Phan Châu Thành cùng với Anh Dung Nguyen.
Cậu bạn mình nói rằng: “rất thích đọc những gì ông viết về kinh tế mà chẳng mấy khi ông viết”, sáng nay có hứng, mình viết về công việc buôn bán tạp hóa của mình vậy.
—–
Nếu bạn nghĩ rằng thế kỷ 21 đi buôn thực phẩm chỉ là mở cửa hàng, nhập hàng về bán thì đáng tiếc, bạn nhầm và khả năng để phát triển khá thấp. “Tiệm tạp hóa” của mình thực ra là những cỗ máy công nghệ khổng lồ, mang theo các kỹ thuật hiện đại nhất đang có đấy.
Hệ thống đầu tiên là hệ thống camera. Hẳn đa số các bạn nghĩ rằng, lắp camera là để chống trộm. Không hề. Chống trộm chỉ là phụ. Việc chính của hệ thống đó là quan sát khách hàng, độ tuổi, đường đi trong cửa hàng và thói quen mua sắm của họ. Khi đó, máy tính mới có thể cố vẫn việc tối ưu hóa việc đặt hàng gì ở đâu, như thế nào cho tiện lợi. Không có bất kỳ cái gì trong cửa hàng là “tự nhiên nó thế” cả. Từ chỗ để rau quả, đồ tươi, bánh mỳ đều được nghiên cứu và thậm chí được cố vấn bởi chuyên gia tâm lý khách hàng, thường xuyên cập nhật, thay đổi, sao cho tiện lợi. Bạn đi vào siêu thị lúc nào cũng thấy đồ để rất “tiện”, cần gì thấy ngay, đúng không ? Toàn công nghệ cao mới làm được điều đó đấy.
Hệ thống quản lý là huyết mạch của mọi cửa hàng, không có thì chịu không thể hoạt động được và không phải đơn giản chỉ là hàng vào hàng ra, gói gọn trong 1 chương trình bán hàng đâu. Tất cả các giá kệ đều được số hóa, nếu để ý kỹ, trên mọi giá kệ bạn sẽ nhìn thấy những mã QR nho nhỏ được dán vào. Đó thể hiện sự có mặt của hệ thống bản đồ điện tử, cung cấp chính xác cho nhân viên cửa hàng biết mặt hàng nào được đặt ở đâu, giá cả thay đổi thế nào, khi nào thì hàng gần hết hạn… Với khoảng 16.000 chủng loại mặt hàng trong một cửa hàng như mình đang có, ai mà nhớ nổi, nếu không có máy tính quản lý hộ, đúng không ? Rồi còn nâng giá, hạ giá, các chiến dịch giảm giá… cứ đi tìm tay thì nhân viên loay hoay hết ngày mà còn cần một đội quân đông đảo với chi phí khổng lồ.
Đặt hàng làm sao biết được đâu rẻ nhất ? Đã có 1 con BOT chạy vèo vèo, khảo giá trên tất cả các trang bán hàng của mọi nhà cung cấp, so sánh giá cả rồi đưa ra báo cáo trong vài phút. Tha hồ mà chọn. Trừ phi là những hàng khó tìm, độc quyền thì chịu, phải đích thân làm.
Các hệ thống đặt hàng, nhập hàng, vào hóa đơn, chuyển qua kế toán đều gần như hoàn toàn tự động, rất ít khi con người phải mó vào, trừ khi kiểm tra xem hàng thật chở đến xem có khớp với hóa đơn. Môt tháng với hàng chục ngàn hóa đơn bán hàng, ai nhập tay nổi ? Mà khi đó chi phí thể nào ?
Hệ thống máy tính điều khiển cả hệ thống điều hòa, thông gió, thậm chí cả độ sáng của đèn. Với một hệ thống làm lạnh khổng lồ, chênh lệch 1 độ thôi cũng là bao nhiêu tiền điện. Cứ 2h sáng, máy tính sẽ thay đổi toàn bộ không khí trong cửa hàng, để làm sạch cũng như khử hết mọi loại mùi, nếu có, hàng hóa được bảo quản tốt hơn, ít hỏng hơn, chưa kể điều khiển luôn cả hệ thống điện mặt trời trên nóc, kiểm tra xem mọi thứ hoạt động có ổn không.
Sàn nhà cũng được lau bằng các máy lau công nghiệp, thì mới sáng bóng vậy, chứ lau thủ công thì không bao giờ sạch nổi, mất thời gian mà rất mệt.
Các hệ thống tính tiền tự động, xe tính tiền tự động cũng là giảm sức người và đẩy nhanh tiến độ “giải phóng khách hàng” lên rất nhiều. Giờ này làm gì có ai muốn chờ xếp hàng tính tiền nữa đâu, nên việc đó không thể để kéo dài hơn 7 phút.
Rồi còn hệ thống báo cáo lỗ lãi, so sánh thời kỳ, giai đoạn, phân tích chủng loại hàng bán được, cố vấn cho “dịp tới nên đặt loại hàng gì” cùng hàng loạt các báo cáo khác, hỗ trợ người quản lý khiến họ năm rõ chuyện gì đang xảy ra. Hàng ngày. Thừa thiếu, lên xuống, tốt xấu được phát hiện ra ngay, để có những giải pháp phù hợp.
Cuối cùng là nạn trộm cắp, càng tự động nhiều thì mọi người thường cho rằng khả năng ăn cắp sẽ cao. Trên kinh nghiệm thực tế của mình, dưới chân đèn là tối nhất, mất mát lớn chính là ở “người bên trong” chứ không phải người ngoài, thế nên cần chế độ đãi ngộ tốt, tử tế, rõ ràng với nhân viên thì sẽ hạn chế được rất nhiều. Năm 2022 tỷ lệ mắt cắp ở chỗ mình cả năm là 0,12% doanh thu, hầu như không đáng kể.
Tự động hóa thì giảm được chi phí, tăng mức cạnh tranh mà máy thay người thì bớt nhầm lẫn, sai lệch, hiệu quả tốt hơn, đặc biệt là người quản lý có thêm thời gian để làm những gì bản thân thích. Cuối cùng thì chúng ta sống để làm hay làm để sống đây ?
Vấn đề ở chỗ đó.
Nghề “tạp hóa” giờ này cũng nhiêu khê lắm, bán phở hay làm móng cũng vậy, muốn phát triển thì phải công nghệ cao thôi.
Thế nên bọn tư bổn giãy chết làm việc thông minh lắm, các cụ ạ, việc nhìn đơn giản nhưng không phải vậy đâu, rất nhiều thứ chúng ta cần là học hỏi từ họ, nhất là tầm nhìn. Người Việt có nhiều mặt mạnh, đặc biệt đầu óc nhanh nhạy, khả năng thích ứng cao, nếu có thể phóng tầm mắt nhìn xa, âu hóa đi một chút là sẽ làm được.
Cuối cùng thì chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, kỷ nguyên của công nghệ và thông tin, giờ này vẫn còn dùng một đội quân đông đảo nhưng “đầu đất” thì làm gì mà chả hỏng nấy.
Nhìn anh em bodo là thấy.
Nhìn quân đội Nga cũng vậy. Thắng kiểu gì ?