Phân tích: Liệu Nga có thể thắng cuộc chiến?

0
1364
Ảnh : Financial Times

– Cù Tuấn dịch từ Financial Times.

Tóm tắt: Các nhà phân tích nói rằng Kyiv có sáu tháng để đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi Ukraine trước khi quân đội nước này trở nên mệt mỏi và Ukraine phải đối mặt với tình trạng bế tắc về mặt quân sự kéo dài.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết tuần trước chỉ vài ngày sau khi quân đội của ông chiếm giữ Lysychansk, thành phố cuối cùng ở tỉnh Luhansk phía đông vẫn thuộc quyền kiểm soát của Kyiv.

Việc chiếm được thị trấn này là một cột mốc quan trọng trong chiến dịch của Putin nhằm chiếm toàn bộ vùng Donbas của Ukraine. Đó cũng là một chiến thắng rất cần thiết để thúc đẩy tinh thần. Trong khi một số quân của Mátxcơva được nghỉ ngơi, những lực lượng khác được lệnh tham gia cuộc tấn công tiếp theo – một cuộc tấn công ba hướng từ phía bắc, đông và đông nam nhằm vào các thành phố quan trọng vùng Donbas – Slovyansk, Kramatorsk và Bakhmut.

Nga đã mất gần 3 tháng để giành lấy 1/5 lãnh thổ cuối cùng ở tỉnh Luhansk sau khi tái tập trung cuộc chiến vào miền đông Ukraine vào giữa tháng 4. Thất bại trong việc bao vây và bắt giữ các lực lượng Ukraine – một phần trong kế hoạch ban đầu nhằm áp đảo Donbas – đã gây ra sự chậm trễ và dẫn đến sự thay đổi trong chiến thuật của Nga.

Nga đã triển khai một cuộc bắn phá không ngừng, sử dụng tới 50.000 quả đạn pháo mỗi ngày, nghiền nát các vị trí quân sự của Ukraine và buộc quân Ukraine phải rút lui. Kyiv mất từ ​​100 đến 200 quân mỗi ngày, bao gồm cả một số binh lính thiện chiến nhất, và tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine đã giảm sút dần.

Sau cuộc tấn công thất bại của Nga vào Kyiv và cuộc tiến công của Nga vào Luhansk, cuộc chiến ở Ukraine đang bước vào giai đoạn thứ ba, trong đó sự suy kiệt lực lượng của mỗi bên là một yếu tố quan trọng. Cỗ máy pháo binh không thể ngăn cản của Nga có thể tiếp tục tiến về phía trước và cuối cùng sẽ chiếm toàn quyền kiểm soát Donbas – nó kiểm soát khoảng 3/4 Donbas vào lúc này. Tại thời điểm đó, Putin có thể tuyên bố chiến thắng và đòi một thỏa thuận hòa bình theo các điều kiện có lợi cho Matxcơva, trong khi các thủ đô phương Tây đang chịu áp lực từ việc siết chặt năng lượng của Nga, khiến Kyiv phải chấp nhận thỏa thuận.

“Câu hỏi thú vị nhất không phải là ai đang chiếm được 5km [đất liền], [hoặc thậm chí] ở đâu mà là triển vọng dài hạn cho hai bên,” Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại tổ chức tư vấn quân sự CNA, nói trong podcast War on the Rocks. Ông cho rằng việc tập trung vào việc giành được lãnh thổ ở miền đông Ukraine đã che khuất đi bức tranh toàn cảnh lớn hơn. Và quy mô tổn thất và khả năng bổ sung lực lượng của cả hai bên hiện là rất quan trọng.

Trong vài tuần qua, Ukraine đã có được được các tên lửa tầm xa từ Mỹ, mà cho phép Ukraine cắt đứt các đường tiếp tế của Nga và ngăn cản lực lượng pháo binh của Nga. Cách Kyiv sử dụng khả năng tấn công mới này trong vài tuần tới có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định kết quả của cuộc xung đột.

