Trần Đình Dũng với Lucky Joy.
Mấy ngày nay hàng trăm người dân, có cả cụ già và trẻ em, đêm ngày canh giữ thung lũng đất mà bao đời nay cha ông tổ tiên họ canh tác. Trong khi phía chính quyền tỉnh Lâm Đồng vẫn “kiên trì lấy đất” phục vụ dự án, đã tiến hành mở lễ khởi công ngày 20.2.2023.
Đã có người phải vô bệnh viện, các ngõ vào làng đang bị lực lượng cưỡng chế canh giữ nghiêm ngặt.
==> GIÁ BỒI THƯỜNG QUÁ THẤP SO VỚI GIÁ THỊ TRƯỜNG?
Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét thuộc làng K’Rèn (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có diện tích thu hồi hơn 160 ha. Nhiều năm về trước một số người đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Phần đất này là một thung lũng như một lòng chảo của khu vực rất đẹp, cũng là nơi mà tổ tiên cha ông những gia đình tộc người K’Ho của làng canh tác, dễ đến mấy trăm năm nay. Nó nằm cách quốc lộ 20 (Đường lên Đà Lạt chừng 30km). Nên nó thành “đất vàng” mà nhiều doanh nghiệp ngắm nghía.
Từ khi triển khai dự án, chính quyền địa phương có gửi các văn bản cho người dân nhưng gửi theo cách “hạn chế nhất về thông tin”. Vì vậy nhiều người không rõ dự án gì, bồi thường ra sao.
Giá bồi thường đất là một vấn đề gây phẫn nộ cho người dân nơi đây. Đơn giá những thửa đất loại vị trí tốt chỉ 270 triệu VNĐ cho một sào (1.000m2). Có một số ít trường hợp “thân với cán bộ” thì có giá tốt hơn. Còn nhiều vị trí khác giá thấp dần xuống, có thửa đất chỉ vài chục triệu cho một sào đất (một công). Theo phản ảnh qua điện thoại của người dân, có một số triền thung lũng trồng cà phê chỉ được hỗ trợ 20 triệu/công và thậm chí còn có nhiều trường hợp không được xu nào.
Trong khi đó, giá tương đương đối với đất trồng hoa, trồng la ghim ở khu vực này lên đến trên 01 tỷ VNĐ/công.
==> THIẾU CHÍNH SÁCH ĐỊNH CANH THÌ NGƯỜI DÂN MƯU SINH RA SAO?
Thung lũng bằng phẵng lấy làm hồ Ta Hoét là nơi mưu sinh, là miếng cơm manh áo của hàng trăm gia đình người làng K’Rèn. Nhà họ ở tụ lại theo tập tục cách đó khoảng 01km. Hàng ngày họ ra thung lũng này trồng trọt (hoa Layon, Bắp Cải…) để thương lái vào thu mua.

Một ngôi làng, nhất là làng người K’Ho, không phải có thói quen sinh sống như các đô thị. Bị lấy mất đất, coi như cắt luôn con đường cơm áo. Họ biết về đâu?
Nhiều năm trước, khi người Kinh “tiến công lấn dần” vào nhiều ngôi làng dân tộc, họ đã lùi sâu vào rừng. Nhưng làng K’Rèn rất ít bị “xâm lấn” bởi người Kinh nên họ sinh sống khá yên ổn tới bây giờ như nhiều ngôi làng khác tại vùng Đức Trọng, Đơn Dương (của tỉnh Lâm Đồng).
Giá bồi thường đất không thể mua lại được đất sản xuất, mất đi cái ăn, họ biết về đâu. Họ phẫn nộ giữ đất là hiển nhiên của đau khổ tận cùng con người.
Nhà nước địa phương Lâm Đồng có bao giờ nghĩ tới cuộc mưu sinh của họ chưa khi đưa quân hùng hậu có cả chó săn vào cưỡng chế lấy đất cho dự án?
Nếu Nhà nước địa phương Lâm Đồng có một chính sách định canh với khu đất khác để họ chuyển sang canh tác trước khi tiến hành dự án hồ nước thì tốt cho họ quá. Đó mới là Nhà nước như trong luật định và trong tuyên truyền. Đằng này…

Tôi chợt nhớ có một câu chuyện vui nghe được của người K’Ho. Một cậu bé đứng dõng tai nghe tiếng phát ra từ một cái loa treo trên cây của UBND xã. Có ông kia đi ngang qua, kéo cậu bé lại nói “Đừng có nghe cái thằng trên cây. Thằng trên cây nó nói hay lắm, mà cái thằng dưới đất nó làm ác lắm…”.
Chính sách thu hồi – bồi thường đất gây bức xúc khắp nơi, chung qui cũng tại “Đồng tiền cả mà thôi”?
Có hay không việc doanh nghiệp đòi khai thác du lịch hồ nước Ta Hoét sắp hình thành và đầu tư vài sân gofl, mà nhiều người đồn quá vậy ?
[Luật sư Trần Đình Dũng]