Thursday, December 26, 2024
HomeDÂN CHỦTù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức và cuộc tuyệt thực...

Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức và cuộc tuyệt thực có thể gần 40 ngày

RFA

Tính đến ngày cuối cùng của năm 2020, Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức có thể đã tuyệt thực đến ngày thứ 38 theo như thông tin mà gia đình có được hồi tháng 11 vừa qua.

Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, khi trao đổi với chúng tôi hôm 31/12/2020 từ Sài Gòn, cho biết thông tin mới nhất về em trai mình:

“Nếu tính từ ngày 24/11 đến hôm nay là 31/12 thì Thức đã tuyệt thực 38 ngày. Nhưng gia đình vẫn không nhận được tin tức hoặc là thông tin gì từ anh Thức từ ngày ảnh gọi về hôm 2/12, mặc dù gia đình đã liên tục gọi điện thoại đến trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, trại 6 đó… gọi rất nhiều số điện thoại, nhưng vẫn không liên lạc được với họ.”

Bà Liên cho biết, hiện Ban Quản lý trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An vẫn chưa có lệnh được cho thân nhân tù đi thăm trong dịch COVID-19. Tuy nhiên Bà nói sắp tới gia đình sẽ vẫn đi thăm ông Thức, để yêu cầu họ thông báo xem tình hình sức khỏe của ông Thức hiện như thế nào, và cuộc tuyệt thực đã dừng chưa? Bà giải thích thêm:

“Tại vì thật sự mình không có thông tin gì trong đó nên sắp tới gia đình phải đi thăm. Lần cuối cùng đi thăm là ngày 30/11 năm 2020, lúc đó thì sức khỏe của Thức rất suy yếu vì thời tiết lạnh. Lúc đó Thức nghĩ không vượt qua được mốc 5, 6 ngày do sức khỏe rất yếu. Nhưng đến giai đoạn ảnh gọi về tháng 12 thì ảnh nói là ảnh đã vượt qua được và có trạng thái cân bằng mới. Ảnh nói có thể tuyệt thực được hơn 33 ngày so với lần trước, ảnh nói không còn thấy nguy cơ nữa.”

Nếu tính từ ngày 24/11 đến hôm nay là 31/12 thì Thức đã tuyệt thực 38 ngày. Nhưng gia đình vẫn không nhận được tin tức hoặc là thông tin gì từ anh Thức từ ngày ảnh gọi về hôm 2/12, mặc dù gia đình đã liên tục gọi điện thoại đến trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, trại 6 đó… gọi rất nhiều số điện thoại, nhưng vẫn không liên lạc được với họ.
-Bà Trần Thị Diệu Liên

Nếu với 38 ngày tuyệt thực chưa dừng lại, người thân và những người quan tâm tiếp tục lo lắng cho sức khỏe của ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Bà Lê Đính Kim Thoa, vợ ông Thức vào ngày 23/12 khi trả lời RFA cho biết, gia đình mong muốn các cơ quan trả lời khẩn cấp lá đơn để cứu mạng ông Thức:

“Tôi cũng chỉ mong là nhà nước Việt Nam trả lời khẩn cấp để cứu ảnh, giờ ảnh đã quyết định như vậy. Tại vì anh cũng không có tội, mà nếu có tội đi nữa thì cũng đã quá thời gian thụ án rồi. Yêu cầu Nhà nước trả lời sớm và cũng mong mọi người hỗ trợ… Trên trang mạng có in sẵn đơn và mong mọi người viết cái đơn đó gửi đến các địa chỉ cũng ở trên trang Facebook để hỗ trợ giúp cho ảnh được tự do sớm.”

Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một nhân vật bất đồng chính kiến, một trí thức được đánh giá có tầm, toàn tâm- toàn ý đóng góp cho một đất nước Việt Nam phát triển. Ông sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966, tại Sài Gòn. Ông là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI. Ông bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam và Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010 và kết án 16 năm tù với tội danh bị cho là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Bà Trần Thị Diệu Liên cho biết thêm thông tin nhận được từ ông Trần Huỳnh Duy Thức:

“Anh Thức cũng có nhắn chỉ có một trong hai trường hợp mà ảnh dừng tuyệt thực. Một là Tòa án Tối cao thượng tôn pháp luật, giải quyết đơn theo đúng pháp luật và trả tự do cho ảnh. Còn trường hợp thứ hai là nếu ảnh cảm thấy bất trắc về sinh mạng, thì ảnh sẽ dừng tuyệt thực, đó là tình huống xấu nhất mà ảnh phải dự phòng. Ảnh nói rất quyết đoán là khả năng xấu nhất đó khó có thể xảy ra và yêu cầu mọi người gởi thật nhiều đơn đến tòa án, càng nhiều càng tốt. Đây là một hình thức áp lực trong nước, ảnh nói nước ngoài thì mình rất cần sự hỗ trợ, nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ từ người dân trong nước. Theo anh Thức, đó là sự khai phá, là nền tảng thay đổi cho Việt Nam sau này, để có tự do và dân chủ thật sự.”

Vào năm 2015, Việt Nam có sửa đổi điều 79 thành 109 trong Bộ luật hình sự 2015, có thêm khoảng 3 là người chuẩn bị phạm tội thì mức án từ 3 đến 5 năm tù. Theo phân tích của các luật sư thì Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức nằm trong trường hợp này. Ông Thức cùng gia đình vào năm 2018, đã làm đơn gởi lên Tòa án Nhân dân Tối cao để đề nghị miễn hình phạt còn lại cho mình. Nhưng tính đến nay thì rõ ràng chính quyền đã giam ông quá thời hạn 5 năm, mà ông vẫn không nhận được trả lời từ Tòa án Nhân dân Tối cao.

thduythuc1111_960.jpg
Hình minh hoạ: Phong trào tiếp sức cùng Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy FB Trần Huỳnh Duy Thức.

Hiện rất nhiều cá nhân, tổ chức, hội đoàn trong nước đã vận động đồng hành cùng Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức với nhiều hình thức khác nhau, trong số đó có Câu lạc bộ Lê Hiếu ĐằngTrả lời RFA hôm 31/12 từ Sài Gòn, Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói về công việc vận động này:

“Cái này thông thường họ rất ít khi trả lời, cái khác góp ý thì họ có trả lời, riêng cái này họ không có trả lời. Cái bản chúng tôi gởi thì chúng tôi căn cứ luật hình sự 2015, trong đó có điều khoảng là việc chuẩn bị thực hiện chỉ ở tù 5 năm. Xét lại trường hợp anh Trần Huỳnh Duy Thức, nếu căn cứ theo bản án của tòa, thì anh Thức chỉ ở mức độ chuẩn bị chứ chưa phạm tội, như vậy chỉ 5 năm tù thôi, mà ảnh đã ở tù trên 10 năm thì đương nhiên phải được ra mà không bị cưỡng chế.”

Tuy nhiên ông Thân bày tỏ lo lắng về phương thức đấu tranh bằng cách tuyệt thực mà ông Thức đã chọn:

“Tôi thấy là hình thức này khó thành công. Tất nhiên khi mình tuyệt thực thì đó là giai đoạn đấu tranh tận cùng rồi, không còn con đường nào khác thì mình mới tuyệt thực, nhưng nếu còn con đường khác thì cái đó cũng không nên. Bởi vì sứ mạng của anh Thức không phải là ở trong nhà tù, mà sứ mạng của ảnh là ở ngoài xã hội, ảnh còn sứ mạng là phải góp sứ xây dựng đất nước này, làm thay đổi đất nước này. Đó là sứ mạng của ảnh, nhưng bây giờ ảnh quay sang ảnh tuyệt thực, nhưng làm như vậy thì sức khỏe sẽ suy giảm, suy sụp. Mà sự suy giảm về vấn đề sức khỏe thì cũng dễ dẫn đến vấn đề suy sụp về tinh thần. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, nên chúng tôi cũng đã nhiều lần khuyên ảnh nên dừng.”

