Ngô Ngọc Trai Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Ven đường Quốc lộ 21B đoạn đi qua huyện Thanh Oai, gần với huyện Mỹ Đức nơi có xã Đồng Tâm, có một thửa ao chuôm nơi mà ngày xưa những con trâu sau buổi đi cày có thể chúi đầu xuống uống nước, những người đi làm đồng về có thể lội xuống để rửa tay chân.
Năm 1985 gia đình ông Nguyễn Văn Khương có dựng lều tạm để sửa chữa xe đạp bên bờ ao chuôm. Năm 1992 gia đình bà Nguyễn Thị Quý có nhu cầu mở ngõ đi nên đã san lấp cải tạo một phần đất ao.
Giữa hai gia đình đã xảy ra tranh chấp.
Hai bên đều cho rằng thửa ao chuôm thuộc quyền sử dụng của gia đình mình do ông cha để lại.
Bàn Tròn BBC: Khủng hoảng Đồng Tâm và mô hình, hướng giải quyết
Vấn đề trở lên phức tạp khi giấy tờ địa chính của hai bên đều thiếu và yếu, bản đồ địa chính đo vẽ qua các thời kỳ lại thể hiện không rõ ràng về chủ quyền sử dụng.
Mặc dầu vậy, năm 2005, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai khi đó vẫn ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, công nhận quyền sử dụng đất cho một bên.
Bên còn lại cho rằng quyết định phán xử bất công nên đã theo đuổi khiếu kiện kéo dài.
Đến năm 2014 Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai lúc này lại ra quyết định thu hồi lại quyết định giải quyết khiếu nại gần mười năm trước đó, vụ việc dằng dai kéo dài thêm nhiều năm chưa ngã ngũ.
Quá trình khiếu nại hàng chục năm đã biến một phụ nữ nông thôn quanh năm với ruộng đồng trở thành một người đàn bà sắc sảo trong lời ăn tiếng nói, hiểu biết pháp luật khiếu nại như luật sư, và nắm bắt cặn kẽ đường đi nước bước của việc gửi đơn cũng như địa chỉ từng nhà quan chức lãnh đạo.
Người khiếu nại kéo dài đã gia nhập vào đoàn ngũ của những người dân oan, lực lượng đã trở thành mối âu lo cho nhiều cấp chính quyền. Những người dân oan thực sự đã trở thành một thế lực gây e ngại cho cán bộ cấp địa phương.
Nhiều người khiếu kiện lâu năm đã trở lên kinh nghiệm, thành người đấu tranh cho quyền lợi công bằng và công lý xã hội.
Họ đã trau dồi rèn rũa và trang bị cho mình cả kiến thức trong đầu, thiết bị trong nhà và các mối quan hệ.
Có người sau khi đã làm nhiều đơn cho mình, họ đã biết làm cả đơn cho người khác.
Ban đầu họ nhờ đánh máy in ấn ở ngoài, về sau họ đã tự trang bị mua sắm thiết bị ở nhà.
Họ cũng kết nối với luật sư và báo chí để mở rộng mạng lưới đồng hành cùng họ.
Cũng nên biết rằng, những người khiếu kiện lâu năm thường đã trở thành người nghèo khó trong xã hội, bị khánh kiệt cả về sức khỏe lẫn tiền bạc.
Cho nên những gì mà cộng đồng những người dân oan vun vén được để duy trì công cuộc khiếu kiện, đó thực sự là những nỗ lực rất đáng nể.
VN: chính sách đất khiến dân phải sống nghèo?
Đồng Tâm: Dư luận đặt câu hỏi về thông tin của Bộ Công an
Đồng Tâm: Quốc hội và các ĐBQH ‘chưa làm tròn vai trò’
Chứng kiến mỗi ngày
Văn phòng luật sư nơi tôi làm việc đặt trụ sở ở một tòa nhà cao tầng nơi phố Quang Trung, vị trí gần ngã tư giao cắt với con phố Ngô Thì Nhậm, một địa chỉ thân quen với dân khiếu kiện cả nước.
Từ trên tầng cao, phóng tầm mắt nhìn xuống tôi có thể thấy rõ mặt tiền và không gian vỉa hè Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, số 1 Ngô Thì Nhậm, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Đây là nơi tiếp dân và tiếp nhận đơn thư của người dân khắp cả nước.
Những lúc ngừng việc đứng bên cửa sổ nhìn xuống, lọt vào tầm mắt là màu xanh của những tấm bạt mái che của những túp lều, xen thêm màu đỏ trắng của băng rôn khẩu hiệu của dân kêu oan.
Do không có nơi lưu trú nên họ đã tận dụng ngay không gian vỉa hè của trụ sở tiếp dân làm nơi tá túc sống qua ngày. Họ chăng bạt che chắn, kê gỗ làm giường.
Nhiều lần đi qua đó tôi thấy có những người đã lớn tuổi bám trụ sống lê la và những cháu nhỏ theo cha mẹ ông bà đi khiếu kiện trong những khoanh lều tạm bợ.
Những chiếc ca nhựa được xếp đặt theo hàng dài đựng những đồng tiền lẻ của người dân qua đường dừng cho biếu tặng.
Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước bấy lâu nay là một điểm nóng.
Tháng 7 năm 2018 một người đàn ông ở xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã đổ xăng tự thiêu ngay trước cổng số 1 Ngô Thì Nhậm để phản đối việc bị kết án hình sự bất công, sau đó mặc dù được cứu chữa nhưng đã tử vong.
Năm 2016 xảy ra vụ việc một phụ nữ lớn tuổi đi gửi đơn khiếu kiện lâu năm, đã bức xúc dùng dao chém vào mặt một cán bộ tiếp dân khi người này đang giải thích về việc tiếp nhận đơn thư.
Trong tình trạng như vậy, tháng 10 năm 2018 tôi có một ngày tiếp công dân tại nơi này, chương trình được phối hợp thực hiện bởi Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Cơ quan tiếp công dân bố trí một phòng làm việc có bàn ghế ngồi cho một luật sư để tiếp nhận đơn thư và hướng dẫn giải thích cho người dân về vụ việc của họ.
Cả ngày hôm đó tôi đã đọc hồ sơ và làm việc với 4 công dân thuộc nhiều tỉnh thành khác nhau, đó đều là những vụ việc phức tạp đã kéo dài nhiều năm liên quan đến đất đai.
Chứng kiến những nhóm dân oan đi khiếu kiện như vậy mà có lúc tôi thấy họ đi từng đoàn dài ở ngay con phố Quang Trung đông đúc, bản thân tôi không khỏi suy nghĩ và cảm nhận vấn đề một cách sâu sắc.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, nhà nước đã thực hiện công việc như thế nào mà để người dân theo đòi công lý như vậy?
Bản thân tôi từ nhiều năm trước cũng từng soạn đơn thư khiếu nại cho người dân trong các vụ khiếu kiện đất đai thuộc tỉnh Hà Tây.
Một mẫu câu mà tôi thấy nhiều luật sư lúc đó hay sử dụng là tỉnh Hà Tây có phải là một quốc gia riêng hay không mà sao cán bộ không tuân thủ làm theo pháp luật của nhà nước.
Điều này có ý trách cứ đã có vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, và cũng tạo áp lực để trung ương xử lý cán bộ ở địa phương.
Đến năm 2009 tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, kết thúc một quá trình và mở ra một giai đoạn mới cho dân khiếu kiện nơi này.
Suốt nhiều năm qua, Thanh tra Chính phủ luôn đưa ra số liệu tổng kết hàng năm, xác định lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số đơn thư khiếu nại.
Trong một thời gian dài, tỷ lệ đơn khiếu nại về đất đai chiếm hơn 70% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo trong mọi mặt đời sống xã hội.
Sau nhiều cố gắng tình trạng có sụt giảm nhưng không đáng kể. Mới đây, theo báo cáo công tác của Thanh tra chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo hồi tháng 11 năm 2019, những khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 67,7%.
Còn theo một số liệu của Thanh tra chính phủ năm 2017, thì trong một năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 342.630 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo, với 219.355 vụ việc, có 4.763 đoàn đông người.
Những ví dụ
Để thấy được vì sao người dân khiếu kiện, tôi lấy ví dụ về việc thu hồi đất thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Một số cán bộ suy nghĩ thế nào đó, ngồi trong phòng lạnh và giở tấm bản đồ ven biển ra xem, họ vạch ra một số đường kẻ chỉ và cho rằng chỗ này chỗ kia nên xây dựng một khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, và thế là dự án được triển khai.
Hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, bị đẩy ra khỏi nơi cư trú đã lâu đời, cả nghìn năm.
Đó là ở thời điểm hiện nay, khi mà pháp luật về đất đai đã trải qua một thời gian dài vận dụng.