Bất chấp những thiếu sót trong hoạt động bộ binh, thể hiện trong cuộc tấn công bất thành vào Kyiv trước đó trong chiến tranh, cỗ máy chiến tranh của Nga vẫn tiến lên không ngừng. Nếu Slovyansk, Kramatorsk và Bakhmut nằm trong tầm bắn của pháo binh Nga, các thành phố này sẽ không thể phòng thủ được mặc dù đã được củng cố rất chắc chắn.

Mặc dù có bước tiến vừa phải và phải chịu tổn thất nặng nề, Nga vẫn có thể sử dụng ưu thế pháo binh khổng lồ của mình – các quan chức Ukraine cho biết cứ mỗi khẩu pháo Ukraine thì có 10 khẩu pháo Nga – để hạ gục Kyiv trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.

Hai nhà nghiên cứu Jack Watling và Nick Reynolds viết trong một báo cáo cho London: “Nga vẫn có thể làm hao mòn kho dự trữ đạn dược của Ukraine, lực lượng dự bị của quân đội Ukraine và sự kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế.”, theo báo cáo của Royal United Services Institute tuần trước.

Cùng với tình trạng thiếu đạn pháo thường xuyên, Ukraine cho thấy nhiều điểm yếu, bao gồm việc thiếu bộ binh và xe bọc thép có kỹ năng để tiến hành các chiến dịch tấn công, thiếu thiết bị vô tuyến an toàn và không có khả năng phát hiện và sử dụng các khả năng tác chiến điện tử của Nga.

Cảm thấy tự tin vì các chiến thắng trên chiến trường, Nikolai Patrushev, Giám đốc an ninh quốc gia của Putin, kêu gọi phục hồi mục tiêu cuộc chiến ban đầu của Điện Kremlin: loại bỏ Ban lãnh đạo của Ukraine và “phi phát xít hóa nhà nước này”.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và các nhà phân tích phương Tây cho biết, sự can đảm này bộc lộ những lỗ hổng quân sự của chính Nga khi nước này thiếu nhân lực và xe thiết giáp hiện đại.

Kori Schake, giám đốc chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho biết “những tính toán cơ bản” cho thấy Kyiv có lợi thế. Ông đề cập đến sự khó khăn của Matxcơva trong việc tuyển dụng đủ quân đội có kinh nghiệm để bổ sung lực lượng và thuận lợi của phía bên kia là dòng vũ khí tiên tiến từ phương Tây đang chảy đến Ukraine.

Mặc dù các nhà bình luận quân sự theo chủ nghĩa dân tộc ở Nga tỏ ra giận dữ, Putin cho đến nay đã từ chối tuyên bố một lệnh tổng động viên – việc gọi tất cả những người trong độ tuổi chiến đấu đã từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang tới Ukraine. Một động thái như vậy có lẽ sẽ không được ưa chuộng lắm và ngụ ý rằng “hoạt động quân sự” hạn chế của ông ở vùng Donbas đã thất bại.

Schake nói: “[Khoảng] 80% quân đội của Putin đang chiến đấu ở Ukraine, họ đang kiệt sức. “Trừ khi Vladimir Putin thực sự có ý định tổng động viên toàn quốc. . . những thành công mang tính biểu tượng này [ở Luhansk] không giúp Nga tăng cường vị trí chiến lược và ngay cả khi Nga thực hiện tổng động viên toàn quốc, sẽ mất hàng tháng để tập hợp tân binh và hàng tháng để đào tạo họ. Ukraine có một cơ hội trong khoảng sáu tháng tới để giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.

1. Bắt đầu mệt mỏi

Theo Ukraine cho đến nay, Matxcơva đã mất 37.400 quân trong cuộc chiến. Chính phủ Anh thì đưa ra con số là 25.000. Dù con số thực sự là bao nhiêu, Nga đã phải vật lộn để tập hợp lại các đơn vị quân thiếu người và đang phải đưa ra những khoản tiền mặt lớn để thuyết phục những người lính cũ ký hợp đồng mới. Phần lớn các cuộc giao tranh ở Luhansk gồm những người lính nghĩa vụ Nga hoặc bị cưỡng bức nhập ngũ trong các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở Ukraine.

Thiết giáp của Nga – xe tăng và xe bọc thép – đã xuống cấp đến mức lực lượng của họ đang sử dụng xe tăng T-62, xe tăng có từ những năm 1960 và các tàu sân bay bọc thép từ những năm 1950. Một quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga ở miền nam nước này đang sử dụng hệ thống phòng không S-300, vốn thường được sử dụng để bắn hạ máy bay và tên lửa, nhằm vào các mục tiêu mặt đất, cho thấy Nga thiếu hụt các loại tên lửa phù hợp .

“Nga vẫn còn rất nguy hiểm. Khi bạn nghĩ đến 25.000 người chết, bất kỳ quốc gia nào khác sẽ từ bỏ chiến tranh”, Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết. “Nhưng họ chỉ đang mài mòn đối thủ. Bạn biết đấy, họ đang lấn đất với tốc độ của Chiến tranh thế giới thứ nhất: lấn từng mét một mỗi ngày, chứ không phải kilomet. Có thể họ đang chiếm một vài ngôi làng trống không. Và rồi đôi khi họ bị đẩy lùi. Họ đang mất rất nhiều thiết bị quân sự và con người để làm như vậy.”

Theo tính toán của FT về dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, tính đến ngày 12/7, Nga chỉ chiếm thêm khoảng 5% diện tích đất thuộc quyền kiểm soát của mình so với ngày 1/5.

Kofman nói: “Nhìn chung, có vẻ như các lực lượng Nga đang tiến bộ từng bước. Nhưng tôi rất nghi ngờ khả năng hạ được Slovyansk và Kramatorsk của họ. Đó là những khu vực được phòng thủ nghiêm ngặt và với tốc độ này, quân Nga có thể trở nên kiệt sức trước khi họ có thể thành công chiếm giữ các thành phố này”.

Một quan chức cấp cao của Anh ước tính rằng vào cuối tháng 6, cả hai bên đều sẽ “gần như kiệt sức”. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, sự xuất hiện của vũ khí tầm xa hơn do phương Tây cung cấp đã bắt đầu tạo ra sự khác biệt lớn cho các hoạt động của Ukraine, lần đầu tiên giúp Kyiv chiếm lại Đảo Rắn, một đảo đá quan trọng chiến lược ở Tây Bắc Biển Đen, và hiện đang tấn công các kho đạn nằm sâu sau tiền tuyến của Nga.

Lawrence Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại King’s College London, cho biết cuộc chiến đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp mà người Nga đang tìm cách tiến lên nhưng cũng có thể phải bảo vệ các vị trí đã chiếm được, trong khi Ukraine đang chuẩn bị khởi động các chiến dịch phản công.

Sự khác biệt chính là sự xuất hiện vào cuối tháng 6 của nhiều hệ thống tên lửa phóng do Mỹ cung cấp, được gọi là Himars, có tầm bắn từ 70km đến 80km và các loại đạn được dẫn đường bằng GPS cho độ chính xác cao. Freedman nói: “Trước đó quân Ukraine không có cách nào để phản công nghiêm túc. Bây giờ thì họ có thể rồi.”

Tác động là ngay lập tức. Trong hai tuần qua, quân đội Ukraine đã sử dụng Himars để tấn công nhiều kho đạn, kho chứa nhiên liệu, trung tâm chỉ huy và thậm chí cả doanh trại của binh lính Nga, Petro Pyatakov, cựu phó chỉ huy lực lượng tên lửa và pháo binh Ukraine, cho biết.

Pyatakov nói: “Hệ thống cung cấp bị gián đoạn làm giảm đáng kể hỏa lực của [Nga]. “[Nó đã] biến pháo binh hiện có của kẻ thù thành đống sắt vụn vì không có đạn dược.”

“[Điều này] đã dẫn đến việc giảm đáng kể tiềm năng chiến đấu của quân đội Nga và tạo cơ hội cho các lực lượng vũ trang [Ukraine] đẩy lùi cuộc tấn công của kẻ thù một cách hiệu quả hơn,” ông nói thêm.

Trong một trong những bài phát biểu thường kỳ trước quốc dân vào tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã ca ngợi việc triển khai Himars, nói rằng nó “làm giảm đáng kể tiềm năng tấn công của quân đội Nga. Tổn thất của những kẻ chiếm đóng sẽ chỉ tăng lên hàng tuần, và việc cung cấp súng đạn cho chúng sẽ càng ngày càng khó khăn”.

2. Sự xuất hiện của Himars

Cho đến nay, Ukraine đã nhận 8 dàn Himars từ Mỹ và đã được Washington hứa hẹn thêm 4 Himars nữa và Anh thêm 4 Himars nữa. Nhưng Ukraina sẽ cần vài chục Himars để tạo ra sự khác biệt quyết định trong cuộc chiến. Và các lực lượng Nga có thể sẽ điều chỉnh chiến thuật và hậu cần của họ trước mối đe dọa mới này từ Ukraine.

Việc triển khai Himars diễn ra khi Kyiv cố gắng gia tăng sức ép lên các lực lượng Nga ở miền nam đất nước này, và họ đang cố chiếm lại lãnh thổ do Nga nắm giữ xung quanh thành phố Kherson, thành phố lớn nhất rơi vào tay Matxcơva kể từ khi cuộc xâm lược hồi tháng Hai bắt đầu.

Nằm ở cửa sông Dnipro, một huyết mạch kinh tế quan trọng, Kherson được cho là quan trọng hơn về mặt chiến lược so với các thành phố của vùng Donbas, phần lớn đã bị biến thành một đống đổ nát do chiến thuật tiêu thổ của Nga. Vùng Kherson cũng kiểm soát việc cung cấp nước cho bán đảo Crimea bị chiếm đóng.

Kherson là một bài kiểm tra quan trọng về khả năng của Ukraine trong việc chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng trong một cuộc chiến kéo dài, Kofman nói. Nếu Ukraine thất bại, “điều đó có lẽ sẽ khiến nhiều người xem xét lại triển vọng trong cuộc chiến này, ngay cả với viện trợ quân sự đáng kể của phương Tây, để Ukraine đạt được mục tiêu tối thiểu là trở lại tình trạng trước khi Nga tấn công ngày 24 tháng 2.”

Freedman cho biết năng lực chưa được chứng minh của Ukraine trong việc triển khai các hoạt động phản công quy mô lớn là thách thức lớn nhất của Ukraine. Nước này đã mất một số binh sĩ được đào tạo tốt nhất của mình trong trận chiến Donbas và ngày càng phụ thuộc vào lực lượng bảo vệ lãnh thổ tình nguyện.

Việc huấn luyện bộ binh Ukraine của phương Tây có lẽ cũng quan trọng như việc cung cấp vũ khí. Một chương trình của Anh nhằm cung cấp huấn luyện cơ bản dạng nén cho 10.000 quân Ukraine, cứ ba tháng một lần đã bắt đầu vào tuần trước. Chương trình này được thiết kế để giúp Kyiv xây dựng quân đoàn thứ hai hoặc hỗ trợ lực lượng cho một cuộc phản công vào cuối năm hoặc vào năm 2023, quan chức Anh cho biết.

Ngay cả khi không có một cuộc phản công thành công, Ukraine vẫn có thể làm suy yếu dần quân đội Nga. Freedman nói: “Vấn đề lớn nhất của Putin là duy trì tính toàn vẹn của các lực lượng vũ trang của ông ta. Ukraine chỉ có một công việc phải làm là bảo vệ lãnh thổ của mình.”

