VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI “VƯỜN RAU LỘC HƯNG NGẬM NGÙI THÁNG CHẠP” CỦA NHÀ BÁO CÙ MAI CÔNG

0
914
Vườn rau Lộc Hưng
Tin Mừng Cho Người Nghèo

Những dòng chữ của nhà báo Cù Mai Công (từng làm báo tại Khăn quàng đỏ, Mực tím, Tuổi trẻ – có thể ở những báo khác nữa mà tôi không biết) vừa đánh thức tôi về ký ức trẻ thơ vừa dẫn tôi đến nhận định pháp lý chắc chắn.

1. Đoạn đầu khá dài của bài viết, tác giả cho biết mình là người sống khu Ông Tạ, gần vườn rau Lộc Hưng (VRLH), rồi ông mô tả những hình ảnh tuổi thơ ghi nhận được hoặc nghe loáng thoáng các câu chuyện “tám” của ngươi lớn. Thú vị khi ông mô tả về khu vực VRLH là

“Khu này nghèo rớt, nghèo từ hồi những cư dân Bắc di cư 1954 tới ở gần đó, quanh con hẻm mà giờ mang tên Chấn Hưng. Đám con nít Ông Tạ, trong đó có nhà thơ Đỗ Trung Quân và… tôi cũng ít tới đây vì lầy lội và mùi phân hôi thối suốt ngày đêm từ cái ao ủ phân tưới trong khu vực gần 5ha này. Ngựa xe qua lại khu này có khi phải bịt mũi…”

Trái với tác giả, thơ ấu của tôi khi đến khu VRLH này như là cơ hội được đi dã ngoại. Nhà tôi theo số nhà cũ là 88/79/35A Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, ngay xóm 6 giáo xứ thuộc DCCT SG nơi tôi đang ở và làm việc. Tôi có bà dì Bảy (bà ngoại tôi là chị cả, còn bà dì áp út trong gia đình ông cố ngoại tôi) nhà ngay đầu đường/hẻm Chấn Hưng, và bà cố Ri (thân mẫu 2 cha Thắng và Khương, nhà đối diện xéo đền thánh Phêrô Thi) là dì tôi.

Từ năm 1974 (5 tuổi) đến mãi năm 1983 (14 tuổi), tháng nào tôi cũng được mẹ dẫn ra đường Lê Văn Duyệt đón xe buýt đi qua trạm nghĩa trang Đô Thành là xuống. Cũng có khi đi bằng Lambro, thỉnh thoảng đi xe ngựa. Chúng tôi vào xứ An Lạc chơi với bà ngoại và các con của cậu Bình (em kế của mẹ tôi). Khi về thay vì đứng đợi xe buýt ở trạm, mẹ dẫn tôi vào nhà bà Bảy chơi, xe đến dừng ngay trước hẻm, bước ra 10 thước là lên xe. Hôm nào mẹ tôi không gấp việc nhà sẽ dẫn vào trong sâu thăm chú dì Ri. Đến đó, tôi nhìn VRLH mà miên man pha trộn những hình ảnh trong các câu chuyện đồng quê đã được đọc trong tủ sách Tuổi Hoa (do cha Chân Tín DCCT lập), thỉnh thoảng cũng chạy ào qua phía VRLH đó (đối diện nhà dì) cho thỏa chí tưởng tượng.

Ký ức tuổi thơ đẹp và thú vị thế đó, nhưng không phải là tư liệu lịch sử, càng không phải là bằng chứng pháp lý.

2. Nhà báo Cù Mai Công cũng cho biết: “Trước 1975, có lúc, thương phế binh VNCH sau khi cắm dùi chiếm đất khu đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến Lăng Cha Cả đã nhào vô khu Lộc Hưng cắm dùi nhưng bất thành vì chính quyền lúc đó ngăn chặn quyết liệt. Xéo xéo gần đó là một trại lính nhảy dù đa số gốc Bắc di cư 54 cũng khá dữ dằn”, khơi lên cho tôi câu hỏi:

Tại sao chính quyền lúc đó ngăn chặn thương phế binh VNCH vào VRLH?

Phải chăng vì đất VRLH không phải là đất hoang, mà là đất có chủ, nên chính quyền có bổn phận bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân cư nghèo từ Bắc di cư vào VRLH. Chắc chắn là như vậy rồi chứ không vì liên quan đến an ninh quân sự như cách nói ám chỉ “xéo xéo gần đó là một trại lính nhảy dù đa số gốc Bắc di cư 54 cũng khá dữ dằn”.

3. Nhà báo Cù Mai Công thật sự có lòng với cư dân VRLH, nên đã chỉ ra thực tế hiện nay cho thấy nhà nước cộng sản đương quyền đã đối xử bất công với các công dân VRLH. Đây là một bày tỏ đáng trân trọng của tác giả bài viết: “Đất công thì rõ ràng rồi. Thế nhưng cũng khu vườn rau, ở phía ngoài, mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám thì hàng chục năm nay đã thành dãy nhà 3, 4 tầng từ lúc nào – không rõ đơn vị nào phân, hợp thức hóa? Nghĩa là đất công khu vườn rau đã thành đất tư từ lâu – sổ hồng, sổ đỏ đàng hoàng”.

Tuy nhiên tôi không rõ “khu vườn rau, ở phía ngoài, mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám” (dài lắm, tôi cũng đã thấy như vậy thời bé) có phải đất công như tác giả nhận định hay không, còn đất VRLH thì không phải đất công, đó là đất có nguồn gốc rõ ràng, đất tư nhân.

Đất không biết có nguồn gốc hay không thì đã được nhà nước hợp thức hóa để xây nhà cao tầng 3,4 tấm, nhưng không biết tại sao đất có nguồn gốc rõ ràng lại không được cấp chứng nhận, để xây dựng hợp luật? Chỉ có thể là chính sách chung và nhất quán là cướp đất có nguồn gốc Công giáo (tập thể Giáo hội và cá nhân Tín hữu) bằng mọi giá, vì Công giáo cuối cùng cũng lấy tình bác ai ra mà chịu đựng, bỏ qua. Tuy nhiên cũng tùy thời mà Hội thánh biết mình cần phải diễn tả lòng bác ái thực sự như thế nào cho đúng, nhất là không bao giờ được bỏ người nghèo để hùa theo thế quyền hay phú quý lộng hành, kể cả nhân danh luật, mà lại làm sai.

Đất của VRLH là đất có thổ công, cư dân VRLH là người có bằng khoán. Toàn bộ giấy tờ nguồn gốc xa xưa đến giấy tờ ủy nhiệm và nhất là giấy xác nhận Giáo hội Công giáo tại Sài Gòn không tranh chấp với dân VRLH đều đã được Phòng công chứng ở thành phố này công chứng. Các cơ quan có chức năng, bổn phận giải quyết đất đai và khiếu kiện là UBND quận Tân Bình, UBND Tp.HCM, Thanh tra chính phủ,… đều đã có đủ bộ giấy tờ hoàn chỉnh, theo luật hiện hành là tương đương với bản gốc.

Không chỉ “ngậm ngùi tháng chạp” đâu, mà các công dân VRLH nói riêng, công dân Việt Nam nói chung sẽ ngậm ngùi dài lâu sang Giêng, qua Rằm rồi lại đến Chạp mới, nếu những người theo cộng sản xem ý chí cách mạng của mình quan trọng hơn quyền sống còn, quyền cư trú, quyền hưởng lợi chính đáng của các công dân.

Toàn văn bài viết của nhà báo Cù Mai Công:
VƯỜN RAU LỘC HƯNG NGẬM NGÙI THÁNG CHẠP
Nguồn: https://www.facebook.com/he.via.54/posts/613908859055171

Khu vực vườn rau Lộc Hưng (Tân Bình, TP.HCM) là đất công từ xưa thuộc tỉnh Gia Định nhưng nằm cách Sài Gòn vài chục mét; với tấm bảng cắm trước đường Bắc Hải, góc Nghĩa địa Đô Thành (nay là Công viên văn hóa Lê Thị Riêng): “Đô thành Sài Gòn kính chào các bạn”.

Cụ thể nó thuộc Tổng nha Bưu điện VNCH (khu Nhà dây thép gió Chí Hòa). Sau này, thuộc quyền quản lý của Bưu điện TP. HCM. Góc khu này, ngay sát con hẻm nay là đường Chấn Hưng có một nhà bưu điện nhỏ (hình như mang tên Chí Hòa – tôi không nhớ rõ) mà hồi thập niên 1980 tôi thường hay đạp xe đạp đến đó gửi thư.

Đó là khu vực ngoại ô Ông Tạ, điểm cuối cùng của khu Ông Tạ về hướng đông. Và cũng là điểm bắt đầu của một trong các cửa ô ra ngoại ô Sài Gòn trước 75. Nếu khu ngã ba Ông Tạ với những cư dân ban đầu người Hà Nội bỏ tiền mua đất (chứ không nhận nền chính quyền Sài Gòn cấp ở Xóm Mới – Gò Vấp, Bình An – Q.8…) toàn nhà 3, 4 tầng với các tiệm vàng san sát thì khu Lộc Hưng là dân miền núi Sơn Tây nghèo bị dạt ra ngoài.

Cũng thuộc khu Ông Tạ nhưng bà con khu này không dư giả tiền bạc để buôn bán như dân ngã ba Ông Tạ nên đã trồng rau kiểu tranh thủ đất trống trong Trạm phát tín của chính quyền Sài Gòn. Dân Ông Tạ gọi là Nhà Dây thép gió vì trong đó chằng chịt những dây cáp níu giữ các cột phát sóng cao nghễu nghện.

Việc tranh thủ này hình như được sự đồng ý hay thỏa thuận gì đó giữa những người quản lý khu này và bên nhà thờ trước 75. Sau 75 không có thỏa thuận nhưng bộ phận quản lý khu này thuộc Bưu điện TP.HCM cũng mặc nhiên thừa nhận. Tất cả đều không có văn bản cụ thể. Phức tạp ở chỗ đó vì nói sao cũng được.

Khu này nghèo rớt, nghèo từ hồi những cư dân Bắc di cư 1954 tới ở gần đó, quanh con hẻm mà giờ mang tên Chấn Hưng. Đám con nít Ông Tạ, trong đó có nhà thơ Đỗ Trung Quân và… tôi cũng ít tới đây vì lầy lội và mùi phân hôi thối suốt ngày đêm từ cái ao ủ phân tưới trong khu vực gần 5ha này. Ngựa xe qua lại khu này có khi phải bịt mũi…

Trước 1975, có lúc, thương phế binh VNCH sau khi cắm dùi chiếm đất khu đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến Lăng Cha Cả đã nhào vô khu Lộc Hưng cắm dùi nhưng bất thành vì chính quyền lúc đó ngăn chặn quyết liệt. Xéo xéo gần đó là một trại lính nhảy dù đa số gốc Bắc di cư 54 cũng khá dữ dằn.

Thế là bà con khu này lại tiếp tục trồng rau và đi lễ ở một vài nhà thờ, đền thánh nói cho ngay khá khiêm tốn so với các nhà thờ, đền thánh Công giáo quanh ngã ba Ông Tạ. Gần đây, một số gia đình dựng nhà trọ cho thuê với giá rẻ bèo so với các khu khác. Tại sao? Con đường Chấn Hưng vô khu này như hẻm cụt; giá đất khá rẻ, trong khi đường Bắc Hải chạy song song cách đó vài chục mét to rộng, thông thoáng sang quận 10 giá cao ngút trời.

