Võ để làm gì?

0
232

Chau Doan 

Trên bàn rượu, một cậu em cười bảo: “Tập võ làm gì khi mà trong xã hội bây giờ, hơi mâu thuẫn một chút là chúng nó rút dao kiếm, thậm chí cả súng ra? Người người hồ hởi khoe mông, ngực, túi sách, quần áo hàng hiệu, xe đẹp, quan hệ cao… còn anh cứ huỳnh huỵch đấm đá đầy mồ hôi mà ít tiền, khi có mâu thuẫn nếu đánh người quá tay không khéo lại vào bóc lịch.” 

Tôi biết là cậu em nói cho vui câu chuyện nên cũng cười chứ không tranh luận làm gì. Nhưng dù sao, đấy cũng là một ý để suy ngẫm về võ. Không phải cứ đam mê võ là cứ tập, cứ đi võ một cách kiên định và bền bỉ ngay được. 

Mấy năm trước tôi có gặp lại một sư đệ đang trông xe ở bệnh viện, cậu ấy tập và đi huấn luyện võ thuật ở các tỉnh cùng tôi mấy chục năm trước, cậu ấy bảo tiếc là tuổi trẻ tốn nhiều thời gian cho võ mà cuối cùng cũng chẳng để làm gì. 

Việc nghi ngờ về giá trị của võ, kể cả sau mấy chục năm theo đuổi là điều thường gặp và để giải thích điều này thì không thể nói trong một hai câu trong một cuộc gặp qua đường. 

Trước hết, tập võ không nhất thiết phải để dùng đến võ, tức là có dịp đấm đá để thoát hiểm, để tự vệ hay cứu giúp người khác. Hiểu như vậy không sai nhưng không đầy đủ và giảm giá trị của võ. 

Tôi hiểu cái kiểu suy nghĩ của cậu ấy là của một người thất bại trong cuộc đời và thích đổ lỗi cho người khác, tuy không nói ra nhưng tôi ngầm hiểu là cậu ấy đổ lỗi cho thầy vì đã không hướng cho mình một cái nghiệp dài hơi. 

Nếu mang trong mình một đam mê lâu dài thì cậu ấy vẫn có thể tiếp tục tập để thi lấy đai đẳng rồi có thể huấn luyện, chắc chắn việc ấy thú vị hơn việc đứng ngoài đường trông xe máy. 

Nếu chỉ nhìn thấy võ như là một nghệ thuật đấm đá thì người tập không thể có một niềm đam mê lâu dài. Bởi khi có tuổi thì việc đấm đá làm sao bằng được lớp trẻ mới lên. Nếu nhìn thấy khía cạnh đạo của võ, nhìn thấy tác dụng tích cực của võ với người tu tập thì cậu ấy sẽ thấy việc truyền dạy cho thế hệ trẻ là một việc có ích với xã hội, như vậy mới có niềm cảm hứng để tiếp tục theo nghiệp võ. 

Tập võ, học về đạo võ để cải biến con người, nâng sự tồn tại của ta ở một tầm mức cao hơn hiện tại. Thông qua sự khổ luyện của võ mà người tập sẽ thành một người sống có kỉ luật, có cái nhìn tích cực lâu dài về con đường đi của mình, thấy cái đích đến của người tu tập ấy là sự mạnh mẽ về thể chất và tinh thần, và cao hơn nữa là giúp người khác trở thành những người mạnh mẽ như ta. 

Tập võ không phải để hạ gục một đối thủ nào đấy bởi nhiều triệu người trên thế gian, ta thắng được vài người, ta sẽ thua người khác. Hoặc giả ta thắng hôm nay, ta sẽ thua ngày mai. Ta luyện võ để ta chiến thắng chính sự yếu đuối của ta ngày hôm qua, để ta có thể thành một bản thể hoàn chỉnh, mạnh mẽ hơn của ta vào ngày mai, tháng sau, năm sau. 

Cái hay ở đây là khi tinh thần và tâm hồn ta mạnh mẽ, khi đối mặt với sự nguy hiểm, với kẻ mạnh thì với sự điềm đạm của người tu luyện, ta sẽ ứng xử thông minh hơn và như vậy ta cũng ít có nguy cơ lâm vào tình huống bất lợi hơn. Biết bao lần trong cuộc đời, tôi và bạn đã ứng xử hết sức ngu ngốc, thậm chí điên rồ khi chúng ta nóng giận hay sợ hãi? 

