Một Fbker đăng tải clip xảy ra ở một trường Trung học vốn nổi tiếng tại Huế, kèm theo chú thích: “Cô bị bẻ tay dẫn đi là do bị cắt dạy tại lớp này nhưng vẫn đến (tạm biệt?), và bị hành xử như vậy. Người có hành vi bạo lực là một… ông thầy!”. Sau đó, học sinh của trường này tràn vào, hiện đã có hơn 1.300 bình luận, phần lớn là của những học sinh ấy. Có em thì giải thích – đính chính, em thì bênh vực thầy, em thì bảo vệ trường, v.v..
Rồi một cuộc “ẩu đả” bằng lời nổ ra. Người lớn thì gọi học sinh là dư luận viên, là bò đỏ; học sinh thì kêu người lớn là “3/”, là “3 que”, là “Việt Nam Cọng Hành”… Bên này thì nói bên kia hỗn, vô giáo dục; bên kia thì bảo bên này định hướng, viết vì tiền, bú fame… Dường như phe học sinh thắng thế vì…đông hơn. Một số em bình tĩnh thì lời lẽ chừng mực, nhưng phần nhiều hơn là cà khịa, mỉa mai, chửi bới, dùng lời lẽ nhục mạ. Hai bên ngày càng căng thẳng, mất kiểm soát và đi đến chỗ sỉ nhục, đe dọa, thóa mạ nhau.
Từ hỗn loạn thông tin đến chỗ hỗn chiến. Đọc xong hết các cmt thì buồn. Cho dù câu chuyện thế nào thì những gì đang diễn ra trên FB cũng làm chúng ta phải thấy lo lắng và sợ hãi. Tôi nghĩ, những gì đã bày ra trong cuộc đấu khẩu mà sự hung hăng, cay độc, và bầy đàn này là lỗi không của riêng ai, mà trước tiên là nền giáo dục nói chung và trường học nơi đã xảy ra sự việc nói riêng.
Học sinh đã không được dạy cách bảo vệ sự thật một cách đúng đắn. Niềm tự hào về trường và ý thức đấu tranh cho lẽ phải của các em đã không đi cùng được với một thái độ văn minh và có hiểu biết cần thiết. Đáng ra, các em chỉ cần thuật lại đầu đuôi câu chuyện bằng thứ ngôn ngữ trong sáng, trung tính và lịch sự trong một comment là đủ. Nhưng chỉ vì thấy người lớn không đúng mực nên các em đã dùng luôn cái sự không đúng mực ấy để hành xử lại.
Lấy cái sai để biện minh cho cái sai, dùng cái sai để bảo vệ cái đúng, đó là một sự hỏng hóc nghiêm trong mà ta đang buộc phải nhìn thấy. Một cô giáo có những hành vi sai trái trong lớp học đã bị xử lý bằng một hành vi cũng sai trái (bị khống chế đẩy ra khỏi lớp trước mặt học sinh); học sinh thấy cô giáo ấy sai nên coi hành vi của ông thầy là đúng đắn; rồi một thông tin chưa chính xác và những đánh giá chủ quan đã được học sinh “đính chính” bằng những lời lẽ cũng đầy cảm tính; hòn đá ném qua, hòn chì ném lại…, cứ thế, cái sai chồng lên cái sai mà không ai thấy mình có lỗi cả.
Người lớn là sản phẩm của xã hội này; trẻ em cũng là sản phẩm của nhà trường trong xã hội này. Cuộc hỗn chiến ấy không phải là xung đột thế hệ, nó là minh chứng của việc các giá trị nền tảng đã bị phá vỡ gần như hoàn toàn: luật (giáo dục), văn hóa ứng xử, sự thật, tư duy, sự tôn trọng lẫn nhau…
Đó là một cảnh tượng buồn, và gây nên cảm giác vô vọng về tương lai xã hội.
Thái Hạo
Your article gave me a lot of inspiration, I hope you can explain your point of view in more detail, because I have some doubts, thank you.