2022- NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

0
172

Quy Nguyễn

– Sau hai năm ngắc ngoải do đại dịch, mọi người chờ đợi năm 2022 sẽ là năm khắm khá hơn. Thế nhưng, diễn biến bất ngờ từ chiến tranh Nga-U và Trung Quốc tiếp tục chủ trương Zero- Covid đã làm đảo lộn mọi dự đoán, giá dầu tăng phi mã, chuỗi cung ứng đứt gãy đã làm cho giá cả leo thang, cộng thêm việc chính quyền các nước “in tiền” để hỗ trợ cho người dân trước đó dẫn đến lạm phát trên quy mô toàn thế giới

– Lạm phát vừa phải bản thân nó không xấu nhưng lạm phát ngày càng tăng cao buộc các chính phủ phải có chính sách để chống. Khởi đầu là anh Mẽo (FED) nâng lãi suất từ tháng 4/2022, sau là Châu Âu  rồi đến các Quốc gia Châu Á khác. Cũng cần lưu ý, NHTW Châu Âu trước nay áp dụng lãi suất 0% mà nay cũng phải tăng lãi suất, còn anh Nhựt Bản thì rõ rồi, để giữ giá trị đồng Yen, buộc phải tăng nhẹ lãi suất 0,25% và tăng 0,5% lãi suất trái phiếu chính phủ nhưng mãi đến tháng 12/2022 mới tăng

– Việt Nam, nước yếu thế nên cũng không nằm ngoài vùng xoáy đó nhưng có độ trễ so với thế giới. 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, nhiều ngành nghề liên quan đến xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ (do thực hiện các đơn hàng ký trước đó chưa giao vì covid và do khi đó lạm phát ở các nước Mỹ, Châu Âu chưa bùng) nhưng từ quý 3/2022 trở đi, tình hình bắt đầu xấu. NHNN liên tục bán USD để ổn định tỷ giá USD/VND nhưng dự trữ ngoại hối cũng có hạn, cuối cùng cũng phải nâng tỷ giá đồng USD/VND và nâng lãi suất ở quý IV/2022

– Cũng cần nhắc thêm, trong hai năm Covid, chính phủ Việt Nam cũng không “in tiền” nhiều đễ hỗ trợ dân chúng như chính phủ các quốc gia khác nên độ trễ của lạm phát dài hơn. Tuy nhiên, sự ra đời của nghị định 65 và có hiệu lực từ tháng 9/2022 liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới làm cho sự việc trầm trọng thêm. Ngân hàng thì  siết chặt, hết room, kênh phát hành trái phiếu thu hẹp, các doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo trả nợ trái phiếu sắp đến hạn thay vì phát hành mới trả cho nợ cũ, trong khi đó giải ngân cho đầu tư công bế tắt vì vướng nhiều cơ chế cũng như do đội giá

– Do vậy mà thanh khoản của nền kinh tế dường như căng cứng. Các ngân hàng thương mại dù các tháng cuối năm 2022 hết room cho vay nhưng phải nâng lãi suất huy động để duy trì nguồn vốn, dẫn đến cuộc đua lãi suất mà đỉnh điểm có lúc lên đến 10%/ năm. Cũng may tình hình thế giới cuối năm 2022 và đầu năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát Mỹ và Châu Âu giảm, chỉ số đồng USD từ 114-115 pts từ tháng 10/2022 nay giảm chỉ còn 102pts, áp lực từ đồng USD giảm đi nhiều và tỷ giá usd/vnd giảm xuống 23.440 đồng/Usd, trở về lại trước tháng 9/2022

– Áp lực tỷ giá đồng USD/VND giảm cũng sẽ làm giảm áp lực tăng lãi suất VND. Tuy nhiên điều cần thiết là giải quyết bài toán thanh khoản cho nền kinh tế qua các kênh bơm tiền của NHNN (chẳng hạn mua Usd vào), trái phiếu doanh nghiệp (chẳng hạn nghị định 65 cần phải được sửa đổi và sớm áp dụng) và tăng cường giải ngân đầu tư công

– Một câu chuyện nữa đóng góp vào bức tranh xám xịt trong năm năm 2022 mà không thể không nhắc tới, đó là một số đại gia và nhiều quan chức từ cấp thấp đến cấp cao bị vướng vào vòng lao lý hoặc  bị buộc từ chức. Nói không ngoa, đại dịch covid-19 mang lại “cơ hội ngàn năm có một” cho nhiều người nhưng nó cũng là đại hoạ cho chính họ

– Cuối cùng, đất nước được đánh giá có phồn thịnh hay không người ta thường nhìn vào kinh tế- chính trị có ổn định và phát triển hay không. Đừng để hàn thử biểu kinh tế một nước là thị trường chứng khoán cứ sáng nắng, chiều mưa như thời gian vừa qua, cũng như việc bắt bớ, thà làm luôn một lúc để yên ổn làm ăn, chớ lai rai quài, chẳng nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài nào còn ham muốn

684200cookie-check2022- NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY