Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.06.05
Theo dự kiến, Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk có lịch đưa một giảng viên âm nhạc ra xét xử vào ngày 06/06/2023 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
Năm nay 63 tuổi, trước khi bị chính quyền địa phương bắt, là ông Đặng Đăng Phước là giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Ông bị cơ quan Công an bắt vào ngày 08/9/2022 và theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ông bị cáo buộc là đã ‘có nhiều bài viết mang nội dung xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý’ theo Khoản 1 của Điều 117.
Nếu bị Tòa kết án, ông Phước có thể đối mặt với một bản án tù từ năm năm đến 12 năm, tuy nhiên trao đổi trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do hôm 05/06/2023 từ Đắk Lắk, vợ của ông, bà Lê Thị Hà khẳng định chồng bà “vô tội” và cho hay mong muốn của bà là ông được “trả tự do vô điều kiện” tại tòa.
Mời quý vị theo dõi sau đây cuộc trao đổi của đài RFA Tiếng Việt với vợ ông Đặng Đăng Phước.
RFA: Xin bà vui lòng cho biết về tình hình chồng của bà, nhà giáo Đặng Đăng Phước, như những gì bà biết được và lịch trình phiên xử đối với chồng của bà ra sao, có thay đổi gì không?
Bà Lê Thị Hà: Lần cuối cùng tôi được gặp anh Phước là sáng ngày 01/06/2023 tại trại tạm giam để gửi cho anh bộ quần áo mặc ra tòa cho tươm tất, nhưng đến sáng nay, ngày 05/06/2023 tôi có gọi điện cho anh Huy, người phía trại tạm giam thì được biết trại không cho anh mặc quần tây, áo chemise ra toà mà phải mặc đồ do trại tạm giam cung cấp, không phải là quần áo phạm nhân. Tuy nhiên, tôi nghĩ luật pháp là luật pháp chung cho cả Việt Nam, tại sao những người khác, bao gồm cả tù chính trị và hình sự ra tòa được mặc quần áo thân nhân gửi vào mà chồng tôi lại không được? Chả lẽ quy định của trại giam đứng trên pháp luật? Bởi trước khi tuyên án thì chồng tôi vẫn chưa mất quyền công dân kia mà. Còn phía lịch xử thì tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào sẽ có sự thay đổi.
RFA: Thưa, bà và gia đình đã chuẩn bị như thế nào cho phiên tòa này? Bà và gia đình có nhận được giấy mời tham dự phiên tòa không (bất kể với tư cách nào)?
Bà Lê Thị Hà: Cả hai con tôi đều có lịch thi trùng với ngày xử án, 06/06/2023 nên không thể về tham dự phiên tòa. Cá nhân tôi đã nhận được giấy triệu tập của toà từ hơn hai tuần trước với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra còn có thân nhân, bà con, bạn bè thân hữu của gia đình tôi sẽ đến tham dự phiên tòa. Mặc dù phía nhà cầm quyền ra thông báo là sẽ xét xử công khai nhưng đã có rất nhiều tiền lệ những phiên tòa xét xử các nhà hoạt động, người bất chính kiến tại Việt Nam tuy thông báo là xét xử công khai nhưng thực tế kể cả thân nhân cũng không được tham dự, nên tôi cũng không biết phiên toà của chồng mình sẽ được diễn ra như thế nào nữa.
RFA: Tình hình được trợ giúp pháp lý của chồng bà và gia đình bởi các luật sư ra sao?
Bà Lê Thị Hà: Các luật sư có chia sẻ với tôi về thông tin vụ án nhưng có rất nhiều kiến thức chuyên môn mà tôi sợ mình sẽ không truyền tải chính xác nên tôi xin được phép không chia sẻ về phần này. Hiện có bốn luật sư tham gia bào chữa cho chồng tôi gồm ba luật sư đến từ văn phòng luật sư Thăng Long là luật sư Nguyễn Hà Luân, luật sư Lê Văn Luân, luật sư Phạm Lệ Quyên và luật sư Lê Xuân Anh Phú tại Buôn Mê Thuột. Tôi cũng không nghe các luật sư phản ánh về những khó khăn, trở ngại khi họ tham gia bào chữa cho chồng tôi.
‘Bắt và xử là việc của chính quyền, nhưng chồng tôi vô tội’
RFA: Từ sau khi chồng bà bị bắt đến nay, cuộc sống của bà và gia đình có vấn đề, khó khăn gì không? Chính quyền kể cả công an địa phương ứng xử thế nào với bà và gia đình, bà có gặp ‘khó dễ’ gì không?
Bà Lê Thị Hà: Từ sau khi chồng tôi bị bắt đến nay gia đình tôi mất đi trụ cột gia đình về tinh thần cũng như kinh tế. Hai con tôi đều đi học xa nhà, hai vợ chồng tôi sớm chiều bên nhau, từ ngày anh bị bắt đi tôi vẫn chưa hết bàng hoàng và đau đớn. Phía an ninh điều tra đã triệu tập tôi hai lần, không tính lần triệu tập vào ngày 06/06/2023 tới cho phiên toà, trong đó có một lần điều tra viên Nguyễn Hữu Tào có nói với tôi rằng nếu tôi còn chia sẻ thông tin về vụ án chồng tôi lên mạng xã hội thì họ sẽ báo lên Sở Giáo dục tỉnh, để Sở giáo dục làm việc với trường nơi tôi đang làm việc rồi trường sẽ làm việc với tôi. Những dịp có các nhân viên ngoại giao đến Buôn Ma Thuột họ đều cử người theo sát tôi nhất cử nhất động. Trước đây có một cô giáo viên người dân tộc Ê Đê, ở cùng tôi, nhưng họ cũng tìm đến nhà cha mẹ cô ấy và bảo rằng không được ở cùng tôi vì chồng tôi đang trong giai đoạn điều tra và về nhắn với tôi không được chia sẻ thông tin chính trị lên mạng xã hội. Ngoài ra họ cũng truy nguyên lý lịch ba đời hai bên nội ngoại của gia đình tôi trong những buổi làm việc.
RFA: Tình hình của bà và gia đình gần đây và những ngày sát cận phiên xử ra sao? Việc tham dự phiên tòa của bà có thể tiên lượng thế nào?
Bà Lê Thị Hà: Ngày 01 – 02/06 tôi đi tham dự lễ Phật đảng tại chùa Phước Bửu tỉnh Bà Rịa, khi về đến nhà vào ngày 03/06 tôi đã thấy 2 thanh niên bộ dạng khả nghi túc trực trước cửa nhà tôi, tay lăm lăm điện thoại hướng về nhà tôi quay chụp gì đó. Cho đến hôm nay họ vẫn rải người cắm ở đầu đường nhà tôi, để tăng khả năng mình có thể tham dự phiên toà nên hiện tại tôi đã rời khỏi nhà bởi trước đây tôi đã biết rất nhiều thân nhân của các tù nhân lương tâm dù đã nhận được giấy triệu tập của toà nhưng vẫn bị ngăn cản đến tham dự phiên tòa. Tôi cũng không dám đoán chắc 100% bản thân hay các thân nhân và bạn bè khác sẽ được tham dự phiên tòa.
RFA: Quan điểm của bà về vụ án của chồng của bà, nhà giáo Đặng Đăng Phước, và mong muốn của bà trước phiên tòa này về bản án với chồng bà?
Bà Lê Thị Hà: Ở Việt Nam, bắt ai, bắt khi nào, xử khi nào và xử bao nhiêu năm là quyền trong tay của họ, nhưng với tôi chồng tôi vô tội. Mong muốn của tôi là chồng tôi được trả tự do vô điều kiện.
RFA: Xin cảm ơn bà đã trả lời cuộc phỏng vấn này!