Wednesday, October 16, 2024
HomeNEWSVụ Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam đang chơi bài gì với Đức?

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam đang chơi bài gì với Đức?

Blog VOA

Ông Nguyễn Phú Trọng đang chơi ngón bài gì với Nhà nước Đức xung quanh vụ “xét xử Trịnh Xuân Thanh” và “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”? Liệu người Đức có thể tin vào những lời hứa hẹn hoặc cam kết (nếu có) của ông Trọng, trong khi vẫn còn tồn kho quá nhiều bài học chính thể Việt Nam nuốt lời với quốc tế?

Hiếm muộn kết quả đàm phán

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến tháng Giêng năm 2018 – thời gian mà Tổng bí thư Trọng đã xác quyết sẽ đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa để “làm thịt”. Lịch xử có vẻ được cố định khi mới đây theo trang Thoibao.de ở Đức, bà Schlagenhauf – luật sư ở Đức của Trịnh Xuân Thanh – cho biết phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018.

Trong bối cảnh ông Trọng dường như không e ngại đưa Trịnh Xuân Thanh ra xử bất chấp phản ứng từ phía Đức hay bất chấp việc ông Trọng có thể đã có một vài cam kết gì đó với Berlin, một thực tế trần trụi là các cuộc đàm phán Đức – Việt về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” – kéo dài suốt từ tháng Tám năm 2017 đến nay – vẫn chỉ đạt được rất ít kết quả.

Kết quả đàm phán quá hiếm muộn như thế đã khiến nảy sinh một loạt kết quả khác mà Hà Nội không hề mong muốn: vào tháng 11/2017, một sự kiện trao đổi chuyên môn giữa Đức với Việt Nam về thông tin, biện pháp phòng thủ đối với các loại vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học (ABC-Abwehr) dự kiến diễn ra ở Đức đã bị hủy bỏ với lý do từ phía Việt Nam là phái đoàn Việt Nam bị chậm trễ trong việc xin visa nhập cảnh vào Đức, nhưng lý do thực chất hơn nhiều là một hậu quả trực tiếp từ biện pháp của Đức hủy bỏ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.

Cũng theo Thoibao.de, kể từ khi Chính phủ Đức tạm thời đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9/2017, nhiều cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục bị hủy bỏ với những ngôn từ rất ngoại giao như “chậm trễ, chờ xác minh…”. Thống đốc một bang lớn của Đức cho biết: “Chúng tôi nhận được thông báo từ Chính phủ Liên bang, tạm thời dừng tất cả các chương trình mới với Việt Nam, nên chuyến đi vào tháng 12.2017 tới TP.HCM để gặp gỡ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thăm Ngôi nhà Đức và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở một số tỉnh của Việt Nam bị hủy bỏ”.

Trong cuộc gặp với một doanh nghiệp lớn của người Việt tại Đức, chuyên tư vấn đầu tư tại Việt Nam trần tình: “Các doanh nghiệp Đức khi bắt đầu dự án đầu tư về Việt Nam thường thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), để họ xét duyệt và cấp khoản tín dụng cho việc thực hiện bước đầu của dự án, nhưng giờ đây quan hệ hai nước trở nên căng thẳng sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin. Ngân hàng cũng dừng cấp tín dụng đầu tư mới ở Việt Nam, các dự án đã được chuẩn bị từ lâu giờ đây không thể triển khai, thiệt hại rất lớn”…

Chỉ trả Thanh sau khi xử?

Có lẽ một kết quả hiếm hoi đạt được trong quá trình đàm phán Đức – Việt là Việt Nam “phá lệ” khi cho đại diện Đức tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh.

Vào ngày 16.12.2017, Thoibao.de đã cho biết theo nguồn tin từ Quốc hội Đức, một vị nghị sĩ của đảng cầm quyền Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 1.2018 trong dịp mở phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, và một nữ nghị sĩ của Đảng Cánh tả (Die Linke) cũng đang cân nhắc cùng đi.

Cần nhắc lại, yêu cầu để đại diện Đức dự phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh là một trong những điều kiện mà phía Đức nêu ra trong các cuộc đàm phán song phương Đức – Việt từ tháng Tám năm 2017 đến nay. Tuy nhiên cho đến tháng Mười năm 2017, vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam chấp nhận yêu cầu này.

