáng sợ thứ năm: Trang bị vũ khí cho “hiệp sĩ”. Đang có khá nhiều ý kiến trên mạng kêu gọi “hiệp sĩ” phải được trang bị và sử dụng vũ khí khi hoạt động. Hậu quả của việc này quá dễ thấy nên chắc không cần phải bàn luận gì thêm. Ngay cả đối với lực lượng chính quy mà việc họ có được phép nổ súng trong khi thi hành công vụ hay không cũng đã phải bàn đi tính lại trong nhiều năm và tới tháng 7-2018 tới đây, khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực, các trường hợp người thi hành công vụ được phép nổ súng cũng bị hạn chế và quy định rất nghiêm ngặt, chặc chẽ để tránh lạm quyền.
Điều đáng sợ thứ sáu: Sự ca ngợi của truyền thông. Báo chí, thay vì làm đúng chức năng phân tích, cảnh báo, thì lại hùa vô ca ngợi những hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” mà thực chất là đang bị thả nổi, đầy những bất trắc, bất ổn như đã nói trên. Có những tờ báo có bài phân tích các lỗ hổng luật pháp trong hoạt động “hiệp sĩ” song chung quy mục đích cũng là kêu gọi hỗ trợ cho các “hiệp sĩ” được có quy chế hoạt động, được bảo vệ, được hưởng chế độ chính sách… Chỉ có vài bài báo đặt vấn đề sự tồn tại của mô hình “hiệp sĩ” song những bài này lọt thỏm trong mớ ý kiến ủng hộ đồ sộ.
Điều đáng sợ thứ bảy: “Hiệp sĩ” được sử dụng để đàn áp người bất đồng chính kiến. Hôm 17-5-2018, bà Dương Thị Tân viết trên Facebook của mình (nick Hương Mùa Thu), tố cáo “hiệp sĩ” Nguyễn Sin đã tham gia cuộc đàn áp biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa xả thải giết chết biển, vào ngày 8-5-2016 tại Sài Gòn. Nguyễn Sin là người đang cực kỳ nổi tiếng trên mạng vì đã quyên góp được đến trên 2,6 tỷ đồng tiền hỗ trợ của người dân cho hai “hiệp sĩ” bị tử nạn.
Theo bà Tân, Nguyễn Sin là người đã táng thẳng vào mặt bà khi lùa bà và nhiều người khác lên xe buýt để chở tới sân vận động Hoa Lư. “Sau khi đến nơi, lùa mọi người xuống hết, chúng giữ lại một mình tôi trên xe. Cũng chính cái mặt này, hai con mắt trợn trừng, cũng chính cái tay kia xỉa xỉa vào mặt tôi, giọng nó gằn lại: tao sẽ tìm đến nhà mày, tao sẽ giết từng người một trong gia đình mày… Với tôi có thể quên nhiều thứ, nhưng với kẻ đòi giết từng người trong gia đình mình thì chắc đời này, kiếp này, không thể nào quên” – bà Tân viết.Con của bà Tân cũng xác nhận hiệp sĩ Nguyễn Sin là người canh cửa trước nhà anh, không cho anh và một người ở trọ nhà anh (là con của một người bất đồng chính kiến nổi tiếng) đi làm.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Sin thì lên Facebook khẳng định anh không có mặt ở buổi biểu tình đó mà bận đi giải quyết một vụ bị mất xe, và có người làm chứng. “Thời điểm 8/5, cái thời điểm mà theo các anh chị là tôi đi tham gia đàn áp gì gì đó, thời điểm đó tôi đang vất vả đi tìm xe Vision bị mất cấp cho em Nguyễn Thu Trang bên Gò Vấp. Rồi có một vụ mất xe bên Quận 7, em đã giúp gia đình bạn Lam tìm được xe Liberty mang về, Lam có cho tiền nhưng em kiên quyết không nhận…” – Sin viết.
Sự việc vẫn còn đang ở mức nói qua, nói lại, chưa biết ai đúng ai sai (trên mạng cũng lan truyền một bức ảnh cho rằng một “hiệp sĩ” – trong nhóm vây bắt cướp gặp nạn vừa rồi – cũng có mặt trong nhóm người đàn áp biểu tình ở Sài Gòn trước đây).
Điều đáng sợ thứ tám: Chính quyền ủng hộ “hiệp sĩ” như hiện nay.
Điều đáng sợ thứ chín: Môi trường học đường đang có khuynh hướng cổ súy hình ảnh “hiệp sĩ” như muốn khuyến khích các em học sinh “tay không bắt cướp” hoặc “lớn lên em làm hiệp sĩ”.
Điều đáng sợ cuối cùng: Nếu tất cả những điều đáng sợ nói trên đều tiếp tục hoặc chuyển thành hiện thực và cộng hưởng thì điều gì sẽ xảy ra? Một xã hội vô pháp, rối loạn, bất ổn, bất an, như thời kỳ hỗn mang? Thật không dám nghĩ tới!
(1) Theo Thế Giới Tiếp Thị, 17-5-2018
Tác giả gửi Trí Việt News