Minh Anh / RFI
Cũng trong ngày hôm qua, tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol phát lệnh truy nã “đỏ” nhắm vào ông. Vụ đào thoát ly kỳ này, đôi khi được thổi phồng như là một tập phim của James Bond 007, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi, nhất là bởi vì ông đang bị quản thúc tại gia, dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát Nhật Bản, thậm chí là của một công ty an ninh tư nhân do hãng Nissan ủy thác.
Nhật báo Le Monde số ra ngày 03/01/2019, tìm cách làm sáng tỏ một số điểm thắc mắc cũng như là hệ quả của vụ đào thoát này. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Vụ đào thoát diễn ra như thế nào?
Theo truyền thông Liban, cuộc đào tẩu của ông Carlos Ghosn được thực hiện với sự trợ giúp của một công ty bảo vệ tư nhân. Tuy nhiên, bà Carole Ghosn, vợ của ông, đã phủ nhận một lời thuật dường như cho rằng ông Ghosn được đưa ra ngoài chỗ tạm giam bằng cách nấp trong một chiếc hộp dùng để vận chuyển các nhạc cụ cho một ban nhạc được mời đến trình diễn tại tư gia của ông ở Nhật. Một điểm chắc chắn là các dữ liệu từ bộ Tư Pháp Nhật Bản không cho thấy có một cuộc xuất cảnh nào mang tên ông.
Điều tra sơ bộ cho thấy khoảng 5 giờ 15 ngày thứ Hai, 30/12/2019, một chuyên cơ tư nhân mang số hiệu TC-TSR đến từ Osaka, Nhật Bản đã đáp xuống phi trường Atatürk – không phục vụ các chuyến bay thương mại, nhưng được dùng cho các loại máy bay vận chuyển hàng hóa và các chuyến bay riêng. Chiếc máy bay này sau đó được cất vào trong kho. Vào khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, một chiếc máy bay tư nhân khác, chiếc Bombardier Challenger 300 số hiệu TC-RZA đã cất cánh từ chính phi trường trên, rồi thẳng hướng Beyrouth.
Theo hãng thông tấn DHA của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà điều tra đã có trong tay bản ghi âm trao đổi giữa phi công của chiếc máy bay thứ hai và tháp kiểm soát không lưu. “Destination Beyrouth”, phi công thông báo trong đoạn ghi âm.
Ông Ghosn đi vào Liban bằng cách nào?
Nhiều nguồn tin Liban khẳng định Carlos Ghosn đã vượt qua rào kiểm soát ở Beyrouth bằng hộ chiếu Pháp. Dường như ông có đến hai hộ chiếu. Theo kênh truyền hình NHK của Nhật Bản, một trong hai chiếc hộ chiếu được cất trong một chiếc túi đeo mà chìa khóa, một mã khóa bí mật do các luật sư bào chữa cho ông nắm giữ. Tấm hộ chiếu thứ hai này dường như được dùng để di chuyển ở trong nước. Hơn nữa, theo Le Monde, đối với một số doanh nhân các doanh nghiệp chiến lược có quan hệ làm ăn với Israel và các nước Ả Rập, việc có thêm một hộ chiếu thứ hai là quan trọng. Các luật sư của ông hiện còn đang nắm giữ các hộ chiếu khác của ông (Brazil, Liban và Pháp).
Vẫn theo truyền thông Liban, một khi đến Beyrouth, dường như đích thân tổng thống Liban, Michel Aoun, đến đón ông tại phi trường. Trả lời câu hỏi của Le Monde, phủ tổng thống đã bác bỏ thông tin này.
Cuộc điều tra đã đi đến đâu?
Thứ Năm, 02/01/2020, kênh truyền hình NHK tiết lộ các công tố viên đã tiến hành lục soát tư dinh của ông ở Tokyo. Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ cũng mở một cuộc điều tra để xác định rõ ông Ghosn đã quá cảnh Istanbul trong những điều kiện nào. Hãng thông tấn DHA còn cho biết 7 người đã bị cảnh sát bắt giữ: bốn phi công, hai nhân viên mặt đất và viên chức của một công ty vận chuyển hàng không tư nhân. Những người này bị nghi ngờ đã giúp đỡ ông Ghosn trở về Liban từ một sân bay ở Istanbul.
Nhật Bản đã có phản ứng như thế nào?
Tại Nhật Bản, báo chí chỉ trích Carlos Ghosn nhiều hơn là các thiếu sót của chính phủ, không thể ngăn cản vị doanh nhân rời đất nước. Từ các báo cấp tiến cho đến bảo thủ của Nhật đều cho rằng việc ông Ghosn đào thoát là “phạm một trọng tội”, “một hành vi hèn nhát“, và đòi “xem xét lại” lời biện minh vô tội của ông Ghosn.
Về phần mình, tập đoàn Nissan là tỏ ra kín tiếng. Hãng này e ngại phải hứng chịu thêm một yếu tố bất ổn mới. Nissan chỉ vừa mới vực dậy thì vào cuối năm 2019, nhân vật số 3 của hãng là ông Jun Seki phải từ chức chỉ sau ba tuần nhậm chức. Riêng cựu giám đốc điều hành của Nissan, ông Toshiyuki, một thời là thân cận của Carlos Ghosn, là lấy làm tiếc về cuộc đào thoát này, cho rằng “từng hy vọng sự thật sẽ được sáng tỏ ở tòa“.
Phiên xử sẽ như thế nào?
Việc ông Ghosn đào thoát buộc phải đình phiên xử, dự kiến diễn ra trong năm 2020. Giờ chỉ còn hãng Nissan và ông Greg Kelly, cánh tay phải của ông, bị bắt cùng ngày với vị cựu chủ tịch vào năm 2018 và cũng được tại ngoại hầu tra, là sẽ bị đưa ra xét xử.
Le Monde lưu ý là thứ Tư 01/01/2020, tòa án Tokyo đã chấp nhận thu khoản tiền 1,5 tỷ yên (12,3 triệu euro) mà ông Ghosn nộp vào thời điểm được tại ngoại hầu tra hồi tháng 4/2019. Với cuộc tẩu thoát này, việc trả tự do xem như bị hủy: nếu ông Ghosn quay lại Nhật Bản, ông sẽ bị đưa trở về tù ngay lập tức.
Các công tố viên phụ trách cuộc điều tra tỏ ra tức giận cho rằng “việc trả tự do có điều kiện là một sai lầm” và mọi việc giờ phải “làm lại từ đầu”. Viện công tố từng phản đối mạnh mẽ việc cho phép ông Carlos Ghosn được tại ngoại hầu tra, khi cho rằng nguy cơ nghi can đào thoát là rất cao, do những mối quan hệ rộng rãi của ông Ghosn.
Về phần các luật sư của ông Ghosn, họ thật sự ngỡ ngàng. Luật sư bào chữa chính, Junichiro Hironaka, phủ nhận mọi can dự. Đương nhiên, ông sẽ phải giải thích bởi vì chính ông là người đã bảo đảm cho việc trả tự do có điều kiện của ông Ghosn.
Liệu Carlos Ghosn có bị dẫn độ?
Nhật Bản có thể yêu cầu Liban cho dẫn độ, nhưng cuộc thương lượng dự báo là sẽ khó khăn. “Cơ may có được lệnh dẫn độ hầu như là không có”, theo như nhìn nhận của chính phủ Nhật Bản. Bởi vì, từ bao lâu nay, Tokyo đòi Beyrouth cho dẫn độ Kozo Okamoto, một trong các thủ phạm vụ tấn công khủng bố sân bay quốc tế Ben Gourion tại Israel năm 1972, làm thiệt mạng 26 người. Chính quyền Liban không những từ chối giao trả ông Okamoto, mà còn cấp quy chế tị nạn chính trị cho nhân vật này năm 2000. Nhưng theo một người khác am tường về hồ sơ này thì “Tokyo cũng có thể thông qua Paris, vốn dĩ có thỏa thuận dẫn độ với Liban”.
Trong số những phản ứng chính thức hiếm hoi từ Liban, Tổng cục An ninh, cơ quan chuyên trách về an ninh sân bay ở Beyrouth, khẳng định ông Ghosn đã nhập cảnh vào Liban “một cách hợp pháp” và do vậy “không thể truy tố ông”. Hơn nữa, theo ghi nhận của nhà kinh tế học Sami Nader, “cho đến lúc này, chính phủ Nhật Bản chưa có một yêu cầu chính thức nào gởi đến Beyrouth”. Phía Pháp, thông qua lời quốc vụ khanh đặc trách kinh tế, bà Agnès Pannier-Runacher, trên đài BFM-TV khẳng định “Carlos Ghosn sẽ không bị dẫn độ nếu ông về Pháp”.