Đất công thì rõ ràng rồi. Thế nhưng cũng khu vườn rau, ở phía ngoài, mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám thì hàng chục năm nay đã thành dãy nhà 3, 4 tầng từ lúc nào – không rõ đơn vị nào phân, hợp thức hóa? Nghĩa là đất công khu vườn rau đã thành đất tư từ lâu – sổ hồng, sổ đỏ đàng hoàng.

Còn phía trong khu vườn rau chưa ai có sổ gì, thế là 112 hộ nơi đây bỗng thành những người lấn chiếm đất công – dù họ đã ở, sinh sống nơi đây từ 1954, tức tới giờ người ở lâu nhất đã 65 năm – mấy thế hệ. Những người ở đầu tiên 1954 giờ chắc cũng về đất gần hết. Giờ toàn thế hệ sinh sau đẻ muộn, lớn lên với tiếng kinh cầu xứ nghèo và “vườn rau xanh ngắt một màu” thì họ cho rằng đây là nhà mình, đất cha mẹ, ông bà mình để lại cũng dễ hiểu.

Và càng dễ hiểu khi bà con ở đây tin chắc đây là đất của mình khi cho rằng mình “đã đóng thuế 20 – 30 năm có đầy đủ giấy tờ pháp lý…; đất vườn rau sử dụng đất 1954…”. Bà con nơi đây cũng cho rằng theo Luật Đất đai 1993, nếu người dân sử dụng đất ổn định từ trước 15-10-1993 – ngày luật Đất đai 1993 có hiệu lực pháp luật , Nhà nước có trách nhiệm phải công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Nếu nhà nước thu hồi xây trường công lập thì phải bồi thường, bất kể người dân có giấy hay không có giấy – tức sống thực tế 2/3 thế kỷ, gần một đời người.

Thế là họ không chịu rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún của mình. Thế là sáng 8-1-2019, lực lượng cưỡng chế ra tay. Ngày 9-1, lãnh đạo UBND Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết đã hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp xây dựng nhà trái phép tại khu vườn rau, phường 6, quận Tân Bình. Ngày 10-1, các lực lượng Công an, dân phòng… vẫn dày đặc khu vực ra vô vườn rau Lộc Hưng…

Giờ đã tháng Chạp. Chỉ hơn 3 tuần nữa tết rồi. Đi ngang khu vườn rau Lộc Hưng những ngày này lúc nào cũng kẹt cứng do xe cộ bị chặn lại ở đầu đường Chấn Hưng.

Cư dân Lộc Hưng lẫn chính quyền ai đúng ai sai thế nào có lẽ chưa hết tranh luận, thậm chí dai dẳng. Thế nhưng, cái rõ nhất mà một đồng nghiệp người Đà Nẵng của tôi bảo: Ở Hà Nội, Đà Nẵng…, như Đà Nẵng chẳng hạn, “năm nào cũng vậy, cứ cận tết là có thông báo không được giải tỏa cưỡng chế trong dịp giáp tết. Mọi việc đều ra tết mới giải quyết…”.

Nghe sao mà ngậm ngùi. Tháng Chạp ở vườn rau Lộc Hưng – ngoại ô, xóm nghèo vòng ngoài khu Ông Tạ của chúng tôi suốt một thời tuổi thơ len lỏi vườn rau bắt dế đêm hè…

… Rạng sáng 10-1-2019, tôi đi ngang vườn rau. Gió đông cuối năm nay chỉ man mát nhưng sao nghe lạnh quá. Tết tới nơi rồi mà buồn gì đâu! Lẽ nào vậy là hết những “vườn rau xanh ngắt một màu”…

FB Lê Ngọc Thanh

383750cookie-checkVÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI “VƯỜN RAU LỘC HƯNG NGẬM NGÙI THÁNG CHẠP” CỦA NHÀ BÁO CÙ MAI CÔNG