Nhưng việc thi đấu, va chạm trong tập luyện lại rất cần thiết để người tập có thể trưởng thành về mặt kĩ thuật, tâm lý, khả năng chịu đòn. Khi đã dày dạn trong tập luyện, trong đối luyện và đấu ở võ đường, ta mới có thể bình tĩnh mà xử lý vấn đề ngoài đường. 

Muốn trưởng thành trong võ, không có cách nào khác, không có con đường tắt nào dễ dàng và ngọt ngào. Mồ hôi, đôi khi là nước mắt, sự đau nhức cơ thể là “bạn” của người luyện võ. Người của tu luyện sẽ có suy nghĩ thấu đáo hay luôn hướng tới sự thấu đáo trong mỗi hoàn cảnh. Họ không hời hợt và luôn tránh những ứng xử cảm tính nhất thời và chính vì vậy mà họ biết chấp nhận cái giá phải trả, đôi khi chính là mạng sống của mình.

Điều ấy tạo nên một vẻ đẹp vô song, rất khó kiếm trong cuộc sống đời thường. Các bạn hẳn đã xem phim The Last Samurai. Giây phút sỹ quan người Mỹ Nathan Algren và vị tướng Samurai Katsumoto nhìn nhau mỉm cười, thầm nói lời vĩnh biệt để cùng nhau lao vào chỗ chết trong một cuộc chiến không cân sức đã khiến tôi xúc động. Theo tôi, giây phút ấy đã đúc kết được vẻ đẹp võ đạo và vẻ đẹp con người võ. 

Vẻ đẹp của võ nằm ở tính kỷ luật trong việc dạy, việc học và tập luyện. Chính vì được rèn luyện trong võ nên người của võ không làm thì thôi, làm việc gì cũng đốt cháy mình, làm đến nơi đến chốn. 

Họ hiểu rằng võ cũng như mọi thứ trong cuộc đời, tất cả là một hành trình, phải kiên trì theo đuổi từng bước một, phải đổ mồ hôi chứ không phải là sự chụp giật nhất thời. Người của võ trung thực bởi họ hiểu rằng võ cũng như mọi thứ khác, muốn thành đạt cần có đạo, cần có trước có sau, trước hết cần thật với chính mình rồi thật với người. 

Bất cứ con đường nào cũng cần kính trọng người đi trước, dìu dắt độ lượng người đi sau.Người của võ ứng xử trong cuộc sống thẳng thắn vì như trong một cuộc đấu, nếu bản lĩnh chưa đủ, thất bại là thường. 

Họ chấp nhận thất bại một cách thanh thản và tôn trọng người chiến thắng. Họ hiểu mọi thất bại chỉ là một bước đi trong hành trình dài. Ngày mai, ngày kia, năm sau họ có thể có một trận đấu khác. Hơn ai hết, họ nhìn cuộc đời như một cuộc chơi dài, không để tâm tới những ăn thua phù du, ngắn hạn.

Người của võ không thích nói xấu và có cái nhìn bao dung với người khác vì bản thân họ để đạt được một tầm cao nào đấy trong võ học, họ cũng đã từng va vấp, trả giá nhiều.Vẻ đẹp tuyệt đỉnh của võ không nằm ở khả năng chân tay mà nằm ở tinh thần. Cũng giống lúc đại uý người Mỹ mỉm cười cùng vị tướng Samurai để cùng lao vào chỗ chết, họ hiểu rằng cái chết không phải là điều đáng sợ nhất mà danh dự, đạo nghĩa, tình huynh đệ cùng lý tưởng mới là điều không thể để mất. 

Khoảnh khắc tuyệt đẹp chỉ có thể toả sáng bởi hai con người ấy.Do những đặc điểm trên mà người của võ thường không chấp nhận tình cảm lờ nhờ. Không yêu thì thôi nhưng yêu thì họ biết nâng tình yêu lên thành một giá trị tinh thần đẹp đẽ. Giống đại uý Nathan Algren, chỉ cần một nụ hôn của nàng goá phụ để đi vào trận chiến nắm chắc phần thua, cầm chắc cái chết. 

Những điều này tôi thường nói với các võ sinh, cũng giống như họ, bản thân tôi cũng chỉ một kẻ vẫn đang lầm lũi trên con đường tu tập đầy vất vả. Tôi cũng chỉ là kẻ đi trước với khả năng khiêm tốn nhưng nghiêm túc trên con đường võ đạo mà thôi. 

Chau Doan Karate Do

647060cookie-checkVõ để làm gì?