Quan hệ Liban – Nhật Bản có bị ảnh hưởng?
Vụ việc có lẽ sẽ không có nhiều tác động đối với mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Liban. Ông Karim Emile Bitar, giám đốc Viện Khoa học Chính trị trường đại học Saint-Joseph tại Beyrouth giải thích:
“Mức nhập khẩu hàng các sản phẩm điện tử hay xe hơi của Nhật tại Liban cũng khá quan trọng. Nhưng tỷ lệ này chiếm một phần khá nhỏ trong GDP của Nhật Bản, và Liban còn phát triển các mối quan hệ với nhiều con rồng châu Á khác như Hàn Quốc chẳng hạn. Có thể nói, tác động về kinh tế không nhiều, nhưng vụ Ghosn rất có thể mở ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao”.
Có một điều chắc chắn được giới doanh nhân nước ngoài tại Nhật Bản nhắc đến nhiều là vụ đào thoát của ông chủ công nghiệp quyền lực này đều tiện cho cả Pháp và Nhật Bản, cùng tránh phơi bày những thủ đoạn, bí mật bên trong hậu trường trong trường hợp phiên xử ông Ghosn được mở.
Vậy Carlos Ghosn có sẽ bị xử ở Liban hay không?
Dường như ông Ghosn muốn có một phiên xử tại Liban. Trong một thông cáo được đưa ra ngay sau khi đến Beyrouth, ông tuyên bố là “không chạy trốn công lý” và “được giải thoát khỏi sự bất công”. Tuyên bố này cho phép suy đoán ông không từ chối một có một phiên xử nhưng trong một môi trường thuận lợi hơn.
Carlos Ghosn giải thích rằng ông chạy trốn là vì ông quá mệt mỏi về điều mà ông gọi là “con tin của một hệ thống tư pháp Nhật Bản thiên vị”, ở đó, “các quyền cơ bản của con người là bị chối bỏ”.
Thứ Năm, 02/01/2020, bộ trưởng Tư Pháp Liban, ông Albert Sarhane, cho biết đã nhận được một “lệnh truy nã đỏ” từ Interpol nhắm vào Carlos Ghosn, tức là một yêu cầu bắt giữ từ phía tổ chức cảnh sát quốc tế.
Tương lai nào cho Carlos Ghosn?
Từ nhiều năm qua có nhiều lời đồn thổi cho rằng Carlos Ghosn rất có thể sẽ ra tranh cử tổng thống ở Liban. Nhưng trong trước mắt, tương lai chính trị của ông dường như là điều không thể. Hơn nữa, phong trào phản kháng đang diễn ra tại Liban từ tháng 10/2019 chống nạn tham nhũng trong giới chức chính quyền và tài chính đòi các lãnh đạo phải minh bạch hơn nữa.
Trên bình diện kinh doanh, ông chủ ngành công nghiệp đầy thế lực này đã đầu tư vào ngành chế biến rượu vang tại Liban, cũng như trong bất động sản. Ông còn trao tặng nhiều khoản quyên góp quan trọng cho nhiều định chế tại Liban. Carlos Ghosn có nhiều mối quan hệ chặt chẽ ngay trong giới chính khách Liban. Nhiều bạn học cũ tại một trong những cơ sở đào tạo danh giá nhất của Liban đã vận động thành lập một ủy ban hỗ trợ. Theo đánh giá của ông Bitar, ông “Ghosn đã cắm rễ sâu tại Liban”.
Le Monde ghi nhận công luận Liban bị chia rẽ giữa những người cho rằng Carlos Ghosn là nạn nhân của một âm mưu và những người nghiêm túc tin vào những cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông. Những người ủng hộ cho rằng ông Ghosn là “một biểu tượng của thế giới kinh doanh, niềm tự hào của đất nước” và người ta thông cảm với “điều kiện giam giữ ông”. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Nader lưu ý, “điều này từng đúng như thế. Nhưng lòng nhiệt tình đó gần đây đang bị xói mòn đôi chút”.