Việt Nam: Quy định của Đảng và việc ‘chỉ định’ bà Đào Hồng Lan dẫn dắt Bộ Y tế

0
242
http://bacninh.dcs.vn/ Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan tại một hội nghị ở tỉnh tháng 7/2022

BBC Tiếng Việt

16 tháng 7 2022

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan tại một hội nghị ở tỉnh tháng 7/2022

Hôm 15/7, có hai diễn biến nhân sự khá lớn ở Việt Nam: Ông Trần Sỹ Thanh được điều động về Hà Nội, và bà Đào Hồng Lan được chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.

Sau khi có quyết định của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan – Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam tranh luận liệu ông Trần Sỹ Thanh sẽ điều hành Hà Nội ra sao, hay tân bộ trưởng y tế, không phải người ngành y, sẽ là điều hay hay dở.

Bản thân bà Đào Hồng Lan chia sẻ, như báo chí đưa tin hôm 15/7: “Tôi được phân công nhận nhiệm vụ vào thời điểm này, bản thân không phải xuất phát từ ngành y, mọi công việc đều rất mới. Nhưng trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân và thay mặt 500 nghìn đội ngũ cán bộ ngành y tế, tôi sẽ phấn đấu hết mình, luôn duy trì sự đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, tâm huyết của các thế hệ y bác sỹ, huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia để tham mưu những giải pháp khắc phục những khó khăn hiện nay và phát triển lâu dài của ngành.”

“Nhận nhiệm vụ tôi cũng rất bất ngờ. Báo cáo Thủ tướng, tôi chỉ nhận thông báo trước 2 ngày khi nhận văn bản chính thức. Nhận nhiệm vụ với tâm thế và bộn bề suy nghĩ, không biết có đảm nhận được nhiệm vụ nặng nề này hay không, có đáp ứng được yêu cầu của ngành hay không? Nhưng tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo chung của Trung ương Đảng, của Chính phủ và phát huy trí tuệ tập thể của Bộ Y tế và đội ngũ cán bộ ngành y tế trong cả nước thì chúng ta cố gắng vươn lên”, quyền Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Với những ai nghiên cứu chính trị Việt Nam, tâm sự của bà Đào Hồng Lan có thể gợi nhắc trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 14/11/2012:

“Gần suốt cuộc đời theo Đảng, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng, tôi không chạy, tôi cũng không xin, và không thoái thác từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, nhà nước quyết định phân công giao phó cho tôi.”

Hai phát biểu, ở hai thời điểm khác nhau, chỉ ra điểm mấu chốt ở Việt Nam, đó là Đảng Cộng sản quản lý cán bộ, trong đó có việc tuyển chọn, bố trí, phân công công tác.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh bị bắt ngày 7/6 do liên quan ‘đại án’ Việt Á

Quy định 105

Hiện nay tại Việt Nam, việc quản lý cán bộ cấp cao dựa vào Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.

Theo Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ, ban hành năm 2017, Bộ Chính trị có những quyền hạn như:

Quyết định phân công công tác đối với các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Chỉ định Bí thư, Phó Bí thư và các ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; khi cần thiết chỉ định bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Quyết định phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương…

Bộ Chính trị hiện nay gồm 18 người, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Vì thế, trong các tường thuật báo chí tại Việt Nam, Đảng đã nêu rõ Bộ Chính trị “phân công đồng chí Trần Sỹ Thanh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội”, và “chỉ định” bà Đào Hồng Lan giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.

Ông Trần Sỹ Thanh

Kiểm toán nhà nước

Việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại Việt Nam thể hiện kỳ vọng, đánh giá của Đảng Cộng sản đối với cán bộ, và rằng Bộ Chính trị là cơ quan cao nhất quyết định các chủ trương, chính sách về cán bộ và công tác cán bộ.

Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương, do Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai đứng đầu, đang lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định số 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Chỉ định, rồi Quốc hội bầu

Trước đây, ngày 7/7/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định chỉ định ông Nguyễn Thanh Long, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đến ngày 12/11, tại phiên họp Quốc hội, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ông Nguyễn Thanh Long làm Bộ trưởng Y tế với tỷ lệ phiếu đồng ý 95,42%.

Vào hôm 6/6/2022, tại kỳ họp bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng với ông Long.

Ngày 7/6/2022, Quốc hội phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Long.

Cùng ngày, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với ông Nguyễn Thanh Long.

Tiểu sử bà Đào Hồng Lan

Sinh năm 1971, tại xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, bà Đào Hồng Lan gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 2001.

Bà là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII (dự khuyết) và trở thành Ủy viên chính thức của Khóa XIII năm 2021.

Bà có nhiều năm công tác ở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lên đến Thứ trưởng từ 2014 tới 2018.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bà được bầu làm Ủy viên dự khuyết.

Trong hai năm 2018 tới 2019, bà là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Tháng 12/2019, bà trở thành Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Bà được thăng lên vị trí Bí thư tỉnh này từ tháng 9/2020 tới nay, trước khi được Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế ngày 15/7/2022. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan.

614520cookie-checkViệt Nam: Quy định của Đảng và việc ‘chỉ định’ bà Đào Hồng Lan dẫn dắt Bộ Y tế