Khi mà tình hình khiếu kiện về đất đai đã trải qua một thời gian dài thực trạng.
Khi mà các ý thức về quyền tài sản, quyền công dân đã phần nào được ý thức nâng cao.
Vậy mà ở địa phương họ vẫn làm được một việc khó như vậy, đẩy dân ra khỏi chỗ ở để làm dự án.
Một việc sẽ cực kỳ khó khăn, không thể nào làm nổi, ở những xứ văn minh có hệ thống pháp luật bảo hộ vững chắc cho sở hữu.
Trong một cuộc họp có lãnh đạo thành phố tham dự, liên quan đến công tác phổ biến thực hiện dự án thu hồi đất, diễn ra ở Nhà văn hóa khu phố, một nơi sinh hoạt cộng đồng, có hai người đàn ông tham dự đứng lên phát biểu phản đối dự án, thế là bị quy cho chống đối, gây mất trật tự công cộng, bị khởi tố xử lý hình sự.
Những điều đó cho thấy sự chênh lệch rất lớn về quyền lợi và quyền hạn có liên quan đến dân.
Chênh lệch quyền hạn rất lớn giữa người dân và chính quyền.
Chênh lệch quyền lợi rất lớn giữa người dân và chủ đầu tư dự án.
Hay như ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện cũng đang triển khai thu hồi đất thực hiện dự án Cụm công nghiệp An Ngãi nằm ở huyện Long Điền.
Người dân thắc mắc hỏi, chúng tôi đang mở kho bãi nhà xưởng để phục vụ kinh doanh, tại sao chúng tôi đang có đất lại bị mất, để rồi muốn có mặt bằng sản suất lại phải đi thuê?
Người dân nói với luật sư rằng ông hãy nói giúp với Đảng và Nhà nước, đừng thu hồi đất của chúng tôi nữa, nếu không thì chúng tôi mất kế sinh nhai sẽ lại trở thành dân oan và kéo ra Trung ương đấy.
Giải pháp nào?
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để khắc phục tình trạng khiếu nại đất đai, như tăng mức bồi thường hỗ trợ của nhà nước khi thu hồi đất, tăng thêm các khoản mục mà người dân được hưởng khi đất bị thu hồi.
Hoặc như đưa ra thêm những tiêu chuẩn đòi hỏi để đảm bảo tính hợp lý xác đáng của dự án thu hồi đất, nhiều dự án sẽ phải thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc thu hồi.
Nhưng xem ra không có cách làm đúng cho một việc làm sai, khi việc thu hồi đất vốn dĩ đã sai về mặt bản chất, xâm phạm vào sở hữu, thì không có cách xử lý nào thỏa đáng cho việc đó.
Hiện nay, mỗi địa phương hàng năm đều có hàng chục dự án được đặt ra triển khai cần đến đất, mục đích để xây dựng trụ sở các ban ngành hay thực hiện các dự án phát triển kinh tế.
Trong khi cả nước có tới 63 tỉnh thành, thì tính ra sơ sơ áng chừng cả nước mỗi năm có tới 630 dự án thu hồi đất.
Mỗi dự án ảnh hưởng đến hàng chục hoặc hàng trăm hộ dân. Nhân lên sẽ có hàng nghìn, hàng chục nghìn hộ dân bị thu hồi đất mỗi năm.
Nhiều dự án người dân khiếu nại, tích tụ số vụ qua nhiều năm sẽ tạo ra một số lượng đông đảo người dân khiếu kiện.
Điều này ảnh hưởng rất lớn tới đạo lý nhân tâm và trật tự công bằng xã hội.
Trong bối cảnh như thế, vụ Đồng Tâm hiện nay cần được nhìn nhận như là một đỉnh điểm của một cuộc xung đột pháp lý căng thẳng kéo dài trong lĩnh vực khiếu kiện đất đai.
Chính quyền các cấp đã không có giải pháp tháo gỡ cho khiếu kiện đất đai ở Đồng Tâm, cũng như không có giải pháp tháo gỡ cho vấn đề khiếu kiện đất đai nói chung.
Một khi bất công đã ở tầm chính sách thì mức độ phản kháng cũng rộng lớn.
Liên quan đến nông dân, những người mà khả năng phản kháng không có gì ngoài sức người và vật dụng họ có trong tay, thì không sớm thì muộn cũng nổ ra bạo động, tương ứng với tầm mức nghiêm trọng của nó.
Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.