Vườn Rau Lộc Hưng: Xin hãy lắng nghe và trao đổi theo đúng quy định của Hiến Pháp và Pháp Luật

0
165

Vườn Rau Lộc Hưng

(13-08-2022) – Bà con Dân oan Vườn Rau Lộc Hưng kiên quyết bảo vệ mảnh đất Vườn rau thuộc quyền sở hữu của bà con do Giáo hội Công Giáo cấp, được bà con sử dụng đất ổn định và liên tục cho đến hôm nay hơn 68 năm qua (từ năm 1954 cho đến nay).

Đầu tháng 08/2022, nhà cầm quyền địa phương gửi “Giấy mời” số 315/GM-VP cho bà con dân oan VRLH với nội dung “sẽ tổ chức buổi tiếp công dân” để “lắng nghe và trao đổi các nội dung liên quan đến Khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình”.

Trước tình hình đó, các Luật sư Tư vấn Pháp lý cho Bà con VRLH, gồm: LS Trịnh Vĩnh Phúc, LS Nguyễn Văn Miếng, Ls Đặng Đình Mạnh, LS Đào Kim Lân và LS Ngô Thị Hoàng Anh đã quy tụ Bà con, hướng dẫn và chia sẻ cho Bà con hiểu thêm nhiều kiến thức Pháp luật liên quan đến quyền lợi của Bà con dân oan khi bị xâm hại đến quyền tư hữu đất đai theo đúng quy định của nhà nước. Buổi chia sẻ pháp lý diễn ra trong không khí thân tình. Và, Bà con bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của các Luật sư dành cho Bà con trong suốt thời gian vừa qua.

Trong nội dung “Giấy mời” số 315/GM-VP của UBND quận Tân Bình cho rằng, đất Vườn Rau Lộc Hưng – thuộc quyền sở hữu của Bà con VRLH từ năm 1954- là “đất công trình công cộng” là sai, bởi vì: 

+Cần khẳng định Hiến pháp và pháp luật không có qui định về cái gọi là “đất công”. Bộ luật Dân sự 2015 qui định về “tài sản công” là “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 197). Nếu hiểu như qui định này, thì toàn bộ đất đai của cả nước- theo qui định của Hiến pháp và Luật Đất đai- đều “thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” là tài sản công, là đất công?

+Điều 10 Luật đất đai 2015 qui định phân loại đất là “căn cứ vào mục đích sử dụng”, để phân thành 3 loại: đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Trong đó có phân loại “Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;”. Theo phân loại này, đất bà con Vườn Rau Lộc Hưng đang quản lý, sử dụng từ 65 năm qua không phải đất “sử dụng vào mục đích công cộng”, cũng không phải là “tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý, xây dựng … ” nên không phải là “đất công”. Đất Vườn Rau Lộc Hưng phải được phân loại là “đất trồng cây hàng năm…” (qui định tại điểm a khoản 1 điều 10); đất ở; hoặc đất phi nông nghiệp khác (điểm a và k khoản 2 điều 10).

+Còn cách hiểu nôm na, “đất công” là đất mà nhà nước đang sử dụng hoặc đất hoang, thì khu đất Vườn Rau Lộc Hưng bà con (tư nhân) đang sử dụng càng không phải là đất công. 

+Chính vì vậy, bà con Vườn Rau Lộc Hưng canh tác lâu dài và ổn định trên khoảng 5 hecta đất ngụ tại đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình. Bà con “đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình” và “người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng” mà không cần đến cái gọi là “sổ đỏ”. Bà con Vườn Rau có đầy đủ căn cứ pháp lý để được nhà cầm quyền “công nhận quyền sử dụng đất” cho các hộ dân sinh sống lâu đời trên mảnh đất cha ông của mình đã để lại. Vụ việc nhà cầm quyền cưỡng chế đất của bà con trong các ngày 04 và 08.01.2019 đã phá hoại tài sản trên đất của bà con là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đất Đai và đi ngược lại với chủ trương của Hiến pháp năm 1980.

Sau khi nhà cầm quyền quận Tân Bình cưỡng chế trái pháp luật khu đất VRLH, đập phá, phá hủy toàn bộ nhà cửa và vườn tược của bà con, đã đẩy bà con -người già lẫn trẻ nhỏ- cảnh màn trời chiếu đất trong những ngày giáp tết năm 2019… đã nhiều lần, nhà cầm quyền địa phương tổ chức các buổi họp để “lắng nghe và trao đổi” với bà con, thế nhưng, các “kết quả” của cuộc họp “vẫn không lắng nghe” ý nguyện của bà con dân oan VRLH, “vẫn không trao đổi” trong tinh thần tôn trọng quyền sở hữu đất của Bà con theo đúng quy định của Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN. Vì “ý nguyện của Bà con” là “bảo vệ” mảnh đất, khoảng 5 hécta đất, đã sử dụng liên tục từ năm 1954 đến nay, “không phải là đất công” cho đến cùng.

Đất Vườn Rau thuộc quyền quản lý và sở hữu của bà con từ những năm 1954 do Giáo hội Công Giáo cấp, được bà con sử dụng đất ổn định và liên tục cho đến hôm nay. Điều này đã được Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo phận Sài Gòn, với tư cách chủ đất khẳng định với các cơ quan có thẩm quyền vào năm 2007. Đất của bà con Vườn Rau sử dụng ổn định và lâu dài (từ năm 1954 cho đến nay, gần 65 năm) với mục đích canh tác thể hiện qua các biên lai nghĩa vụ (1982 và 1983), phiếu thu đóng góp nghĩa vụ (1983), bản đồ diện tích đất Vườn Rau… Và Giáo hội Công Giáo và bà con chưa bao giờ từ bỏ quyền sử dụng đất Vườn Rau, cũng như chưa bao giờ bà con ký bất kỳ một văn bản nào của các cấp có thẩm quyền để tước bỏ quyền sử dụng đất của mình.

Vườn Rau Lộc Hưng

630270cookie-checkVườn Rau Lộc Hưng: Xin hãy lắng nghe và trao đổi theo đúng quy định của Hiến Pháp và Pháp Luật