Chỉ đến ngày 25/11/2017, trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ thông báo công khai đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa vào tháng Giêng năm 2018. Dường như vào lúc đó, ông Trọng đã nắm được một ý tứ nào đó từ phía Đức, rằng người Đức sẽ không phản ứng đối với quyết định của ông, trên cơ sở người Đức đã có thể tạm hài lòng với những lời hứa hẹn (nếu có) của ông.

Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm “xử lý nội bộ”, vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.

Nếu có thể so sánh, cần chú ý rằng từ trước đến nay chính quyền Việt Nam hầu như không chấp nhận cho đại diện của Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tham dự và quan sát những phiên tòa Việt Nam xử án người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Trước đây, một số nghị sĩ Đức đã bị Việt Nam từ chối cho tham dự phiên tòa xử blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Gần đây nhất, Việt Nam đã từ chối yêu cầu của Phái đoàn Liên minh châu Âu tham dự phiên tòa xử blogger nhân quyền Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Một khả năng đang dần lộ rõ là nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội các nước châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), Tổng bí thư Trọng đã tìm cách “cam kết” với Đức, mà cụ thể ngay trước mắt là đồng ý để Đức cử đại diện tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh như một biểu hiện của “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Theo đó, có khả năng Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi xử án Thanh và sau khi Thanh làm nhân chứng trong vụ xử Đinh La Thăng. Khả năng này ngày càng có cơ sở, song trùng với một khả năng khác là Trịnh Xuân Thanh có thể đã “khai sạch” trong trại giam, có thể đã được cho đối chứng với Đinh La Thăng và nhiều nhân vật khác, và trong thực tế Thanh sắp hết “giá trị sử dụng”.

Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm “xử lý nội bộ”, vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.

Câu hỏi còn lại là nếu có hứa hẹn với Đức, liệu ông Trọng có giữ lời, trong khi còn quá nhiều bài học Việt Nam nuốt lời với quốc tế?

Tình trạng phía Đức vẫn căng thẳng với Việt Nam cho thấy đàm phán Đức- Việt về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” còn kéo dài và sẽ tác động mạnh đến việc kéo dài xem xét EVFTA tại Quốc hội Liên minh châu Âu.

Còn thái độ của Quốc hội Liên minh châu Âu thì thế nào?

Cứng rắn hơn hẳn

Chưa đầy nửa tháng sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam vào ngày 1/12/2017 tại Hà Nội, Quốc hội châu Âu đã tỏ thái độ cứng rắn hẳn lên với EVFTA và đặt giới chóp bu Việt Nam vào thế ngày càng khó mơ tưởng đến hiệp định này.

Ngày 14/12/2017 – có thể xem là thời điểm ngay sau khi kết thúc Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam với kết quả tồi tệ, Quốc hội Liên minh Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, được thông qua bởi đa số các nghị sĩ trong phiên họp toàn thể nghị viện ở thành phố Strasbourg, lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tự do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân. Nghị quyết này cho rằng những hành động sách nhiễu về thể xác và tâm lý cũng như các biện pháp giám sát ngang nhiên và sách nhiễu các luật sư, người thân và người chủ công ty của các bloggers đã vẽ lên một bức tranh đáng lên án ở Việt Nam…

Đáng chú ý, văn bản của Quốc hội EU thể hiện bằng hình thức “nghị quyết khẩn cấp”, tức ở cấp độ quan trọng về quyết tâm cho những yêu cầu và đòi hỏi đối với chính quyền Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, Quốc hội EU ban hành nghị quyết về nhân quyền Việt Nam.

Vào tháng 6/2016, Nghị viện châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất về nhân quyền cũng của tổ chức này vào năm 2009 được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết năm 2016 được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.

Cũng từ tháng 6/2016, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy người Mỹ tập trung “đối tác quân sự” với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông, còn nhân quyền được Mỹ “chuyển giao” cho nghị viện châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.

Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đã cho thấy châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị “ăn hiếp” bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng “mất cả chì lẫn chài”.

Ngay trước mắt, Đức là nước đang có nhiều lý do đủ thuyết phục nhất để bỏ phiếu phủ quyết đối với EVFTA.

Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular