bài của Do Duy Ngoc.
Có lẽ trong lịch sử của toà án Việt Nam dưới chế độ Đảng Cộng Sản lãnh đạo, chưa bao giờ có một cuộc xử án mà bị cáo toàn là cán bộ cao cấp đông đúc đến thế. Mà lại là lãnh đạo các ngành quan trọng của đất nước: Công an, ngoại giao, y tế… Một vụ án ai biết chuyện cũng buông ra lời nguyền rủa và tâm trạng thất vọng, mất lòng tin nặng nề.
Trong khi cả nước và đặc biệt là thành phố Sài Gòn bị dính vào cơn đại dịch Covid. Người chết chất chồng trong các xe lạnh, người sống quẫn bách, thiếu lương thực, nhiều nơi phải sống bằng hộp cơm từ thiện, nhiều cuộc chia ly đẫm nước mắt, những người ra đi không được một nén nhang, một vòng hoa đưa tiễn. Và trở về trong hũ cốt.
Cũng trong thời gian đó, nhiều học sinh, sinh viên, người lao động, nhiều người vì hoàn cảnh bị kẹt lại ở xứ người không có phương tiện và điều kiện để trở về với gia đình. Nhà nước liền tổ chức những chuyến bay được gọi tên là những chuyến bay giải cứu để giúp số người này trở lại quê nhà. Ý tưởng quá hay, quá đẹp, quá nhân đạo. Nhưng những người phụ trách, những kẻ quyền chức lợi dụng các chuyến bay đó để hút máu, cắt cổ người dân.
Với quyền lực có sẵn, họ bắt chẹt những người muốn bay về với những số tiền vô lý để chia chác nhau. Họ lợi dụng tình hình để tài sản họ càng nhiều, hầu bao họ càng lớn. Mà họ có thiếu thốn gì đâu, đã ngồi vào các ghế ấy, chẳng có ai nghèo. Tài sản của họ đã là hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ. Thế mà lòng tham vẫn còn chất ngất, họ liên kết cùng nhau để bóp cổ dân mình.
Không thể tưởng tượng nổi một quan chức là thư ký cho thứ trưởng Y tế 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ đồng. Liệu y ăn trọn một mình hay chia chác cho ai, đến giờ y vẫn không khai.
Hồ sơ vụ án cho thấy, 54 bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử với 5 tội danh là: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong 54 bị cáo, 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và có tới 18 bị cáo bị xét xử theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Qua đó, người ta thấy rõ là quan chức bất kể trường hợp nào, cứ ăn được là ăn, cứ đớp được là đớp, chẳng cần nghĩ đến lương tâm, đến nhân đạo.
Theo cáo trạng truy tố có 25 bị cáo nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng. Cũng trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Người ta thấy trong hàng ngũ bị cáo có mặt nhiều quan chức cấp cao như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân…
Ngoài ra còn có Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thanh Hải Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Mai Anh cùng là Chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó Trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự; Vũ Hồng Nam, Nguyễn Hồng Hà cùng nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao; Lý Tiến Hùng, Chuyên viên Vụ khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải; Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải; Trần Văn Dự, Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường cùng nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Bùi Huy Hoàng, Chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại và Du lịch Việt Nam và Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Hoàng Văn Hưng, nguyên cán bộ Công an…
Đồng thời có một loạt cựu cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia như Angola, Nhật Bản, Nga, Malaysia… có dính líu đến những chuyến bay giải cứu.
Toàn tai to mặt lớn cả. Đáng lẽ với chức quyền như thế, họ có bổn phận và trách nhiệm tìm đủ mọi cách để giúp người dân thuận tiện, ít tốn kém nhất để được trở về như mục đích của chính phủ. Đằng này họ nhẫn tâm siết cổ dân để thu lợi. Hành động đấy gọi là ăn cướp, vô nhân đạo, thiếu tình người khi đồng bào mình gặp cơn hoạn nạn. Con thú còn động lòng trước nỗi đau của đồng loại, họ còn tệ hơn thú vật khi hút máu của người dân trong cơn nguy khốn.
Tuy không đồng tình và ủng hộ việc xử tử hình nhưng trong trường hợp này, nếu bị cáo nào nằm trong khung tử hình thì cũng nên xử án tử một vài người đúng luật và thoả mãn được ý dân. Bởi họ tàn nhẫn quá, vô nhân đạo quá, họ không còn là con người thì không nên để họ tiếp tục được làm người. Số tiền cướp được hàng trăm, hàng ngàn tỷ không quan trọng bằng chuyện làm người lãnh đạo mà vô tâm và tàn ác với đồng bào mình khi mồm luôn cao giọng yêu nước, yêu dân. Có nhiều nhà báo, nhà văn, thầy giáo viết bài, làm thơ ca ngợi chuyến bay giải cứu. Cũng có vị đại sứ viết nguyên cuốn sách ngợi ca. Điều đó đáng ghê tởm hơn con số trăm, ngàn tỷ đồng kia.
Giờ đây, khi chen nhau đứng chật trước vòng móng ngựa. Kẻ thì khóc lóc xin tha, kẻ thì chối không khai đường đi của đồng tiền hốt được, kẻ ngu ngơ bảo lúc nhận tiền không nghĩ là phạm pháp, nghe rất buồn cười. Toàn là một lũ hèn. Khi đang đương chức miệng hét ra lửa, doạ nạt để người ta phải xuỳ tiền ra. Lúc vỡ trận thì tìm đủ cách để nguỵ biện, chối tội, xin tha. Trong danh sách ấy ông bà nào cũng có biệt phủ, biệt thự, có con học Mỹ, học Anh, có vợ thường đi shopping ở các của hàng nổi tiếng ở nước ngoài, bản thân xài tiền như nước. Quả báo nhãn tiền, yêu cầu họ phải trả lại cho các nạn nhân số tiền họ đã bóc lột được, đó mới là đạo lý.
Người dân đang chờ một bản án công minh, những nạn nhân đang đợi những đồng tiền mồ hôi xương máu của mình được trả lại một cách minh bạch. Hãy chờ xem.