3. Khí đốt và cuộc chiến hỗn hợp của Nga

Vị thế mạnh nhất của Nga đang nằm ngoài chiến trường. Với việc phong tỏa Biển Đen, Nga đã kìm hãm nền kinh tế Ukraine với hậu quả trên toàn cầu về giá lương thực tăng cao. Việc Nga bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine – trong vài tuần qua, nó đã tấn công một trung tâm mua sắm, một khu phức hợp nghỉ dưỡng và một số khu chung cư – cũng được thiết kế để làm suy yếu tinh thần người Ukraine.

Cuộc khủng hoảng tài chính của Ukraine đang trở nên tồi tệ hơn vì sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế, nguồn thu từ thuế sụt giảm nghiêm trọng và sự mất mát của dòng tiền ngoại tệ cứng từ xuất khẩu thép và ngũ cốc. Ngân hàng trung ương Ukraine đã mất 9,3% dự trữ ngoại hối chỉ trong tháng Sáu.

Oleg Ustenko, một cố vấn kinh tế của Zelenskyy, nói rằng đất nước hiện cần 9 tỷ đô la mỗi tháng từ phương Tây để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách của mình. Trước đó Ukraine đã xin từ 5 tỷ đô la đến 6 tỷ đô la. “Nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các đồng minh của chúng tôi,” Ustenko nói thêm, “sẽ không [chỉ] khó khăn không thôi, mà sẽ là không thể duy trì nổi”.

Mỹ đã giải ngân 4 tỷ đô la viện trợ kinh tế cho Kyiv và dự kiến ​​sẽ phân phối thêm 6,2 tỷ đô la vào tháng 9. EU chỉ tài trợ được 1 tỷ euro trong số 9 tỷ euro mà EU đã cam kết vào tháng 4 trong bối cảnh tranh cãi về việc liệu họ có nên cho luôn Ukraine hay là cho vay.

Trong khi đó, Nga khiến châu Âu gặp bế tắc khi giảm cung cấp khí đốt vào mùa hè này và đe dọa ngừng cung cấp hoàn toàn, đẩy hóa đơn khí đốt hộ gia đình lên cao và có khả năng đóng cửa các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trên khắp lục địa này nếu mất nguồn cung khí đốt vào mùa đông năm nay.

Một cố vấn quốc phòng phương Tây cho biết: “Chiến tranh hỗn hợp của Nga đã gia tăng trong thời kỳ chiến tranh động, và chúng tôi đã không để ý đến điều đó”. “Nếu cuộc tấn công trên bộ của Nga tạm dừng vào mùa hè này, hoặc thậm chí chuyển sang thế phòng thủ, điều đó là không sao cả theo quan điểm của Matxcơva. Trong khi đó, cuộc chiến kinh tế và hỗn hợp của Nga có thể gia tăng cường độ.”

Các quan chức Ukraine nói rằng ông Putin đang dựa vào sự khủng hoảng kinh tế do lạm phát và tình trạng thiếu khí đốt để buộc các nước châu Âu phải ép buộc Kyiv phải chấm dứt chiến tranh với những điều kiện có lợi cho Matxcơva.

Nhà lãnh đạo Nga có thể đánh giá thấp quyết tâm của phương Tây vì ông cũng cho rằng các nước phương Tây sẽ không đồng lòng ủng hộ Ukraine sau cuộc xâm lược hồi tháng Hai, ông Schake nói.

“Người dân của tất cả các quốc gia đứng về phe Ukraine thực sự đã sẵn sàng chịu khó khăn vất vả vì chủ quyền của Ukraine,” cô nói thêm, “và đó là một điều tuyệt vời. Nhưng sẽ rất khó để duy trì được nó.”

614570cookie-checkPhân tích: Liệu Nga có thể thắng cuộc chiến?