Vụ án Đồng Tâm, đất đai hay quyền lực?

0
357

Jackhammer Nguyễn

10-9-2020

Trong phiên xử ngày thứ ba, Viện Kiểm sát TP Hà Nội đề nghị mức án nặng nề, gồm hai án tử, một án chung thân, dành cho các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm, không làm ai ngạc nhiên. Tuyên bố không điều tra vụ giết ông Lê Đình Kình vì “giết đúng quy định” cũng không làm ai ngạc nhiên.

Bộ máy cộng sản vẫn là một bộ máy áp bức nặng nề, không hề thay đổi sau hàng chục năm cho phép kinh tế thị trường. Nhưng có vẻ như dư luận cứ chăm chắm vào chuyện tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, xem đó là lý do chính của bi kịch này.

Thoạt nhìn điều đó có lý vì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì “đất đai là sở hữu toàn dân”, tạo nên mối bổng lộc to lớn cho các quan chức, và đám bồ bịch tư bản đỏ của họ.

Nhưng đất Đồng Tâm giá cả bao nhiêu? Có xứng đáng để “bộ máy chuyên chính” (chuyên chế) ra tay tàn độc như vậy hay không?

Diễn biến của phiên tòa cho phép tôi khẳng định một lần nữa: Bi kịch Đồng Tâm là quyền lực chứ không phải đất đai. Tôi đã nêu quan điểm này trong bài viết cách đây khá lâu trên trang Tiếng Dân: Đồng Tâm và Ô Khảm, hai quốc gia của một chế độ. Trong bài viết đó, tôi so sánh Tổ đồng thuận của ông Lê Đình Kình, với chính quyền được bầu trực tiếp ở Ô Khảm, Quảng Đông, Trung Quốc.

Đất đai, chuyện đã qua rồi

Nếu bạn đọc theo dõi kỹ thời sự Việt Nam, sẽ thấy những vụ liên quan đến đất đai của dân chúng đã giảm đi, nhất là trong các đô thị, sau hàng loạt những vụ bê bối như Tiên Lãng, Hưng Yên, và nhất là vụ Thủ Thiêm tại Sài Gòn. Ở đô thị cũng ít đi các vụ khiếu nại mới liên quan đến đất đai, vụ Thủ Thiêm xảy ra từ rất lâu rồi, không phải mới.

Sau giai đoạn đầu bóc lột rất hung tàn người dân có đất, các tập đoàn kinh tế bồ bịch với quan chức, đã có khá nhiều tiền để đền bù cho dân chúng, các giới chức địa phương có nhiều nguồn thu khác, chứ không chỉ là đất, họ cũng không muốn những mảnh đất nho nhỏ của nông dân làm rối loạn xã hội. Và điều quan trọng hơn hết, như một chuyên gia về địa ốc ở Sài Gòn có nói với người viết bài này: Đất vàng đã được chia nhau hết rồi, từ đất trung tâm đô thị, cho đến đất ven sông, ven biển.

Đất đai Việt Nam, tiếng vẫn là sở hữu toàn dân, nhưng thật sự đã về tay các đại gia đỏ hết rồi. Giai đoạn tư hữu hóa của thời kỳ tư bản hoang dã xem như đã hoàn thành, mà biểu tượng của việc hoàn tất này là ngôi nhà 81 tầng ở trung tâm Sài Gòn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Quyền lực không được xâm phạm

Trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet, Thiếu tướng Lê Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công an, bên cạnh việc chỉ trích “Tổ đồng thuận” của ông Lê Đình Kình có những hành vi phạm pháp, tướng Xô có nói thêm rằng, dòng họ Lê Đình là dòng họ lớn nhất địa phương, và có khi khuynh loát cả việc “bầu cử” các cán bộ đảng và nhà nước ở địa phương.

Tướng  Xô đã nêu lên nguyên nhân trực tiếp của vụ đàn áp Đồng Tâm, giống như ở Ô Khảm (Quảng Đông, Trung Quốc), đó là Đảng Cộng sản không thể chấp nhận một sự thách thức ở địa phương.

Một số nguồn tin nói rằng, người đứng đầu thành phố Hà Nội lúc xảy ra vụ đàn áp (9/1/2020) là ông Nguyễn Đức Chung (hiện bị giam giữ với tội danh đánh cắp bí mật nhà nước), không đồng ý đàn áp, và người đứng đầu Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng cũng không biết. Nếu thông tin này đúng, nó cũng không làm thay đổi nhận định của tôi về nguyên nhân quyền lực của vụ đàn áp.

Với cơ cấu độc tài tập thể, nếu Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Phú Trọng không hay biết về vụ đàn áp, thì Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công An Hà Nội, và trên ông ta là Bộ trưởng Tô Lâm, hoàn toàn chủ động. Không sao cả, rồi họ lại làm lành với nhau, vì nguyên tắc chung của họ là không ai được thách thức quyền lực của Đảng, dù người đó là một đảng viên nhiều tuổi đảng như ông Lê Đình Kình.

Bài trả lời phỏng vấn của tướng Xô trên Vietnamnet còn để lộ ra một cấu trúc quyền lực nữa tại Việt Nam khá thú vị, nhất là tại các làng quê Bắc Việt, đó là cấu trúc làng xã và dòng tộc. Đã từng có những bài viết công khai trên báo chí nhà nước về chuyện này, về các dòng họ tranh giành nhau chức bí thư hay chủ tịch ở cấp xã, việc cơ cấu chia quyền lực nhau giữa các dòng tộc địa phương, ngay bên trong cấu trúc của Đảng Cộng sản.

Để đương đầu với cấu trúc này, Đảng Cộng sản thực hiện một chính sách nước đôi, một mặt họ nhân nhượng các dòng tộc địa phương đó, qua câu nói nổi tiếng: “Trên bảo dưới không nghe”, một mặt thẳng tay đàn áp. Thế cho nên, quyền lực nhà nước Việt Nam rất mâu thuẫn, một mặt rất tập trung (Trung ương), mặt khác lại để phía dưới tự tung tự tác, cho đến một mức độ nào đó thì bùng ra thành bi kịch.

Đảng viên bị đảng bắn chết

Diễn biến của vụ Đồng Tâm cho ta vài nhận xét mà tôi nghĩ là rất có ích cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Thứ nhất là loại quyền lực dân túy (nói theo nghĩa tốt) làng xã như của ông Lê Đình Kình, là một phần khó tách rời khỏi quyền lực Đảng, đúng như bà vợ ông Kình nói, cho đến lúc chết ông Kình vẫn một mực tin vào Đảng.

Nông thôn làng xã miền Bắc Việt Nam, và có thể là miền Trung nữa, vốn có một cơ cấu phong kiến, chiếu trên chiếu dưới, rất phù hợp với thể chế độc tài cộng sản. Cuộc chiến Việt Nam đã góp phần nhào nặn cơ cấu đó vào trong cơ cấu của Đảng.

Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy nông dân đi đòi đất mang ảnh ông Hồ Chí Minh và cờ Đảng. Những từ ngữ như Đảng ủy, Chi bộ,… có thể nó xa lạ với những người sống ở phương Tây, hay thậm chí trong các đô thị lớn ở Việt Nam, nhưng nó lại rất quen thuộc đối với nông dân miền Bắc (và có thể cả miền Nam nữa), nó là một khái niệm quyền lực bình thường trong xã hội đối với họ.

Một người học ở phương Tây về nước tham gia phong trào dân chủ, nói với tôi thế này: Nhìn vào bàn thờ ông Hồ tại các căn nhà nông dân Việt Nam, làm cho ta phải suy nghĩ một cách đấu tranh khác đi, rất khó, chưa tìm ra!

Điều thứ hai, có lẽ cái chết của ông Kình là một vụ xử tử công khai đầu tiên của Đảng dành cho đảng viên của mình, mà không (hay chưa) khai trừ đảng. Khi chết ông Lê Đình Kình vẫn còn là một đảng viên mấy chục năm tuổi đảng.

Thông thường khi các đảng viên phạm tội (hoặc bị thanh trừng), bộ máy đảng cấp tốc khai trừ họ ra khỏi đảng, để sau đó “xử lý”. Thế nhưng trong hàng trăm vụ “đốt lò” chống tham nhũng gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, ta thấy có những đảng viên bê nguyên thẻ đảng vào tù. Và mới nhất là đảng viên Lê Đình Kình mang theo thẻ đảng xuống mồ.

Điều thứ hai này làm tôi tự hỏi: Nhiều quá họ khai trừ không xuể, hay là tấm thẻ đảng chẳng còn giá trị gì đối với Đảng?

Tôi hiểu theo nghĩa tích cực của hiện tượng này: Đảng viên hay không, không còn quan trọng bằng quyền lực nữa, và vấn đề của dân chủ hóa là đấu tranh chống quyền lực không kiểm soát, trong đó sự thức tỉnh của những đảng viên không đảng là rất quan trọng.

Nguồn : https://baotiengdan.com/2020/09/10/vu-an-dong-tam-dat-dai-hay-quyen-luc/

568100cookie-checkVụ án Đồng Tâm, đất đai hay quyền lực?