Bà Liên cho biết, cùng với Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng còn có rất nhiều cá nhân trên mạng đồng hành ủng hộ vận động cho ông Thức, họ cũng làm đơn yêu cầu tòa án phải trả lời đơn và thượng tôn pháp luật, yêu cầu trả tự do cho anh Thức. Bà cho biết, ban đầu ít có ý kiến không đồng thuận việc ông Thức tuyệt thực, nhưng gần đây mọi người yêu cầu Thức phải dừng tuyệt thực để bảo toàn tính mạng để lo cho Việt Nam sau này. Nhưng gia đình Bà cùng anh Thức vẫn giữ quan điểm, kêu gọi mọi người đừng lo lắng, hãy ủng hộ cuộc chiến pháp lý của ông Thức, và quan trọng là hướng đến việc khai sáng cho người dân.

Như chúng tôi đã thông báo, hiện nay việc vận động cho anh Trần Huỳnh Duy Thức rất mạnh mẽ, Quốc hội Âu Châu, cũng như Quốc hội của Đức, văn phòng của bà Thủ tướng Merkel, Bộ Tư pháp cũng như các chính trị gia ở Đức… các Hội đoàn, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Nhà thờ, các Hội N.G.O. ở Đức cũng đã vào cuộc lên tiếng can thiệp để thả anh Thức.
-Nhà hoạt động Ngô Hoàng Phong

Ông Ngô Hoàng Phong, một nhà hoạt động ở Đức, đại diện cho Tổ Chức Bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Âu Châu và cũng là người đã vận động để đại diện chính phủ Đức đến thăm ông Trần Huỳnh Duy Thức trong tù năm 2018. Gần đây ông cũng đã viết thư cho Bộ Ngoại Giao Âu Châu nêu lên trường hợp của ông Thức. Vào ngày 30/12, ông Phong cũng đã nói chuyện với Bộ Ngoại giao Đức về tình hình của ông Thức. Khi trả lời RFA hôm 31/12, ông Phong cho biết tuyệt thực là phương pháp duy nhất để các tù nhân phản kháng, dù phải đặt cược sức khỏe và mạng sống của mình:

“Theo tôi vấn đề tuyệt thực là truyền thống cả ngàn năm nay rồi. Theo tôi đó là phương pháp duy nhất để họ phản kháng, để có khả năng chống đối. Họ đã hy sinh sức khỏe của mình cũng như tính mạng, nhưng theo tôi đó là phương tiện độc nhất, duy nhất để người ta nói lên tiếng nói phản kháng những điều bất công và phi lý đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi thấy đó là một việc làm chính đáng, thông qua như vậy thế giới sẽ để tâm đến, do vậy tôi nghĩ với chính quyền Việt Nam đây cũng là một ván cờ hết sức khó khăn.”

Nhà hoạt động Ngô Hoàng Phong cho biết thêm về việc vận động từ bên ngoài, đòi trả tự do cho Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức:

“Như chúng tôi đã thông báo, hiện nay việc vận động cho anh Trần Huỳnh Duy Thức rất mạnh mẽ, Quốc hội Âu Châu, cũng như Quốc hội của Đức, văn phòng của bà Thủ tướng Merkel, Bộ Tư pháp cũng như các chính trị gia ở Đức… các Hội đoàn, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Nhà thờ, các Hội N.G.O. ở Đức cũng đã vào cuộc lên tiếng can thiệp để thả anh Thức. Chính phủ Đức cũng đã nói chuyện này với phía Việt Nam ở cấp độ cao nhất và họ vẫn tiếp tục. Hôm qua tôi có nói chuyện với Bộ Ngoại giao của Đức, thì Tòa Đại sứ Đức ở Việt Nam tiếp tục nói chuyện nhưng chưa đạt kết quả mong muốn thả anh Thức ngay lập tức. Họ hy vọng phía Việt Nam sẽ giải quyết trong thời gian ngắn.”

Hồi năm 2018, ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã từng tuyệt thực đến 34 ngày để phản đối những áp bức của cán bộ trại giam trái quy định pháp luật. Dư luận quan tâm hiện rất lo ngại cho tình hình sức khỏe của ông Thức khi phải tuyệt thực quá lâu, trong khi chính quyền Việt Nam vẫn chưa có phản hồi gì về yêu cầu của Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular