Chỉ số chứng khoán được quan tâm nhiều nhất của Việt Nam, VN-Index, giảm gần 46 điểm hôm 3/10, rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/2/2021. Báo Đầu Tư online nhận xét rằng chỉ số đại diện cho Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã có phiên giao dịch “tệ nhất” trong phiên đầu tháng 10/2022 khi so sánh với các sàn chứng khoán khác ở châu Á.
Với 449 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó 136 mã giảm sàn, và chỉ có 43 mã tăng, VN-Index giảm sâu về mốc 1.086 điểm.
Nhóm các cổ phiếu chủ chốt và sáng giá của các doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép… tiếp nối đà giảm giá đã có từ những ngày trước, gây ảnh hưởng chuỗi domino, kéo theo hoạt động bán tháo trên diện rộng, theo quan sát của VOA.
Đồng thời, dữ liệu giao dịch cho thấy thanh khoản thị trường rất thấp, với giao dịch khớp lệnh ở sở HoSE chỉ đạt 11 nghìn 525 tỷ đồng. Trang mạng Nhà Đầu Tư đánh giá rằng điều này cho thấy “dòng tiền tiếp tục chọn cách đứng ngoài trước những diễn biến u ám của thị trường hiện tại”.
Trang CafeF dẫn lời một số chuyên gia phân tích rằng tình trạng chứng khoán Việt Nam mất giá mạnh là do bị tác động từ một loạt các thông tin tiêu cực, bất lợi.
Đó là lạm phát tăng, đi song song với nó là lãi suất được nâng dần lên, cả ở Việt Nam lẫn ở nhiều nước khác; nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế, trong đó có Mỹ, và trên toàn cầu; chiến tranh ở Ukraine; khủng hoảng năng lượng tại châu Âu; ẩn số từ chính trị của Trung Quốc…
Trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam cắm đầu lao dốc, cổ phiếu có mã VIC của tập đoàn đình đám Vingroup cũng đã mất giá nghiêm trọng, khi trượt từ mức giá đỉnh là hơn 127.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2021 xuống 55.500 đồng hôm 3/10, tương đương mức giảm hơn 56%.
Thị giá mới nhất của VIC giờ đây bằng mức của ngày 18/12/2017, thời điểm được ba tháng sau khi Vingroup khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast, đặt ở Hải Phòng.
Ở mức giá cổ phiếu hiện tại, quy mô vốn hóa hiện nay của tập đoàn Vingroup là gần 210 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trang Vietnambiz cho biết.
Trong vòng 3 năm rưỡi kể từ khi công bố khởi động dự án ô tô VinFast, giá mỗi cổ phiếu VIC đã tăng gấp 3 lần từ khoảng 36.000 đồng hồi tháng 9/2017 lên mức đỉnh kể trên.
Như VOA đã đưa tin, cùng với tình trạng chung khi thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh là việc khối tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng vơi đi đáng kể.
Tính chung từ đầu năm, tổng giá trị cổ phiếu do 20 người giàu nhất sàn chứng khoán nắm giữ đã giảm 162 nghìn 500 tỷ đồng, tức gần 7 tỷ đô la, so với cuối năm 2021, giờ đây xuống còn gần 488 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 25%.
Đứng đầu danh sách 20 người giàu nhất Việt Nam ở thời điểm ngày 27/9, căn cứ vào giá trị cổ phiếu, vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, với 134,8 nghìn tỷ đồng, dù đã mất 36% giá trị cổ phiếu, tương đương với mất 75,3 nghìn tỷ đồng khi đó.
Very nice post. I just stumbled upon your blog and wanted to say that I’ve really enjoyed browsing your blog posts. In any case I’ll be subscribing to your feed and I hope you write again soon!